Phản ứng quanh việc có thể dừng phương pháp ngoại cảm trong tìm kiếm hài cốt liệt sĩ: Nên sàng lọc để không vì “con sâu làm rầu nồi canh”?



Đang có rất nhiều những dư luận không hay về khả năng ngoại cảm tìm mộ liệt sỹ. ảnh mang tính minh họa.

Ngày 19/7, tại một hội thảo Đề án "Xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin" do Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội tổ chức tại Hòa Bình, Ban soạn thảo cho biết có thể sẽ bỏ phương pháp ngoại cảm ra khỏi đề án vì tình hình phức tạp, lợi dụng ngoại cảm để kiếm lợi đang nổi lên ở khắp nơi hiện nay. Nhiều ý kiến khác cũng tỏ ra bất bình trước thực trạng này nhưng họ cho rằng nếu Nhà nước biết chọn lọc, quản lý thì vẫn có thể có được một đội ngũ nhà ngoại cảm có khả năng, có tâm huyết, cùng tham gia vào công việc vô cùng ý nghĩa này.



Người thực có khả năng ngoại cảm không nhiều

Đại tá Hàn Thụy Vũ, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Cận tâm lý cho rằng, cách đây vài tháng Bộ trưởng Bộ LĐ -TB&XH vẫn còn ký giấy khen cho một số nhà ngoại cảm đã có đóng góp. Nói cho cùng thì chuyện ngoại cảm chiếm được niềm tin trong các lần tìm kiếm hài cốt liệt sỹ không phải là câu chuyện vu vơ, phải nói đúng, nói chuẩn người ta mới tin. Như chuyện vị trí mộ ở chỗ nào, hài cốt ra sao, còn hay mất di vật... "Nhà ngoại cảm thực sự có khả năng đúng là không nhiều. Vì vậy, muốn chọn lọc, muốn quản lý không phải là vấn đề khó. Còn nếu Bộ LĐ -TB&XH không đưa vào Đề án thì chúng tôi vẫn có công việc riêng của mình. Thân nhân các liệt sỹ mà nhờ vả thì chúng tôi vẫn giúp họ tìm kiếm", đại tá Vũ khẳng định.

"Thời gian vừa rồi tôi có nghe mấy vụ tìm kiếm trong Nghệ An, đúng là kiểu làm ăn bậy bạ, hoang tưởng. "áp vong" gì mà vong xấu, vong tốt nhập vào cũng không biết và đó có đúng là vong của liệt sỹ hay không? Trong ngoại cảm thì việc "áp vong" là cực kỳ khó, vì có khi cũng là liệt sỹ nhưng lại là liệt sỹ khác. Nếu cứ thế mà chỉ thì sẽ dẫn đến nhầm lẫn. Nhà ngoại cảm ngày càng mọc lên nhiều nhưng tôi khuyên các gia đình đừng có gặp đâu cũng nhờ vả chỉ thêm mất tiền và mất thời gian", đại tá Vũ bày tỏ.

"Nếu để làm tiền thì không có nghề gì kiếm ăn dễ bằng nghề ngoại cảm. Có những người vợ, người mẹ, người con cả đời chỉ đau đáu tìm được chồng, được con, được cha... Thậm chí dốc cả gia tài đi khắp nơi tìm kiếm. Đánh đúng vào tâm lý đó, nhiều người vô lương tâm cứ nhắm mắt, làm xằng, làm bậy để lấy tiền", đại tá Vũ nhận định.

Về chuyện đúng, sai của các nhà ngoại cảm, đại tá Vũ thừa nhận: "Ngay cả người có khả năng vẫn có lúc bị sai. Chúng tôi chỉ công bố đúng đến 70%. Những liệt sỹ chưa biết tên, khi đi ra mộ mà không có người nhà thì cũng chỉ đạt độ chính xác từ 4-16%. Có nhiều khi chúng tôi phải đi từ 3-4 nhà ngoại cảm, để kiểm tra chéo. Nếu đi 4 mà có đến 3 người nói trùng thì mới chính xác".

Ông Đỗ Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ (Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam) nhận định: Đúng là trong giai đoạn đầu có nhiều nhà ngoại cảm thực sự có khả năng và họ đã giúp tìm kiếm hài cốt liệt sỹ rất tốt. Nhưng sau không hiểu vì lý do gì, nhiều người tự nhiên mất đi khả năng đó. Và không ít trường hợp xác định sai lệch rất là lớn. Đó là còn chưa kể đến những người không có khả năng vẫn nhận là nhà ngoại cảm. ông Dũng kể: “Có trường hợp một gia đình liệt sỹ ở Hiệp Hòa, Bắc Giang được nhà ngoại cảm chỉ phán ngôi mộ của người thân hiện đang nằm ở Nghĩa trang Trường Sơn (nói rõ hàng, vị trí, số ngôi). Và cách đây 3 ngày họ có đề nghị chúng tôi đi cùng nhưng vào đến nơi thì hóa ra không phải như nhà ngoại cảm nói”.

