kết quả từ 1 tới 1 trên 1

Ðề tài: Nghi thức Giải Oan trong Đạo Cao Đài

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Nghi thức Giải Oan trong Đạo Cao Đài

    Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (gọi tắt là Đạo Cao Đài) là tôn giáo ra đời năm 1926 tại huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. Ngay khi mới thành lập, Đạo Cao Đài đã thu hút được sự hưởng ứng của nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giai cấp nông dân tham gia đông đảo, bởi tinh thần dung hợp giáo lý, lễ nghi tam giáo (Nho – Phật – Lão) của Đạo Cao Đài vừa gần gũi trong đời sống văn hóa, vừa mang tính huyền bí phù hợp với tâm linh của người dân Nam Bộ.



    Luyện Ma Ha Thủy



    Hành pháp Giải Oan

    Nghi lễ của Đạo Cao Đài được chia làm 02 bộ phận là: nghi lễ Thiên đạo (các nghi lễ cúng tứ thời, vía, đàn,… để tán tụng công đức của các Đấng Thiêng Liêng) và nghi lễ Thế đạo (nghi lễ vòng đời của con người để phổ độ, cứu rỗi chúng sanh).

    Nghi thức Giải Oan thuộc về nghi lễ Thế đạo có ý nghĩa trong tôn giáo là giúp các tín đồ cởi bỏ hết các oan nghiệt, nghiệp chướng của kiếp trước để giảm bớt những ảnh hưởng lên kiếp sống hiện tại. Nếu không được thọ phép Giải Oan thì kiếp này con người phải chịu nhiều hoạn nạn, tai ương, đau khổ triền miên do tội chướng kiếp trước tạo ra. Những người đến Tòa Thánh Tây Ninh xin thọ phép Giải Oan, đa phần mắc những bệnh như: “bệnh vong” (họ cho là có một hoặc nhiều vong hồn thường xuyên nhập vào xác), bệnh lạ (những căn bệnh mà họ đã đi chữa trị nhiều nơi nhưng không thuyên giảm),… Điều đáng quan tâm là kết quả sau khi được thọ phép Giải Oan của Đạo Cao Đài, đa số các tín đồ mắc bệnh đã dần hồi phục, một số người đã khỏe hẳn và trở lại bình thường.

    Nghi thức Giải Oan trong Đạo Cao Đài đã giúp các tín đồ vượt qua những bấc trắc trong cuộc sống, đem lại sự cân bằng về tinh thần cho bản thân của các tín đồ và người thân của họ.

    1. Nghi thức Giải Oan được tổ chức chính thức tại Tòa Thánh và các Thánh Thất địa phương vào ngày mùng 01 và 15 (sóc vọng) hàng tháng sau khi cúng thời Mẹo (06 giờ sáng). Riêng tại Tòa Thánh Tây Ninh, mỗi ngày đều có thể tổ chức hành lễ Giải Oan vào thời gian như trên nếu có tín đồ đến xin thọ phép Giải Oan.

    Người tín đồ muốn được thọ phép Giải Oan thì phải đến Lễ Viện Tòa Thánh để trình bày. Sau đó, người tín đồ sẽ được cấp một giấy hẹn để biết đến ngày, giờ thọ phép mà tập trung nơi Tòa Thánh. Hội Thánh sẽ cử một vị chức sắc (từ phẩm Giáo Hữu trở lên) để chủ trì các nghi thức phép Giải Oan. Đến ngày, người tín đồ mang theo giấy và đến Tòa Thánh trước 07 giờ sáng.

    Sau khi cúng thời sáng, Ban nghi lễ sẽ chuẩn bị một bàn gỗ nhỏ (gọi là bàn Nghi) đặt giữa Tòa Thánh. Trên bàn có chuẩn bị sẵn một thau nước lạnh (nước giếng) và một lư bằng đồng chứa nhang được cắt ngắn sau đó đốt toàn bộ nhang trong lư đồng sau đó dập tắt cho khói bay lên. Kế đến, vị chức sắc đi trước và các tín đồ đi theo sau phân chia nam tả, nữ hữu vào bái lễ Chí Tôn. Khi bái lễ xong, các tín đồ xin thọ phép vẫn quỳ tại chỗ, vị chức sắc đứng dậy xá 03 xá rồi bước đến cái bàn Nghi nhỏ và đưa mặt, tay vào làn khói nhang bay lên từ trong lư đồng với ý nghĩa là để khử trược rồi bắt đầu nghi thức giải oan theo 02 bước: luyện nước phép gọi là “Ma Ha thủy” (nghĩa đen là nước của con sông lớn linh thiêng ở Ấn Độ, đó là sông Gange, tức là sông Hằng. Đây là con sông mà Đức Phật Thích Ca xuống tắm, tẩy trần và đạt đạo)[1] và hành pháp Giải Oan.

