Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm là một người đàn bà Việt Nam có thi tài đặc biệt trong đầu thế kỷ 18. Bà đã để lại cho hậu thế nhiều thi phẩm bằng chữ Nho và diễn Nôm xuất sắc “Chinh Phụ Ngâm”, đặc biệt, bà chia sẻ những tình cảm thương nhớ, đau khổ của người chinh phụ trong cảnh vợ chồng ly biệt vì người chồng bận đi chinh chiến. Sau khi mất, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã giáng cơ ban cho đạo Cao Đài thi phẩm “Nữ Trung Tùng Phận”, giáo hóa nữ tín đồ Cao Đài làm tròn trách vụ của người phụ nữ trong Nhơn Đạo và Thiên Đạo, và 8 bài kinh tụng trong tang lễ của phần Thế đạo trong Quyển Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo.

Bài viết nầy sẽ giới thiệu sơ lược tiểu sử của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm và hoàn cảnh xã hội, tạo cho bà nguồn cảm hứng để diễn nôm thi phẩm “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn, cùng trích dẫn thi phẩm “Nữ Trung Tùng Phận” và 8 bài kinh.

Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, hiệu là Hồng Hà, người làng Hiếu Phạm, huyện Văn Giang, xứ Kinh Bắc (Bắc Ninh). Bà là con gái ông Đoàn Doãn Nghi, và là em gái ông giám sinh Đoàn Doãn Luân (1). Bà sanh năm Ất Dậu (1705), thời nhà Lê Trung Hưng, đời vua Lê Hy Tông. Chúa Trịnh là Định Vương Trịnh Cán, và Chúa Nguyễn ở phương Nam là Nguyễn Phúc Chu (3), (4).

Nữ sĩ từ nhỏ rất thông minh, thi tài lỗi lạc. Xin trích dẫn vài giai thoại văn chương rất lý thú về nữ sĩ Đoàn Thị Điểm:

“... Anh Luân thấy cô Điểm đang soi gương trang điểm nơi cửa sổ, liền ra câu đối:
Đối kính họa mi, nhứt điểm phiên thành lưỡng điểm.

Cô Điểm đối lại:
Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân.

Nghĩa là:
Trước gương vẽ mày, một điểm hóa thành hai điểm, cũng có nghĩa là một cô Điểm hóa thành hai cô Điểm.

Tới ao xem trăng, một vừng tròn chuyển thành hai vừng, cũng có nghĩa là một anh Luân chuyển thành hai anh Luân.

Sự tài tình ở đây là cảnh rất thực, dùng được tên 2 người, đúng với cảnh vẽ mày và ngắm trăng”.


Một giai thoại khác về nữ sĩ Đoàn Thị Điểm và Trạng Quỳnh:

“Một hôm, cô Điểm đang ngồi bên cửa sổ thì Trạng Quỳnh tới, cô liền đọc một câu thách đối:

Song song là hai cửa sổ, hai người ngồi trong cửa sổ song song.

Trạng Quỳnh đối không được, chịu thua, rút lui. Lần khác, cô Điểm gặp Trạng Quỳnh đi theo cô lên phố Mía, Sơn Tây. Cô đứng lại, chờ Quỳnh tới, đọc một câu thách đối:

Lên phố mía gặp cô hàng mật, cầm tay kẹo lại hỏi thăm đường.

Trạng Quỳnh lại chịu thua nữa, vì câu thách đối ra toàn là mía, đường, mật, kẹo, nên không thể kiếm ra chữ để đối lại. Lần khác nữa, Trạng Quỳnh lại gần chỗ cô Điểm tắm, cô biết vậy, liền ra một vế thách đối:

Da trắng vỗ bì bạch

Bì là da, bạch là trắng, nhưng hai tiếng nầy theo nghĩa nôm là để tượng thanh, tiếng vỗ vào da thịt. Trạng Quỳnh cũng đành chịu thua keo nữa”.
(3)

Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm có thi tài đặc biệt, lời thơ tao nhã. Bà còn là một phụ nữ mẫu mực, nho phong, đầy đủ hiếu thảo, nghĩa khí, giữ gìn tứ đức, tam tùng (3). Năm 37 tuổi, bà thành hôn với ông Nguyễn Kiều, tự Hạo Nhiên, người huyện Từ Liêm, xứ Sơn Tây, đổ tiến sĩ năm 1715, làm quan tới chức binh bộ tả thị lang (1). Bà thường dạy học ở chốn kinh thành, học trò theo học cũng đông. Bà có soạn quyển Tục Truyền Kỳ bằng chữ nho, (2) (1).

Nguyên văn Chinh Phụ Ngâm bằng chữ nho do ông Đặng Trần Côn viết. Hoàn cảnh xã hội dưới thời Lê Cảnh Hưng: Trong nước loạn lạc, quân lính phải đi đánh dẹp các nơi. Ông Đặng Trần Côn thấy những cảnh biệt ly trong dân gian, mới soạn ra khúc nầy. Nhiều người nhưông Phan Huy Ích, bà Đoàn Thị Điểm đem dịch ra lời Nôm, nhưng bản dịch của bà Đoàn ThịĐiển hay hơn cả, nên còn truyền đến bây giờ... Tuy nhiên, có thuyết cho rằng bản dịch Nôm nầy là của ông Phan Huy Ích, như Hoàng Xuân Hản trong tập sách “Chinh Phụ Ngâm bị khảo, xuất bản năm 1953 quả quyết, (5) và ông Nguyễn Văn Xuân trong “Chinh Phụ Ngâm diễn âm tân khúc”, nhà xuất bản Lá Bối, in lần thứ nhứt năm 1972, Sài Gòn, Việt Nam, (6).


Trong “Lời Tựa”, ông Nguyễn Văn Xuân xác quyết ông Phan Huy Ích là người diễn Nôm “Chinh Phụ Nhâm diễn âm tân khúc” sau khi ông tìm thấy một bản “Chinh Phụ Ngâm diễn âm tân khúc” chép tay ở Huế năm 1970. Tuy nhiên, cả hai luận thuyết của ông Hoàng Xuân Hản và Nguyễn Văn Xuân không có cơ sở chắc chắn đủ sức thuyết phục.

Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm mất ngày mồng 9 tháng 11 năm Mậu Thìn (1748) trên đường theo chồng, ông Nguyễn Kiều, về giữ chức tham thi ở trấn Nghệ An (5) Sau khi mất, nữ sĩ đã giáng cơ ban cho đạo Cao Đài thi phẩm “Nữ Trung Tùng Phận” (năm 1933) và 8 bài kinh tụng trong tang lễ (năm 1935). Đạo Cao Đài được khai mở vào ngày rằm tháng 10 năm Bính Dần (1926) tại chùa Gò Kén (tức Từ Lâm Tự), làng Long Thành, quận Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, Việt Nam. Miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ là thuộc địa của Pháp, nên dân trí còn thấp, đặc biệt, nữ giới ít có cơhội đến trường học để học hỏi, mở mang kiến thức. Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã giáng cơ ban cho nữ phái đạo Cao Đài một thi phẩm nặng tính giáo dục. “Nữ Trung Tùng Phận” là một thi phẩm độc nhứt vô nhị trong kho tàng văn chương Việt Nam, vì nó không do một con người bằng xương bằng thịt nơi cõi phàm trần sáng tác, mà do một đấng nữ tiên nơi Thượng Giới dùng huyền diệu cơ bút của tiên gia trong đạo Cao Đài viết ra. Đấng nữ tiên đó là nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, mà chơn linh là một tiên nương nơi Diêu Trì Cung của Đức Phật Mẫu...

