Những người tu hành có trái tim nhân ái và tấm lòng vàng như con ong chăm chỉ, cả đời ươm mật gieo nhân cho người đời hái quả. Đó là sự chia sẻ yêu thương của hai sư thầy: Trần Văn Ngọc và Võ Đức Tuấn (pháp danh Thích Thiện Giác) ở chùa Giác Hạnh Tự phường 12 thành phố Vũng Tàu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Những phần quà chia sẻ yêu thương

Trong cái nắng tháng năm, vượt hơn 1.700 kilômét từ thành phố Vũng Tàu, đoàn cứu trợ chùa Giác Hạnh Tự do thầy Võ Đức Tuấn (pháp danh Thích Thiện Giác) ở 1326 đường 30/4 phường 12 thành phố Vũng Tàu làm trưởng đoàn đã đến Huế, Quảng Trị và Hà Tĩnh để chia sẻ những phần quà cho bà con nghèo khó.


Thầy Giác chia kẹo cho các cháu nhỏ ở Trại Mồ côi tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Khó có thể kìm được xúc động, khi tận mắt chứng kiến cảnh những người nghèo khổ ở vùng xa xôi hẻo lánh quần quật quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, phải ăn sắn lùi ròng rã cả tháng. Những cụ già neo đơn không nơi nương tựa, những em bé mồ côi đói cơm, khát sữa. Chỉ 8 ngày đêm ngắn ngủi cho cả hành trình, chúng tôi đã cùng ăn cùng ở, cùng vui, cùng làm với họ. Vừa thăm hỏi động viên nâng đỡ tinh thần những người bệnh tật, cô đơn, vừa phát quà tận tay đến những người nghèo khó, giúp các em nhỏ mồ côi có tấm áo ấm đến trường khi cái lạnh ở đây vẫn còn đeo bám các em.

Lấy chùa Tâm Bảo làm chỗ dừng chân, đoàn đã tặng 245 phần quà mỗi phần trị giá 1 triệu đồng gồm mì tôm, quần áo, chăn màn, gạo, mắm ruốc, thuốc chữa bệnh cho bà con nghèo ở Làng Mù và thị trấn Phú Bài huyện Hương Thủy. Lưng áo cà sa đẫm mồ hôi, thầy Thích Thiện Giác bê từng gói mì tôm, bao gạo trao tận tay cho bà con. Cứ mỗi lần như thế, bà con lại chắp tay trước ngực “A di đà Phật” như lời cảm ơn nhà chùa. Thầy Thích Thiện Giác ân cần: “Giúp đỡ người nghèo khó là gieo trong lòng chúng tôi cái đức cái nhân. Cuộn gói trong những phần quà nhỏ bé này là tấm lòng. Chúng tôi chỉ mong sẻ chia vơi bớt những khó khăn của bà con”. Thay mặt bà con, chị Tôn Nữ Thị Hào ở khu phố ba thị trấn Phú Bài xúc động: “Cảm ơn nhà chùa đã cứu trợ tiền quà cho chúng tôi. Mùa màng mấy năm nay thất bát, mưa lũ liên miên. Bà con vùng này còn nhiều khó khăn lắm. Có quà cứu trợ này chúng tôi ấm lòng hơn”.

Rời chùa Tâm Bảo, đoàn đến tặng quà cho bà con xung quanh khu vực chùa Diệu Viên ở xã Thủy Dương, Viện Dưỡng lão, trại trẻ em mồ côi; bà con nghèo huyện A Lưới 350 phần quà trị giá 350 triệu đồng, gồm tiền, mì tôm, gạo, quần áo, chăn màn, thuốc chữa bệnh bánh kẹo. Cả đoàn không ai cầm được nước mắt khi một cụ già hơn tuổi 80 lưng còng cõng cháu ngoại bị tật nguyền đến từ thôn A Ngo, xã A Diên huyện A Lưới. Ôm gói quà vào lòng, bà khóc “Bố mẹ nó chết trong trận lũ năm trước. Nó ở với tôi. Vậy là từ nay bà cháu tôi đã có màn, không bị muỗi đốt nữa”. Xúc động trước nghĩa cử cao đẹp, sư cô trụ trì chùa Diệu Viên, thay mặt bà con nói: “Bà con quanh vùng này đều nghèo khó. Nhiều gia đình ba thế hệ đều nghèo, và mù chữ. Năm nay mùa màng thất bát, cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm. Những phần quà cứu trợ này như san sẻ tình thương với bà con vùng sâu, các cụ già neo đơn, các em mồ côi không nơi nương tựa”.

Chiếc xe 16 chỗ do thầy Thích Thiện Giác cầm lái và 2 xe tải nhẹ chở chăn màn quần áo tiếp tục bò trên những con đường ngoằn ngoèo. Vượt qua những cánh rừng thưa già cỗi, chúng tôi đến với bà con nghèo của tỉnh Quảng Trị. Tại các xã Quảng Thái, Quảng Lợi, huyện Quảng Điền; xã Hải Hòa huyện Hải Lăng, thầy Giác và những người đi trong đoàn đã trao tặng 730 phần quà trị giá 730 triệu đồng cho bà con nghèo. Tại xã Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang tỉnh Hà Tĩnh, đoàn đã tặng 300 phần quà cho bà con.

