Một nhà văn Việt "chê" Gia Cát Lượng ngay tại Trung Quốc
Thứ năm, 12/6/2008, 07:00 GMT+7

Vào năm 1992, Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc tổ chức cuộc thi Tìm hiểu lịch sử, văn hóa Trung Quốc - Cúp Giai Lệ. Cuộc thi kéo dài từ năm 1991 sang năm 1992, dành cho tất cả thính giả nghe đài của tất cả các thứ tiếng. Có 10 câu hỏi, thính giả nào trả lời được coi như đã nắm được những gì là cơ bản nhất của văn hoá Trung Hoa. Các câu hỏi hỏi về các nội dung: Người vượn Chu Khẩu Điếm Bắc Kinh, về Khổng Tử, Tôn Tử, Tần Thuỷ Hoàng, về 4 phát minh thời cổ đại của Trung Quốc, về Con đường tơ lụa, về cuốn du ký đầu tiên của nhà thám hiểm Marco Polo viết về đất nước Trung Hoa thế kỷ XIII, về Kinh Kịch, về 3 nhà văn tiêu biểu cận đại của Trung Quốc...





Bằng chứng nhận giải thưởng



Cuộc thi đã thu hút trên 100.000 thính giả của hơn 100 nước dự thi, Việt Nam có hơn 1000 người dự thi. Cuộc thi bao gồm 1 hệ thống giải từ giải nhất đến giải tư được Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc gửi tặng thưởng tới tận tay. Ngoài hệ thống giải chính thức này, Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc đã trao 6 giải đặc biệt cho 6 thính giả có bài dự thi xuất sắc nhất, 6 thính giả này được Đài mời thăm Bắc Kinh 1 tuần vào cuối tháng 11 năm 1992; đi về bằng vé máy bay do Đài đài thọ. 6 nước có thính giả được nhận giải đặc biệt: Ấn Độ, Pakistan, Xirilanca, Nhật Bản, Hàn Quốc, tôi là thính giả Việt Nam được trao giải này. Trong số 20 thính giả Việt Nam được trao giải, tôi còn nhớ dịch giả Ông Văn Tùng đã được trao giải 3...

Chúng tôi, 6 thính giả đã được trao giải là 1 bằng, 1 lọ gốm sứ Thái Lam; lễ trao tại Đại Lễ đường nhân dân Bắc Kinh. Tại buổi trao giải có mặt Thứ trưởng Bộ Điện ảnh, Phát thanh và Truyền hình Lưu Tập Lương, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Trung Quốc Lưu Đức Hữu, Ban giám đốc Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc và các đài báo Bắc Kinh, Chủ tịch Chính Hiệp Cốc Mục...

Sau buổi trao giải, 7 ngày tại Bắc Kinh, chúng tôi được mời đi thăm: Cố Cung, Di Hoà Viên, Vạn Lý trường thành, Định Lăng, Thiên đàn, làng Olympic Bắc Kinh và nhiều công trình văn hoá nổi tiếng của Bắc Kinh...

Những câu hỏi về các nội dung trên, tôi tin nhiều người trả lời được, bài dự thi hiện tôi còn lưu bản gốc dài 7 trang đánh máy. Tôi cho rằng, sở dĩ tôi đã được trao giải đặc biệt ngoài việc trả lời đúng các nội dung mà Đài yêu cầu, tôi còn viết thêm một vài vấn đề về nhận thức cũng như quá trình ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa đối với bản thân và gia đình. Một trong những nội dung tôi viết ngoài câu hỏi, đó là việc tôi hiểu và chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa thông qua các tác phẩm văn học Trung Quốc, đáng chú ý nhất là bộ Tam Quốc diễn nghĩa.

Đối với thời thanh thiếu niên của tôi, hình tượng Gia Cát Lượng đã làm cho tôi khâm phục và mê say. Nhưng cho đến thời điểm này, khi đã có độ chín về tuổi tác, suy ngẫm lại tôi thấy, qua những gì La Quán Trung mô tả về nhân vật này, tôi cảm nhận được còn nhiều vấn đề thuộc về tài trí, nhân cách của Gia Cát Lượng phải được bàn và đánh giá lại. Qua ngòi bút tinh diệu của La Quán Trung và nhuận sắc của anh em nhà Mao Tôn Cương, bản thân tôi thấy hình như còn có nhiều chỗ uẩn khúc bởi sự thiên vị của các tác giả. Cần phải đánh giá lại Gia Cát Lượng, bởi theo tôi nhân vật lịch sử này đã bị bộ tiểu thuyết Tam Quốc làm cho hậu thế hiểu sai lạc về tài trí và nhân cách của ông. Tôi phát biểu điều này chủ yếu bằng cảm nhận chứ tôi làm gì có tài liệu lịch sử nào của Trung Quốc và tôi cũng không biết tiếng Trung Quốc.









Nhà văn Phạm Viết Đào (áo xanh) trong lễ trao giải và tiệc chiêu đãi ở Bắc Kinh - Ảnh: tác giả cung cấp


Sau khi đi Bắc Kinh nhận giải, trở về nước, tôi đã viết và đăng những ý kiến của mình về Gia Cát Lượng mà tôi tin: nhờ cách đặt vấn đề mang tính phản biện này mà tôi được đánh giá cao. Bài viết có tựa đề: Những sai lầm chiến lược của “vạn đại quân sư” Gia Cát Lượng đã được 2 tờ báo Truyền Hình và Lao động Xã hội đăng vào năm 1993 và bài viết này đã được đưa vào tập Mặt trái của cơ chế thị trường, Nhà xuất bản Văn hoá ấn hành năm 1996.

Trong bài viết, tôi lật lại vấn đề chiến lược quân sự Lưu Bị giỏi hay Gia Cát Lượng giỏi hơn? Tôi có đặt vấn đề xem lại việc Gia Cát Lượng cử Quan Vũ đánh Uyển Thành, liệu có phải là một sai lầm của ông dẫn đến tan vỡ cục diện chiến lược chân vạc, đẩy nhà Thục Hán vào chỗ suy vong? Với thời điểm năm 1992, do còn trong sáng nên tôi đánh giá việc làm này của Gia Cát Lượng là kém, là đánh cờ tính không hết nước nên mới hở sườn. Khi đọc Tam Quốc tôi đã đặt ra những “ nghi án” về “nước cờ” này của Gia Cát Lượng. Bây giờ ngẫm lại tôi thấy ý kiến của giáo sư Chu Tử Ngạn trên Quang Minh nhật báo là có cơ sở. Thực ra đây không phải là do Gia Cát Lượng tham lợi nhỏ mà Gia Cát Lượng đẩy Quan Vũ vào chỗ chết để mình có thể ngoi được lên vị trí thứ 2 về quyền lực trong tập đoàn quân phiệt Lưu Bị, đánh giá như vậy là biện chứng. Nếu Quan Vũ không tử trận thì Gia Cát Lượng giỏi lắm cũng chỉ có thể ngang hành với Quan, Trương, Triệu...

Trong bài viết của tôi, tôi còn có phát biểu một nhận định quan trọng, việc bình Man, đánh phương nam cũng là một sai lầm mang tính chiến lược của Gia Cát Lượng. Dùng quân đội đánh phương nam, người phương bắc chỉ hao binh tổn tướng không bao giờ có thể bình ổn được. Thời điểm 1992 nhân việc bàn về các sai lầm có tính chiến lược của Gia Cát Lượng, đề cập tới vấn đề này với một cơ quan ngôn luận lớn của Trung Quốc là một việc đáng làm cho cho người Trung Quốc phải suy nghĩ.


Phạm Viết Đào