Ngày nay, ăn chay đang trở thành xu hướng ẩm thực thịnh hành trên thế giới, đặc biệt ở một số quốc gia đang phát triển vì ăn chay có lợi cho sức khoẻ, giúp ngăn ngừa được nhiều bệnh tật và bảo vệ môi trường sinh thái.

Ở Việt Nam, ăn chay mang ý nghĩa tâm linh và cũng là nét đẹp văn hoá của dân tộc ta. Vào dịp đầu xuân năm mới, người Việt thường ăn chay bên cạnh việc đi chùa lễ Phật, hái lộc đầu năm để cầu phúc cho gia đình. Đặc biệt, ăn chay và ăn chay ngày Tết là hiện tượng khá phổ biến ở các gia đình người dân Nam Bộ. Tìm hiểu việc ăn chay của người tín đồ Cao Đài cũng góp phần tìm hiểu bản sắc văn hoá của người dân Nam Bộ, trong đó có văn hoá Tết.

Hầu hết các tôn giáo chính thống đều có luật lệ quy định về việc ăn chay cho tín đồ. Vậy, người tín đồ Cao Đài ăn chay như thế nào ? Việc ăn chay, Đức Chí Tôn có giảng dạy tín đồ như sau: “Kẻ nào đặng trai giới mười ngày trở lên, thọ bửu pháp đặng. Chư môn đệ phải trai giới. Vì tại sao? Chẳng phải Thầy còn buộc theo cựu luật, song luật ấy rất nên quý báu, không giữ chẳng hề thành Tiên, Phật đặng”. Theo đó, “Phải có một thân phàm tinh khiết mới xuất chơn thần tinh khiết. Nếu các con ăn mặn luyện đạo rủi có ấn chứng thì làm sao mà giải tán cho đặng. Vì vậy, Thầy buộc các con phải trường trai mới đặng luyện đạo”.

Trong Tân luật của đạo Cao đài quy định:

Điều thứ mười hai: Trong hàng tín đồ có hai bậc:Một bậc còn ở thế, có vợ chồng làm ăn như người thường, song buộc phải giữ trai kỳ, hoặc 6 hoặc 10 ngày trong tháng, phải giữ Ngũ giới cấm và phải tuân theo Thế luật của Đại Đạo truyền bá. Bậc này được gọi là người giữ Đạo mà thôi, vào phẩm Hạ thừa.Một bậc đã giữ trường trai, giới sát và Tứ đại điều quy, gọi là vào phẩm Thượng thừa.

Điều thứ mười ba: Trong hàng Hạ thừa, ai giữ trai kỳ từ 10 ngày trở lên, được thọ truyền Bửu pháp, vào tịnh thất có người chỉ luyện Đạo.

Như vậy, các đạo tâm sau khi nhập môn trở thành tín đồ của đạo Cao Đài thì việc ăn chay là một quy định bắt buộc. Mới nhập môn chưa quen ăn chay thì người tín đồ chỉ tập ăn chay mỗi tháng 6 ngày, gọi là lục trai, gồm các ngày mùng 1, mùng 8, ngày 14, 15, 23 và 30 Âm lịch. Trải qua 6 tháng quen rồi, người tín đồ cần phải tiến lên một nấc cao hơn là ăn chay mỗi tháng 10 ngày, gọi là thập trai, gồm các ngày mùng 1, mùng 8, ngày 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29 và 30 Âm lịch, tháng nào thiếu (không có ngày 30) thì ăn chay ngày 27 thế vào cho đủ 10 ngày chay. Khi giữ được 10 ngày chay quen rồi, nên tiến lên một nấc thang cao hơn nữa là ăn chay suốt trong 3 tháng Âm lịch, đặc biệt: Tháng Giêng (Thượng ngươn), tháng Bảy (Trung ngươn), tháng Tám (Hạ ngươn). Sau đó có thể tiến lên bậc Thượng thừa tức là ăn chay trường (ăn chay suốt đời) luôn thì rất tốt.

Việc ăn chay trong đạo Cao Đài là vô cùng quan trọng, ăn chay là thể hiện lòng từ bi thương yêu và tôn trọng sự sống của muôn loài vạn vật, ăn chay sẽ giúp cho tâm hồn được thanh khiết không có vướng bận quá nhiều trượt khí và sau khi chết đi sẽ dễ dàng thăng về chín tầng trời và quy hồi về nơi Bạch Ngọc Kinh. Đặc biệt, ăn chay là nhằm giữ điều thứ nhất của Ngũ giới cấm - “bất sát sanh”. Ngũ giới cấm là giới luật rất quan trọng đối với người tín đồ, đặc biệt là người tu ở bậc Thượng thừa, nếu không giữ tròn Ngũ giới cấm thì không thể đắc đạo được. Người tín đồ Cao Đài cho rằng nếu ăn chay trường thì sẽ giữ được Ngũ giới cấm dễ dàng hơn vì:

Thứ nhất, ăn chay trường sẽ tránh được sự sát sinh trong ăn uống. Đã không nỡ giết hại sinh vật để ăn thịt thì cũng không nỡ giết chúng để làm trò chơi (bất sát sanh).