“Đây là một tác phẩm giáo dục, dạy Nữ phái về Nhơn đạo và Thiên đạo. Nhơn đạo gồm Tứ Đức và Tam Tùng. Khi Nhơn đạo xong thì người phụ nữ cần tiến lên tu Thiên đạo, cầu sự giải thoát khỏi luân hồi.Trong thời Hạ nguơn Mạt kiếp, khoa học tiến bộ vượt bực, làm cho nền văn minh vật chất lấn át cả tinh thần, đưa nhơn loại xu hướng vào đường vật dục hơn là đạo đức tinh thần, làm cho nền tảng đạo lý suy đồi, luân thường điên đảo.May mắn cho nhơn loại, Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng trần mở Đạo Cao Đài để cứu vớt nhơn sanh, lập nên 5 nấc thang tiến hóa cho nhơn loại, mà khởi đầu là Nhơn đạo, tiến lên kế trên là Thần đạo, rồi Thánh đạo, Tiên đạo và nấc thang thứ năm là Phật đạo.

Trong phần Nhơn đạo, Đức Chí Tôn chủ trương "Nho Tông Chuyển Thế", nghĩa là lấy tinh hoa của giáo lý Nho giáo làm căn bản để giáo hóa nhơn sanh, chỉnh đốn kỷ cương xã hội, khiến cho đời dần dần trở nên thuần lương đạo đức, đưa xã hội loài người tiến đến hòa bình Đại đồng Huynh đệ. Trong chiều hướng đó, nhiều Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật, giáng cơ giảng dạy về Nhơn đạo, trong đó có Tiên Nương Đoàn Thị Điểm giáng cơ viết nên tác phẩm “Nữ Trung Tùng Phận” có mục đích giáo hóa Nữ phái, lấy Nhơn đạo làm nền tảng. Người phụ nữ cần phải trau giồi Tứ Đức, thực hành Tam Tùng, giúp chồng làm nên sự nghiệp, dạy dỗ con cái thành nhơn chi mỹ, hữu ích cho xã hội. Khi đã xong phần Nhơn đạo thì nương theo bóng Đức Chí Tôn tìm lên những nấc thang tiến hóa cao hơn là Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo và Phật đạo, mà vượt qua bể khổ, thoát đọa luân hồi.

“Nữ Trung Tùng Phận” là một áng văn chương tuyệt tác, siêu phàm, được Đoàn Tiên Nương giáng cơ viết ra gồm 1401 câu thơ song thất lục bát, cùng một thể thơ với tác phẩm Chinh Phụ Ngâm. Tiên Nương Đoàn Thị Điểm viết “Nữ Trung Tùng Phận” với tất cả kinh nghiệm sống của Bà trong suốt kiếp sanh nơi cõi trần: Làm con trong gia đình, phụng dưỡng cha mẹ già, làm em giúp đỡ lo lắng cho anh chị và các cháu, rồi làm vợ, làm mẹ (mẹ nuôi), cộng với sự thông huệ của một bậc Thiên Tiên nơi cõi thiêng liêng, nên tác phẩm “Nữ Trung Tùng Phận” xuất sắc hơn nhiều so với Chinh Phụ Ngâm về phương diện nhẹ nhàng, thanh thoát, đầy lòng bác ái, vị tha. Đức Chí Tôn có nói trước rằng: "Nam phong thử nhựt biến Nhơn phong.", nghĩa là: Nền Phong hóa của người Việt Nam ngày ấy sẽ trở thành nền Phong hóa của nhơn loại, tức là nhơn loại ngày sau sẽ học tập và làm theo Phong hóa Việt Nam. Do đó, cần phải củng cố và chấn chỉnh nền Phong hóa nước nhà cho tốt đẹp, vẹn toàn thì mới làm gương mẫu được. Nền Phong hóa đó phải bắt đầu từ gia đình, mà người phụ nữ là người đảm nhiệm vai tuồng quan trọng nhứt. Cần phải hướng dẫn người phụ nữ trở lại nền nếp tốt đẹp thời xưa với Tứ Đức, Tam Tùng, nhưng chỉ nên giữ lai phần tinh hoa tốt đẹp, bỏ bớt những điều làm giảm nhân cách phụ nữ và bất bình đẳng với Nam phái, cho hợp với trình độ tiến hóa của nhơn sanh ngày nay.


