Tại Tòa Thánh Tây Ninh, Thánh địa của Đạo Cao Đài xây dựng từ năm 1927 (tỉnh Tây Ninh ), Nguyễn Bỉnh Khiêm là danh nhân văn hóa duy nhất Việt Nam được công nhận là một vị Thánh của một tôn giáo chính thức. Ông được suy tôn là Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ hay Thanh Sơn Chơn Nhơn, một trong ba vị Thánh linh thiêng của Đạo Cao Đài, được vẽ trong bức tranh Tam Thánh ký hòa ước và thờ phụng gần 70 năm qua.

Bức tranh “Tam Thánh ký hòa ước”



Bức tranh vẽ hình ba bậc Thánh, đứng trên mây xanh, hào quang tỏa sáng cùng nhau viết một hòa ước giữa Thượng đế và nhân loại. Theo văn bản ghi chép của Luật Sự Võ Quang Tâm, bức tranh được Hiền Tài họa sỹ Lê Minh Tòng vẽ vào năm 1947, từ ý tưởng của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc. Bức họa có kích thước 2m 80 x 1m 90; hình tượng trong tác phẩm có kích cỡ bằng người thường. Trạng Trình Nguyễn bỉnh Khiêm (Thanh Sơn Chân nhân), mặc triều phục của một văn quan Đại thần của Đại Việt, Trạng cầm bút lông viết 8 chữ Nho: Thiên thượng Thiên hạ - Bác ái Công bình. Văn hào Victor Hugo (Nguyệt Tâm Chơn Nhơn), trang phuc Bá Tước Âu Châu thời Trung Cổ, cầm bút lông ngỗng viết 6 chữ Pháp : Dieu et Humanité - Amour et Justice ( Thượng đế và Nhân loại - Bác ái và Công bình). Tôn Trung Sơn (Trung Sơn Chơn nhơn), mặc quốc phục Trung Hoa cầm nghiên mực tỏa sáng.

Vào 8 giờ sáng ngày 10-7-Mậu Tý (11-8-1948), bức tranh thiêng này được tổ chức rước trong một nghi lễ Đạo Cao Đài cực kỳ long trọng và Đức Phạm Hộ Pháp thực hiện nghi thức trấn Thần cho bức họa. Từ đó bức tranh “Tam Thánh ký hòa ước” được tín đồ Đạo Cao Đài ngưỡng vọng phụng thờ và liên tục thu hút sự chú ý của nhiều người trong đó có không ít các danh họa, các nhà văn hóa trên khắp thế giới.

Bức tranh, hình tượng của “con đường Đại Đạo”


Theo triết lý của Đạo Cao Đài, từ khi có nhân loại, giữa Trời và Người, đã có 3 lần ký Thiên Nhơn Hòa Ước, tương ứng với 3 thời kỳ Phổ độ giúp loài người nhận ra lẽ sống nhân ái công bằng. Thiên nhân Hòa Ước lần thứ 3, giao cho 3 vị Thánh định ra nội dung công bố cho toàn nhân loại rõ, đồng thời cho Tam Thánh làm Thiên sứ hướng dẫn nhân loại khắp hoàn cầu đi vào con đường Đại Đạo. Và trong kỳ này, Nguyễn Bỉnh Khiêm là một Bậc thánh trong tam thánh đảm trách sứ mệnh cao cả đó. Việc lựa chọn Trạng Trình với vai trò như vị thánh, một thiên sứ bởi trong lịch sử Đại Việt có nhiều danh nhân văn hóa, nhưng Trình Quốc Công là tấm gương tiêu biểu của sự hòa bình vì mục tiêu bình an cho nhân dân “Cổ lai quốc dĩ dân vi bản”; mặt khác ông là nhà lý học uyên thâm tầm cỡ thế giới, nắm được chuyển vận của ngũ hành, hiểu được đạo Trời.

Nếu ngọn bút của Trạng Trình là biểu tượng của văn hóa, trí tuệ hiểu cơ trời thấu lòng người; và ngòi bút Victor Hugo là ánh sáng của tâm hồn thời đại đồng cảm với những số phận bi thảm của dân nghèo tận đáy xã hội; thì nghiên mực tượng trưng cho thuyết tam dân của Tôn Trung Sơn “Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”. Chữ viết ra dù hình thức của phương Đông hay phương Tây nhưng lại đề chung thông điệp ngắn gọn giản đơn mà chói sáng chân lý: Bác ái – Công bằng. Đó là đạo lý là lẽ trời mà con người trên trái đất cần phải đạt đến.

Chọn 3 vị Thánh của 3 nước vốn có những mâu thuẫn trong lịch sử bây giờ hợp lại, dù sinh ra ở các thời đại khác nhau, mang sắc phục khác nhau, nhưng cùng đưa ra thông điệp nhân văn. Thông điệp được gắn trên nền trời cao xanh và tỏa sáng ngầm ý giáo huấn ý tưởng con người tiến tới một xã hội đại đồng trong tình thương yêu và công bằng. Có lẽ đây cũng là tư tưởng mà nhân loại sau những biến cố thăng trầm trong các thời kỳ lịch sử rút ra bài học và đang hướng tới độc lập dân tộc nhưng gắn với xu thế hội nhập hòa bình toàn cầu. Xét riêng về việc chọn Trạng Trình là một thiên sứ, không chỉ thể hiện tư tưởng tự tôn dân tộc mà bản thân Cụ Trạng có đầy đủ phẩm cách thánh thiện như đã nói ở trên và đặc biệt xu thế hòa bình cho mọi nhà công bằng cho dân chúng vốn là tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm từ 500 năm trước.

Ở đây, chúng ta không bàn luận tôn giáo, cũng như tâm sự của ông Phạm Tuấn, giám đốc công ty Du lịch Hòa Bình thì bất cứ đoàn du lịch nào của Hải Phòng đến Tây Ninh, cũng đều nhất quyết đến bằng được nơi đây xem và chiêm bái chân dung cụ Trạng. Nếu bóc đi yếu tố tâm linh, chỉ xem việc xuất hiện của hình tượng Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bức tranh thánh của Đạo Cao Đài, và được tôn thờ trang nghiêm như vậy, thì đã khẳng định vị trí vai trò và sự ảnh hưởng của tư tưởng, văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm với dân tộc thật sâu sắc mặc dù 500 năm đã trôi qua...