Học cách thay đổi chiến thuật của Tướng Giáp

“Dù là quốc gia xã hội chủ nghĩa hay tư bản, những điều bạn làm vì lợi ích của dân tộc sẽ mang lại kết quả hữu ích, nếu đi ngược lại lợi ích dân tộc thì chúng sẽ quay lưng lại với bạn. Lịch sử đã chứng minh điều tôi nói”- Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

LTS: Mạng lưới truyền hình PBS nổi tiếng của Mỹ từng phát sóng loạt chương trình truyền hình 26 phần có tên “Thế kỷ Nhân dân” nói về các sự kiện trọng đại trên thế giới giai đoạn 1900-1999. Trong loạt chương trình này có phần phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng trong khoảng thời gian đó.

Trả lời phỏng vấn, Đại tướng đã nói về các vấn đề chiến lược và đạo lý trong nghệ thuật quân sự Việt Nam. Tuần Việt Nam xin trân trọng giới thiệu tới độc giả tư liệu quý này.

- Theo ông, Điện Biên Phủ là một chiến thắng quân sự thông thường hay là chiến thắng của chiến tranh quân sự?

Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của nhân dân. Dĩ nhiên, trong khi khái niệm chiến tranh nhân dân và chiến tranh du kích không hoàn toàn khác biệt, thì chúng vẫn có sự khác biệt. Trong trường hợp này, đó là chiến tranh nhân dân giành chiến thắng.

Chiến tranh du kích là một phần của chiến tranh nhân dân. Chiến tranh du kích đơn giản là cách thức tác chiến. Chiến tranh nhân dân mang khái niệm toàn cầu hơn, tổng hợp hơn. Một cuộc chiến kết hợp cả quân sự, kinh tế và chính trị.

- Thưa ông, có gì mới trong ý tưởng "chiến tranh nhân dân"?

Đó là một cuộc chiến của nhân dân, do nhân dân thực hiện. Của dân là vì những mục tiêu chiến tranh là mục tiêu của nhân dân - mục tiêu như độc lập, thống nhất đất nước, hạnh phúc con người. Do dân thực hiện - là không chỉ có quân đội mà là toàn dân.

- Ông nghĩ thế nào về tác động của Điện Biên Phủ với thế giới?

Lịch sử Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm. Trong thời gian đó, chúng tôi đã đẩy lui vô vàn quân xâm lược. Có điều thời xưa, các nước xâm chiếm chúng tôi đều ở cùng một mức độ kinh tế như chúng tôi, đều là xã hội phong kiến. Nhưng Điện Biên Phủ là một chiến thắng ở kỷ nguyên khác. Ý tôi là đó là nữa cuối thế kỷ 19, khi thực dân phương Tây chia tách thế giới thành các thuộc địa.

Làm thế nào để người dân một nền kinh tế lạc hậu hy vọng giành lại được tự do của mình? Làm thế nào để có thể hy vọng chiến thắng quân đội phương Tây hiện đại, được hỗ trợ bởi rất nhiều nguồn lực của một nhà nước tư bản hiện đại? Và đó là lý do vì sao chúng tôi phải mất 100 năm để đánh bại Pháp và chủ nghĩa đế quốc Pháp.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: website Đảng cộng sản

Điện Biên Phủ là chiến thắng mang tính quyết định đầu tiên sau 100 năm kháng chiến chống đế quốc Pháp và Mỹ. Đó là chiến thắng chấm dứt chiến tranh và đặt dấu chấm hết cho sự xâm lược của Pháp. Nhìn từ quan điểm quốc tế, đó là thắng lợi to lớn đầu tiên của nhân dân một nước thuộc địa yếu ớt đấu tranh chống lại lực lượng phương Tây hùng mạnh hơn bội lần. Nó làm rung chuyển nền tảng của chủ nghĩa thực dân và thúc đẩy người dân chiến đấu vì tự do, đó là sự khởi đầu một nền văn minh quốc tế.

- Điện Biên Phủ có phải là chiến thắng dễ dàng vì Pháp phạm nhiều sai lầm?

Không đơn giản là như vậy.
Tôi tin rằng, trong cứ điểm Pháp, tướng lĩnh và chỉ huy quân sự Pháp được thông tin rất rõ ràng. Họ đã cân nhắc mọi điểm mạnh yếu và dự đoán, Điện Biên Phủ là bất khả xâm phạm. Bắt đầu từ mùa thu năm 53, Bộ Chính trị chúng tôi lập kế hoạch chiến dịch Thu Đông, mà không đề cập tới Điện Biên Phủ. Vì sao? Vì kế hoạch Navarre cũng không đề cập.

Với chúng tôi, vấn đề là Navarre muốn giữ thế chủ động, và chúng tôi muốn nắm bắt điều đó. Có một nghịch lý tồn tại trong chiến tranh là anh phải phân tán lực lượng để chiếm giữ lãnh thổ, nhưng lại phải tập hợp lực lượng cơ động để tấn công. Chúng tôi tận dụng nghịch lý này và buộc Navarre phải phân tán lực lượng. Chúng tôi ra lệnh cho quân đội của mình tấn công vào những trọng điểm quan trọng của kẻ thù và họ không còn lựa chọn nào khác là phải phân tán lực lượng. Chúng tôi điều động các đơn vị lên phía bắc, tây bắc, hướng tới Lào và các khu vực khác nhau.

