Bát Canh Mạnh Bà




Nếu cho bạn một bát Canh Mạnh Bà, bạn sẽ lựa chọn quên gì nào?

Trong một dịp rất tình cờ, tôi thấy có một tiêu đề như vầy: Nếu cho bạn một bát Canh Mạnh Bà, bạn sẽ chọn lựa quên gì nào? Phía dưới tiêu đề là một sớ các câu trả lời dài lê thê của các cư dân mạng. Nhất thời, tôi không biết phải nên chọn gì. Trước khi qua cầu Nại Hà, nếu như ông trời còn thương tưởng cho tôi có được một cơ hội như thế, tôi sẽ chọn lựa quên gì đây?

Những vui buồn, nóng lạnh của kiếp người, ai ai cũng đều có lần cảm nhận qua. Rất nhiều sự việc cũng như những buông lung trong quá khứ, chúng ta ít ai có đủ can đảm quày đầu nhìn lại. Giống như trong bài thơ “Ngu Mỹ Nhân” nổi tiếng của Trần hậu chủ Lý Dục có câu: Hoa xuân trăng thu bao giờ tận, việc ngày qua biết được bấy chầy? Đêm qua gió đông qua gác nhỏ, đau lòng cố quốc ánh trăng trong. Lầu son gác ngọc nếu hãy còn, chỉ tiếc bóng hồng đâu chẳng thấy. Hỡi chàng quân tử buồn bao nỗi? Một dòng xuân giang trôi về đông.” Đã từng sống một cuộc sống xa hoa với những buổi dạ yến đờn ca thâu đêm suốt sáng, nhưng nay chỉ còn lại một mình tự an ủi lấy mình, chiếc bóng đơn côi ngày ngày tựa cửa dõi mắt về một phương trời vô định với biết bao nỗi niềm tâm sự, chung cuộc đâu là sự thật, đâu là ký ức? Tựa hồ như chỉ trong chớp mắt bãi biển hóa thành nương dâu, nếu sự lãng quên thật sự có thể làm cho bản thân trở về được trạng thái bình lặng thì quá tốt rồi. Tâm thái bình hòa tự nhiên sẽ có khả năng đón nhận được ánh sáng mặt trời, nào có cái lý đất và nước bỏ mặc không nuôi dưỡng con người? Như hậu chủ Lưu Thiền nước Thục sau khi hai tay dâng tặng giang san liền có thể an nhiên tự tại thốt lên: Sướng quá! Từ đây không còn bận tâm đến Thục nữa. Do đây, chúng ta phải khách quan thừa nhận rằng lãng quên có một tác dụng thật vĩ đại. Vấn đề là chúng ta có thật sự dễ dàng quên được những chuyện đã qua hay không mà thôi?

Trong mục “Bổ dưỡng tâm linh” có kể một câu chuyện như sau: Có một thư sinh ước hẹn với vị hôn thê của mình là sau này hai người sẽ kết làm vợ chồng, nhưng chẳng bao lâu cô gái kia lại đi lấy người khác, chàng thư sinh vì việc này mà suốt ngày âu sầu dã dượi. Lúc ấy, có một vị du tăng đi ngang qua nhà thư sinh, chàng liền chặn vị du tăng lại hỏi rằng: Tại sao sự việc lại trở nên như vậy? Vị Tăng không nói gì, Ngài lấy từ trong túi áo ra một cái gương soi đưa cho chàng thư sinh xem. Thư sinh nhìn thấy trong gương hiển hiện ra cả một đại dương mênh mông, trên bãi biển có thi thể của một cô gái không mảnh vải che thân. Có một người đến bên cạnh xác cô quan sát, chẳng bao lâu sau lắc đầu bỏ đi; một người nữa lại đến, nhìn xác cô gái, xong cởi y phục trên người ra đậy lên thi thể cô và bỏ đi; lại một người nữa đi đến, nhìn thấy tình cảnh bi thương như thế, chàng bèn tìm đào một cái huyệt chôn xác cô gái xuống. Vị du tăng bảo, người cởi y phục ra đắp lên thi thể cô gái chính là ngươi, cô gái vì mang ân ngươi nên kiếp này mới đến để trả món nợ ân tình. Nhưng người cô thật sự phải báo đáp không phải là ngươi mà là người đã cho cô có được nơi an nghỉ sau cùng! Chàng thư sinh hốt nhiên đại ngộ. Có lẽ cô gái vẫn chưa tìm gặp được người kiếp trước đã chôn cất cho cô? Cũng có khả năng cô uống phải bát canh Mạnh Bà, không nhớ ra được dáng vẻ của ân nhân, nên kiếp này cô mới không ngừng tìm kiếm. Nếu như vẫn còn có kiếp sau, cô gái nhất định sẽ ghi nhớ, khi lại phải đi qua cầu Nại Hà, cô nhất quyết không uống canh Mạnh Bà, như vậy kiếp sau cô sẽ không quên dáng vẻ chàng trai đã có lòng với cô.

