Một "thần y" khám bằng 3, 4 bệnh viện lớn ở Hà Nội
Thứ Tư, 04/06/2008 --- cập nhật 09:23 GMT+7


Khoảng một tháng trở lại đây, người dân tại một số tỉnh miền Bắc xôn xao truyền nhau thông tin về một thầy lang sinh sống tại một xã vùng cao Phú Thọ có tài chữa bách bệnh. Một đồn mười, mười đồn trăm, mỗi ngày hàng nghìn người từ khắp các địa phương ùn ùn kéo tới nhà thầy lang lấy thuốc. Sự thật những lời đồn thổi trên như thế nào và vị “thần y” này là ai?

“Khu dân cư thầy Tiên”

Vượt qua hàng trăm cây số qua quốc lộ 2 đầy bụi bặm để có mặt tại thôn 6, xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ, từ cách xa nhà thầy tới hàng chục cây số, chúng tôi đã được những người dân hướng dẫn cụ thể đường vào nhà thầy. Thậm chí, ngay trên quốc lộ 2 đoạn rẽ vào nhà thầy, chúng tôi vừa cất lời hỏi, người đàn ông tên là Trường đã dặn: “cứ vào khám đi, nếu thấy đông quá thì gọi theo số di động này, tôi sẽ dẫn vào, rất nhanh không phải chờ đợi gì cả”.

1 giờ trưa mùa hè, trời nóng oi ả, nhưng những người ngồi trước cửa nhà thầy Tiên đã chật kín, phải có tới cả nghìn người, ngồi nằm la liệt trước cửa, trong sân nhà thầy. Chưa hết, ở những quán nước mới mọc lên quanh đó, người đến khám bệnh ngồi


Dãy xe ô tô đưa người bệnh đến lấy thuốc xếp hàng trước cổng nhà “thần y”


ken dày. Họ còn mang cả võng, cả vải nhựa rải lên ngọn đồi gần nhà thầy để ngả lưng. Cả một đoạn đường dài từ cửa nhà thầy chạy xa đến tít tắp là xe ô tô mang biển ngoại tỉnh, trong đó rất nhiều là biển 33, 29 đậu nối đuôi nhau chạy vòng quanh quả đồi lớn, thậm chí có cả một chiếc xe buýt mang biển Hà Tây cũng xếp hàng trong đoàn xe đó. Xe máy thì dựng kín một khoảng vườn rộng...


Để phục vụ cho rất nhiều người đến khám bệnh mỗi ngày này, xung quanh nhà thầy mọc lên hàng loạt các hàng quán, hay những người đến khám gọi đùa là “khu dân cư thầy Tiên”, bán đủ các loại từ ngô luộc, mì tôm cho đến măng tươi làm quà. Người bán người mua tấp nập như một cái chợ.
Chưa hết, khi màn đêm buông xuống, cả chục cái xe ôtô chở người đến chưa lấy được thuốc được những người sống quanh đó mời chào nhiệt tình về nhà mình để nghỉ ngơi, ăn uống. Chị Nguyễn Thị Nga cũng ở thôn 6, bán quả vải ở đây cho biết, mỗi một ngày, trung bình chị bán được 4 – 5 chục cân vải, nhưng vẫn chưa ăn thua gì so với người bán măng tươi bên cạnh, có ngày bán được hơn tạ măng phục vụ người đến chữa bệnh mang về làm quà.

Những câu chuyện không hồi kết

Có mặt tại những hàng quán mà tre dựng và mái cọ còn tươi nguyên, chúng tôi được nghe rất nhiều câu chuyện về thầy. Một người đàn ông khoảng chừng 70 tuổi quê ở Sơn Tây, Hà Tây kể: thầy đã chữa cho một cô giá 24 tuổi bị câm điếc bẩm sinh đến nay đã bập bẹ nói được.


