Ngay khi tòa soạn đăng loạt bài ba kỳ “Lý giải khoa học về chuyện ma nhập” giải thích về hiện tượng “ma nhập”, áp vong, gọi hồn… TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng (UIA) - đơn vị cùng với Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) và Trung Tâm Bảo trợ Văn hoá, Kỹ thuật truyền thống – đã có bài viết gửi đến báo giải thích rõ hơn về hiện tượng này.

Các thủ đoạn nhái ngoại cảm

Hiện tượng giao lưu tâm linh theo hình thức áp vong không phải hiện tượng “ông đồng bà cốt”. Ông đồng bà cốt phần lớn là những kẻ “nhái” ngoại cảm. Theo thống kê, những nhà ngoại cảm “tự phong” lên đến trên 90%. Mà đã là “nhái” thì có thiếu gì cách, thiếu gì thủ đoạn để làm giả. Đối với những hiện tượng “nhái ngoại cảm, tâm linh” thì cần có biện pháp phanh phui các mánh khóe gian lận để khống chế và quản lý chặt chẽ.

Không nên lấy các hành vi của hiện tượng “nhái” để giải thích về bản chất của các hiện tượng tâm linh ngoại cảm thực sự. Cũng như, hàng năm chỉ có khoảng 20% số thí sinh thi đỗ đại học, còn khoảng 80% số học sinh thi trượt do làm bài chưa đúng. Vậy có nên dùng phương pháp làm bài của các thí sinh làm sai ấy để giải thích về “bản chất và hiện tượng” của các thí sinh thi đỗ được không ?!! (cho dù số lượng thí sinh thi đỗ chỉ chiếm tỷ lệ ít hơn !!!).

Hiện tượng giao lưu theo hình thức cho thần thức của người đã mất “gá” vào thân xác của người còn sống giống như cơ chế “hồn Trương Ba, da Hàng Thịt” ở Việt Nam, “Liêu Trai chí dị” ở Trung Quốc. Cho đến nay, chưa thể kiến giải một cách tường minh về cơ chế này. Tuy nhiên, có thể hiểu nó qua ví dụ sau: Trong cơ thể sinh học, tồn tại ít nhất 2 thành tố cơ bản đó là phần xác thân hữu hình và phần tinh thần “thần thức” dạng vô hình. Ta tạm so sánh tương tự như quan hệ giữa chiếc xe ô tô và người lái xe cho dễ hình dung: Ta có các trạng thái sau (ảnh dưới).



Người nhập cuộc rơi vào trạng thái T1, sau giao lưu hoàn toàn không nhớ mình đã nói gì, đã làm gì trong khi được “nhập vai”. Ở trạng thái T2, vẫn biết được mình đang làm gì, đang nói gì, nhưng không thể làm chủ được hành vi của mình. T3 là sự đan xen nửa tỉnh nửa mê (lúc thì là người, lúc thì là “vong” ). T4, hoàn toàn không hề bị vong nhập, nhưng giả vờ làm “vong” để nói dựa hoặc gán ý đồ riêng của mình. T5, đó là hiện tượng “ma giả ma”: các ma vương, ngạ quỷ thường đóng giả làm “vong” của các thân chủ để lôi kéo họ đi vào tà đạo. Vừa qua, một loạt các gia đình liệt sĩ đi áp vong tại các cơ sở “nhái tâm linh ngoại cảm” ở các địa phương, bị các lực lượng “ngạ quỷ giả làm vong liệt sỹ” chỉ dẫn linh tinh khiến cho các gia đình liệt sỹ tốn tiền mà chỉ mang về nắm đất hoang. T6, những người tâm thần phân liệt hoặc tiền phân liệt dạng hoang tưởng thường bị các ngạ quỷ (hoặc các cô hồn oan gia trái chủ) cướp thân xác (kiểu như “cướp xe”), và trở thành các bệnh nhân bị điên dại do tai ương nghiệp chướng. Vừa qua Liên hiệp UIA đã điều trị cho một loạt những bệnh nhân hoang tưởng do đi “gọi hồn” tại các cơ sở “nhái ngoại cảm” ở các địa phương mà bị loạn trí.

Như vậy, các nhóm “ngoại cảm, tâm linh rởm” và các “đồng cốt giả hiệu” thường sử dụng các trạng thái T4, T5, T6 để biến tấu ra các hình thái mê tín dị đoan, hành nghề bất chính nhằm lường gạt những người nhẹ dạ cả tin.