Nội dung của tác phẩm Nữ Trung Tùng Phận là lời tự thuật của một phụ nữ có sắc đẹp, có tài năng và đức hạnh, kể từ lúc tuổi thanh xuân, rồi có chồng, theo về nhà chồng, phục vụ cho chồng và gia đình chồng, sanh con đẻ cái, nuôi dạy con cho khôn lớn, đến lúc tuổi già, răng long đầu bạc, qui y lo việc tu hành và thoát xác về Tiên.

Cầm bút ngọc đề thi tự thuật,
Một kiếp sanh của bậc văn tài.
Nêu gương tuyết giá hậu lai,
Gỡ trong muôn một những bài sanh ly.

Tiên Nương Đoàn Thị Điểm mượn lời tự thuật nầy để giáo dục Nữ phái, lúc tuổi trẻ phải lo cho tròn Nhơn đạo, giữ vững Tứ Đức, Tam Tùng, giúp chồng và gia đình nhà chồng, nuôi dạy con cái lớn khôn nên người. Đến lúc trung niên, thì xong phần Nhơn đạo, người phụ nữ cần tiến lên tu phần Thiên đạo thì mới mong giải thoát khỏi kiếp luân hồi.

Tác phẩm nầy được Bà giáng cơ bắt đầu viết vào ngày 26-2-Quí Dậu (1933), nên nội dung tác phẩm cũng căn cứ vào hiện tình xã hội của nước Việt Nam ta thời đó. Đó là thời mà miền Nam Việt Nam (Nam Kỳ) là thuộc địa của nước Pháp, Trung Kỳ thì vẫn do vua quan nhà Nguyễn cai trị, nhưng đặt dưới sự bảo hộ của Pháp, xã hội vẫn còn

phong kiến như thuở Bà Đoàn Thị Điểm sanh tiền, Nữ chưa được bình quyền cùng Nam.

Mở đầu tác phẩm, Tiên Nương Đoàn Thị Điểm thúc giục Nữ phái phải lo học tập văn hóa trong lúc tuổi còn niên thiếu, vì Bà cho rằng phụ nữ chưa được bình quyền cùng nam là vì dốt nát, nên bị khinh rẻ.

Dụng văn hóa trau tria nữ phách,
Lấy kinh luân thúc thách quần hồng

Trong gia đình, người mẹ gần gũi, thân cận với con nhiều hơn cha, nên việc giáo dục của mẹ đối với con lúc con còn thơ bé rất là quan trọng.

Trong phần tiếp theo là lời Mẹ dạy con trai và con gái.

Mẹ dạy con trai: (từ câu 357 đến 592: 236 câu)

Dạy con đạo Nhơn luân, gồm Ngũ luân: Cách cư xử đối với quốc gia, đối với cha mẹ, đối với vợ, đối với anh em và đối với bạn bè

Đối với quốc gia dân tộc, phải có lòng yêu nước và lòng trung thành (Trung):

Nếu đề đặng tinh trung hai chữ,
Vạch lưng con viết thử để dành.
Rủi cơn loạn quốc khuynh thành,
Tấm gan liệt sĩ cũng đành độ dân.

Dạy con phải có hiếu với cha mẹ (Hiếu):

Con ví biết trọng nghì phụ tử,
Hiển tông môn khá giữ nơi lòng.
Đừng làm nhục tổ hổ tông,
Lập thân trả hiếu nối dòng truyền hương.

Dạy con phải biết tôn kính thầy (Kính):

Tôn kỉnh thầy cũng bì cha trẻ,
Mới đắc truyền mọi lẽ cao sâu.
Học hay kế nhiệm mưu mầu,
Học nên tài đặng giải sầu quốc gia.

Dạy con trai khi lớn lên, có vợ thì phải biết thương yêu, giúp đỡ vợ nhà, ăn ở cho có tình nghĩa, thủy chung:

Tình phu phụ biết bao nghĩa trọng,
Đạo nhơn luân gầy sống của đời.
Dầu cho non nước đổi dời,
Còn niềm chồng vợ, còn người còn ta.

