THIỀN HỌC TRONG NGHỆ THUẬT VÀ KIẾN TRÚC







Nghệ thuật và kiến trúc thể hiện nếp sống và hệ thống tư tưởng của từng thời đại. Bởi vậy, muốn tìm hiểu về các nền văn hóa, tôn giáo và phong tục trong nhân gian thì nghệ thuật và kiến trúc đóng vai trò rất quan trọng.

Nghệ thuật gồm có những lĩnh vực như thơ, họa, âm nhạc, kiến trúc. . . Nghệ thuật hòa điệu với tâm hồn của con người. Nếu cuộc sống không có nghệ thuật thì tất cả đều khô cằn như gỗ đá. Nghệ thuật thể hiện cảm hứng của tâm hồn. Cánh đào rơi trước ngọn gió xuân sẽ trở thành một bức tranh dưới cái nhìn của một họa sĩ. . . Đối với Thiền, nghệ thuật là phương tiện để nói lên những sự hiện hữu mầu nhiệm và những pháp hành siêu việt. Những bài thơ Thiền làm thức tỉnh lòng người đang mê muội. Những bức tranh Thiền đưa con người trở về với cội nguồn tâm linh trong hiện tại. Lối kiến trúc trong Thiền môn làm cho con người có cảm giác thanh thoát nhẹ nhàng hơn sau những ngày bôn ba giữa phồn hoa phố thị. Mỗi bức tranh Thiền có mỗi ý nghĩa rất sâu sắc, trong đó có thể là một nhân vật như hình ảnh của Ngài Đạt Ma Tổ Sư, Ngài Huệ Năng, hoặc là một cảnh tượng đơn giản, hoặc chỉ là một vài chữ. . . nhưng nét bút đã thể hiện tính cách, tư tưởng và hành động của đối tượng và chủ ý tác giả.




Bất cứ ai trong giới Thiền gia đều xem hình Bồ Đề Đạt Ma là một biểu tượng hùng tráng, với đôi mắt trợn trừng nhìn thế sự, hàm én kiêu hãnh thể hiện nét phong trần, đôi chân không đạp trên sóng đời cuồn cuộn chảy. Hoặc là bức tranh Cửu niên diện bích là một bài học lớn về pháp Thiền Đại Thừa Bích Quán. Nghĩa là Bích Quán là thế giới tuyệt đối của tâm, tất cả đã để lại sau lưng để trở về với thế giới tĩnh mặc. Bên bức tranh đề bốn chữ Đại Thừa Bích Quán không phải là điều đơn giản mà ai cũng có thể lãnh hội được. Đây là một Thiền án cho tất cả các hành giả đang thực tập Thiền. Nếu hiểu bức tranh Bích Quán là ngó vào vách thì thật là vô nghĩa. Qua bức tranh đã nói lên một pháp hành, Bích Quán là Tâm Quán, không phải nhìn vào vách như những người thường nhìn mà chính là nhìn vào tâm để thấy được điểm tận cùng của tâm, đó là lối về bất nhị. Ngài Đạt Ma đã dạy Nhị Tổ Huệ Khả về phép Bích Quán như sau:

Ngoài dứt chư duyên
Trong không toan tính
Tâm như tường vách
Mới là nhập đạo


Pháp hành Thiền quán được thể hiện qua bức tranh. Tất cả yếu chỉ của Thiền được cô đọng trên từng nét chấm phá, như hình ảnh Ngài Huệ Năng đốt sách là những lời nhắc nhở cho những ai ôm lấy kiến thức để nhốt mình trong chấp ngã.

Trong Thiền tông còn có bộ tranh Thập Mục Ngưu Đồ được phổ biến rộng rãi qua các Thiền viện và cũng là kim chỉ nam cho những hành giả đang thực hành Thiền quán.

Thiền học còn có mặt trong lãnh vực kiến trúc Á Đông. Mỗi Thiền viện đều có một lối kiến trúc ôn hòa, khác hẳn với lối kiến trúc La Hy của các Nhà thờ Thiên Chúa Giáo hay lối kiến trúc Trung Đông của các nhà thờ Hồi Giáo. Kiến trúc của các Thiền viện thể hiện nếp sống trầm tĩnh thanh u nhưng vẫn mang dáng vẻ oai nghiêm của các nơi thờ tự và mang đậm màu sắc tôn giáo.