Gần 1.500 phần quà chưa thể phát hết lượt cho những người nghèo khó, song ít nhiều đã giúp họ có bữa ăn no trong lúc đói lòng, đỡ lạnh hơn khi mùa đông giá rét, lúc cảm lạnh có dầu xoa nóng chân tay. Nói về việc cứu trợ của nhà chùa, thầy Thích Thiện Giác cho biết: “Tất cả tiền quà đều do phật tử ở thành phố Vũng Tàu đóng góp. Tuy chưa phải là nhiều nhưng đó là tấm lòng của nhà chùa mong được san sẻ miếng cơm manh áo với những người nghèo khó. Có đi đến những miền xa xôi hẻo lánh, mới biết bà con nhiều nơi còn khó khăn bội phần. Đã thành thông lệ, 12 năm rồi, vào tháng tư âm lịch chúng tôi lại tổ chức đoàn đi cứu trợ”. Điều gì đã khiến nhà chùa năm nào cũng đi cứu trợ cho bà con nghèo ở vùng sâu vùng xa? Tôi hỏi. “Điều khiến tim tôi thôi thúc, khiến chân tôi phải đi, khiến tay tôi phải làm là mang lại niềm vui và sẻ chia bớt khó khăn gian khổ với người nghèo khó. Đó là sự chia sẻ yêu thương. Hạnh phúc ấy gấp trăm ngàn vàng bạc” thầy Thích Thiện Giác trả lời.

Ươm hoa thơm cho người đời hái quả

Thầy Trần Văn Ngọc về trụ trì ở chùa Giác Hạnh Tự từ ngày giải phóng miền Nam năm 1975, thầy đến với Phật giáo như duyên trời định. Một cậu học trò gốc Huế mới 6 tuổi đã hướng cửa thiền môn. Những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước (1968), tăng sinh Ngọc đã cùng bà con Củ Chi, Hóc Môn TP Hồ Chí Minh rải truyền đơn biểu tình chống lại chế độ ngụy quyền Sài Gòn, nuôi giấu cán bộ cách mạng, cùng dân quân tự vệ cầm súng chiến đấu bảo vệ dân làng, bảo vệ chùa. Ngày giải phóng thị xã Vũng Tàu Côn Đảo năm 1975 (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), thầy về tiếp quản Giác Hạnh Tự. Một tay xây dựng cơ đồ trên đống đổ nát hoang tàn do bom đạn chiến tranh tàn phá, thầy Ngọc vừa luyện giáo lý Phật pháp, vừa xây dựng chùa. “Những năm đầu về tiếp quản xây dựng chùa, nói sao hết những khó khăn gian khổ. Song thầy trò chúng tôi vừa tu pháp Phật, vừa xây dựng để sớm có nơi có chốn cho bà con đến thăm, viếng, lễ bái. Có được cơ ngơi khang trang thanh tịch như hôm nay, là công đức của nhân dân”, thầy Ngọc nói.

Có một điều nhân dân bà con phường 11,12 rất kính trọng, khâm phục thầy là sự am hiểu pháp giáo và cắt nghĩa luân thường đạo lý ở đời. Mỗi người đến chùa có một hoàn cảnh khác nhau, song thường là khúc mắc chuyện làm ăn, uẩn khúc chuyện tình cảm, trắc trở đường nhân duyên, hay việc ma chay, hiếu hỉ…. Nỗi niềm của họ là đến chùa để tìm “hướng đi hướng thoát”. Còn nhà chùa “giải thoát” cho họ bằng nâng đỡ tinh thần lúc họ bất an, giúp họ trấn tĩnh an hòa lúc khó khăn hoạn nạn. Khuyên dạy điều lành việc thiện, răn dạy điều ác, tật xấu. Đó là gieo nhân tích đức để đời sau con cháu của họ gặt hái quả ngọt. Như cởi lòng mình, thầy Giác (học trò của thầy Ngọc, hiện là người trụ trì nói: “Sự sướng khổ ở đời này là kết quả của kiếp trước và là nguyên nhân của kiếp sau. Hôm nay ươm mầm hạt giống là để ngày mai hái quả. Con người cũng vậy, đời này ta sống có ích cho xã hội, có tâm, có đức, đời sau sẽ có trái thơm quả ngọt. Nhà chùa chỉ mong bà con bá tánh sống hòa thuận đoàn kết bình an hướng thiện, tốt đạo đẹp đời”.

Ngày cuối tuần, dân Sài Gòn đổ về thành phố Vũng Tàu du lịch như trảy hội. Họ sẵn sàng ném tiền vào nhà hàng, khách sạn, vũ trường hàng trăm triệu đồng để đổi lấy cuộc vui, hoặc bù khú bên những món ăn sa vàng hải vị. Ở góc Giác Hạnh Tự, thầy Ngọc, thầy Giác đang tất bật với những bao gạo, túi quần áo cũ, giỏ chăn màn của nhân dân ủng hộ nhờ nhà chùa đem cho bà con nghèo khó. Áo thiền sư thánh thót mồ hôi.

Khó có thể nói hết tấm lòng của thầy Ngọc, thầy Giác - những người tu hành có trái tim và tấm lòng vàng vì đồng loại nghèo khổ suốt 12 năm qua hành hương đi cứu trợ lương thực cho người nghèo. Ở đâu có người nghèo là ở đó có dấu chân thầy Giác, bất kể đó là Sóc Trăng, Đắk Nông, Lâm Đồng hay Hà Tĩnh xa xôi. Với những người cả đời dâng hiến vì đạo lý nhân sinh như thầy Ngọc, thầy Giác, thì có gì vui hơn là lấy đức làm trọng, lấy nhân quả của người đời làm niềm vui, lấy sự sinh tồn của chúng sinh làm đạo nghĩa, dẫu niềm vui ấy không ít nhọc nhằn và mồ hôi mặn chát.

Bài và ảnh:Mai Thắng