    Luyện Ma Ha thủy bằng cách, người chức sắc đứng nghiêm trang trước Thiên bàn, định thần nhìn thẳng lên Thiên nhãn, dùng con mắt của mình vẽ một chữ [2] trong con ngươi của Thiên nhãn. Tiếp theo đó, dùng chân trái vẽ dưới đất một chữ rồi hai chân đứng trên chữ ấy, ký một chữ gọi là đạp Đinh Giáp.

    Tay trái bắt ấn Hộ Pháp để ngay ngực, tay phải cũng bắt ấn Hộ Pháp để trên thau nước, niệm danh hiệu Hộ Pháp, buông ấn ra, co ngón tay giữa vẽ bùa trên thau nước rồi xòe tay ra úp trên mặt thau. Sau đó nhắm con mắt truyền thần xuống nước, và niệm câu thần chú “Ma Ha thủy năng hủy oan nghiệt tội chướng chi đọa” rồi tiếp tục định thần cho đến khi thấy Thiên nhãn giáng trên mặt nước thì rút tay ra liền. Như vậy, Ma Ha thủy đã được luyện thành công.

    Sau khi luyện xong nước phép Ma Ha, vị chức sắc tiến hành phép giải oan. Vị ấy dùng ca múc nước trong thau bằng tay phải, đến trước mặt người được giải oan và có một vị chức sắc hoặc chức việc khác phụ tá, cầm một cái thau đi theo để khi vị chức sắc hành pháp đổ nước thánh thì vị này dùng thao để hứng lại. Vị chức sắc hành pháp sẽ tiến hành giải oan cho từng người khi đến người nào thì bảo người ấy cúi đầu xuống, dùng con mắt vẽ chữ ngay Nê hoàn cung (mỏ ác), vẽ vừa xong liền chụp 5 ngón tay trái lên mỏ ác, gọi là ấn Ngũ Hành Sơn, vừa chụp vừa niệm câu chú "Úm ma ni bát rị hồng”. Kế đến cầm ca nước đổ ngay xuống mỏ ác một giọt, niệm "Nam mô Phật", đổ xuống giọt thứ nhì niệm "Nam mô Pháp", rồi trút hết ca nước lên đầu niệm "Nam mô tăng, Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát”. Người nào được giải oan xong đứng dậy xá 03 xá và đứng sang một bên, chờ khi tất cả đã được hành pháp xong thì cùng bái lễ Đức Chí Tôn và theo vị chức sắc ra ngoài. Như vậy đã xong nghi thức giải oan. Phần nước dư lại trong thau sẽ được chia ra cho mỗi người uống một ly nhỏ.

    2. Nghi thức Giải Oancó chức năng quan trọng trong hệ thống nghi lễ Thế đạo. Nghiên cứu chức năng của nghi lễ tôn giáo không thể không nhắc đến nhà nhân học Bronislaw Malinowski (1884-1942). Trong vấn đề về nghi lễ và tôn giáo, trong tác phẩm “Ma thuật, khoa học và tôn giáo” Malinowski nhấn mạnh đến chức năng của tôn giáo và ma thuật trong đời sống hằng ngày của con người. Ông nhận thấy rằng các yếu tố khoa học trong đời sống ngày càng phát triển nhưng các niềm tin tôn giáo, ma thuật vẫn không mất đi. Malinowski nhấn mạnh đến chức năng tâm sinh lí của lễ nghi. Từ ngữ Chức năng ở đây được dùng theo nghĩa thứ hai, đó là: thỏa mãn những nhu cầu sinh vật chủ yếu (của cá nhân) thông qua những phương tiện văn hoá.[3] Theo Malinowski, bất kỳ văn hoá nào trong tiến trình phát triển của nó đều tạo ra một hệ thống cân bằng, ổn định, trong đó mỗi bộ phận của chỉnh thể đều thực hiện chức năng của nó.[4] Ông còn cho rằng “giải thích các tập tục hoàn toàn thông qua chức năng hiện có của chúng sẽ làm cho việc kiểm chứng được dễ dàng hơn vì thế khoa học hơn.”[5]

    Như đã trình bày, đạo Cao Đài có 02 bộ phận nghi lễ Thiên đạo và Thế đạo. Tuy nhiên, nghi lễ Thế đạo là nghi lễ phổ biến nhất và có vai trò quan trọng nhất trong việc phát triển tín đồ. Bởi lẽ, chính những nghi thức mang tính chất huyền bí thiêng liêng, có sự phù phép này đã góp phần làm củng cố niềm tin tôn giáo của người tín đồ và thu hút những người ngoài đạo.