Khi bước vào Thiền viện Phật giáo, đầu tiên chúng ta phải vào cổng Tam Quan. Không phải ngẫu nhiên mà làm cổng Tam Quan, ngoài nghệ thuật kiến trúc còn có ý nghĩa triết lý rất lớn trong Thiền học, Tam Quan là Tam Giải Thoát Môn, là Tam Pháp Ấn, là “Không” - “Vô Tướng” - “Vô Tác”.

Trong Thiền Viện Phật Giáo, kiến trúc và thiên nhiên hòa điệu với nhau bởi vậy khi bước vào Thiền viện chúng ta có cảm giác thi vị và thanh thoát. Vì có một cuộc sống ồn ào náo nhiệt như ở phồn hoa phố thị, mà phải là một đời sống thanh đạm về vật chất và có một tâm hồn thanh thoát.





Các Thiền viện ở Á Đông từ xưa đa số được vua quan xây dựng nên phảng phất đường nét của kiến trúc cung đình, sự trình bày trang trí nội thất cũng tương tự như các phủ đệ, nhưng bên cạnh đó Thiền viện vẫn mang tính cách kiến trúc của nhân gian tương tự như đình làng miếu vũ cho nên không phải là xa lạ đối với dân chúng. Từ đó, kiến trúc của Thiền viện mang nét ôn hòa, khiêm tốn ẩn hiện dưới những vườn đồi. . . Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử nhưng những nét tiêu sơ của Thiền viện vẫn giữ nguyên như cũ. Ở Trung Hoa, thời đại lục quốc qua phân đã biến Trung Hoa thành nhiều mảnh, đất nước này phải chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn minh trên thế giới như Nga, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Nhật, Mỹ và có thay đổi rất nhiều trong kiến trúc, nhưng các Thiền viện ở đây vẫn tồn tại và giữ được Thiền phong. Ở Việt Nam cũng vậy, trải qua những thời kỳ chiến tranh và trở thành thuộc địa của nhiều nước nhưng những Thiền viện ở đây vẫn còn nét cổ kính và mang phong thái của Thiền.

Chùa chiền, Thiền viện mang tính nghệ thuật kiến trúc và tính văn hóa Phật Giáo và văn hóa dân gian. Ở Á Châu, đặc biệt là trung Hoa và Việt Nam, luôn luôn lấy tứ linh là long, lân, quy, phung để trang trí ở các nơi tôn nghiêm như cung đình, đền thờ miếu vũ và các Thiền viện. . . Về mặt kiến trúc, khi gắn những hình rồng, phượng. . . trên mái nhà là để cho cân đối nghệ thuật, về mặt triết lý thì những hình tượng này còn có những ý nghĩa tùy theo bối cảnh. Hình ảnh con Rồng làm để tượng trưng cho sự hưng thịnh, thăng hóa và bền vững. Lân tượng trưng cho sự hùng mạnh, uy vũ. Phụng tượng trưng cho người quân tử, có dáng tao nhã, đời sống thanh cao. Quy tượng trưng cho đức nhẫn nhục, nhu hòa và sự trường cửu. Từ văn hóa nhân gian, những biểu tượng này cũng được các Thiền viện sử dụng để trang trí đồng thời cũng có những ý nghĩa tôn giáo riêng, thể hiện những đức tính trong sự tu tập như tinh tấn, vô úy, thanh tịnh, nhẫn nhục. . .