Một trường hợp khác, nhà ngoại cảm cũng chỉ cho một gia đình liệt sỹ đi bốc mộ. Gia đình người ta rất tin tưởng, đưa hài cốt về truy điệu rất trang trọng, có cả sự tham dự của lãnh đạo các ban ngành ở địa phương. Trong lễ truy điệu có một người đồng đội, nghe tin cũng tìm về để thắp hương. Xong xuôi mọi chuyện, người đồng đội này mới hỏi gia đình tìm thấy mộ ở đâu. Gia đình nói địa chỉ, người đồng đội mới sửng sốt thông báo chính là người tự tay chôn người đồng đội của mình nhưng ở một tỉnh khác, cách vị trí gia đình đã đào đến vài trăm km. ông Dũng cho biết, số lượng các trung tâm, các nhà ngoại cảm mọc lên như nấm hiện nay cũng kéo theo bao nhiêu chuyện bi hài trong việc tìm kiếm mộ, tìm kiếm người thân.

Nên chọn lọc để khỏi lãng phí?

Liên quan đến tâm lý người Việt Nam thường ngại xét nghiệm ADN vì muốn người chết được yên nghỉ, ông Đỗ Việt Dũng cho rằng đó là do các gia đình hiểu chưa đầy đủ. Việc lấy mẫu phẩm xét nghiệm đâu cứ phải bê một khúc xương về mà nhiều khi chỉ là một mẩu răng rất nhỏ, một chút bột đất có xương cốt rữa ra. Phương pháp khoa học này rất quan trọng trong việc xác định rõ danh tính các liệt sỹ, giúp các gia đình yên tâm nhận lại hài cốt.

Xung quanh chuyện bàn cãi về việc có nên đưa phương pháp ngoại cảm vào trong đề án hay không, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải (Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người) cũng cho rằng tìm mộ liệt sỹ bằng ngoại cảm là phương pháp bổ sung cần thiết đối với Đề án "Xác định mộ liệt sỹ còn thiếu thông tin", nhằm trả lại tên cho hàng trăm nghìn hài cốt liệt sỹ vô danh. Tuy nhiên, chúng ta phải có sự kiểm tra, sàng lọc với những nhà ngoại cảm khi cho họ tham gia. Một nhà ngoại cảm thì trước hết phải khẳng định được khả năng của họ, rồi đến vấn đề đạo đức.

GS.VS Đào Vọng Đức cũng cho rằng, quá trình hàng chục năm, dựa vào kết quả thực tế, có thể khẳng định dùng ngoại cảm để tìm và xác định được hài cốt là có thật. Vì vậy, đừng vì có những người lợi dụng việc này để làm sai mà bỏ qua mặt có lợi của ngoại cảm. Quan trọng nhất vẫn là cách thức tổ chức, quy chế thế nào để khuyến khích được cái đúng, hạn chế cái sai. ở nước ngoài, người có khả năng đặc biệt được khai thác vào nhiều lĩnh vực. Hy vọng, sau này chúng ta có những nghiên cứu, tận dụng được khả năng đặc biệt của những người đặc biệt không chỉ trong tìm kiếm hài cốt liệt sỹ mà còn ở nhiều mảng khác.

Chia sẻ với PV, ông Lê Văn Dư (phố Lê Lợi, phường Nam Bình, TP.Ninh Bình), người đã từng nhờ một nhà ngoại cảm để tìm được mộ của người em trai là liệt sỹ ở chiến trường miền Nam vào năm 2008 cho biết: "Đến bây giờ tôi vẫn không thể tưởng tượng được tại sao nhà ngoại cảm lại có thể "vẽ" được một "bản đồ" chính xác đến như vậy ở một nơi hoàn toàn xa lạ. Tất cả nếu dùng lý trí để suy đoán đều không lý giải nổi. Chỉ biết rằng niềm mong mỏi cháy bỏng của gia đình bấy lâu nay là tìm được hài cốt chú ấy để đưa về quê nhà an táng nay đã thành hiện thực. Nhà ngoại cảm có tâm thực sự thì họ không bao giờ làm việc này vì tiền và gia đình tôi may mắn là đã gặp được đúng người".

Tuy nhiên, độ xác thực đến đâu từ thông tin mà ông Dư cung cấp cần có sự kiểm chứng chắc chắn qua giám định ADN...

Minh Lý


Tránh nhiều người ngộ nhận khiến tình hình phức tạp

Thứ trưởng Bộ LĐ -TB&XH Bùi Hồng Lĩnh khẳng định, xác định tên tuổi, quê quán cho gần 500 ngàn liệt sỹ vô danh là vấn đề lớn, rất khó khăn nhưng không vì thế mà làm bừa, làm ẩu (Như việc dùng nhà ngoại cảm ởó một số địa phương Nghệ An, Hà Tĩnh trong thời gian qua). ông Lĩnh cũng khẳng định, việc giám định hài cốt liệt sỹ bằng ADN sẽ được coi là phương pháp chủ đạo."Nếu không chấn chỉnh kịp thời chuyện nhà ngoại cảm tìm hài cốt liệt sỹ đang nổi lên khắp nơi, thì sẽ rất nguy hiểm. Lúc đó liệt sỹ ảo sẽ lấp đầy liệt sỹ thật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác cất bốc, quy tập mộ liệt sỹ. Qua nhiều hội thảo, các nhà khoa học cho rằng không nên đưa ngoại cảm vào Đề án. Cá nhân tôi cũng đồng ý với quan điểm này, vì nếu đưa vào sẽ khiến nhiều người ngộ nhận, tình hình phức tạp thêm", ông Lĩnh bày tỏ quan điểm.