Mẹ dạy con gái: (từ câu 593 đến 712: 120 câu).

Con gái phải lo trau giồi Tứ Đức: Công, Dung, Ngôn, Hạnh, và giữ lấy Tam Tùng: Tùng phụ, Tùng phu, Tùng tử.

Mẹ dạy con gái về Dung:

Phàm phận gái đứng hàng khuê các,
Phải trau tria tướng hạc hình mai.
Chín tầng cửa đóng then gài,
Ra ngoài nghiêm nghị, trong bày đoan trang.

Mẹ dạy con gái về Ngôn:

Đối với khách đồng bàn đồng tuổi,
Nhớ cho hay lời nói giọng cười.
Ngôn từ ngọt dịu thanh tươi,
Tiếng tiêu khải phụng, phục người mới ngoan.

Mẹ dạy con gái về Công:

Gặp cơn rảnh nhà lan vắng khách,
Công chỉ kim, đèn sách học hay.
Trăm nghề dầu chẳng đủ tài,
Dệt văn Tô Huệ gỡ đày chinh phu.

Dạy con gái về Hạnh:

Sửa từ nết ngày thâu tập tánh,
Trăm hạnh hay bởi tránh điều thô.
Xấu xa rách rưới lõa lồ,
Đoan nghiêm tánh đức cũng cho gái lành
.

Dạy con gái lúc chưa chồng, thì ở nhà phải tùng Cha (Tùng phụ) và phải hiếu thảo với cha mẹ:

Còn đương thuở tuổi xanh thơ bé,
Rán theo cha học lễ, học văn.
Phép xưa tùng phụ đã rằng,
Dựa thân cội tử đợi hàng trượng phu.

Dạy con gái khi có chồng thì phải tùng chồng (Tùng phu) và giữ lòng chung thủy với chồng:

Đến lúc đã chung phòng hòa hiệp,
Phải tùng phu là phép xưa nay

Người phụ nữ, nếu gặp phải số phận bạc bẽo, gãy gánh giữa đường thì điều cao quí nhất vẫn là giữ lòng chung thủy với chồng, ở vậy nuôi con và dạy dỗ con, hy sinh bản thân mình để tạo sự nghiệp cho con, hơn là tái giá, bước thêm bước nữa (Tùng tử):

Thôi đành gởi tâm hồn gió tuyết,
Theo nương con cho hết Tam Tùng.
Hoặc là tròn nghĩa thủy chung,
Hoặc là chia dạ não nùng với con.

Tu thì nên luyện đạo và sẽ được đắc đạo tại thế:

Bế ngũ quan, không kiêng tục tánh,
Diệt lục trần xa lánh phàm tâm.
Mệnh Thiên giữ vững tay cầm,
Đoạt phương tự diệt, giải phần hữu sinh
Ngũ khí thanh diệt trừ quả kiếp,
Linh quang đầy đặng tiếp hồng ân.
Xác tại thế đã nên Thần,
Ba mươi sáu cõi đặng gần linh Thiên.

Rán cầm viết ghi lại những kinh nghiệm sống của đời mình để lưu lại khuyên dạy Nữ phái:

Gắng cầm viết nín hơi sống rốt,
Đề năm vần khắc cốt nữ lưu.
Dứt tình ái, giải sầu ưu,
Hễ thương thì cũng lo mưu giữ mình.

Nhiệm vụ đã xong, linh hồn thoát xác về Tiên, hưởng hồng ân của Đức Chí Tôn:

Buông ngọn viết vào làn mây trắng,
Hễ có thương nhớ dạng là hơn.
Cảnh Thiên gởi tấc hương hồn,
Đề câu tiết nghĩa vĩnh tồn hậu lai.
Đời đời danh chói Cao Đài.