Thứ hai, nếu không ăn thịt thì cũng kiêng được rượu dễ dàng, vì rượu và thịt luôn đi kèm với nhau như hình với bóng (bất tửu nhục).

Thứ ba, không ăn thịt, không uống rượu thì dục lòng lắng xuống nên không nghĩ đến tà dâm (bất tà dâm).

Thứ tư, nhờ ăn chay trường mà lòng tham vật chất không có cơ hội nẩy nở, vì đã tu rồi thì còn cầu chi tiền tài, của cải. Do đó việc trộm cướp hay gian lận tài sản của người khác rất ít khi xảy ra (bất du đạo).

Thứ năm, nhờ ăn chay trường mà tâm hồn trở nên thanh cao, tránh được việc nói dối, lừa gạt người, gây đau khổ cho người mà đem lợi lộc về cho mình (bất vọng ngữ).

Các thức ăn chay của người đạo Cao Đài là các loại thực phẩm hoàn toàn xuất phát từ thảo mộc hoặc được chế biến từ thảo mộc như rau đậu, hoa quả, ngũ cốc, không dùng bất cứ sản phẩm động vật nào, dù nhỏ hay lớn. Các thứ này nhờ hấp thụ trực tiếp ánh sáng mặt trời, dưỡng khí, đạm khí của không khí, lại hấp thụ các chất khoáng trong lòng đất, nên các thức ăn chay có hai tác dụng bổ dưỡng: Bổ dưỡng xác thân nhờ những chất khoáng hấp thu trong lòng đất và đạm khí trong không khí; Bổ dưỡng chơn thần nhờ hấp thu ánh sáng và dưỡng khí.

Như vậy, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, với chế độ ăn chay đầy đủ gồm nhiều rau đậu, ngũ cốc và trái cây, thì ăn chay rất tốt so với ăn mặn vì nó bổ dưỡng cả thể xác và chơn thần. Ăn chay không nhất thiết phải quá khắc khổ mà vẫn chú trọng dinh dưỡng đầy đủ để cơ thể khoẻ mạnh, tinh thần sáng suốt mới đủ sức đi trọn con đường tu học hành đạo. Người ăn chay trường lâu năm tạo được vùng hào quang trong sáng nơi đỉnh đầu, chơn thần cũng được trong sáng, tinh tấn, nhẹ nhàng.

Hầu hết người tín đồ Cao Đài đều tôn trọng và tuân thủ nghiêm túc luật Đạo về việc ăn chay. Họ đều ăn chay ít nhất 10 ngày trong một tháng, trong đó rất đông tín đồ thuần thành, nhất là những người nhiều tuổi đạo thì đều ăn chay trường. Nhiều tín đồ Cao Đài chọn ăn chay trường như là một cách để tu hành tại gia và mang lại sự tĩnh tâm, cân bằng cho cuộc sống của họ. Ví như ở Tây Ninh, phần đông người dân ở đây là tín đồ của đạo Cao Đài nên món chay ở đây rất đa dạng, phong phú và số người ăn chay rất nhiều, họ không chỉ ăn chay 10 ngày trong tháng mà nhiều người ăn chay trường, nhiều gia đình ăn chay 1/3 tháng hoặc cả tháng Giêng. Đặc biệt, vào những ngày 30, mùng 1, 14, rằm, bộ phận trai đường của Toà Thánh Tây Ninh luôn bận rộn chuẩn bị những bữa cơm chay thịnh soạn, trước cúng, sau để mời khách thập phương miễn phí. Các bữa chay ở Toà Thánh Tây Ninh có vị ngon thuần khiết từ rau đậu, củ quả tươi do bổn đạo tự tay chăm sóc trong vườn nhà hoặc chọn mua mang đến cúng hiến.

Theo truyền thống, tháng Giêng là tháng ăn chay đối với những người theo đạo Cao Đài. Người tín đồ Cao Đài quan niệm ăn món gì thì cúng ông bà tổ tiên món ấy. Cúng chay ngày Tết mang ý nghĩa cầu mong cho cửu huyền thất tổ được nhiều phước lành, được thanh thản và sớm siêu thoát. Mặt khác, Tết là dịp gia đình đoàn tụ, con cháu làm ăn sinh sống ở khắp nơi quần tụ về mái ấm gia đình. Để cầu phúc cho ông bà, cha mẹ và những thành viên trong gia đình thì mâm cỗ chay là không thể thiếu trong những ngày xuân. Ăn chay ngày Tết giúp cho mỗi người thanh tịnh tâm hồn hướng về điều lành, điều thiện và cầu phúc đức, an lành, may mắn cho gia đình trong năm mới. Cùng nhau xum vầy thưởng thức những bữa cơm chay giản dị trong những ngày xuân sẽ trở nên đầm ấm, thắm đượm đạo lý và chan hoà tình cảm hơn bao giờ hết. Bữa cơm chay đã mang đến cho con người sự an lạc và thanh tịnh để mỗi người lắng đọng tâm hồn mình chiêm nghiệm cuộc đời nhân lúc xuân sang và cũng là dịp để mọi người cùng hướng về tổ tiên, bày tỏ lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Vì vậy, ăn chay là nét đẹp văn hoá trong mỗi gia đình tín đồ đạo Cao Đài, góp phần tạo nên bản sắc văn hoá của người dân Nam Bộ./.