KARMA-CỨU CÁNH CỦA NHÂN LOẠI
KARMA
Luật nhân quả-Định luật của sự đền bù
Cứu cánh của vũ trụ.

BÍ QUYẾT TTH
Tác giả :H.P.Blavastsky
.............................................
.................................................
CHƯƠNG XI



BÍ NHIỆM VỀ LUÂN HỒI



KỲ HẠN CỦA SỰ TÁI SINH



Vấn: Bà nói rằng tất cả chúng ta đều sống tại cõi trần trong nhiều kiếp nhục hóa đã qua, có phải chúng ta sẽ tiếp tục sống bằng cách ấy ?



Đáp: Đúng thế. Chu kỳ của sự sống, hay đúng hơn chu kỳ của sự sống ý thức khởi sự từ lúc có sự phân chia hai phái nam, nữ của con người động vật khả tử. Sự kết thúc khi chấm dứt thế hệ cuối cùng của giống dân thứ bảy trong cuộc tuần huờn thứ bảy. Người ta có thể tưởng tượng dễ dàng hơn diễn tả kỳ gian của chu kỳ này, vì hiện tại chúng ta thuộc giống dân thứ năm trong cuộc tuần huờn thứ tư.



Vấn: Và chúng ta vẫn tiếp tục tái sinh trong nhiều phàm ngã tính mới ở một khoảng thời gian quá dài hay sao ?



Đáp: Chắc chắn như vậy. Không có sự so sánh nào hay hơn chu kỳ sự sống hoặc thời gian nhục hóa này. Giống như mỗi kiếp sống gồm có ngày hoạt động cách khoảng với đêm an nghỉ hoặc ngưng hoạt động, trong chu kỳ nhục hóa, mỗi kiếp sống linh động được tiếp nối một thời kỳ nghỉ ngơi tại Thiên Đàng.



Vấn: Và chính sự liên tục của các kiếp tái sinh này mà ta thường gọi là Luân hồi chăng ?



Đáp: Phải . Chính nhờ kiếp tái sinh kế tiếp mới có thể thực hiện sự tiến bộ trường cửu của vô số triệu Chân Ngã để hoạch đắc sự toàn hảo tối thượng và đạt đến sự an nghỉ cuối cùng – bằng như thời gian hoạt động.



Vấn: Ai điều khiển kỳ gian và đặc tính của các sự tái sinh này ?



Đáp: Nhân Quả (Karma), định luật phổ quát của sự công bằng bù trừ.



Vấn: Định luật này có được sáng suốt không ?



Đáp: Đối với người duy vật, họ xem luật định kỳ điều khiển sự chuyển vận của các vì tinh tú cũng như tất cả định luật khác của Tạo Hóa là mù quáng như các định luật cơ giới, thì chắc người duy vật xem Karma là một định luật tình cờ không hơn không kém. Theo chúng tôi, nó không có một ngã tính, không là một thực thể nào mà là một định luật phổ quát luôn luôn linh động. Nếu bạn hỏi sự sáng suốt nguyên thủy của định luật này, tôi xin trả lời tôi không hiểu biết chi cả. Nếu bạn muốn tôi xác định hiệu quả của định luật và tư tưởng về chúng, tôi có thể nói chính kinh nghiệm hằng ngàn năm chứng tỏ chúng là sự bình đẳng, minh triết và thông minh, vừa tuyệt đối vừa chắc chắn. Trong mọi tác dụng, Karma là sự điều chỉnh hiệu nghiệm những bất công của nhân loại, đồng thời của tất cả sự thất bại của Tạo Hóa, Karma còn là sự sửa chữa nghiêm khắc những lỗi lầm; đó là định luật bù trừ thưởng phạt công minh; định luật này không thiên vị một ai và cũng không để cho lời cầu khẩn van xin làm sai lệch mục đích của nó. Người Ấn Độ và Phật tử đều tin tưởng vào Karma và suy gẫm như thế.



Vấn: Các vấn đề Cơ Đốc hoàn toàn trái ngược lại, không một tín đồ Cơ Đốc nào chịu chấp nhận giáo huấn đó.



Đáp: Thật vậy, từ lâu ôâng Inman đã giải thích rõ lý do. Ông nói như sau: “Cơ Đốc giáo chấp nhận bất luận một điều vô lý nào, miễn là Giáo hội biến nó thành một vấn đề về đức tin; … Phật giáo dạy giáo lý thực sự của Đức Phật không chấp nhận điều chi trái với đạo lý”. Phật giáo dạy con người sẽ được tha tội sau khi đã thọ lãnh trong một kiếp nhục hóa vị lai sự trừng phạt công bằng tương xứng về mỗi hành động, mỗi tư tưởng không tốt sau khi đã đền bù thiệt hại cho những người đã đau khổ vì mình.



Vấn: Điều đó được tuyên bố ở đâu ?



Đáp: Trong nhiều kinh sách. Ví dụ trong quyển Bánh xe của định luật (Roue de la Loi, trang 57). Bạn sẽ tìm thấy giáo lý minh triết như sau đây: “Các Phật tử tin rằng mỗi hành động, mỗi lời nói, mỗi tư tưởng đều có hiệu quả, sớm muộn gì chúng cũng phát lộ trong hiện tại hoặc trong vị lai. Hành động xấu sẽ phát sinh hiệu quả xấu, hành động tốt sẽ phát sinh hiệu quả tốt: sự hưng thịnh ở thế gian hoặc sự sinh ra trên trời (Thiên Đàng)… trong trạng thái vị lai”.



Vấn: Phải chăng tín đồ Cơ Đốc cũng tin tưởng như thế ?



Đáp: Không. Họ tin nơi sự tha thứ. Họ được hứa nếu họ chỉ tin Đấng Christ đã hiến dâng máu của Ngài để chuộc tội cho nhân loại, thì tất cả tội lỗi trần gian sẽ được xóa sạch. Chúng tôi không tin nơi sự tha tôïi qua trung gian của các vị linh mục, cũng như của bất cứ một Thánh linh, một “Cá nhân tuyệt đối” hay “Vô biên” nào. Chúng tôi chỉ tin tưởng nơi công bằng chặt chẽ, vô tư. Quan niệm chúng tôi về Thần tính Phổ quát vô tri được tượng trưng bởi Karma (Nhân Quả) là một quyền năng tất nhiên, không giận dữ hay thương ghét, nhưng là sự Công Bằng Tuyệt Đối, và mỗi căn nguyên lớn nhỏ đều phát sinh hiệu quả không thể tránh khỏi. Đức Jésus dạy: “Người ta sẽ đo bạn với cây thước mà bạn đã dùng để đo kẻ khác” (kinh Mathieu VII, 2) câu này không giải thích cũng không hàm chứa một hi vọng nào về lòng từ bi vị lai hoặc sự cứu rỗi nào qua trung gian. Chính vì triết lý của chúng tôi đúng với lời dạy của Đức Jésus, nên chúng tôi không thể khuyên bạn đặt trọn niềm tin vào lòng từ bi, thương xót và tha thứ tội lỗi của chúng ta một khi đã phạm. “Bạn đừng chống lại điều quấy” “Nên lấy ân đáp oán” là lời giáo huấn của Đức Phật, Ngài giảng dạy trước tiên để chỉ sự khẳng định của luật Nhân Quả. Vào mọi trường hợp, đó là lòng tự đắc phạm thượng của con người, khi tin rằng chính mình có thể làm công cụ cho định luật. Luật của con người chỉ được phép sử dụng biện pháp hạn chế, chớ không được dùng hình phạt; tuy nhiên, kẻ nào tin có Karma mà còn trả thù, kẻ nào không chịu khoan dung mọi sự xúc phạm, và dùng oán trả ơn sẽ là một tội phạm và tự hại mình. Chắc chắn Karma sẽ trừng phạt kẻ nào đã làm hại người khác; thế nên, người nào tìm cách gia thêm một hình phạt cho kẻ nghịch của mình, thay vì để cho Định Luật xử phạt, kẻ nào thêm sự trừng phạt của mình, dù nhỏ nhoi đến đâu cũng tạo ra một nguyên nhân ban thưởng vị lai cho kẻ thù và trừng phạt cho chính họ. Karma của mỗi kiếp nhục hóa qui định phẩm chất của kiếp nhục hóa kế tiếp, và kiếp tái sinh kế tiếp được định đoạt bởi tổng số công và tội của những kiếp nhục hóa trước đó cung cấp.



Vấn: Ta có nên xét đoán một người bằng cách nhìn vào kiếp sống hiện tại của họ chăng ?



Đáp: Nếu áp dụng đúng theo sự công bằng, ta có thể kết luận rằng đời sống cần phải có để thanh toán tội lỗi của kiếp quá khứ. Dĩ nhiên, - trừ các bậc tiên tri và đại Chơn Sư – chúng ta, những kẻ khả tử tầm thường, không thể hiểu biết tội lỗi đó là chi. Bằng chứng chúng ta nắm được rất ít thành thử không làm sao ấn định được lúc thiếu thời của một ông lão; với lý do tương tự, chúng ta không sao qui định một cách vững chắc kiếp sống quá khứ của một người khi nhìn vào đời sống hiện tại của họ.



KARMA LÀ GÌ ?



Vấn: Vậy Karma là gì ?



Đáp: Như vừa nói ở đoạn trên, chúng tôi cho nó là một Định Luật Cứu Cánh của vũ trụ, là nguồn cội, nguyên nhân và căn bản phát sinh tất cả những định luật khác của Tạo Hóa. Karma là một định luật chắc chắn, thích hợp hiệu quả vào nguyên nhân nơi các cõi vật chất, trí năng và tâm linh của con người. Không một nguyên nhân nào không phát sinh hiệu quả dù lớn hoặc nhỏ, từ sự xáo trộn của vũ trụ, đến sự vận chuyển của bàn tay bạn, vì những nguyên nhân tương tự sẽ phát sinh những hậu quả tương tự, Karma, định luật vô hình, vô tri ấy điều chỉnh, bằng minh triết, khôn ngoan và vô tư mỗi hiệu quả vào nguyên nhân, lôi kéo nguyên nhân phải phát sinh hiệu quả. Karma bất khả tri nhưng tác động của nó lại được nhận thấy.


Vấn: Và đây, một lần nữa là “tuyệt đối”, là “bất khả tri”; điều đó không sao giải thích nổi các vấn đề của đời sống.



Đáp: Trái lại, tuy chúng ta không hiểu Karma tự nó là chi, tinh túy của nó ra sao, nhưng chúng ta biết được động tác của nó như thế nào và có thể định nghĩa phương thức tác động một cách chính xác. Chúng ta không thể am tường nguyên nhân cùng cứu cánh của nó, đúng vậy, nhưng tất cả triết học tân tiến đều chấp nhận nguyên nhân cuối cùng của vạn vật thực sự “bất khả tri”.



Vấn: Thông Thiên Học hiến cho ta điều chi để giải quyết nhu cầu hiện tại và khẩn cấp của nhân loại? Làm sao giải thích được nỗi đau khổ khủng khiếp, cảnh nghèo nàn cơ cực đang dày vò “hạng người” được gọi là “hạ đẳng” trong xã hội ?



Đáp: Chúng ta hãy đi ngay vào vấn đề: theo giáo huấn của chúng tôi thì tất cả những điều nguy hại lớn lao trong xã hội – các sự phân chia giai cấp, nam, nữ trong cuộc đời, cũng như phân phối không đồng đều về tài sản, công việc – đều do Karma.



Vấn: Cuối cùng, những điều tai hại đó dường như đang tác động trong chúng sinh với ít nhiều sự tình cờ, và không có dấu hiệu chi cho biết chắc chắn bao nhiêu Karma tương xứng ?



Đáp: Không; vì chúng chỉ là hậu quả, nên ta không thể định nghĩa rõ rệt để chứng tỏ hoàn cảnh và điều kiện sinh sống đặc biệt của mỗi cá nhân không chi khác hơn là karma bù trừ chính cá nhân đó đã tạo ra trong một kiếp sống trước. Chúng ta không nên quên mỗi nguyên tử phải chịu một định luật tổng quát quản trị trọn thân xác, mà nguyên tử đó tùy thuộc, như thế chúng ta sẽ có một ý niệm rộng rãi hơn về định luật Nhân Quả. Bạn biết chăng, sự kết hợp của Karma cá nhân trở thành Karma quốc gia gồm các cá nhân đó, và tổng số quốc gia họp thành Karma thế gian? Nhưng tai hại mà bạn nêu ra không phải bị hạn chế vào cá nhân, hoặc quốc gia mà thôi; chúng còn phổ quát nhiều hoặc ít, chính nhờ chiều hướng tương trợ rộng rãi mà định luật Karma có được một kết luận chính đáng, vô tư.



Vấn: Như vậy,ta có nên hiểu rằng định luật Karma không nhất thiết là định luật cho cá nhân chăng ?



Đáp: Chính là điều tôi đang muốn trình bày. Karma không thể quân bình sự thăng bằng của quyền năng trong kiếp sống và sự tiến bộ của thế gian mà lại không có một qui luật tác động rộng rãi, tổng quát. Sự tương trợ của nhân loại là nguyên nhân của Karma phân phối, được chúng tôi chấp nhận như là một chân lý. Chính nhờ định luật đó người ta tìm ra giải đáp về sự đau khổ tập thể và phương pháp để làm vơi bớt. Vã lại, đây cũng là một định luật huyền môn và không có một người nào có thể vươn lên trên sự bất toàn cá nhân mà đồng thời không tìm cách nâng cao, dù đôi chút cái toàn thể mà họ đang tùy thuộc. Cũng như thế ấy, không ai có thể phạm phải một mình, hay gánh chịu đơn phương hậu quả của tội lỗi. Thật ra, không có sự “Phân chia”; định luật của sự sống không chấp nhận một trạng thái ích kỷ như thế, điều này chỉ có thể hiện tồn trong ý muốn cá nhân mà thôi.



Vấn: Không có cách nào tập trung Karma phân phối hay quốc gia để làm dễ dàng sự thực hiện tự nhiên, hợp lý, nhưng tránh khỏi gây ra đau khổ triền miên chăng ?



Đáp: Theo thông lệ, và giới hạn thích ứng với thời đại, ta không thể thúc hối hay trì hoãn sự thực hiện của định luật Nhân Quả. Và hiện nay tôi chắc chắn chưa đến thời kỳ con người có thể thực hiện điều đó. Bạn hãy nghe bài tường thuật sau đây về sự đau khổ quốc gia, rồi bạn tự vấn xem, nếu ta chấp nhận quyền năng linh hoạt của karma cá nhân, tương đối và phân phối, sự tai hại đó không thể thay đổi hay sửa cải một cách khả quan hơn sao ? Điều tôi sẽ kể sau đây do một vị Phò Trợ Quốc Gia viết ra; ngài đã chiến thắng cái Ngã và được tự do lựa chọn, ngài quyết định phục vụ nhân loại chịu đựng tất cả những gì mà một phụ nữ có thể chịu đựng về Karma quốc gia. Ngài đã nói: “Vâng, Tạo hóa luôn luôn thốt ra lời, bạn có nghĩ như thế chăng ? Nhưng đôi khi chúng ta lấn át tiếng nói của Tạo hóa. Vì thế đôi khi ta cảm thấy rất thoải mái khi ra khỏi thành phố để đựơc nằm gọn trong vòng tay của bà mẹ Tạo hóa. Tôi còn nhớ một buổi chiều tại Hampstead Heath, chúng tôi đang ngắm nhìn cảnh hoàng hôn. Một bà lão đến tặng tôi một giỏ hoa rừng từ hôm qua; tôi nghĩ đến vài thân nhân trong gia đình tại East-end có quyền thưởng thức hơn tôi, thế là sáng nay tôi đã mang giỏ hoa đến một trường học rất nghèo ở Whitechapel. Nếu bạn thấy được những gương mặt xanh xao của trẻ con vụt tươi sáng lên! Thế là tôi đải vài đứa trong một quán ăn. Quán này ở trong ngỏ hẻm chật hẹp, người ta đang chen chúc, thúc đẩy nhau; mùi thịt cá, mùi thức ăn xông lên khó tả dưới ánh nắng buổi trưa của Whitechapel. Tất cả mùi đó tập trung trong quán ăn. Những miếng thịt dồi giá một cắc bạc, nhưng nhờm gớm vì bầy ruồi nhặn. Xung quanh, trẻ con đang rình rập vài mảnh thức ăn, một đứa trong bọn có khuôn mặt khôi ngô nhặt hạt anh đào ăn đỡ dạ. Tôi trở lại West, trong người bị dao động và tự hỏi vài khu tại đô thị Luân-Đôn có nên bị nhận chìm bởi một cuộc động đất, để rồi di chuyển những người đã được giải thoát khỏi sông mê không? Tôi tưởng đến Hampstead Heath và trầm ngâm mặc tưởng. Nếu nhờ một sự hi sinh nào đó, người ta có thể đạt được quyền năng biến đổi những người ở nơi đây, thì sự hi sinh đó không có chi lớn lao; bạn thấy chăng cần phải thay đổi HỌ – và làm thế nào thực hiện được điều đó? Trong tình trạng hiện tại, họ sẽ không hưởng được điều lợi nào về sự thay đổi chỗ ở, giữa giới lân cận họ vẫn tiếp tục suy đồi. Sự nghèo nàn, tuyệt vọng này bóp nát tim tôi; sự mất nhân cách là nguồn gốc mà cũng là kết quả. Ví như cây đa, mỗi cành mọc rễ và sanh ra cây non. Cảm tưởng đó và quang cảnh nhàn hạ của Hampstead thật khác biệt nhau biết bao. Là huynh đệ của những người khốn khổ vừa kể, chúng tôi về Hampstead Heath để lấy lại sức lực hầu giải thoát cho Whitechapel”.(chữ ký của một người rất đáng được kính nễ).



Vấn: Đây là một bức thơ vừa đẹp vừa buồn, trình bày rành rẽ sự phát lộ khủng khiếp của cái gọi là “cộng nghiệp và phân phối”. Nhưng than ôi, tôi nghĩ không hi vọng chi để cải thiện tức khắc, nếu không do hậu quả của một cuộc động đất, hoặc một thiên tai nào khác.



Đáp: Chúng ta lấy quyền gì để suy tưởng như vậy, khi phân nửa nhân loại còn có phương cách cải thiện ngay sự thiếu thốn khiến cho đồng bào của họ phải đau khổ? Khi mỗi cá nhân đóng góp vào lợi ích của toàn thể, bằng cách chia sớt, tiền bạc, công việc, tư tưởng tươi đẹp, lúc đó và chỉ có lúc đó thôi, cán cân Karma quốc gia sẽ được thăng bằng. Từ đây đến đó, chúng ta đừng viện lý lẽ gì để cho rằng chẳng có một kiếp sống nào trên cõi trần không được Tạo hóa chấp nhận. Các linh hồn anh dũng, các Đấng Cứu rỗi của Giống dân và Quốc gia chúng ta có bổn phận tìm hiểu nguyên nhân bất bình đẳng của áp lực Karma phân phối và cố gắng triệt để thăng bằng hóa cán cân quyền lực, nhờ đó sẽ cứu được các dân tộc khỏi một thiên tai luân lý, ngàn lần nguy hại hơn là thiên tai vật chất mà bạn đã quan niệm như là phương tiện duy nhất để cháâm dứt sự khốn đốn dồn dập.



Vấn: Đúng lắm, nhưng xin bà hãy diễn tả cách nào để giúp tôi hiểu rõ phần tổng quát của định luật Karma nầy ?



Đáp: Karma là định luật điều chỉnh lại, luôn luôn có khuynh hướng tái lập lại sự mất thăng bằng trong thế giới vật chất cũng như sự điều hòa bị xáo trộn trong thế giới tâm linh. Đặc biệt Karma luôn luôn tác động bằng cách này hay cách khác để tái lập sự điều hòa, gìn giữ mức thăng bằng, nhờ vậy Vũ trụ mới hiện tồn.



Vấn: Xin bà kể cho một thí dụ.



Đáp: Tôi sẽ kể một thí dụ dứt khoát. Vậy bạn hãy tưởng tượng một cái ao, một viên đá rơi vào mặt nước ao làm nổi những gợn sóng rung động lăn tăn trên mặt nước, rồi lan dần và sau cùng im lặng trở lại đúng như điều nhà vật lý học gọi là định luật tiêu tan của năng lực. Cũng giống như thế, mọi tác động trên tất cả các cõi gây xáo trộn sự điều hòa toàn hảo của Vũ trụ. Các sự rung động như thế, giả thiết xảy ra trong một môi trường bị hạn chế thì sự chuyển động vẫn tiếp tục tới lui cho đến khi sự thăng bằng được tái lập. Vậy một xáo trộn khởi hành từ một điểm riêng biệt; dĩ nhiên sự thăng bằng và sự điều hòa chỉ có thể tái lập do sự trở lại của tất cả động lực huy động vào chung một điểm khởi hành. Đây là bằng chứng về hậu quả của hành động và tư tưởng mà một người phải phản ứng lại chính họ với một động lực đồng cân với động lực đã gây ra chúng.



Vấn: Nhưng tôi không thấy một luân lý nào trong định luật đó. Đối với tôi, công thức này tương tợ với định luật vật lý đơn giản qui định tác động và phản động bằng nhau và hành động ngược chiều với nhau.



Đáp: Tôi không lạ chi về điều bạn nói, người Tây Phương có thói quen thâm niên nhìn sự công bằng và bất công, điều thiện và điều ác như là một qui luật độc đoán do con người lập ra, hoặc do một Thánh linh cá nhân, bắt buộc họ phải chấp nhận. Tuy nhiên, Thông Thiên Học chúng tôi cho những từ như “Thiện”, “Điều hòa”, cũng như “Aùc”, “Bất Điều hòa” tương đối là những từ đồng nghĩa. Vã lại, chúng tôi khẳng định nỗi đau khổ là kết quả của sự thiếu vắng Điều hòa và nguyên nhân duy nhất, khủng khiếp của sự xáo trộn Điều hòa là tính ích kỷ dưới bất cứ hình thức nào. Bởi thế Karma giáng xuống mỗi người hậu quả thực sự về hành động riêng của họ, mà không đếm xỉa gì tánh tình đạo đức của cá nhân đó. Nhưng vì nhận lãnh món nợ về mọi điều đã suy tưởng, hành động, dĩ nhiên Karma sẽ giúp họ trả xong mọi điều đau đớn đã gây ra và còn giúp họ gặt hái trong niềm vui tươi những quả lành hạnh phúc, điều hòa mà họ đã ra công đóng góp. Để soi sáng bạn về đề tài này, tôi không làm sao khác hơn là kể ra đây vài đoạn trích trong sách vở Thông Thiên Học mà chúng tôi đã có một ý niệm chính xác về Karma.



Vấn: Xin bà giúp tôi; vì văn chương Thông Thiên Học im lặng về vấn đề này.



Đáp: Trong giáo lý của chúng tôi, thuyết Nhân Quả khó giải thích nhất. Nhưng đây là lời biện bác của một tín đồ Cơ Đốc vừa gởi đến chúng tôi:

“Nếu chấp nhận các điều giáo huấn của Thông Thiên Học thích hợp với Chân lý và “con người phải là kẻ cứu rỗi cho chính mình, tự chiến thắng mình và đàn áp điều quấy phát sinh từ bản tánh nhị nguyên, thì hầu như để đạt sự giải thoát linh hồn cho họ” – thì họ phải làm chi sau khi họ đã tự cảnh giác và thoát khỏi điều quấy trong một phạm vi nào đó? Họ làm sao chiếm đoạt sự giải thoát dung tha hoặc hủy diệt điều quấy đã phạm phải “.

Về câu hỏi này, ông J. H. Connelly trả lời rất chính xác rằng người ta không làm sao “cho đầu xe hỏa Minh Triết chạy được trên đường rầy Thần học”. Ông còn nói thêm: “khả tính thoát khỏi trách nhiệm cá nhân không thuộc về khái niệm của Minh Triết. Theo đức tin đó, thì khoan dung “hoăïc hủy diệt điều quấy đã phạm phải” không thể thực hiện khác hơn là trừng phạt tương xứng kẻ phạm lỗi, và bằng cách tái lập điều hòa do hành động sai quấy đã gây xáo trộn. Điều quấy là kết quả của hành động, trong lúc bao nhiêu người khác phải chịu đau khổ về hậu quả của hành động đó, thì chính họ mới có thể làm tiêu tan điều quấy được.

Trường hợp giả thiết kể trên, . . .con người “được thức tỉnh và giải thoát khỏi điều quấy trong một phạm vi nào đó” họ tự nhận hành động của mình và xứng đáng nhận lãnh sự trừng phạt. Tâm thức này dẫn khởi nơi họ tinh thần trách nhiệm cá nhân; nó sẽ mạnh mẽ nếu họ “thức tỉnh” và “giải thoát” nhiều hơn. Vậy thì, chính trong lúc họ đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tinh thần trách nhiệm cá nhân đó, người ta lại khuyến khích họ nên chấp nhận giáo lý của sự dung tha tội lỗi.

Người ta cũng khuyên họ phải hối cải nhưng không có điều chi giản dị bằng sự thực hiện. Đây là bản tánh ươn hèn dễ mến của nhân loại, vì con người có khuynh hướng tiếc rẻ điều quấy đã phạm khi được người nhắc nhở, hoặc chính họ đã bị đau khổ hay hưởng lợi về điều quấy đó. Tuy nhiên khi đào sâu cảm giác tiếc rẻ này ta có thể phát giác do nhu cầu xúi dục ta để đạt những mục tiêu ích kỷ hơn là chính điều quấy. Tư tưởng ném gánh nặng tội lỗi vào “chân thập tự giá” có vẻ quyến rủ đến đâu, người sinh viên Minh Triết cũng không thể chấp nhận. Thật vậy, họ không hiểu tại sao người đã phạm tội lại được khoan dung hủy bỏ mọi điều hung ác quá khứ, họ cũng không hiểu vì sao sự ăn năn và một đời sống gương mẫu kể từ đó (sau lúc phạm tội) lại cho họ có quyền tránh được định luật phổ quát và quản trị sự liên đới giữa nguyên nhân và hiệu quả. Kết quả hành động sai quấy của kẻ phạm tội vẫn duy trì, sự đau khổ do bản tánh hung ác của họ đã gây ra cho kẻ khác chưa được xoá bỏ. Sinh viên Minh Triết ghi nhận, không những người phạm tội mà còn cả các nạn nhân trong vấn đề cần giải quyết những hậu quả của điều quấy gây ra cho người vô tội.

Điều quấy là sự vi phạm định luật điều hòa quản trị vũ trụ và kẻ xúc phạm định luật phải nhận chịu sự trừng phạt. Đấng Christ cảnh cáo chúng ta: “Kể từ nay, ngươi chớ nên tái phạm, ta e sẽ xảy ra điều tệ hại hơn cho ngươi”; Thánh Paul có nói: “Các anh nên làm việc để cứu rỗi các anh. Con người gieo cái chi sẽ gặt cái ấy”; ngài diễn tả một câu rất đẹp đã được ghi từ lâu trong kinh Puranas: “mỗi người sẽ gặt hái hậu quả của hành động riêng biệt của mình”.

Đây là nguyên lý của định luật Karma được giảng dạy trong Thông Thiên Học. Trong “Phật giáo bí truyền” ông Sinnett định nghĩa Karma là “một định luật về nguyên nhân đạo đức”. Nhưng bà Blavatsky diễn tả đúng hơn khi gọi Karma là “định luật của sự đền bù”. Karma là quyền năng huyền nhiệm nhưng công bằng đang hướng dẫn ta một cách chắc chắn. Do con đường vô hình từ lỗi lầm đến trừng phạt”. Nhưng còn hơn thế, Karma ban thưởng chắc chắn, rộng rãi, xứng đáng cũng như trừng phạt lỗi lầm. Là kết quả của mọi hành động, tư tưởng lời nói; chính nhờ Karma con người tự kiến tạo đời sống, hoàn cảnh. Triết lý Đông phương từ khước ý niệm mỗi linh hồn mới được sáng tạo cho mỗi đứa trẻ sinh ra tại trần gian, và tin tưởng về một số lượng hạn chế các Chân thần, chúng tiến hóa hoàn hảo do sự đồng hoá của nhiều phàm ngã tính khác nhau: sản phẩm của karma. Chính nhờ Karma và Luân hồi mà Chân Thần nhân loại trở về nguồn cội cũ: - thần tính tuyệt đối .

Trong tác phẩm “Luân hồi”, ông E. D. Walker giải thích như sau:

“Tóm lại, giáo lý Karma dạy rằng hành động kiếp trước tạo ra chúng ta ngày nay, và hành động hiện tại sẽ kiến tạo ta trong các kiếp vị lai. Không có một định mạng nào chờ đợi ta, ngoài cái mà chính ta tự quyết định. Không có một sự cứu rỗi cũng như sự đày đọa nào mà tác giả không là ta … Nếu Karma không che giấu một hành vi tội lỗi nào, thì nó cũng buộc ta phải cương quyết, mạnh mẽ, chính vì thế mà những ai có bản tánh yếu đuối không chào đón niềm nở Karma bằng chào đón giáo lý của tôn giáo hứa dung tha tội lỗi, khoan dung và cải tôn lúc hấp hối . . .Trong lãnh vực của công bằng vĩnh cửu, sỉ nhục và trừng phạt đi kèm bên nhau và chỉ trở thành một biến cố duy nhất mà thôi, thực ra người ta không thể phân biệt giữa hành động và hậu quả sẽ xảy ra … Chính Karma hay nói cách khác, các hành động cũ của ta mang ta trở lại cõi trần. Nơi cư ngụ của Chân linh thay đổi tùy theo Karma của nó, và Karma này vì biến đổi luôn do đó không chấp nhận một kỳ gian dài trong điều kiện tương tợ. Ngày giờ nào hành động của chúng ta còn do căn nguyên của ích kỷ và vật chất quản trị thì hiệu quả của nó còn biểu lộ bằng sự tái sinh vật chất, vì chỉ khi nào con người hoàn toàn diệt trừ tính ích kỷ thì mới có thể thoát khỏi sức hấp dẫn mãnh liệt của đời sống vật chất. Thật ra ít có người đạt được trình độ đó, nhưng đây mới là mục đích của nhân loại. Tác giả có kể một đoạn của giáo lý bí truyền: những ai tin có Karma đương nhiên tin vào định mệnh mà mỗi người từ lúc sinh đến lúc chết đã dệt từng sợi chỉ chung quanh mình giống như con nhện kéo màn lưới. Định mệnh này do tiếng nói thiêng liêng của nguyên mẫu vô hình hướng dẫn hoặc bởi con người nội tâm hay trung giới của ta còn mật thiết hơn, nhưng thường là của các thực thể được nhục hóa mà ta gọi là con người. Cả hai đều dẫn dắt con người ngoại cảnh, nhưng cái này phải chiến thắng cái kia. Ngay vào bước đầu của cuộc tranh đấu vô hình thì Karma: định luật nghiêm khắc bất di dịch khởi sự tự thực hiện triệt để theo từng giai đoạn của cuộc đấu tranh. Bao giờ sợi chỉ sau cùng được dệt xong, con người bị bao vây trong màn lưới của mình tạo ra và lúc ấy con người nhận chịu hoàn toàn dưới ảnh hưởng của định mệnh mà chính mình là tác giả… Một nhà Huyền học hoặc một triết gia không nói đến lòng trắc ẩn hay sự hung ác của thiên mệnh, mà chỉ đồng hóa Ngài với Nữ Thần Karma –Némésis; theo họ, Nữ Thần giữ lại những người thiện, phù trợ họ trong kiếp này cũng như trong những kiếp vị lai, trái lại, Nữ Thần trừng phạt kẻ hung bạo – cho đến kiếp tái sinh thứ bảy – nghĩa là cho đến khi nào hiệu quả của sự bất điều hòa gây ra cho một nguyên tử nhỏ nhít của thế giới thăng bằng vô tận được điều chỉnh. Vì sắc lệnh duy nhất của Karma – sắc lệnh của vĩnh cửu, bất di dịch – là sự điều hòa tuyệt đối trong cõi giới vật chất cũng như chân linh. Karma không thưởng không phạt, chính chúng ta tự thưởng tự phạt tùy sự hợp tác chung với Tạo hóa hành động thuận chiều hay vi phạm định luật ảnh hưởng sự điều hòa. Đường lối của Karma không khó tìm, nếu con người chịu làm việc trong sự kết hợp, điều hòa thay vì chia rẽ, đấu tranh. Bởi vô minh chúng ta không biết Karma – một số người gọi là đường lối tối tăm khó dò của Thiên mệnh, một số khác cho là tác động của thuyết định mệnh mù quáng, số người còn lại cho Karma là tác động tình cờ không do thần thánh hay ma quỷ nào dẫn dắt cả – Karma chắc chắn sẽ tan biến nếu chúng ta ghép hậu quả vào nguyên nhân thực sự của chúng.

Thật là lạ lùng trước điều bí mật này, và là công trình riêng của chúng ta, cũng như đời sống mà chúng ta không sao giải quyết được. Nhưng thật ra không một tai họa nào, không một ngày xui xẻo nào, không một sự bất hạnh nào trong kiếp sống của chúng ta mà không do hành động của riêng ta trong kiếp này hoặc kiếp trước… Định luật Karma xen lẫn phức tạp với định luật Luân hồi… Chỉ có giáo lý đó mới có thể giải thích sự bí mật của thiện và ác, mới hòa giải giữa con người với sự bất công khủng khiếp của cuộc đời. Không có điều chi ngoài giáo lý vừa kể có thể làm êm dịu cảm giác của ta về sự công bằng. Một người không hiểu giáo lý cao thượng này, nhìn chung quanh toàn là sự bất bình đẳng về sanh sản, tiền tài, thông minh, năng khiếu; kẻ ngu xuẩn phóng túng lại được giàu sang phú quí từ lúc mới chào đời, còn người gần họ nhất, mặc dù đầy đủ thông minh, có nhiều đức tánh cao thượng – xứng đáng nhận lãnh hạnh phúc hơn – lại phải chịu tàn suy vì thiếu sự giúp đỡ và tình thân ái; họ trông thấy tất cả điều đó và chỉ còn lấy mắt nhìn xem biết bao khổ đau không xứng đáng, trong lúc khắp nơi vang lên tiếng rên siết thê lương làm tan nát cõi lòng, thì chính sự hiểu biết về Karma mới có thể ngăn họ không nên nguyền rủa cuộc sống, người đời cùng Đấng Hóa Công…
Định luật này dù ý thức hay vô ý thức không có vấn đề tiền định cho cái chi hoặc cho ai cả. Nó hiện tồn thật sự trong vĩnh cửu vì tự nó, chính là sự vĩnh cửu, như thế không một hành động nào có thể sánh với vĩnh cửu, không thể bảo chính nó động tác vì tự nó là hành động. Nó không là lượn sóng nhận chìm con người, nhưng là hành động cá nhân của kẻ vô phước tự đặt mình dưới tác động vô ngã của định luật quản trị sự vận chuyển của đại dương. Karma không sáng tạo cái chi và cũng không thành lập một kế hoạch nào cả. Chính tự con người phát sinh và sáng tạo nguyên nhân; định luật Nhân Quả chỉ điều chỉnh hậu quả; sự điều chỉnh này không là một tác động,mà là sự điều hòa phổ quát luôn luôn có khuynh hướng trở lại điều kiện nguyên thủy, giống như một cành cây bị uốn cong quá mạnh, tự quật trở lại với một sức mạnh tương đương. Nếu cành cây đập gãy cánh tay của kẻ cố sức uốn cong ngoài vị trí tự nhiên của nó, chúng ta có bảo tại cành cây đập gãy cánh tay, hay sự điên rồ của con người là nguyên nhân của tai nạn đó? Karma không bao giờ thử tiêu diệt tự do trí tuệ và cá nhân, như vị Thánh linh mà tín đồ Độc thần giáo đã làm. Sắc lệnh của Nhân Quả không bị bóng tối bao phủ hầu ném con người vào sự âu lo, kẻ nào dám dò xét sự bí mật của Nhân Quả không bao giờ bị trừng phạt. Trái lại, kẻ đó giúp ích cho nhân loại nhờ sự nghiên cứu, tham thiền, khám phá con đường phức tạp tối tăm, rọi vào một ánh sáng mà biết bao người phải chịu chết vì không sao thoát khỏi mê lộ của cuộc đời. Trong vũ trụ biểu hiện, Karma là định luật tuyệt đối, vĩnh cửu; vậy chỉ có một cái Tuyệt Đối, một nguyên nhân vĩnh cửu duy nhất luôn luôn hiện diện, người nào tin tưởng Karma, không thể bảo là kẻ vô thần hoặc duy vật, chớ đừng nói chi là kẻ cuồng tín; đối với hiệu quả của nó trong thế giới hiện tượng, Karma là một với cái Bất khả tri và nó chỉ là một trong các trạng thái”. Trong quyển “Mục đích của Thông Thiên Học” Bà P. Sinnett, một tác giả hữu danh có viết: “Mỗi cá nhân tạo Karma tốt hay xấu do hành động, tư tưởng trong đời sống hằng ngày, đồng thời họ phải trả Karma của kiếp nhục hóa trước đó. Có người mắc bệnh từ lúc mới sinh, ta có thể xác nhận đây là kết quả tất nhiên tiếp theo nguyên nhân do chính họ tạo ra trong một kiếp trước. Người ta có thể lý luận rằng những bệnh tật đó do di truyền, thế nên chúng không liên quan chi đến kiếp quá khứ, nhưng chúng ta nên nhớ chính Chân ngã, con người đích thực, cá thể tính không có căn nguyên tâm linh nơi cha mẹ đã sinh ra xác thân, nhưng nó bị thu hút bởi sự tương quan mà kiếp sống trước đã tạo ra xung quanh nó theo trào lưu và lôi cuốn nó khi giờ đã điểm, nó được tái sinh vào một gia đình thích hợp nhứt cho sự phát triển khuynh hướng. Giáo lý Karma giúp ta thấu triệt chân lý, tiến đến một đời sống cao thượng, tốt đẹp hơn nếu được hiểu biết chính chắn. Chúng ta nên nhớ rằng do hành động, tư tưởng sẽ phát sinh chắc chắn nhiều hậu quả ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến tương lai của ta và quan trọng hơn nữa của đồng bào ta. Nếu tội lỗi về sự ủy nhiệm hoặc thiếu sót chỉ ảnh hưởng cho chính ta thôi thì hậu quả của Karma sẽ không quan trọng lắm. Mỗi hành động, mỗi tư tưởng trong đời sống sẽ gây ảnh hưởng tốt hoặc xấu cho người khác trong gia đình nhân loại; vậy cá nhân muốn đạt hạnh phúc tiến bộ trong tương lai phải có cảm tình nồng nhiệt về công bằng luân lý và bác ái. Khi một tội lỗi đã phạm, một tư tưởng chẳng lành được ghi vào thể trí, chúng ta đành nhận chịu – không có sự ăn năn hối cãi nào có thể xóa tan những kết quả vị lai được. Nếu thành thật hối cãi con người sẽ không còn tái phạm, nhưng chẳng bao giờ giải thoát họ khỏi hậu quả của tội lỗi đã vi phạm, chắc chắn con người phải trả trong kiếp này hoặc kiếp sau”.
Ông J. Connelly lại tiếp: “những ai đặt đức tin nơi tôn giáo được căn cứ trên giáo lý như thế, sẽ chấp nhận sự so sánh tôn giáo đó với tôn giáo khác, xác định số mệnh của con người được qui vào vĩnh cửu bởi các biến cố của kiếp sống trần gian duy nhất và ngắn ngủi; tôn giáo sau này dường như hiến cho họ một niềm hi vọng vững chắc, nhưng khi họ giác tỉnh bản tánh hung bạo của mình nhờ giáo lý về sự tha tôïi theo như điều công bố tín ngưỡng của giáo phái Trưởng lão, hiệu quả giáo lý này sẽ bị trở ngại vì:

“Do sắc luật của Thượng Đế và sự biểu lộ vinh quang của Ngài, có những người và thiên thần mà sự sống vĩnh cửu được tiền định, cũng như có những kẻ phải nhận chịu sự chết vô tận.

Những người và thiên thần được tiền định và lựa chọn theo một tiêu chuẩn riêng biệt như thế không chấp nhận một sự thay đổi nào khác; con số quá chắc chắn, hạn định, không được tăng hay giảm . . . vì Thượng Đế đã tiền định họ đi đến sự vinh quang,. . . thì không còn kẻ nào khác được Đấng Christ cứu rỗi chuộc tội. Phần nhân loại còn lại, tùy theo ý của Thượng Đế – đúng theo tiêu chuẩn khó hiểu của ý muốn Ngài, theo đó Ngài ban cho hoặc từ chối lòng bác ái tùy sở thích và sự vinh quang của quyền năng đế vương mà Ngài ảnh hưởng đến bầy tôi của Ngài – tùy ý thích, Ngài truất họ ra khỏi ân huệ và đầy đọa họ phải chịu sỉ nhục, trả thù tương xứng với tội lỗi”.

Nhà biện hộ thông minh, ông J. Connelly đã nói như thế. Chúng tôi không làm chi hơn chấm dứt đề tài cũng như ông, là kể lại một đoạn xuất sắc của ông Edwin Arnold trong quyển thi ca “Aùnh Đạo Phương Đông” (La Lumière de l’Asie):

“Karma – sự toàn vẹn của một linh hồn,

Những việc nó đã làm, tư tưởng nó đã có,

Cái “Ngã” nó đã dệt trên tấm vải vô hình của thời gian,

Cái “Ngã” nó đã thêu trên chuỗi vô cảm của hành động.

Vô thủy, vô chung,

Vĩnh cửu như không gian, chắc chắn như Chân lý,

Một quyền năng thiêng liêng hiện tồn và hướng về điều thiện,

Chỉ có những định luật của Karma được duy trì vĩnh viễn.