Mạo thôi miên lừa người nhẹ dạ

Thuật Thôi miên và ám thị đã được biết đến từ xa xưa, và một trong những ứng dụng của nó là được coi như một liệu pháp bổ trợ của y học trong việc điều chỉnh chức năng điều khiển. Tuy nhiên, việc đánh giá về công năng của môn này còn ở mức định tính, chưa thể lượng hóa được rõ ràng. Có một số học giả cố gắng cổ súy một cách quá mức cho công năng của “thôi miên, ám thị”, cứ như là phương thuốc vạn năng của ngành y vậy!. Theo chúng tôi nghĩ, ứng dụng của “thôi miên ám thị” trong y học là điều thực tế đáng ghi nhận, nhưng cũng chỉ là một liệu pháp bổ trợ, nó không thể thay thế được các liệu pháp điều trị khác của Y học, thậm chí không phải bất kỳ căn bệnh nào cũng có thể trị liệu bằng thôi miên ám thị.

Vừa qua, một số nhà nghiên cứu cố gắng “lắp ghép” các thuật ngữ dùng cho thôi miên ám thị sang giải thích cả cho các hiện tượng ngoại cảm tâm linh. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào kết quả của hàng ngàn các ca đã được khảo cứu thì sự “lắp ghép” ấy rất khiên cưỡng, gượng gạo và hầu như chẳng hề khế hợp với nhau.

Phương thức ‘thôi miên, ám thị” (nếu có) thì chỉ là một trong hàng trăm thủ đoạn của bọn “làm nhái” ngoại cảm tâm linh mà thôi. Nhưng nếu đi sâu vào quan sát, ngay cả các nhóm làm “nhái ngoại cảm” thì thấy họ chưa hề có chút khái niệm hoặc hiểu biết gì về cái gọi là “thôi miên và ám thị”. Một khi không có chút “chuyên môn nghiệp vụ” nào mà đã gán cho họ rằng đã dùng “công năng đặc dị” của môn này (không những chỉ là dùng cho trường hợp cá biệt mà lại là trên quy mô phổ cập) thì có phải là khôi hài không ?!. Nếu gán như vậy thì có phải là đã coi thường và xúc phạm đến những nhà thôi miên chân chính không ?!

Muốn thi triển công năng của “thuật thôi miên và ám thị” một cách hữu hiệu thì ngoài việc nghiên cứu thật kỹ về lý luận còn phải thực hành khổ luyện, vì đây là một trong những môn công phu kết hợp với năng lực bẩm sinh, đâu phải chỉ cần đọc một mớ lý luận suông và ngâm nga một vài thuật ngữ là có thể hành nghề thành công được ?!

Trong thực tế, mấy năm vừa qua, có một số vụ án lừa đảo trộm cắp, hoặc cố tình biển lận tiền của, nhưng có người đã hàm ý “gán” cho kẻ gây án là đã dùng thuật “thôi miên ám thị”, và như vậy là đã làm lạc hướng điều tra.

Vậy muốn thi triển công năng thôi miên ám thị thì tối thiểu phải có điều kiện gi?

Thuật “thôi miên và ám thị” chỉ được thực hiện khi và chỉ khi một trong hai đối tượng (chủ thể và khách thể) khởi lên mệnh lệnh hoặc ý niệm nào đó. Mà cho dù có khởi ý niệm hoặc mong cầu nào đó rồi ngồi “vô thức” đi chăng nữa – như một số người đã nêu – thì đâu dễ có thể “nhập” về được ?! Nếu vậy thì các em học sinh đi thi đại học, chỉ cần khởi ý niệm mong cầu thi đỗ rồi ngồi “vô thức” là đáp án chuẩn xác của đề thi đã có thể “nhập” về cho thí sinh được hay sao?! Hơn nữa, đã “khởi lên ý niệm” để thôi miên ám thị thì sao còn gọi là ‘trạng thái vô thức” được?

Đối với các hiện tượng ngoại cảm tâm linh thực sự (xin nhấn mạnh là các hiện tương ngoại cảm tâm linh thực sự) thì lại càng không thể dùng thuật thôi miên ám thị.