Nhiều hàng quán, nhà chờ mọc lên quanh nhà “thần y”


Những người khác thì lại kể cho nhau nghe chuyện “thầy” đã chữa bệnh cho một người là mẹ của một vị Vụ trưởng ở Hà Nội, người này bị ung thư, đã bị bệnh viện trả về. Thế nhưng chỉ 2 lần lấy thuốc ở nhà thầy, bà mẹ đã đỡ. Đích thân phu nhân vị Vụ trưởng kia đi xe Mercedes biển số tứ quý đến tuyên bố trước cửa nhà thầy: “Thầy cứ xây nhà mới đi, nếu làm hai tầng, tôi hỗ trợ cho thầy tầng 2, nếu làm 3 tầng, tôi hỗ trợ cho thầy tầng 3”.

Lần mò hết từ đám này đến đám khác, chúng tôi cũng chẳng tìm được ai là người trực tiếp chứng kiến những sự việc trên, nhưng ai, bằng trí tưởng tượng của mình cũng kể câu chuyện một cách sống động cho người khác khiến niềm tin “thầy có khả năng chữa bách bệnh” được truyền cho nhau như một lời sấm truyền. Có lẽ vì thế mà ai đến nhà thầy cũng khúm núm, lễ phép, mỗi lần thầy giải lao và đi ra ngoài thì người nọ thì thào với người kia, đầy vẻ cung kính. Những câu chuyện ấy cũng là lí do khiến bệnh nhân đến nhà thầy ngày một đông. Trong số đó, chúng tôi đã chứng kiến được những trường hợp bệnh nhân nặng đến nỗi, người nhà phải khênh vào, có những bệnh nhân bị liệt phải có 2, 3 người dìu, những người bệnh nặng bệnh viện đã trả về hay những em nhỏ bị tật nguyền bẩm sinh nhưng với phương châm “có bệnh thì vái tứ phương” nên vẫn tìm tới thầy với hi vọng khỏi bệnh.



Bệnh nhân ngồi chờ la liệt đợi đến lượt vào khám


Chị Nguyễn Thị Thanh, quê ở Quốc Oai, Hà Tây nói: “chúng tôi đi từ tối hôm qua, 11 giờ đêm đến nơi, ăn chực nằm chờ ở đây, đến tận chiều, người nhà thầy đã đọc để người đi xe ô tô được vào lấy thuốc nhưng thầy lại đổi ý bảo ai đi xe máy lấy trước nên chắc vẫn phải vạ vật ở đây thôi. Thầy hay dỗi lắm, cứ đứng nhiều quanh thầy hoặc tranh cãi nhau là thầy không bốc thuốc cho nữa”.
Mỗi lần dỗi là thầy lại tìm ra những quán sát nhà để làm chén rượu hay điếu thuốc lào. Tại đây chúng tôi đã được nghe thầy tuyên bố “mình tôi khám bằng 3,4 cái bệnh viện lớn dưới Hà Nội cộng lại. Những ngày như hôm nay tôi bốc thuốc cho ngót nghìn người, bệnh nhẹ thì khám mất 3 giây, bệnh nặng thì 7 giây, bệnh đâu đoán trúng đấy, “mái thoải” luôn ”. Sau tràng “tuyên ngôn” hùng hồn đó thầy vớ cái điếu rít một hơi dài rồi thao thao kể những vị thuốc tiên của thầy, nào là cùng một gói thuốc nhưng qua tay thầy về sắc mỗi người mỗi bệnh sẽ có màu nước khác nhau, hay chữa bệnh lấy thuốc của thầy phải có tâm mới khỏi…

Về câu chuyện cả nghìn người đều được thầy bốc cho một gói thuốc như nhau nhưng khi sắc lại ra màu khác nhau là sự thật mà chính những người viết bài đã được chứng kiến và điều này lại càng làm tăng thêm sự huyền bí về những phương thuốc của vị “thần y” này.

Kì 2: Sự thật về “vị thần y” không biết chữ và thang thuốc “chữa bách bệnh”.

Theo Tuổi Trẻ Thủ Đô