Là một câu chuyện có liên quan đến sự lãng quên, nhưng sự lãng quên này đượm chút màu sắc cảm thương. Nếu như trên thế gian này thật sự có vị du tăng trong tay có cái kính soi căn kia thì tôi cũng tình nguyện uống thêm nhiều canh Mạnh Bà, quán sát thật kỹ rốt cuộc kiếp trước tôi đã từng đến thế giới này như thế nào, đồng thời đi tìm một lý do tương đối để giải thích cho những mối tình duyên ràng buộc chằng chịt trong hiện tại. Và có lẽ tôi cũng có thể nhìn được mặt sau của chiếc kính, nói không chừng tôi có thể tìm được một số manh mối cho kiếp sau. Nhưng đã lớn như thế này rồi tôi cũng chỉ nghe người ta nói đến canh Mạnh Bà và cầu Nại Hà, còn câu chuyện về vị du Tăng và chiếc kính thần kỳ kia rất ít nghe nhắc đến. Theo tỉ số thường thức cuộc sống mà nói thì yếu tố trước (canh Mạnh Bà và cầu Nại Hà) đáng tin cậy hơn yếu tố sau. Cho nên uống hay không uống mới thật sự là vấn đề quan trọng.

Khi nhìn thấy tiêu đề này, tôi cơ hồ thấy mình như đang đứng trước cầu Nại Hà, có một lão bà phúc hậu đang rót một bát canh và luôn miệng bảo tôi: Hỡi người đi đường, hãy uống bát canh này giải khát. Tôi đỡ lấy bát, mắt nhìn về phía trời xa, vầng tịch dương giống như chàng lãng tử uống rượu say mèm, mặt đỏ gay gay, xiêu xiêu ngã về hướng chân trời, vài sợi mây trắng lãng đãng chung quanh tan biến dần vào hư vô y như những chuyện ngày xưa của tôi. Uống xong bát canh, chân bước qua cầu, lúc này tôi đã không còn là tôi nữa. Tất cả, tất cả đều không còn liên quan gì đến tôi, như Tôn Ngộ Không đeo vào chiếc vòng Kim Cô, mộng thấy mình dạo chơi trên một con thuyền, con đường phía trước mịt mờ sương khói. Thiên Trúc thật sự ở xa như vậy ư, trải qua 81 nạn vẫn chưa nhìn thấy dù là một chút bóng dáng, đã như thế chi bằng ở lại Hoa Qủa sơn một đời làm đại vương còn hơn bị vòng Kim Cô khống chế, bị bức bách quản thúc, kí ức càng sâu, đau khổ càng nhiều.

Có người nói lãng quên là một loại kí ức sâu sắc nhất. Cho nên người sống vì người, đau khổ luôn là những niềm vui lâu dài, vì chúng ta khó quên như thế, vào năm đó, tháng đó, một số người quen biết đó, những sự việc đã trải qua, mỗi khi nhớ lại lòng luôn đau khổ thổn thức. Nhưng trong gian khổ luôn có quý nhân giúp đỡ, niềm vui luôn được hình thành từ trong đau khổ làm nên một nụ cười rất đỗi con người. Nếu như uống bát canh Mạnh Bà mà có thể làm lại được từ đầu, tôi nghĩ mình nên chọn sự buông bỏ, tôi bắt đầu nhẫn được sự đói khát tiếp tục tiến về phía trước. Nhìn chiếc bóng trải dài dưới ánh hoàng hôn, giờ khắc ấy đã nhắc nhở tôi rằng mình đã từng đến thế gian này; một chuỗi dấu chân liêu xiêu tiếp tục phác họa ra con đường rày sinh mệnh mà tôi đã từng đi qua. Đợi khi đi đến thì điểm khởi đầu và kết thúc của con đường rày này đã hợp lại làm một, tôi thấy mình hóa thành một con bướm bay lượn trên những đóa hoa. Vào giờ khắc phá kén chui ra, tất cả những ký ức ban đầu đều không còn tồn tại, giờ phút này chỉ còn hiện tại, vươn vai đón lấy ánh ban mai, ưỡn ngực kết thành đôi cánh thần tiên nhẹ nhàng bay về vườn bàn đào nở rộ đầy hoa trên tận cung trời…



Hoa Địch Trong Gió Thu

Huệ Trang (lược dịch)

http://daitangkinhvietnam.org/phat-g...h-manh-ba.html