Tác phẩm Nữ Trung Tùng Phận của Tiên Nương Đoàn Thị Điểm viết ra vào năm 1933, lúc đất nước ta còn phong kiến và Pháp thuộc, nên thích hợp với hoàn cảnh xã hội thời đó, nhưng so với hoàn cảnh của người phụ nữ thời nay có nhiều đổi mới thì tác phẩm có một số chi tiết không còn thích hợp nữa”. (3)

Sau đó 2 năm, vào năm Ất Hợi (1935), Tiên Nương Đoàn Thị Điểm giáng cơ ban cho Đạo Cao Đài 8 Bài Kinh thế đạo dùng để tụng trong tang lễ:

Xin trích dẫn vài đoạn trong mỗi bài kinh:

Kinh Tụng Khi Vua Thăng Hà

... Ơn tấc đất ngọn rau nên nặng,
Đạo quân-vương chữ dặn nơi lòng....

Địa vị cao trọng sau vua là thầy dạy ta học:

Kinh Tụng Khi Thầy Qui Vị

Đường công-danh càng nhìn quảng-đại,
Nghĩa thầy trò nghĩ lại khó quên.
Vái cùng Sư-Phụ linh thiêng,
Chứng lòng đệ-tử đáp-đền ơn xưa.
Dầu hoạn-lộ chưa vừa sở nguyện,
Dầu cửa quyền trọng tiếng chăn dân.
Ơn cha sanh-hóa ra thân,
Ơn Thầy giáo-huấn cũng gần như nhau...


Sau vua, thầy, thì tổ phụ là các đấng có công tạo lập, lưu truyền các thế hệ về sau:

Kinh Cầu Tổ Phụ Đã Qui Liễu

Giọt máu mủ lưu truyền tại thế,
Con nhẫng mong truyền kế lửa hương...
Công sanh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ là trọng:
Kinh Tụng Cha Mẹ Đã Qui Liễu
Ơn cúc dục cù-lao mang nặng,
Lỡ thân côi mưa nắng khôn ngừa.
Âm-dương cách bóng sớm trưa,
Thon-von phận bạc không vừa hiếu thân...
Ơn cúc dục cù-lao mang nặng,
Lỡ thân côi mưa nắng khôn ngừa.
Âm-dương cách bóng sớm trưa,
Thon-von phận bạc không vừa hiếu thân...

Kế đến, là bà con, thân bằng cố hữu cũng đã chia sẻ buồn vui của cuộc đời:

Kinh Cầu Bà Con Thân Bằng Cố Hữu Đã Qui Liễu

... Đã tầng chịu khó khăn kiếp sống,
Định tâm thần giải mộng Nam Kha.
Càn khôn để bước Ta bà,
Đoạt cơ thoát tục tạo nhà cõi Thiên...

Anh em cùng sống chung dưới mái nhà, cùng chia ngọt, xẻ bùi:

Kinh Tụng Huynh Đệ Mãn Phần

Niềm thủ-túc đã đành vĩnh-biệt,
Càng nhớ nhau, càng tiếc tình nồng.
Thân nhau từ buổi lọt lòng,
Chén cơm miếng cá cũng đồng chia nhau.
Câu chọc ruột còn đau-đớn bấy,
Huống âm-dương hết thấy mặt nhau,
Rẽ phân cốt nhục đồng-bào,
Cảnh thiên cõi tục lẽ nào không thương...

Đặc biệt hơn cả, người phối ngẫu là người đã chia sẻ hạnh phúc, cùng chung chịu gian truân trong cuộc sống, là người đầu ấp, tay gối, nay phải biệt ly, đâu còn cảnh nào đau buồn hơn cảnh “sanh ly, tử biệt”. Sau đây là 2 bài kinh đầy đủ:

Kinh Tụng Khi Chồng Qui Vị

Niềm ân-ái thân hòa làm một,
Nghĩa sơ-giao khắc cốt ghi xương.
Nhắn mưa gởi gió đưa thương,
Từ đây thiếp tỏ đoạn-trường với ai?
Càng nhớ đến những ngày hội ngộ,
Càng ngổn-ngang mối nợ tình-chung.
Đã đành bẻ gãy chữ đồng,
Hiển linh chứng-chiếu tấm lòng tiết-trinh.
Dầu sống sót cũng đành gọi thác,
Vui chi còn man-mác tơ duyên.
Thiệt-thòi cam phận thuyền-quyên,
Chứa-chan giọt lệ cửu tuyền cuộn trôi.
Chàng đã đặng phủi rồi nợ thế,
Xin hiển-linh giúp kẻ góa thân.
Chở-che khỏi kiếp phong-trần,
Gìn gương liệt-nữ hồng quần để soi.
Chàng dầu đặng thảnh-thơi cảnh trí,
Hộ dâu con giữ kỹ nhơn-luân.
Chàng dầu vinh-hiển cảnh Thần,
Gởi trong giấc mộng đặng gần cùng nhau
Chàng dầu hưởng Thiên-Tào quyền phép,
Đỡ đường trần chật hẹp thân côi.
Chàng dầu cung Ngọc an ngôi,
Xin thương thân thiếp nợ đời còn mang.
Gởi hồn phách cho chàng định số,
Gởi kiếp căn chàng mở dây oan.
Thiếp cam bao tóc thờ chàng,
Rót chung ly biệt đôi hàng lụy sa!

Kinh Tụng Khi Vợ Qui Liễu

Tưởng tơ-tóc cùng nhau trọn đạo,
Theo tùng phu sửa áo nâng khăn.
Âm-dương đôi nẻo chia phân,
Túy-sơn Vân-mộng mới gần đặng nhau.
Khi để bước phòng đào lạnh ngắt,
Mảnh tàn-y dường nhắc nghi dung.
Thấy cơn tử-biệt não-nùng,
Hương thề tắt ngọn lạnh lùng tơ duyên.
Càng nhớ đến lời nguyền buổi trước,
Thẹn non sông chưa ngớt tình nồng.
Phụ-phàng chi bấy Hóa-công,
Lòng nào mà lại cắt lòng không đau.
Nối Tông-Tổ biết bao nghĩa trọng,
Cơ nghiệp còn lưu mộng tang-du.
Mập-mờ nhắn nguyệt đêm thu,
Kẻ còn người mất ai sầu hơn ai?
Vói nhắn khách Dạ-đài có tưởng,
Vậy bóng hình để tướng nơi nao?
Hay là lạc bước nguồn đào,
Để thương cho mặt anh-hào đeo mang.
Ngồi quạnh-quẻ đèn tàn một bóng,
Chịu góa thân tuyết đóng song thu.
Bước Tiên nàng đã ngao-du,
Đoái tình thương kẻ ôm cầu khóc duyên.
Hay nàng đặng nhập miền Cực-Lạc,
Đoái tưởng người chưa thoát trầm-luân.
Ngước trông níu ngọn phất-trần,
Chổi Tiên quét sạch nợ-nần oan-gia.
Dâng mảnh tâm gọi là của lễ,
Chén ly tình là lệ ái-ân.
Dầu chi cũng nghĩa chí thân,
Khối tình còn có một lần đây thôi.(7),(8)


Tất cả 8 bài kinh trên đây đều được tụng theo giọng Nam Ai, “là giọng ngâm theo điệu cổ nhạc Nam Ai, có tính cách buồn bả, bi ai, nên nhạc đi theo nhịp chậm rải".(9)

Tang lễ, dĩ nhiên, luôn luôn đượm vẻ bi ai. Trong khung cảnh buồn bả đó, khi cúng hương linh người quá cố, giọng tụng kinh Nam Ai của ban đồng nhi áo não, hòa với tiếng đàn trầm buồn của ban lễ nhạc, khiến cho thân bằng quyến thuộc không ai cầm được nước mắt. Lời kinh đoan trang, bi thiết của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm làm cho tang lễ đậm tình thân thương, mến tiếc người quá cố, nhứt là hai bài kinh tụng khi chồng qui vị, hoặc khi vợ qui liễu, lời kinh thật là thống thiết.

