Công bình, theo tự điển định nghĩa, là “ngay thẳng, không thiên vị bên nào” – công = không thiên vị; bình = đồng đều.

Bác = rộng rải; ái= thương yêu. Bác ái là thương yêu tất cả vạn linh sanh chúng trên địa cầu 68.

Kính thưa quí vị,

Xin được đóng góp thêm hai tiểu mục đối với đề tài Công Bình và Bác Ái về phương diện Bí Pháp.

Thứ nhất, ở Đền Thánh Tây Ninh, chúng ta thấy hai từ này ở lối vào, trong bản hiệp ước giữa Đức Chí Tôn và Nhân loại. Tam Thánh (Ngài Victor Hugo, Đức Thánh Trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm và Ngài Tôn Dật Tiên) thay mặt cho cả nhân loại trên địa cầu 68 này-trong đó có bản thân chúng ta- ký vào hiệp ước. Tại sao lại là “ký”? chúng ta nhận thấy tinh thần của hiệp ước này khác hẳn với Ngũ Giới Cấm. Ngũ Giới Cấm là sắc lịnh, nghĩa là luật, nói rõ hơn là nếu ai vi phạm những qui định đó thì sẽ có một sự trừng phạt cụ thể. Hay Tân Luật Pháp Chánh Truyền cũng thế. Đó là những qui định bắt buộc, nếu chúng ta làm theo thì được công nhận là Thánh Thể của Đức Chí Tôn; bằng không chúng ta không phải là Thánh Thể của Ngài. Còn “ký” nghĩa là thực hiện theo tinh thần tự nguyện, không bắt buộc. Nếu muốn thì ký vào, rồi cứ thực hiện lời hứa của mình. Còn không; thì thôi. Vậy trong lãnh vực này Đức Chí Tôn cho chúng ta quyền tự quyết định. Lãnh vực này chính là Bí Pháp. Ngũ Giới Cấm và Tân Luật là thể pháp. Còn hiệp ước Công Bình Bác Ai là Bí Pháp. Thể Pháp có một kết quả cần phải đạt tới; còn cứu cánh của Bí Pháp thì không bắt buộc. Chúng ta cứ ký vào, nghĩa là hứa hẹn thực hiện, rồi cứ thực hiện theo sức của mình, đạt đạo hay không là do “đối tác” cùng ký hiệp ước với chúng ta – tức là Đức Chí Tôn thẩm định. Mình cũng không có quyền gì mà khẳng định là bản thân mình hay một cá nhân nào đó đạt đạo hay không đạt đạo. Hay cụ thể hơn nữa là mình không có quyền khẳng định bản thân mình hay một ai đó là ĐÚNG hay SAI! Xin chư huynh tỷ lưu ý ĐÚNG; SAI ở đây dùng theo nghĩa Bí Pháp.

Vậy thì con đường thứ ba của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hoàn toàn là do ý riêng của mỗi người quyết định; không bắt buộc cũng không khuyến khích.Thứ hai, thêm một bằng chứng nữa chứng minh Công Bình và Bác Ai là những pháp môn thuộc lãnh vực Bí Pháp. Chúng ta thấy hai điều khoản hiệp ước này được ghi ở đền thánh Tây Ninh, trong Tịnh Tâm Điện ngay ở cửa vào. Ngay ở phía trên Tịnh Tâm Điện là Hiệp Thiên Đài. Nghĩa là vấn đề này hoàn toàn thuộc lĩnh vực tinh thần, thuộc lãnh vực ý thức, tóm lại là thuộc về Bí Pháp. Nhưng tại sao lại ghi ở cửa ra vào. Đây là một ngụ ý quan trọng. Đền thánh là biểu tượng của Bạch Ngọc Kinh ; đi vào đền Thánh ngụ ý đi vào Bạch Ngọc Kinh. Đi vào Bạch Ngọc Kinh nghĩa là đến hiệp một cùng Thầy. Hiệp một cùng Đức Chí Tôn là đạt Pháp. Nói nghe thì dễ, nhưng có chư huynh tỷ nào đã từng tham thiền đều biết đây là một việc làm hết sức khó khăn. Trước hết, muốn vào Đền Thánh để hiệp một cùng Đức Chí Tôn, mời chư vị đến trước đền Thánh nhìn vào cửa. Chúng ta nhìn thấy tượng Ông Thiện Ông Ác; đây là biểu tượng của Đúng và Sai ở thế gian này. Nếu chúng ta phân biệt được điều nào Đúng điều nào Sai trong mọi hành động hàng ngày; thì tinh thần chúng ta bình thường.

