CHƯƠNG XVIII
SỰ RA ĐI

Nay tôi ngần ngại nói đến cách mà người tôi quí chuộng nhất trong số người tôi quen biết đã rời London để làm việc ở một nơi khác của trái đất, phần việc mà tôi không thể nói vì được yêu cầu vậy, và thế là đủ.
Ngay từ phút đầu khi gặp thầy Justin Moreward Haig tôi đã xem ngài là người lạ thường, nhưng nếu cuộc gặp gỡ của hai chúng tôi gây ấn tượng mạnh mẽ cho tôi thì sự chia tay khiến tôi có ấn tượng mạnh hơn gấp bội, vì nó cho thấy một khía cạnh của bản tính ngài mà từ trước tới giờ tôi không biết tuy tôi tin chắc rằng có, nhờ vào những buổi thảo luận khác nhau về huyền bí học. Xin nhắc lại là thư của em tôi viết cho tôi và ghi lại trong sách này nói tới những cuộc du hành rộng rãi của thầy ở Ấn Độ và những nơi khác, cùng những việc lạ lùng mà ngài chứng kiến ở vùng đất lãng mạn nhất và huyền bí nhất ấy. Từ lá thư đó ta thấy rõ ràng là ngài nắm được hiểu biết bí mật của nơi này mà chỉ một số rất ít người sở hữu. Tôi cũng nhớ có lần ngài nói rằng không phải các Chân sư Minh Triết chỉ hiện hữu tại Ấn Độ mà thôi, nghĩ như thế là nhầm lẫn vì sự thực là các ngài có mặt ở khắp nơi kể cả Anh quốc.
Tôi hỏi ngài nếu quả vậy thì tại sao công chúng ít nghe nói tới các vị ấy, thầy mỉm cười khoan dung có hơi thú vị và đáp rằng chỉ có nhà huyền bí học rất cao mới nhận ra được ai là đạo sư khi gặp người như thế (tựa như câu “Ai là Phật thì mới biết ai là Phật”), vì không ai ở mức thành đạt cao như vậy lại tự quảng cáo hoặc để cảnh ngộ quảng cáo cho mình. Ngài giải thích:
- Người hàng thịt và người hàng xén chỉ cúi rạp chào ông vua vì họ biết người đó là vua; nhưng để ông vua đi ngoài đường phố không ai biết thì chẳng ai để ý tới ông làm gì. Thầy quen biết nhiều một vị đã ba trăm tuổi, nghe thì lạ nhưng ngài trông giống 40 tuổi hơn là 300 tuổi, và chỉ có rất ít người biết vậy khi găp ngài. Mà như thế là để bảo vệ cho ngài, vì nếu ai nấy biết rõ sự thực thì người ta sẽ hóa ra hiếu kỳ làm cuộc sống trở thành khó khăn, gây cản trở cho hoạt động rất quan trọng của ngài.
Tôi hỏi.
- Nếu vị ấy có thể sống lâu đến vậy thì con chắc ngài có thể làm được những điều khác mà người ta gọi là phép lạ phải không?
Thầy đáp.
- Chắc chắn ngài làm được, nhưng ngài không làm.
- Nhưng nếu làm vậy mà thuyết phục được nhân loại chấp nhận một chân lý tuyệt vời nào đó thì con nghĩ là vị ấy nên làm. Tôi hăng hái nói.
Thầy lại mỉm cười đầy lòng khoan dung và nhẫn nại, cho thấy đã nghe lý luận này của tôi nhiều lần.
- Con hay lẫn lộn giữa niềm tin tưởng hời hợt và nét tinh thần, ngài nói. Việc biểu diễn hiện tượng không hề làm con người có được nét tinh thần. Lấy thí dụ một nhạc sĩ dương cầm đại tài có thể được bịt mắt mà vẫn chơi đàn dễ dàng, nhưng biểu diễn tài nghệ như vậy có bao giờ làm cho một người không biết nhạc trở thành biết nhạc không? Con quên rằng làm thỏa mãn lòng tò mò vô bổ là thỏa mãn lòng kiêu hãnh của chính mình. Đại nhạc sĩ dương cầm mà bịt mắt chơi đàn là hạ thấp phẩm cách của họ phải không? Vậy nó cũng hạ phẩm cách y thế khi vị đạo sư thực hiện điều người đời gọi là phép lạ.
Tuy nhiên tôi cứ một mực nài nỉ
- Nhưng sách ghi là đức Chúa có làm phép lạ.
