Ở trên kinh luận, Phật thường hay nhắc nhở chúng ta là “không mang theo được thứ gì, chỉ có nghiệp theo mình”. Tất cả vật ngoài thân, nếu bạn chính mình rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo, biết được nhất định không phải là của chính mình, ta không có bất cứ thứ gì, ngay thân thể này cũng không có, thân thể phải hư hoại, cho nên ở cái thế gian này, trên kinh Bát Nhã nói rất hay, “tất cả pháp không sở hữu, thảy đều không, không thể được”, đó là chân tướng sự thật. Nếu như bạn cho rằng là có được, còn phải đi tranh giành, thì bạn sai rồi. Nếu bạn tranh giành được, tương lai lại không mang đi được, lại tạo thêm vô lượng vô biên nghiệp chướng, người thế gian này có mấy người giác ngộ, có mấy người chân thật bổng chốc tỉnh ngộ? Người giác ngộ thế gian pháp này thảy đều xả hết, bao gồm cả thân thể cũng không ngoại lệ, nhất định không có lưu luyến.

“Duy hữu nguyện vương, bất tương xả ly, nhất thiết thời trung, dẫn đạo kỳ tiền, nhất sát na gian, tức đắc vãng sanh thế giới Cực Lạc”. Chỗ này nói việc gì vậy? Thứ bạn có thể mang đi được là thiện nghiệp, ác nghiệp, tịnh nghiệp, ba loại nghiệp này sẽ đi theo bạn. Người chân thật giác ngộ thì đoạn dứt ác nghiệp, và tuy là tu thiện nghiệp, quyết định không chấp trước. Không chấp trước liền biến thành tịnh nghiệp, chấp trước thì liền biến thành thiện nghiệp. Chấp trước thì quả báo ở ba đường thiện, không chấp trước bạn phải hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ, quả báo của bạn liền siêu việt ba cõi, siêu việt mười pháp giới, thù thắng không gì bằng.

(trích bài giảng Phải Nên Phát Nguyện, Nguyện Sanh Nước Kia)
Pháp Sư Tịnh Không
www.phapsutinhkhong.com