    Chỉ tính trong tháng 08/2012 vừa qua, mỗi ngày có trung bình khoảng 05 người đến xin được thọ phép Giải Oan. Khi tiếp xúc với những người tín đồ đó và tìm hiểu cho thấy họ có những biểu hiện bệnh rất khác nhau: có những người phải chịu sự dằn vặt về thể xác khi có rất nhiều vong hồn bám theo và thường xuyên mượn xác để nhập vào, có người thì lúc nào cũng cảm thấy sự nguy hiểm luôn đeo bám, có vị thì cảm thấy khó chịu và buồn rầu triền miên. Tuy nhiên, môi trường sinh sống và hoàn cảnh gia đình của những người này tương đối giống nhau, họ đều là những tín đồ có cuộc sống gia đình kém hạnh phúc: có người làm ăn kinh doanh thua lỗ, dẫn đến nợ nần rồi đỗ vỡ gia đình, có vị phải chịu nhiều nỗi đau khi lần lượt mất đi những người thân yêu và có một số vị do mâu thuẫn về đức tin tôn giáo do chồng là người không có tôn giáo,…

    Những tín đồ đạo Cao Đài nêu nêu trên khi vướng vào những hoàn cảnh trớ trêu đó họ tìn đến tôn giáo của mình là điều hợp lý. Họ tìm đến Lễ Viện – Tòa Thánh Tây Ninh xin được thọ phép Giải Oan. Đến ngày thọ phép Giải Oan nơi Tòa Thánh để cầu mong Chí Tôn giúp họ giải trừ các căn bệnh khó hiểu nhằm “giải oan” cho bản thân. Như vậy, khi người tín đồ gặp những trắc trở, khúc mắc trong cuộc sống, họ thực hiện Nghi thức giải oan nhằm lấy lại sự cân bằng về tinh thần theo triết lý tôn giáo, họ đã được Đức Chí Tôn ân xá, gở bỏ hết những oan nghiệt kiếp trước và trấn an bằng sự huyền bí của bí tích.

    Sau nghi thức Giải Oan tại Tòa Thánh Tây Ninh, với niềm tin của một người tín đồ và sự động viên, thăm hỏi, giảng dạy giáo lý của các vị chức sắc cao cấp đã giúp họ có được phương pháp để sống hài hòa theo nếp sống Cao Đài.

    3. Các tôn giáo đều thừa nhận có thế giới bên kia (thế giới linh hồn) để từ đó mà có những cách cư xử với linh hồn và nghi lễ ở thế giới thực tại. Theo đó, thì cả hai thế giới này có mối tương quan chặt chẽ với nhau. Vì vậy, đạo Cao Đài với mục đích “đại ân xá, độ tận vạn linh” đã phát huy vai trò của tôn giáo trong việc cân bằng lại cuộc sống cho tín đồ.

    Nghi thức giải oan được thực hiện với tính thiêng liêng, huyền bí bởi những bí tích làm phép mà người tín đồ Cao Đài tin rằng nước giếng được chuyển thành nước phép Ma Ha để rửa sạch oan nghiệt kiếp trước cho họ hòa với niềm tin tôn giáo vốn có đã giúp người tín đồ Cao Đài được trấn an, giảm đi sự lo lắng, áp lực trong cuộc sống hiện tại, tương lại và cân bằng tinh thần. Ngoài ra, sự hướng dẫn và những lời thăm hỏi tận tình của các chức sắc đã giúp họ tự điều chỉnh cách ứng xử, lối sống để có cuộc sống thực tại ổn định, bền vững./.


    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Nhân học đại cương, 2008, NXB Đại học quốc gia Tp. HCM
    2. Robert Layton (Phan Ngọc Chiến dịch), 2007, Nhập môn lý thuyết nhân học, NXB Đại học quốc gia Tp. HCM.
    3. Một số tôn giáo ở Việt Nam, 1993, NXB Tôn giáo, Hà Nội
    4. Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh giữ bản quyền, 1975, Quan hôn tang lễ.
    5. Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh giữ bản quyền, 1992, Kinh Thiên đạo và Thế đạo.
    6. Website: http://caodaism.org
    __________________________________________________ ___

    [1] http://caodaism.org/CaoDaiTuDien/m/m1-005.htm#01

    [3] Robert Layton (Ths Phan Ngọc Chiến dịch) (2007), Nhập môn lý thuyết nhân học, NXB Đại học quốc gia TP. HCM, tr 62
    [4] Nhân học đại cương, NXB Đại học quốc gia TP. HCM, tr 25
    [5] Robert Layton (Ths Phan Ngọc Chiến dịch) (2007), Nhập môn lý thuyết nhân học, NXB Đại học quốc gia TP. HCM, tr 56
    Last edited by kiennguyen; 14-08-2013 at 10:54 AM.
    NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA NÓI VỀ CHÚA GIÊSU
    By vohinh69 in forum Đạo Thiên Chúa
    Trả lời: 52
    Bài mới gởi: 30-12-2015, 10:54 AM
  2. SƯ ÐỊA LUẬN THÍCH
    By phanquanbt in forum Đạo Phật
    Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 27-05-2013, 02:57 PM
  3. Ấn chứng đắc đạo trong Cao Đài
    By kiennguyen in forum Đạo Cao Đài
    Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 05-10-2012, 10:28 AM
  4. Chi phái Cao Đài
    By kiennguyen in forum Đạo Cao Đài
    Trả lời: 11
    Bài mới gởi: 30-12-2011, 08:28 PM
  5. Nghi thức tang lễ trong Đạo Cao Đài
    By mynhan in forum Đạo Cao Đài
    Trả lời: 7
    Bài mới gởi: 27-02-2011, 08:00 AM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •