Cái này mình sưu tầm của 1 huynh nào đó hông biết tên. Copy ra đây để mọi người tham khảo nhé.


Kể lại chuyện ngày xưa, trước khi đến với Nhân Điện tôi cũng may mắn được học qua một vài pháp môn như Cảm xạ, Khí Công Bùi Long Thành, Khí Công Hồng Gia Quyền La Phù Sơn, Sahaja Yoga,... Cũng nhờ được nghiên cứu nhiều pháp môn, nên tôi biết rõ để khai mở được luân xa trong cơ thể không phải là điều dễ dàng. Thông thường với những pháp môn "cổ điển", người tu tập phải mất rất nhiều thời gian, công phu tu tập đôi khi vài chục năm mới có thể khai mở được 1 luân xa. Những người tập Khí Công cũng tôi luyện công phu mấy mươi năm, đến một lúc nào đó nội lực dồi dào đủ mạnh để khai phá, đả thông kinh mạch thì mới gọi là: "đã khai mở được 1 huyệt - hoặc 1 luân xa".

Ấy thế mà vào Nhân Điện học chỉ có 3 buổi là đã mở tổng cộng 6 luân xa?

Mà không riêng gì Nhân Điện, với pháp môn Khí Công Bùi Long Thành - người học cũng có thể đạt trạng thái "đắc khí" chỉ trong buổi học đầu tiên. Với Cảm xạ qua lần Rung động thư giãn đầu tiên - người học cũng có thể đạt trạng thái "vô thức". Nhiều pháp môn khác cũng tương tự như vậy. Dĩ nhiên, nói chính xác thì cũng tùy căn cơ mỗi người, không phải ai cũng đạt ngay - nhưng rõ ràng, giữa nhiều pháp môn mà nhiều người bảo là "chánh pháp" đều phải mất thời gian rất lâu, sao những pháp môn "hiện đại" này lại có thể nhanh như thế?

Tôi đặt ra câu hỏi này sau khi học môn Cảm xạ.

Và cũng vì câu hỏi này, tôi lại đi học thêm nhiều pháp môn khác, bao gồm cả Nhân Điện - để tự tìm cho mình một lời giải: Sự "khai mở", "đắc khí", "vô thức" đó - thực sự là cái gì? Sao lại nhanh như vậy? Nói đời thường sao tu tập nhanh giống kiểu... mì ăn liền như vậy?

Bạn có bao giờ có câu hỏi đó không?

Tôi tin là có.

Trừ khi bạn là người cả tin, luôn tin vào mọi thứ người khác nói mà chẳng bao giờ chừa cho mình một ít % cho cái lý trí của bạn lên tiếng (dân gian bảo: tin kiểu này có ngày bán lúa giống... hehe). Nếu bạn luôn tin vào người khác mà không tự hỏi "tại sao? why? why? why?" - thì cái niềm tin đó chưa chắc đã là niềm tin thực sự. Bạn chỉ "bị" tin theo niềm tin của người khác. Và niềm tin đó rất dễ bị lung lay, dễ bị mất đi - khi một ngày nào đó bạn lại được tiếp nhận một thông tin khác trái ngược với cái "niềm tin" mà bạn đã có.

Tôi chỉ nói riêng trong pháp môn Nhân Điện về cái mà người ta hay bảo là: khai mở luân xa, khả năng chữa bệnh - với các câu hỏi:
1. Có thực sự là khai mở luân xa hay không?
2. Tại sao có thể đặt tay chữa cho người khác hết bệnh?
3. Chữa bệnh có lãnh nghiệp người khác hay không?
4. Tha lực trong Nhân Điện là của ai?


Các pháp môn khác, tôi xin không đề cập ở đây.

Giờ chỉ xin nói riêng về Nhân Điện...

Và cũng nói trước: những thông tin này chỉ đúng với cá nhân tôi, kiến thức mà tôi có được. Nó không phải là chân lý. Xin được miễn tranh cãi về đúng / sai / phải / trái. Nếu bạn cảm thấy những gì tôi viết - có điều nào mà khế hợp với tâm tư, quan điểm của bạn, bạn chấp nhận được - thì bạn có thể giữ lại để suy nghĩ thêm. Còn ngược lại thì cứ vứt bỏ, đừng quan tâm nữa.

1. Có thực sự khai mở luân xa hay không?
Tôi mang câu hỏi này suốt thời gian học Nhân Điện, cho đến khi nhận được quyền giảng huấn - tức đủ khả năng để hướng dẫn và khai mở luân xa cho người khác.

Trước lúc đó tôi cứ tự hỏi:

- Chẹp, chả biết mình có thực sự được mở luân xa không?
- Sao thấy nhiều người bảo: luân xa ai thì người đó tự mở - vậy cái vụ "mở" này là "mở" gì?
- Đã bảo là "mở", sao còn vụ mở 30%, 70%, 100%?