Lại nữa, có một hình ảnh trong kiến trúc rất đặc biệt ở Á Đông mà chúng ta thường thấy ở các nơi mang màu sắc văn hóa như cung đình, miếu thờ, hoặc chùa chiền, đó là hình Long Mã. Ở trường Quốc Học - Huế, có bình phong Long Mã, đó là tượng trưng cho sự phát triển một nền văn hóa của đất nước. Chúng ta cũng thấy hình Long Mã trên bức phù điêu của Tổ Đình Từ Hiếu - Huế, nhưng hình ảnh Long Mã ở đây, ngoài nét nghệ thuật tiêu biểu cho thời đại còn có ý nghĩa rất lớn, đó là sự tu tập, đầu rồng tượng trưng cho trí tuệ, đôi chân tuấn mã tượng trưng cho sự tinh tấn, trên lưng tuấn mã chở một hòm thư, đó là tượng trưng cho những pháp hành. Một người tu tập phải như con long mã, phải có sự suy xét đúng đắn theo Chánh đạo, phải có sự kiên trì bền chí như đôi chân tuấn mã và phải có một pháp hành nhất định và xem pháp hành đó là tính mệnh của mình.
Kiến trúc Phật giáo cũng như các công trình kiến trúc ở Trung Hoa hay Việt Nam từ thế kỷ 20 trở về đều mang màu sắc tương tự. Nền kiến trúc này hoàn toàn mang tính độc lập, không ảnh hưởng kiến trúc ngoại lai, đến bây giờ vẫn còn gần như nguyên vẹn. Hình hoa sen được dùng để trang trí trong các chùa chiền và cung đình. Các biểu tượng và cách xây dựng cũng theo quy luật âm dương, các cổng chùa bên ngoài thường là có hình vuông góc tượng trưng cho tánh âm, nhưng vòm cổng bên trong lại có hình tròn móng ngựa tượng trưng cho tánh dương. Các cột trụ trong cung, hoặc trong chùa chiền và các lăng tẩm đều được trang trí hoa sen nở phía dưới và búp sen ở phía trên tượng trưng cho sự thanh cao.





Các mái chùa cong vút ẩn mình dưới những tàn cây, tiếng chuông chùa u trầm vọng lên làm thanh thản lòng người. Kiến trúc các Thiền viện mang tính cách oai hùng của cung đình làm nơi nương tựa tinh thần cho những người dân Á Đông, đồng thời cũng có nét dân dã để hòa mình với quần chúng. Cho nên, hình ảnh chùa làng, đình miếu đã dễ dàng đi sâu vào lòng của người dân.

Trong nền kiến trúc Á Đông có một điều đáng chú ý nhất là kiến trúc lăng tẩm và tháp. Đối với quan niệm lão - Nho, cho rằng Sanh viết ký nhi tử viết quy, cuộc sống này là giả tạm, chỉ có chết mới thực sự là trở về. Từ quan niệm đó cho nên, lăng tẩm của những người quyền quý ở Á Đông là những công trình kiến trúc lớn và mang tính văn hóa. Trong Phật giáo, khác với quan niệm trên, các tháp thờ tượng Phật hoặc xá lợi của Phật, là để cho các Phật tử đến chiêm bái. Hoặc khi các vị tổ sư viên tịch, các đệ tử và tín đồ xây dựng tháp là để thể hiện lòng tôn kính và tưởng nhớ công đức của vị đó. Cho nên, các tháp thờ Phật và tháp Tổ trong Phật giáo đều có một ý nghĩa riêng. Các tháp thờ Phật đa số đều được xây bảy tầng, trong đó tôn trí bảy tượng Phật, tượng trưng cho bảy đời các Đức Phật, và số bảy trong Phật giáo là tượng trưng cho trung đạo, một ngôi tháp xây bảy tầng không cao cũng không thấp. Các tháp Tổ, thường được xây ngay trên mộ phần của các vị Tổ. Hoặc có những nơi xây những tháp vọng, do những vùng có vị Tổ đó đến giáo hóa, nhưng khi viên tịch thì ở chỗ khác và hài cốt được tôn trí ở một nơi khác, nên các đệ tử
và tín đồ đã ghi nhớ công đức và xây dựng tháp thờ vọng. Tháp các vị Tổ thường là năm tầng, tượng trưng cho Ngũ đức sư, đó là năm phẩm tính tạo nên một vị Hòa Thượng: Không thiên ái; Không sợ hãi; Không sân si; Giáo hóa đúng thời, đúng nơi và đúng đối tượng; Dùng Pháp thích hợp để giáo hóa. Tháp những vị A Xà Lê thường được xây ba tầng, tượng trưng cho Tam vô lậu học, là Văn - Tư - Tu. Trên đỉnh tháp có hoa sen hoặc bầu hồ lô, hoa sen tượng trưng cho sự thanh tịnh, hồ lô tượng trưng cho sự hòa hợp âm dương và kết tinh của trời đất.


Trong kiến trúc thể hiện tâm hồn của những người dân Á Đông, những tâm hồn trầm tĩnh và sâu lắng là nền tảng của những đường nét kiến trúc nhu hòa nhưng rất trang nghiêm.

Thích Thái Không