Ngoại cảm thật không bị ám thị chi phối

Nhiều ca khảo nghiệm cho thấy các thông tin do ngoại cảm tâm linh cung cấp hoàn toàn trái ngược với ý nghĩ ban đầu của gia chủ khi đến giao lưu. Điển hình là các trường hợp tìm mộ liệt sỹ tình báo thì thường gặp các tình huống là có nhiều thông tin trái ngược với thông tin ban đầu của gia đình và của dư luận xã hội. Lấy ví dụ như Liệt sỹ tình báo Nguyễn Văn Đà hy sinh ở Tử Ngục Chín Hầm, được ngoại cảm cung cấp thông tin là quê liệt sỹ ở Huế – hoàn toàn sai với thông tin của gia đình cung cấp (là quê liệt sỹ ở Quảng Nam). Sau khi tìm được hài cốt liệt sỹ, Bộ Nội vụ đã tra cứu lại lý lịch thì mới xác nhận được quê gốc của liệt sỹ tình báo đúng là ở … Huế.

Chị Miến ở Hà Tây đi tìm chồng là liệt sỹ Bình, theo thông tin của các đồng đội cung cấp cho gia đình là liêt sỹ hy sinh ở dưới sông và đã bị cá sấu ăn thịt. Nhưng nhà ngoại cảm khảng định hoàn toàn khác là: liệt sỹ không bị cá sấu ăn thịt. Sau khi tìm được hài cốt (tìm được cả vật chứng kèm theo) thì chứng tỏ rằng thông tin của nhà ngoại cảm là hoàn toàn đúng.

Một số trường hợp khác (như việc tìm thấy người thân đã mất tích 60 năm như anh em ông Thật và ông Thà), lúc đầu gia đình cũng nghĩ rằng đã chết, nhưng ngoại cảm xác định ngược lại là vẫn còn sống, cho dù lại còn thay tên đổi họ và phiêu bạt khắp nơi. Sau khi anh em ông Thật, Thà tìm được nhau và đã giám định thì cho thấy kết quả của ngoại cảm là hoàn toàn chuẩn xác.

Tất cả các gia đình khi đến tham gia khảo nghiệm tại cơ quan để tìm mộ thất lạc, hoàn toàn không được phép cung cấp thông tin trước cho nhà ngoại cảm để tránh hiện tượng bị ám thị, và ngay cả gia đình cũng còn chẳng biết liệt sỹ hy sinh như thế nào, mộ liệt sỹ ở đâu, như vậy cả chủ thể và khách thể đều không hề biết trước về địa điểm và trạng thái hy sinh của liệt sỹ thì lấy gì mà “thôi miên ám thị”?!

”Ngoại cảm Tâm linh” là lĩnh vực mênh mông kỳ bí, vượt qua sự suy luận thông thường của thế tục – (tất nhiên là chỉ đối với các hiện tượng ngoại cảm tâm linh thực sự) – nếu chỉ dùng các mệnh đề trên cơ sở của ngũ giác (5 giác quan) để suy diễn thì chưa thể lý giải thấu đáo. Do vậy, cái thuật ngữ “thôi miên ám thị ” chỉ để giải thích cho một vài hiện tượng ‘ ngoại cảm rởm, tâm linh rởm” mà thôi, không thể dùng để giải thích cho các hiện tượng ngoại cảm tâm linh chân chính, vì bản chất của hai sự kiện này là hoàn toàn khác nhau, cũng như không thể dùng khái niệm và thứ nguyên của “ki- lô- gram” để đong đếm cho đại lượng “ki- lô- mét” được.

Cách tránh mất tiền và bị lừa khi tìm mộ liệt sĩ

Bước 1: Cầu siêu cho liệt sĩ và gia tiên trong pháp hội “uống nước nhớ nguồn”.

Bước 2: Giao lưu tâm linh (áp vong) có sự giám sát của cơ quan khoa học để xin thông tin.

Bước 3: Giao lưu với các nhà ngoại cảm có khả năng thực sự (đã được cơ quan khoa học kiểm định) để đối chiếu thông tin ở bước 2.

Bước 4: Tiến hành khảo sát thực tế tại hiện trường, kiểm chứng, giám định bằng phương tiện của khoa học hiện đại để khẳng định lại kết quả của bước 2 và 3, đồng thời đối chiếu với các nguồn thông tin khác (như thông tin của Bộ Quốc phòng, Hội Cựu chiến binh…), nếu đủ độ tin cậy thì tiến hành các thủ tục trình các cơ quan chức năng để công nhận danh tính mộ thất lạc.

Khi các thông tin của 4 bước đều hội tụ thì việc xác định mộ liệt sĩ mới được hoàn thành

TS Vũ Thế Khanh