Bộ tranh thờ cổ trong Phủ Mẫu
01/08/2011 1345

Bộ tranh thờ cổ thuộc sưu tập của Nguyễn Anh Ngọc là một phác hoạ tiêu biểu chuyển tải tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ từ xa xưa.

Tín ngưỡng thờ Mẫu tam toà, tứ phủ ở vùng đồng bằng Bắc bộ có từ thuở sơ khai, khởi nguồn từ tín ngưỡng nông nghiệp nguyên thuỷ cổ đại của người Việt.

Quá trình hình thành, tồn tại của tín ngưỡng thờ Mẫu là một chuỗi dung hợp hài hoà giữa ý thức tín ngưỡng bản địa với hệ tôn giáo, đạo giáo mang yếu tố ngoại lai để trở thành một phức hệ Phật-Đạo-Mẫu cùng phát triển trong xã hội.

Bộ tranh thờ cổ dưới đây là một phác hoạ tiêu biểu chuyển tải tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ từ xa xưa.

Tam giáo (Phật-Đạo-Mẫu):


Tam giáo (Phật - Đạo - Mẫu) chất liệu gỗ, sơn khoảng cuối Thế kỷ XIX đầu XX

Là bức vẽ dung hợp Phật-Đạo-Mẫu theo quan niệm tín ngưỡng-tôn giáo của người Việt xưa; được các hoạ công vẽ tranh thờ dân gian hình tượng hoá khái niệm và ước lệ thu gọn vũ trụ, Phật-Đạo-Mẫu trong bức tranh này.

Qua khái quát tầng không gian ước lệ, giữa thực và ảo: Khi trời đất khai sinh, vũ trụ bao la được phân định thành những cõi khác nhau: Cõi Phật ( Tam thế: Quá khứ-Hiện tại-Tương lai), cõi Trời (Ngọc Hoàng), (Mẫu Thượng thiên) cõi Rừng (Chúa Thượng ngàn), cõi Nước (Mẫu Thuỷ), cõi Đất (Mẫu Địa),...ngự trị vũ trụ.

Theo quan niệm: người Việt xưa luôn coi đây là các vị chân tiên, thần phật trị vì các cõi, miền nên họ thấu hiểu mọi việc trong vũ trụ; và họ luôn gia ân, giang tay cưu mang, giúp đỡ mọi người dưới cõi đời.

Chúa Thượng ngàn:


Chúa Thượng ngàn (gỗ, sơn) khoảng cuối Thế kỷ XIX đầu XX

Với quan niệm vũ trụ bao la được phân chia thành nhiều miền, cõi khác nhau; nhưng quan niệm sơ khai rõ nét nhất là bốn cõi:Trời-Rừng-Nước-Đất.

Mẫu Thượng Ngàn là vị thánh mẫu toàn năng, trông coi miền rừng, núi (Nhạc phủ); được vẽ thành bức Động Sơn Trang độc lập, thờ bên trái trong phủ Mẫu của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ.

Hình tượng Mẫu được vẽ với khuôn mặt trái xoan, nhân hậu, bao dung, đầu đội vương miện, có tia hào quang toả sáng; thân mặc trang phục màu xanh, thường ngồi võng đào, tay trái cầm quạt, tay phải bắt quyết; hai bên có các tỳ nữ đứng hầu, dâng hương hoa, đăng, trà,....

Theo quan niệm “rừng vàng, biển bạc” người Việt xưa luôn đặt niềm tin ở miền giàu có tự nhiên – nơi rừng núi sản sinh ra hoa, trái, chim, muông,...nuôi sống con người từ thời hồng hoang, nguyên thuỷ.

Trần Triều Đại vương:


Trần Triều Đại Vương (gỗ, sơn) khoảng cuối thế kỷ XIX đầu XX

Là bức vẽ Quan Phủ Trần triều, tức là Hưng Đạo Vương-Trần Quốc Tuấn (Vị tướng văn, võ song toàn TK XIII-XIV) được dân gian tôn vinh là Cha (Tháng tám giỗ Cha/Tháng ba giỗ Mẹ) phối thờ bên phải trong phủ Mẫu .

Trong tranh Hưng Đạo Vương ngồi oai phong dưới trướng thêu lưỡng long trầu nguyệt; mặt ngài hồng hào, râu dài, đầu đội mũ cánh chuồn, mặc triều phục màu đỏ, đeo cân đai bối tử; tay phải cầm kiếm, tay trái cầm lệnh bài. Bên tả, hữu có hai bộ tướng đứng hầu, vị đứng bên phải (hữu) mặt mày dữ tợn, mặc áp giáp, tay cầm đoản kiếm là quan võ; vị đứng bên trái (tả) là quan văn khuôn mặt hiền từ, tay cầm ống văn-giấy tờ. Phía trước có hai người hầu, giúp việc.

Trong thực tế, Trần Hưng Đạo đã hiển linh trở thành vị Thánh (Đức Thánh Trần) với quyền pháp, uy lực thực thi hành pháp nơi cửa Mẫu,...trừ tà, diệt ma, chữa bệnh bằng phép thuật giúp đỡ dân làng.

Thần Ngũ Hổ:


Thần Ngũ Hồ (gỗ, sơn) khoảng cuối Thế kỷ XIX đầu XX

Theo quan niệm của người xưa, thần hổ là vị chúa tể sơn lâm (vùng rừng, núi) vị thần linh (đệ tử) gần gũi với Mẫu Thượng Ngàn; nên trong phủ thờ Mẫu thường bài trí ban thờ ngũ hổ - ngũ dinh. Hình vẽ trong bức tranh thờ là năm vị thần:

Hoàng hổ tướng quân: ngồi ở vị trí trung tâm, trước mặt có lệnh bài, trấn giữ Trung ương-ứng với hành Thổ (vàng).
Thanh hổ tướng quân: trấn giữ phương Đông - ứng với hành mộc (xanh).
Bạch hổ tướng quân: trấn giữ phương Tây - ứng với hành Kim (trắng).
Xích hổ tướng quân: trấn giữ phương Nam - ứng với hành hoả (đỏ).
Hắc hổ tướng quân: trấn giữ phương Bắc - ứng với hành thuỷ (đen).

Xung quanh năm vị thần hổ còn có cờ thần, kiếm lệnh; các quan, quân giúp việc trấn áp tà khí năm phương, bảo vệ nơi linh thiêng cửa Mẫu.

Nguyễn Anh Ngọc
(Theo Cổ vật tinh hoa)