Nếu không phân biệt được điều nào đúng điều nào sai thì chúng ta ở trong trạng thái bất bình thường, nói rõ hơn là loạn thần. Người loạn thần – thế gian gọi là người điên – không thể vào Bạch Ngọc Kinh được. Vậy người bình thường có thể đi tiếp vào Đền Thánh, tức là vào Bạch Ngọc Kinh tại thế, tức là đi vào con đường thứ ba, tức là luyện đạo. Nhưng trước khi bước vào đền Thánh mời quí vị nhìn lên giữa hai tượng ông Thiện ông Ác có hình cân Công Bình. Vậy thì kế tiếp chúng ta phải thực hiện được Công Bình giữa Thiện và Ac. Công bình, theo tự điển định nghĩa, là “ngay thẳng, không thiên vị bên nào” – công = không thiên vị; bình = đồng đều. Suy nghĩ thế nào để “không thiên vị bên nào giữa Thiện và Ác” là một điều rất khó khăn; thậm chí đối với một số người đó là điều không thể nào thực hiện được. Có người đã từng tham thiền, suy nghĩ về điều này hàng chục năm mà vẫn không đạt được kết quả. Vì vậy, Đức Chí Tôn dạy tiếp :hãy bước tới, vào Tịnh Tâm Điện và ký hiệp ước với Ngài. Chính hành động này giúp chúng ta biết được suy nghĩ thế nào là không thiên lệch giữa Thiện và Ac; giữa Đúng và Sai. Rõ ràng Đức Chí Tôn dạy chúng ta hãy tịnh tâm trước, rồi đặt suy nghĩ của mình trên hai nguyên tắc Công Bình và Bác Ai thì chúng ta sẽ thấy được con đường đi đến cùng Ngài. Xin tạm mượn một câu chuyện trong Thánh kinh Tân Ước để minh họa ý này. Có hai anh em nhà nọ đến tuổi trưởng thành. Người em xin với cha hãy chia gia tài ra cho hai anh em mỗi người một nửa để tự mỗi người lập sự nghiệp của mình. Sau đó người em lấy phần của mình và đến một xứ khác để làm ăn. Riêng người anh thì bảo rằng: Thưa cha, cha đã nuôi con lớn khôn vì thế con không muốn rời bỏ cha. Xin cho con được ở lại nhà tiếp tục chăm sóc ruộng vườn và được sớm hôm hầu hạ cha già. Người cha cũng đồng ý như thế. Người em đi đến xứ lạ, vốn trẻ người non dạ nên làm việc thì ít mà ăn chơi thì nhiều. Thế rồi một ngày nọ, người em tiêu hết tiền mà sự nghiệp thì chưa đi đến đâu cả. Để sống còn người em phải đi làm thuê cho người, bữa đói bữa no. Có khi quá đói phải ăn cả thức ăn dành cho súc vật ăn để sống. Người em vô cùng hối hận, nhớ lại khi còn ở nhà đâu có khổ như vậy. Ở nhà thậm chí người ăn kẻ ở còn được cha mình cho ăn uống tử tế hơn là mình bây giờ. Sau cùng người em quyết định trở về nhà. Người em cũng biết thân, tự nhủ: mình đã tiêu xài hết phần tiền của mình, nên không dám xin cha thêm gì nữa; chỉ xin làm thuê cho cha như những người khác để sống là đủ. Khi người cha thấy con thứ hai của mình trở về, thân hình tiều tụy quần áo tả tơi, ông ôm chầm lấy người con mà khóc. Sau đó ông gọi người nhà hãy đem bộ quần áo đẹp nhất cho con mặc, giết gà, giết dê làm tiệc ăn mừng ngày con trở về. Lúc ấy người anh đang làm việc ngoài đồng, nghe kể lại bèn trở về nhà. Người anh rất bức xúc và thưa với cha rằng: Thưa cha, con không đòi chia gia tài, ở lại nhà chăm sóc cha, làm việc gian khổ không dám tiêu pha đồng nào. Nếu so với em con thì con đáng được cha khen thưởng hơn. Nếu cha làm vậy là không công bằng với con. Người cha nói: Con ơi, con rất có hiếu nên ở lại với cha. Những gì cha có là của con đấy. Chỉ xin con hãy thương em con, vì nó đã chết mà bây giờ được sống lại.Thưa chư vị, suy nghĩ của người anh là đúng theo phạm trù ĐÚNG;SAI. Lẽ ra người em phải chịu sự trừng phạt nào đó; còn người anh phải được khen thưởng mới đúng theo lẽ công bằng ở thế gian. Người cha cũng biết thế nhưng đặt suy nghĩ của mình trên nền tảng thương yêu. Thương yêu thì chỉ có giúp đỡ chứ không có kết tội. Và bây giờ, Đức Chí Tôn cũng dạy chúng ta như thế, chúng ta cũng phải phân biệt ĐÚNG; SAI, nhưng cũng phải biết yêu thương để tha thứ và giúp đỡ mọi người để làm tròn nguyên tắc PHỔ ĐỘ VẠN LINH trong trường thi Long Hoa hội.

Trong đạo chúng ta cũng có một câu chuyện như thế. Đức Cao Thượng Phẩm, sau khi về với Thầy có giáng cơ dạy rằng khi còn ở thế gian Ngài rất ghét những người làm việc sai trái, thậm chí nếu thiêng liêng “vị tức cấp”, -tức là cho phép – thì Ngài sẽ dùng Long Tu Phiến quạt hết mấy người đó vào Phong Đô! Nhưng khi bỏ xác phàm rồi thì Ngài lại cảm thấy thương những người đó vô cùng. Đây là một bài học nữa về Bí Pháp vô cùng thú vị. Còn ở thế gian tức là còn phân biệt ĐÚNG SAI, khi bỏ xác phàm rồi chỉ còn THƯƠNG YÊU. Vậy nếu chúng ta biết THƯƠNG YÊU khi còn sống là chúng ta đã nhập được vào Bạch Ngọc Kinh tại thế, thấy rõ con đường đến hiệp một cùng Thầy rồi vậy.

Kính thưa chư vị, vậy mỗi ngày chúng ta vào đền Thánh, đến Thánh Thất, nhìn thấy hiệp ước mà tự mình đã ký với Đức Chí Tôn, thiển nghĩ chúng ta cũng nên xét lại trong ngày chúng ta đã phán đoán ĐÚNG SAI mấy lần. Và điều quan trọng là trong mỗi lần phán đoán như thế mình đã biết thương yêu và tha thứ cho người hay chưa? Mỗi lần chúng ta biết tha thứ và thương yêu là mỗi bước chúng ta tiến gần hơn đến Cung Đạo trong Bạch Ngọc Kinh là nơi chúng ta hiệp một cùng Thầy, nghĩa là Đạt Pháp, đạt được Trí Huệ đó vậy.