Thi phẩm của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm trong kinh sách đạo Cao Đài sử dụng thể thơ song thất lục bát, là một thể thơ phối họp giữa thơ Đường luật (hai câu 7 chữ), tiếp theo 2 câu lục bát (câu 6 và câu 8 chữ). Thể thơ lục bát là thể thơ thuần túy của Việt Nam.

Thi phẩm “Nữ Trung Tùng Phận” và 8 bài kinh tụng trong tang lễ của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm có sử dụng từ gốc Hán và điển tích, giống như các thơ cổ, làm cho nội dung hơi khó hiểu, trừphi hiểu biết tường tận điển tích thì mới cảm nhận được ý nghĩa cao siêu của bài kinh. Thi phẩm “Nữ Trung Tùng Phận” nhằm mục đích giáo dục nữ phái Cao Đài về nhơn đạo và thiên đạo. Người nữ tín đồ Cao Đài được khuyến khích giữ gìn Tam Tùng, Tứ Đức. Khi hoàn thành xong nhiệm vụ phần nhơn đạo, nữ tín đồ Cao Đài cần tiến lên thực hành Thiên đạo, hoàn thành con đường tu vô vi cầu sự giải thoát.(11)

Tóm lại, thi phẩm “Nữ Trung Tùng Phận” và 8 bài kinh là tác phẩm đặc biệt do một vị nữtiên giáng cơ ban cho, không giống như những thi phẩm bình thường do một người đang sống sáng tác, đáng được tán dương và lưu truyền, để duy trì và phát huy nền đạo đức của tôn giáo Cao Đài. Cao Đài là một tân tôn giáo phát xuất từ tỉnh Tây Ninh năm 1926, một vùng đất của Đồng Nai & Cửu Long, với nền văn hóa mới nhưng giáo lý vẫn duy trì tinh thần Tam Giáo của Phật, Lão, Khổng cổ truyền, là một đặc thù của tinh thần văn hóa đa nguyên, cởi mở, chấp nhận canh tân, khác với nền văn hóa cổ, thủ cựu của kinh thành Thăng Long hoặc Thuận Hóa.

Tài liệu tham khảo:
1. Dương Quảng Hàm, Văn Học Việt Nam, Trung Tâm Học Liệu, Bộ Giáo Dục xuất bản, không ghi năm.
2. Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Sống Mới xuất bản, Hoa Kỳ, 1979
3. Đức Nguyên, Giới thiệu và chú thích “Nữ Trung Tùng Phận”, Châu Đạo California, Hoa Kỳ, tái bản lần thứ nhứt, 2004
4. Vương Kim Hùng, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, Đặc San hội ái hữu trường Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm & đồng hương Cần Thơ, Úc Châu, 2009, trang128-131
5. Hà Như Chi, Việt Nam Thi Văn Giảng Luận, quyển 1, nhà xuất bản Tân Việt, 1956.
6. Nguyễn Văn Xuân, Chinh Phụ Ngâm diễn âm tân khúc, nhà xuất bản Lá Bối, Sài Gòn, 1972
7. Kinh thiên đạo và thế đạo, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Tòa Thánh Tây Ninh, 1992
8. Thông Huyền Quang, cụ Phan Thanh Giản và bà Đoàn Thị Điểm trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đặc San hội ái hữu trường Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm & đồng hương Cần Thơ, Úc Châu, 2007, trang 70-73
9. Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng, Giải nghĩa kinh thiên đạo và thế đạo, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Tòa Thánh Tây Ninh, 1991
10. Lê Tấn Tài, Tinh Thần Tam Giáo Đạo Cao Đài trong bối cảnh toàn cầu hóa, tập san Đồng Nai & Cửu Long, số 1, 2007
11. Lê Tấn Tài, Tinh Thần Tam Giáo Đạo Cao Đài trong bối cảnh toàn cầu hóa, tập san Đồng Nai & Cửu Long, số 2, 2008.