Nói một cách nôm na cho bạn dễ hiểu, thì khi học Nhân Điện - bạn thực sự được mở luân xa. Mà nói chính xác hơn, là người hướng dẫn cho bạn có dùng "lực" để hỗ trợ, tác động lên luân xa của bạn. Họ đã giúp đẩy nhẹ cái "bánh xe" của bạn - và thông qua việc tập luyện hàng ngày, bạn giữ được nhịp xoay của cái "bánh xe" đó và tự khai mở cho chính mình. Chính vì vậy, nên khi mới học xong - lúc ngồi thiền tập, bạn mới có những cảm nhận trên cơ thể như: lâm châm, lích chích, giật, máy, xoay, lắc lư... Nếu không "mở" thì bạn có ngồi thiền cả năm cũng chưa chắc có được cảm giác đó.

Những cái 30%, 70%, 100% là cường độ năng lượng - hoặc vùng hào quang ở vị trí luân xa của bạn. Thực sự thì sau khi được "đẩy giùm bánh xe" - nếu bạn tập luyện tích cực và đúng mức, thì cũng có thể tự mở từ 30% lên 70% hoặc 100%.

Khi nói: "luân xa của ai, người đó tự mở" - cũng chẳng sai. Khi bạn tập luyện đạt được 1 mức độ nào đó, bạn sẽ tự khai mở được những "luân xa tâm" của mình - và có được những khả năng khác (cái mà nhà Phật gọi là: "lục thông"). Luân xa tâm là "nội tại" bên trong thân tâm cũng mỗi người, nó khác với những luân xa bình thường được khai mở khi học Nhân Điện. Tôi thường gọi luân xa bình thường là những luân xa ngoài da thịt, nó chỉ có tác dụng giúp bạn cân bằng, điều hòa cơ thể để hết bệnh.

2. Tại sao có thể đặt tay chữa cho người khác hết bệnh?
Ở mức độ cơ bản, tôi định nghĩa "bệnh" là do sự rối loạn, mất quân bình, cân bằng ở trong hoặc ngoài cơ thể của bạn. Khi được mở luân xa, nghĩa là có thể tiếp nhận nguồn năng lượng tốt bên ngoài vào cơ thể, nó có tác dụng quân bình, cân bằng lại những rối loạn - từ đó giúp cơ thể hết bệnh. Còn khi chữa bệnh cho người khác, thì cơ thể bạn chỉ là cái dây dẫn, cái máng xối, cái bình ắc-quy để tiếp nhận nguồn năng lượng bên ngoài vào cơ thể bạn, và đi qua người bệnh giúp họ quân bình cơ thể => và họ cũng có thể hết bệnh.

Điểm mấu chốt là ở đấy.

Tin tôi đi, bạn chỉ là dây dẫn thôi, đó chẳng phải là năng lực gì cao siêu gì hơn người cả. Những người xưng Thầy, Bà thiên hạ cũng chỉ vì họ nghĩ họ dùng năng lực thực sự của họ để chữa cho người khác. Hiểu về tâm linh, thì bệnh đôi lúc cũng là cái nghiệp của họ phải trả cho những cái nhân bất thiện mà họ đã tạo dựng trước đó. Nếu bạn hiểu rõ bản thân, biết mình chỉ là dây dẫn để chuyển năng lượng giúp người bệnh, còn việc họ có hết bệnh hay không còn tùy. Nếu đủ nhân, đủ duyên thì họ sẽ hết bệnh. Cho nên bạn chẳng có gánh nghiệp của bất kỳ ai cả. Vì tâm thiện, vì tình thương giữa con người và con người - bạn đến giúp họ, còn việc có hết bệnh hay không, thực sự không phải do bạn quyết định. Nếu bạn nghĩ là "do bạn chữa", thì chắc chắn có lúc bạn cực kỳ đau khổ vì: "sao có lúc chữa hết, có lúc chả hết..."

Với những người xưng Thầy, Bà, ta đây... vì cái danh được người khác gọi là Thầy thiên hạ, hoặc vì cái lợi khi nhận tiền để chữa hết cho người khác, thì có thể họ sẽ gánh nghiệp cho người bệnh. Gánh nghiệp cũng đúng thôi, vì họ luôn nghĩ là do bản thân họ chữa bệnh cho người khác. Và họ đến chữa bệnh đâu phải xuất phát từ tình thương - mà chỉ do cái danh và cái lợi. Cũng vì danh lợi nên họ tự rước nghiệp của người khác mà chính họ cũng không biết mà còn tưởng mình tài mình giỏi.