Để đảm bảo an toàn Lào và vùng Tây bắc, Navarre buộc phải cho quân nhảy dù vào Điện Biên Phủ và đó là những gì xảy ra ở Điện Biên Phủ. Chứ trước đó, không ai nghe thấy địa danh này. Nhưng sau đó, Pháp buộc phải điều quân nhảy dù để ngăn cản chúng tôi hướng về tây bắc và Lào. Từng bước một, họ lên kế hoạch biến Điện Biên Phủ thành một cứ điểm hùng mạnh nhất ở Đông Dương.

Họ muốn thu hút lực lượng của chúng tôi, bẻ gãy và đè bẹp, nhưng mọi thứ diễn ra ngược lại. Họ muốn có một trận đánh quyết định và chính xác đó là những gì họ có ở Điện Biên Phủ - ngoại trừ việc đó là chiến thắng quyết định với Việt Nam chứ không phải Pháp.

- Trước Điện Biên Phủ, ông nghĩ người Pháp có thể hình dung ra việc bị ông đánh bại?

Ở Điện Biên Phủ, từ tướng lĩnh đến đại diện chính phủ Pháp, tướng lĩnh Mỹ và đô đốc chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương đều nhất trí rằng, Điện Biên Phủ là bất khả xâm phạm. Người Pháp và người Mỹ sau này đều đánh giá thấp sức mạnh của chúng tôi. Họ có vũ khí và quân đội, tiềm lực kinh tế mạnh hơn hẳn chúng tôi. Họ không bao giờ hoài nghi rằng, chiến thắng thuộc về họ. Và khi người Pháp tin họ tới sát bờ chiến thắng thì mọi thứ lại sụp đổ xung quanh.

Chuyện tương tự đã xảy ra với Mỹ mùa xuân năm 65. Khi Washington chuẩn bị tuyên bố chiến thắng ở miền Nam, thì người Mỹ đã nhìn thấy mong đợi của họ tan vỡ. Vì sao? Vì không chỉ là một quân đội đứng lên chống lại họ mà là toàn thể dân tộc.

Đây là một bài học. Cho dù kẻ thù có quân đội và kinh tế mạnh đến đâu cũng không thể đánh bại cả một dân tộc đoàn kết trong cuộc đấu tranh vì những quyền cơ bản của họ. Đó là những gì chúng tôi học được.

- Thưa ông, vì sao Mặt trận Dân tộc giải phóng lại thành công trong mở rộng vùng kiểm soát từ 1960 - 1965?

Trong suốt quá trình lịch sử, bất cứ khi nào chúng tôi cảm thấy bị kẻ thù đe dọa, thì nhân dân chúng tôi lại sát cánh bên nhau. Hàng triệu con người đoàn kết, kêu gọi "đoàn kết là trên hết" vì "chiến thắng là trên hết". Mặt trận Dân tộc giải phóng thắng lợi vì nó là sự đoàn kết của nhân dân.

- Ông đã thay đổi chiến thuật khi quân đội Mỹ đổ bộ sau 1965?

Tất nhiên, nhưng ngay cả như vậy, nó vẫn là một cuộc chiến tranh nhân dân. Và chiến tranh nhân dân được định nghĩa như một chiến lược nhiều hơn là quân sự. Luôn có khía cạnh tổng hợp ở đó. Chiến lược của chúng tôi là tổng hòa sức mạnh quân sự, chính trị, kinh tế và ngoại giao mặc dù yếu tố quân sự là quan trọng nhất.

Trong chiến tranh, bạn cần phải hiểu rõ kẻ thù. Khi đối phương thay đổi chiến lược hay chiến thuật, bạn cũng phải như vậy. Trong mọi cuộc chiến, chiến lược luôn tạo ra từ nhiều chiến thuật được coi là quan trọng, nên bạn cần phải phá vỡ các chiến thuật ấy. Khi người Mỹ áp dụng chiến thuật "tìm diệt", chúng tôi đáp trả bằng chiến thuật riêng để họ không thể đạt được mục tiêu. Chúng tôi buộc kẻ thù phải chiến đấu theo cách mình muốn. Chúng tôi buộc họ phải chiến đấu trên một lãnh thổ không quen thuộc.

- Theo ông, tết Mậu Thân là một thất bại?

Tôi cho rằng, không có cái gọi là chiến lược thuần túy quân sự. Vì thế sẽ là sai lầm nếu nói đến chiến dịch này chỉ là về thuần túy quân sự. Chiến dịch cùng lúc nhằm vào ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao. Mục tiêu của chiến tranh là chống leo thang. Chúng tôi đang tìm kiếm chống leo thang chiến tranh, vì thế không thể tách rời chiến lược chính trị khỏi chiến lược quân sự của chúng tôi. Vào thời điểm đó, mục tiêu của chiến dịch là cố gắng chống leo thang.

