Huyền bí lễ hầu đồng

GiadinhNet - Hầu đồng - nghi thức tín ngưỡng tiêu biểu nhất của Đạo Mẫu - đang được làm hồ sơ đệ trình lên UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại. Trong Hầu đồng có hát Chầu văn (còn gọi là hát văn, hát bóng, hát hầu đồng), được đặt trong một nghi lễ dân gian huyền bí.




Nghi lễ huyền bí

Đạo Mẫu nói chung và nghi thức hầu đồng là một tín ngưỡng dân gian phổ biến và đặc sắc của Việt Nam, vừa có ý nghĩa tâm linh, vừa có một giá trị lịch sử rất lớn.

Trong Hầu đồng có hát Chầu văn (còn gọi là hát văn, hát bóng, hát hầu đồng), là loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Đồng bằng Bắc Bộ, chủ yếu ở Nam Định và một số vùng quanh Hà Nội). Hát Chầu văn là loại hình nghệ thuật âm nhạc diễn xướng tâm linh của người Việt, gắn bó và không thể thiếu trong nghi lễ hầu thánh (hầu đồng, hầu bóng) của văn hóa thờ Mẫu. Hát Chầu văn dùng âm nhạc có tính tâm linh, lời văn trau chuốt, được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu Thánh, là nghệ thuật thuần Việt nhất, không bị ảnh hưởng của âm nhạc nước ngoài từ làn điệu, ca từ, cách múa, biểu diễn, quần áo, nhạc cụ…

Hát Chầu văn trong các lễ hầu đồng xuất phát từ hình thức diễn xướng dân gian trong các lễ hội, gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo).

Không gian diễn xướng của Chầu văn là khung cảnh đền, phủ rất quen thuộc với công chúng. Các thanh đồng hầu thánh trước bàn thờ Mẫu, hai bên có cung văn hát chầu, kết hợp với hầu bóng. Đó cũng là phương thức hữu hiệu mà người xưa quan niệm để mọi người có thể giao tiếp với Mẫu, với các vị thần linh, bày tỏ lòng biết ơn và cầu mong những điều tốt đẹp.
Trong Hầu đồng có các lối hát văn, diễn xướng, các giá đồng ngự như Quan Tam Phủ, Quan Tuần Tranh, Chầu Đệ Nhất, Chầu Đệ Nhị, Chầu Bé Bắc Lệ, Ông Hoàng Bơ, Chầu Bát, Ông Hoàng Bảy, Ông Hoàng Mười… Vị giáng là người Tày thì ăn mặc theo kiểu Tày; người Nùng thì ăn mặc theo kiểu Nùng, người Khơ Me thì ăn mặc theo kiểu Khơ Me… Âm nhạc, động tác múa của người hầu cũng theo như vậy… Qua đó thấy người Việt xa xưa đã hòa nhập văn hóa, không phân biệt dân tộc, đa số cũng như thiểu số, rất bình đẳng và mở cửa để tiếp nhận đa văn hóa – điều mà cả nhân loại đang kêu gọi.

Tính chuyên nghiệp hóa của nghệ thuật hát Chầu văn Việt Nam rất cao, hay và chuyên nghiệp. Ở nước ngoài, hát chầu văn về phần âm nhạc và người biểu diễn là một, thì ở Việt Nam có ban nhạc riêng, người biểu diễn riêng, thậm chí mỗi địa phương, mỗi triều đại lại có một ban bệ riêng.






Văn hóa, tín ngưỡng của Hầu đồng

GS – TS Ngô Đức Thịnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn Chầu văn Việt Nam cho rằng, hát Chầu văn có giá trị nghệ thuật cao nên cần được phổ cập rộng rãi hơn nữa tới công chúng trong nước và quốc tế để mọi người hiểu biết hơn về di sản văn hóa này, từ đó, có ý thức bảo tồn và phát huy.
Theo ông, Hầu đồng là nghi thức tín ngưỡng đậm văn hóa truyền thống Việt, đã từng nở rộ không quản lý được, không đi theo một quy chuẩn nào và có những người trục lợi trong chính tín ngưỡng của họ… gây hiểu sai lệch, tranh cãi và bị cấm.

Ngày nay Hầu đồng lại được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Văn hóa, tín ngưỡng của hầu đồng là từ người dân. Điêu quan trọng khi bảo tồn và gìn giữ những di sản văn hóa dân tộc đó là phải dựa vào cộng đồng. Chủ thể văn hóa phải giao về lại cho cộng đồng và kèm vào đó trao cho họ cái hiểu biết, cái tri thức, cái trách nhiệm. Có học giả thế giới đã nhận xét rằng, chỉ riêng về âm nhạc, hát chầu văn đã có thể được coi là một di sản văn hóa phi vật thể chứ chưa nói đến lối hát này còn được đặt trong một nghi lễ dân gian. Đạo Mẫu với nghi lễ Hầu đồng của Việt Nam là tín ngưỡng đặc trưng cho cái tầm và cái tâm của người Việt Nam. Nhà nước đã công nhận Hầu đồng là một nghi lễ tín ngưỡng quốc gia. Và hồ sơ đề nghị Hầu đồng là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại đã được trình lên UNESCO. Hy vọng trong tương lai, Hầu đồng được công nhận là một giá trị văn hóa cần được bảo tồn của nhân loại.


Hát Chầu văn ra đời sớm hơn so với các loại hình dân ca khác. Trong sách “Kiến văn tiểu lục”, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784) có ghi: “Thời Trần (1225 - 1400) có lối hát trước mặt đế vương, gọi là hát Chầu”.
Có 4 hình thức biểu diễn: Hát thờ, hát thi, hát hầu (hát phục vụ hầu đồng, lên đồng) và hát văn. Hát thờ thường hát vào các ngày lễ tết, tiệc thánh (ngày thánh đản sinh, ngày thánh hóa...) và hát trước khi vào các giá văn lên đồng. Hát hầu theo tín ngưỡng tứ phủ thì ba giá Tam tòa Thánh Mẫu là bắt buộc và hầu tráng bóng (không tung khăn). Hát văn nơi cửa đền thường gặp tại các đền phủ dịp đầu xuân, lễ hội. Thường thì cung văn sẽ hát văn về vị thánh thờ tại đền và hát theo yêu cầu của khách hành hương.

<>Trà Giang

Nguồn : giadinh.net