- Ngài không hề làm phép lạ mà không có lý do đầy đủ. Ngài chữa lành vì người ta đau ốm, ngài hóa phép ra thức ăn vì dân chúng đói lòng, ngài khiến bão lặn sóng êm vì đệ tử của ngài kinh hoảng, nhưng ngài không “biểu diễn” hay làm thỏa mãn lòng tò mò vô ích, và một đạo sư khác là Apollonius của Tyana cũng hành xử giống vậy.
Tôi hỏi thầy là người ta có thể học được hiểu biết cần thiết để làm phép lạ hay không. Ngài đáp.
- Được và không được. Được, là vì nó chỉ cần có đặc tính cần thiết, còn không được là vì đa số người không màng có những đức tính này. Con thì đang trên đường đạt tới chúng và không chừng trong một kiếp sau con sẽ tiến xa đến mức làm được phép lạ nếu muốn.
- Còn thầy? Tôi hỏi. Thầy biến ra vật được không?
- Con đặt với thầy câu hỏi thẳng thắn, ngài cười và nói, nên thầy khó mà nói gạt, nhưng khi thầy xác nhận thì xin con chớ hé môi bao lâu mà thầy còn ở London.
Tôi hứa sẽ tuyệt đối kín miệng.
- Dĩ nhiên không có gì gọi là phép lạ, ngài tiếp tục dạy. Các vị trong Thiên đoàn chỉ sử dụng những luật của thiên nhiên mà đa số người không biết, chỉ có vậy thôi.
- Nhưng tại sao hiểu biết đó không được phổ biến? Tôi hỏi.
- Vì nhân loại chưa phát triển đủ về măt tonh thần để dùng nó một cách đúng đắn. Đưa hiểu biết ấy cho ai không có đức tính cần thiết thì họ sẽ làm đảo điên vũ trụ.
Tôi thắc mắc.
- Đó là những đức tính gì?
- Hoàn toàn vô ngã, khoan dung tột bực, mất hẳn lòng kiêu hãnh, tự chủ tuyệt đối và tất cả những đặc tính tinh thần khác.
- Nói khác đi, là trở thành toàn thiện.
Ngài đồng ý.
- Nói sát nghĩa thì đó là người toàn thiện.
Tôi thở dài.
- Vậy thì không có con trong đó.
Ngài phá ra cười và nói.
- Con quên rằng con còn sự vĩnh cửu trước mặt thế nên có nhiều thời gian.
Nếu tôi nhớ đúng thì câu chuyện trên xẩy ra một thời gian ngắn sau khi tôi quen thầy và từ lúc ấy, nhờ những sách thầy đưa cho xem tôi đã có hiểu biết khiến nhìn lại sự việc theo quan điểm mới. Dầu thế tôi cũng còn đầy óc tò mò và rất mong được thấy biểu diễn những quyền năng mà thầy cho biết là có sở hữu, tôi thường xin ngài cho xem cái biếu diễn rất nhỏ nhặt nhưng thầy luôn luôn từ chối hết sức nhẹ nhàng. Thế rồi vào đúng lúc chia tay ngài thuận theo lời yêu cầu của tôi.
Ngài chuẩn bị phần nào cho tôi về việc sắp ra đi, vì thầy bảo tôi rằng thời gian ngài ở London sắp hết và tôi đừng mong là còn được ở cạnh ngài lâu hơn về măt xác thân vật chất, tuy về mặt tinh thần và tình thương thì không bao giờ ngài và tôi bị chia lìa. Chuyện xẩy ra như sau. Tôi có thói quen khóa cứa phòng ban đêm vì có thời gian tôi thường ở khách sạn. Vào đêm có chuyện tôi sắp kể đây thì tôi vẫn giữ thói quen đó. Tôi lên giường khoảng nửa đêm và ngủ ngon giấc một mạch tám tiếng đồng hồ. Sáng hôm sau còn mơ mơ màng màng tôi nhận ra mùi hương hoa hồng hết sức dịu ngọt. Có vẻ như tôi nằm mơ về hoa hồng, nhưng khi mở mắt thì tôi kinh ngạc thấy trên gối cạnh đầu có một lá thư và nằm trên đó là một đóa hồng lớn.
Tôi nghĩ ngay rằng mĩnh đã không khóa cửa và người giúp việc đã bước yên lặng vào phòng, nhưng vì bà không quen làm vậy tôi mới bắt đầu nghĩ rằng chuyện phải có gì quan trọng hơn. Tôi mở thư đọc và nỗi thắc mắc tan biến. Thư viết:

Con thân mến,
Khi con nhận được những giòng chữ này thỉ thầy đã lên đường tới chỗ mà lúc này chưa tiện nói. Quãng đời của thầy tại London nay đã xong, và cho sự phát triển của riêng thầy thì điều hệ trọng là thầy phải lánh khỏi thế giới bên ngoài chừng vài tháng. Trong tương lai một phần việc khác được giao phó cho thầy và con cùng thầy sẽ không gặp nhau bằng thể xác trong thời gian sắp tới, tuy bất cứ khi nào con cần thầy giúp đỡ thầy sẽ cảm biết được việc ấy và đáp lại lời kêu cầu của con.