- Và chống leo thang thành công?

Mục tiêu của bạn trong chiến tranh có thể là xóa tan toàn bộ lực lượng đối phương hay để lại một phần của họ nhưng khiến ý chí chiến đấu của họ bị phá hủy. Mỹ có chính sách leo thang chiến tranh. Mục tiêu của chúng tôi năm 68 là chống leo thang, phá vỡ ý chí Mỹ trong cuộc chiến.... Chúng tôi muốn thể hiện cho nước Mỹ và người Mỹ thấy rằng, họ không thể tiếp tục cuộc chiến. Về cơ bản, chúng tôi đã làm như thế.

- Ông nghĩ gì về hình ảnh nổi tiếng tháng 4/1975, khi nhiều trực thăng Mỹ rời khỏi Đại sứ quán Mỹ?

Đó là những gì chúng tôi mong đợi. Nó đặt dấu chấm hết cho sự hiện diện của Mỹ trên đất nước chúng tôi. Nó chứng tỏ rằng một dân tộc khi đoàn kết chiến đấu giành tự do, họ sẽ luôn chiến thắng.

Khi còn trẻ, tôi có mơ ước một ngày sẽ thấy đất nước tự do và thống nhất. Ngày đó, giấc mơ của tôi đã thành hiện thực. Hình ảnh máy bay trực thăng là biểu tượng cụ thể chiến thắng của Chiến tranh nhân dân chống lại Mỹ xâm lược. Nhưng một cách khác, nó cũng cho thấy, Lầu Năm Góc không thể dự đoán những gì xảy ra. Nghĩa là không có sự tuyệt đối khi người Mỹ dự báo kết quả.

Thực tế lịch sử dạy chúng tôi rằng, lực lượng hùng mạnh về kinh tế và quân sự khó có thể vượt qua sự kháng cự của một dân tộc đoàn kết trong cuộc đấu tranh vì những quyền lợi quốc tế. Dù là quốc gia xã hội chủ nghĩa hay tư bản, những điều bạn làm vì lợi ích của dân tộc sẽ mang lại kết quả hữu ích, nếu đi ngược lại lợi ích dân tộc thì chúng sẽ quay lưng lại với bạn. Lịch sử đã chứng minh điều tôi nói.

Chúng tôi đã chiến thắng trong chiến tranh và người Mỹ bị đánh bại, nhưng hãy nói chính xác về điều này. Cái gì tạo nên chiến thắng? Người Việt Nam không bao giờ muốn chiến tranh, họ muốn hòa bình. Người Mỹ muốn chiến tranh? Không, họ cũng muốn hòa bình. Vì thế, chiến thắng này là chiến thắng của nhân dân Việt Nam và Mỹ yêu chuộng hòa bình. Còn người bị đánh bại? Đó là những người xâm lược với bất cứ giá nào. Đó là lý do vì sao chúng tôi vẫn có những người bạn Pháp, và chúng tôi không bao giờ cảm thấy thù hằn với nhân dân Mỹ....

- Ai đưa ra ý tưởng chiến tranh nhân dân, nguồn gốc của nó thế nào, thưa ông?

Ban đầu, nó là sản phẩm tinh thần sáng tạo của nhân dân. Tôi kể cho bạn truyền thuyết Phù Đổng. Kẻ thù xâm lược, một cậu bé ba tuổi gọi là Phù Đổng đã vươn mình lớn dậy từng phút một. Cậu lên một con ngựa sắt, vung gậy tre làm vũ khí, tập hợp mọi người. Mọi nông dân, ngư dân, tất cả đều hưởng ứng lời kêu gọi của cậu, và họ giành chiến thắng. Đó là truyền thuyết rất phổ biến, nội dung là truyền thuyết, nhưng phản ánh bản chất suy nghĩ của người dân. Vì thế, chiến tranh nhân dân tồn tại ngay cả trong truyền thuyết và theo cùng chúng tôi qua nhiều thế kỷ.

- Tại sao ông nghĩ Việt Nam hầu như là nước duy nhất trên thế giới đánh bại Mỹ? Tại sao chỉ có Việt Nam?

Ở góc độ lịch sử, tôi nói rằng, Việt Nam là rất hiếm. Như một quốc gia, Việt Nam được thành lập từ rất sớm, trước cả kỷ nguyên Cơ đốc giáo. Vì sao? Vì những nguy cơ xâm lược từ bên ngoài khiến mọi bộ tộc đoàn kết lại với nhau. Rồi sau đó là những cuộc chiến liên miên chống lại mọi yếu tố bất lợi. Trong các truyền thuyết của chúng tôi, cuộc chiến ấy như một yếu tố của đoàn kết, một lực lượng gắn kết quốc gia. Nó tạo ra truyền thống và truyền thống cho chúng tôi sức mạnh.

Nhân dân Việt Nam nói chung lạc quan. Vì sao? Vì họ phải đối mặt với hàng nghìn năm thăng trầm, và trong hàng nghìn năm ấy, họ đã vượt qua chúng.
  • Minh Tâm (theo PBS)