Những kẻ mượn đạo tạo đời thì luôn phải gánh trả nghiệp quả của người khác.

3. Chữa bệnh có lãnh nghiệp người khác hay không?
Câu trả lời đã có ở bên trên. Hy vọng bạn hiểu những gì tôi muốn nói. Chúng ta chỉ là dây dẫn, là máng xối. Chúng ta không là gì cả!

4. Tha lực trong Nhân Điện là của ai?
Tất cả các pháp môn "mì ăn liền" đều dùng tha lực bên ngoài để giúp người học nhanh chóng đạt được cái mà thay vì họ phải mất rất nhiều thời gian tu tập.

Tha lực có nghĩa là lực hỗ trợ từ bên ngoài - không phải xuất phát từ bản thân mình. Nói rõ điều này để phân biệt với tâm lực - tức là nguồn lực phát sinh từ cái tâm tốt đẹp (hoặc xấu xa) của mình. Tâm lực là nguồn lực mạnh nhất - bạn nên nhớ rõ điều đó. Tâm lực của bạn phát ra có thể tác động, ảnh hưởng, thay đổi những người xung quanh, và nhiều loài khác mà nhà Phật gọi chung là "chúng sinh".

Khoa học hiện đại ngày nay cũng chứng minh rõ tác dụng của tâm lực. Khoa học đã nhận ra rằng những đứa trẻ nhận được đầy đủ tình yêu thương từ cha mẹ, gia đình thì luôn phát triển tốt hơn những đứa bé mồ côi, hoặc có cuộc sống túng thiếu về tình cảm. Tác dụng của tâm lực phát ra từ cha / mẹ có tác dụng cực mạnh đối với sự phát triển của con trẻ, nếu cha mẹ đối xử với chúng bằng tình yêu thương thì chúng gần như phát triển toàn diện - nhất là mặt trí tuệ. Còn nếu cha mẹ đối xử tàn ác, bất thiện với con trẻ - thì chúng lớn lên với cơ thể, suy nghĩ khô cằn, tâm tính hằn học, khó gần gũi.

Với những bà vợ làm nội trợ, khi nấu ăn với một tình yêu thương đong đầy trong món ăn, thì người chồng cảm thấy món ăn rất ngon, họ dễ dàng nhận ra được cái tình cảm (tâm lực) của người vợ. Còn khi người vợ nấu ăn với trạng thái giận dữ, khó chịu, bực bội - thì dù ăn gan rồng, cũng chưa chắc đã cảm thấy ngon, vì món ăn ướp đẫm những cái "lực" bất thiện. Ăn chứ cảm giác như đang nhai sạn...

Quay lại Nhân Điện, khi khai mở luân xa - hoặc chữa bệnh cho người khác, đó là tâm lực - hay tha lực?

Tôi trả lời là có cả 2: cả tâm lực và tha lực. Tâm lực xuất phát từ sự thương yêu, xót cảm với sự khổ đau của người bệnh, nó có tác dụng phần nào giúp chữa cho họ cái "tâm bệnh" (điều này dễ nhận thấy mà, bạn bệnh nằm bẹp dí đau buồn chứ có ai đến thăm là cảm thấy vui vẻ, khỏe lên đôi tí). Chữa tâm bệnh có nghĩa là giúp người bệnh yên ổn về mặt tinh thần, bớt buồn nghĩ, đau khổ - từ đó khí huyết trong người cũng ổn định, nó cũng trợ giúp cơ thể phần nào trong việc chữa bệnh.

Khi khai mở luân xa cũng vậy, người giảng huấn dùng tâm lực của mình - kèm với một sự nguyện xin một đấng hoàn thiện nào đó cùng hỗ trợ tha lực để "đẩy cái bánh xe" của bạn! Và cũng nhờ tha lực đó, mà luân xa của bạn được mở!

Còn tha lực đến từ đâu?

Tôi không biết.

Nhưng tôi biết chắc chắn tha lực đó cũng đến từ một "ai đó" có tâm thiện, tâm Phật như bạn. Tại sao biết chắc đó là của "người" có tâm thiện? Đơn giản:đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu - chỉ những người có cùng tâm tư, suy nghĩ như nhau mới khế hợp với nhau, trong cõi vô hình cũng vậy. Những "người" đó cũng muốn giúp, làm điều thiện để lấy công bồi đức nên "họ" dùng lực, khả năng của họ để trợ giúp thêm cho người khác - và họ cũng chẳng mong cầu phải được báo đáp điều gì cả. Đơn giản giống như: giữa đường thấy người gặp nạn thì bạn phát tâm giúp họ, chứ chẳng phải giúp để được điều gì.

Với tôi, tôi tin tha lực đó đến từ đức Quán Thế Âm Bồ Tát.