Thầy tránh nỗi buồn rầu vô ích của việc gặp mặt giã từ vì con à, thầy biết con là người dễ cảm và muốn tránh sự đau lòng cho con. Dầu vậy trên thực tế không có gì là chia tay giữa những linh hồn thực sự cảm thông nhau, vì ai yêu nhau thì thường gần nhau dù cách xa vạn dặm về mặt thể chất, hơn là ai không cảm thông mà sống sát bên nhau. Vì vậy khi chào tạm biệt chúng ta đừng xem đó là sự chia tay, chỉ khi tình thương và ký ức chết đi thì mới có phân cách, nhưng tình thương giữa con và thầy không thể nào chết vì nó đã có đó từ bao kiếp qua, cảm thấy đau lòng khi chia tay là cảm biết một ảo tưởng hơn là niềm vui của thực tại.
Nói về những năm qua mà chúng ta làm việc đầy tình thân với nhau, thầy muốn cám ơn con về lòng thiện cảm đã làm cho năm tháng ấy hết sức vui vẻ, cùng tinh thần cởi mở của con khiến thầy có thể gieo vào tâm con chút hiểu biết về Thiên đoàn. Bởi chúng ta (các Chân sư) cảm ơn ai cho phép chúng ta giúp họ một khoảng trên đường tiến hóa, vì như thế là cho chúng ta cơ hội làm điều mà chúng ta muốn làm trên hết thẩỵ, và họ không phải là người cần cảm ơn chúng ta.
Với những việc khác, mong rằng tất cả xẩy đến cho con một cách tốt lành, và mong sao con không sống trong quá khứ hay tương lai, mà hằng sống trong hạnh phúc không thay đổi của vĩnh cứu rộng lớn.
Luôn là người bạn hết lòng của con.
J.M.H.


Ngay khi đọc xong thư này, tôi đi ra cửa phòng và thấy nó y như lúc tôi lên giường ngủ đêm qua, tức khóa trái bên trong và chìa khóa còn nằm trong ổ. Rồi tôi hiểu ra rằng cuối cùng thầy Moreward đã thuận theo lời nài nỉ của tôi và cho một thí dụ về việc làm hiện ra vật. It nhất thì đó là cách tôi giải thích chuyên gì xẩy ra trong phòng, tuy người khác có thể nghĩ ra lối khác và cho rằng tôi giàu óc tưởng tượng cùng dễ tin.
Không cần phải nói thì đó là chấm dứt cho việc tôi dự vào công tác nhân ái của thầy Justin Moreward Haig. Tuy thỉnh thoảng tôi gặp ngài trong thể tình cảm và nhờ vậy được tiếp xúc với ngài, nhưng ngài chỉ xuất hiện với tôi khi tôi cần được chỉ dạy liên quan đến sự phát triển tâm linh của mình, thế nên tôi không thể theo dõi hoạt động của ngài. Nhìn lại những chuyện đã qua tôi thấy một điều rất rõ là các nhân vật ngoại trừ thầy là người thật bình thường hay gặp trong cuộc sống. Có một lần ngài nói về loại người cứng ngắc khô khan rằng:
- Vấn đề càng khó chừng nào thì nó trở nên càng thú vị chừng ấy, vì không có ai khó đối phó cho bằng người thường hết sức.
Và đó là lý do tại sao một phần lớn năng lực của ngài lại dành cho người như vậy, thầy giải thích thêm:
- Thi sĩ, nghệ sĩ, triết gia có trí tuệ dễ cảm thụ nên họ không cần sự tiếp xúc riêng với chúng ta, Thiên đoàn có thể gây ấn tượng một số tư tưởng và lý tưởng vào trí họ từ cảnh giới cao hơn cõi trần, nhưng người ngoài đường phố thì khác hẳn, chỉ bằng cách vụng về hơn là chuyện vãn với họ mới mong đạt được vài điều.
Thế nên một trong những mục đích của cuốn này là để cho thấy rằng dù cảnh sống ở đời có tầm thường, chán ngán thế nào đi nữa, ai có quan điểm gợi sự an vui có thể tạo nên hạnh phúc chung quanh mình, và làm vậy là đem cái hạnh phúc chân thật duy nhất không bao giờ mất đi vào chính tâm họ.
Chấm dứt quyển một “The Initiate” xuất bản năm 1916 (phần hai 'The Circuitous Joumey' sẽ đăng riêng).