Không ai dám khinh khi nó;

Ai bất tuân sẽ bị thua thiệt, ai phục vụ sẽ chiến thắng;

Nó hiến dâng sự ban thưởng thanh bình, phúc lạc về điều thiện được ẩn giấu,

Nó bắt nhận lãnh khổ đau về điều ác bí mật.

Nó nhìn thấy khắp nơi, và không điều chi thoát khỏi nó được,

Nếu ta làm thiện – nó sẽ ban thưởng – nếu ta có đôi điều ác độc:

Ta sẽ bị trừng phạt tương xứng

Dù Dharma có làm thiên lệch việc thực hành.

Nó không biết giận, biết tha thứ, chỉ biết công bằng đúng mức,

Nó cân với cán cân hoàn hảo;

Thời gian không có đối với nó – nếu không phán xử ngày mai;

Nó sẽ dành lại nhiều ngày sau.

Đó là định luật của sự vô tư.

Không ai có thể cản trở và làm sai lệch con đường tiến của nó;

Lòng nó chan hòa bác ái. Mục đích của nó là sự thanh bình êm dịu.

Sự thực hiện. Hãy tuân theo nó”.

Bây giờ tôi khuyên bạn nên suy gẫm giáo huấn của chúng tôi dạy về Karma, định luật bù trừ, và bạn phán đoán xem có phải Karma vừa công bằng vừa triết lý hơn tín điều bất lành, phi lý cho rằng “Thượng Đế” là quỷ sứ không có trí tuệ – tín điều đó nói rằng “chỉ có các tuyển cử duy nhất” sẽ được cứu rỗi về phần còn lại của thế gian phải bị đày đọa vĩnh viễn.



Vấn: Vâng, tôi hiểu một cách tổng quát về điều chi bà muốn nói, nhưng bà có thể cho tôi một thí dụ cụ thể về tác động của Karma chăng ?



Đáp: Đây chính là điều mà tôi không thể làm được. Nhưng chúng ta có thể quả quyết, như tôi vừa nói ở đoạn trên, rằng đời sống và hoàn cảnh hiện tại của chúng ta đang sống, đều do kết quả trực tiếp của tư tưởng và hành động của ta từ những kiếp trước. Vì không phải là nhà tiên tri, điểm đạo, ta không thể biết một cách rõ rệt định luật Karma tác động ra sao ?



Vấn: Chân Sư hoặc nhà tiên tri có thể theo dõi từng chi tiết lịch trình tiến triển của Karma không ?



Đáp: Chắc chắn có. “Những người hiểu biết” có thể theo dõi bằng cách sử dụng các quyền năng tiềm tàng trong con người.

NHỮNG NGƯỜI HIỂU BIẾT LÀ AI ?



Vấn: Điều bà vừa nói có thể áp dụng cho chính ta cũng như cho bao nhiêu người khác chăng ?



Đáp: Vâng, như tôi vừa mới trình bày, quyền năng tri giác của mọi người đều bị hạn chế, trừ phi những người mà trong kiếp hiện tại, đã đạt được mức độ cao nhất về tri giác tâm linh, về thần nhãn. Còn chúng tôi chỉ nhận xét rằng, nếu các sự kiện có thể khác với ta, thì chúng đã thay đổi rồi, được sinh ra như thế có nghĩa là chúng ta đã xứng đáng thọ lãnh.



Vấn: Tôi e ngại một quan niệm như thế chỉ làm cho ta thêm chua xót mà thôi.



Đáp: Trái lại, chính vì không tin có định luật của sự công bằng bù trừ nên con người mới bất mãn. Từ đứa trẻ đến người lớn đều cảm được sự thấm thía khi bị trừng phạt hay bị khiển trách một cách bất công, hơn là sự trừng phạt nghiêm khắc mà chính họ tự nhận đáng tội. Sự tin tưởng nơi Karma cung cấp cho con người có những lý lẽ cao thượng hơn để chấp nhận số phận của mình trong đời sống, đồng thời là sự khích lệ lớn lao để họ gắng sức cải thiện kiếp tái sinh sau nầy. Thật ra, sự chấp nhận và cố gắng đó không có lý do để tồn tại, nếu chúng ta giả thiết số phận không phải là kết quả của định luật không thể tránh hoặc định mệnh của ta lệ thuộc vào kẻ khác.



Vấn: Bà vừa xác nhận giáo lý Luân Hồi thích ứng với định luật Nhân Quả và tùy thuộc vào lý lẽ, vào sự công bằng và ý thức đạo đức. Nhưng phải chăng điều đó làm thiệt hại vài đức tánh êm dịu hơn của bản tính con người như thiện cảm và xót thương ? Và kết quả lại là sự cứng rắn thay vì những cảm giác tế nhị nhất của bản tánh nhân loại ?



Đáp: Không thực tại. Không có một người nào nhận nhiều hơn hay ít hơn điều họ đáng thụ hưởng mà không tạo sự tương đồng về bất bình đẳng và thiên vị đối với người khác. Một định luật mà ta có thể thoát khỏi sự trừng phạt nhờ lòng từ bi, gây nhiều đau khổ cho ta hơn là sự tri ân. Định luật không do chúng ta sáng tạo; chính nó tự phát xuất, chúng ta chỉ tạo tác nguyên nhân để rồi bị lôi cuốn theo hậu quả. Chính trạng thái Devachan là chốn mà lòng từ bi và cứu rỗi được biểu hiện rõ ràng.



Vấn: Bà có nói các Đấng Chân Sư là một trường hợp ngoại lệ trong sự vô minh tổng quát của chúng ta. Vậy các Ngài thực sự có hiểu biết về Luân Hồi, về các trạng thái vị lai hơn chúng ta không ?



Đáp: Vâng đúng vậy. Vì đã phát triển được các quan năng mà mọi người đều có, nhưng chỉ riêng các Ngài mới biết trau luyện cho đến hoàn hảo; chân linh các Ngài đã tiến vào cõi giới và trạng thái khác biệt mà chúng ta thảo luận. Trải qua nhiều thời đại, các thế hệ Chân Sư từ trước đến sau, đã dò dẫm sự huyền bí của con người, của sự sống, sự chết và sự tái sinh, các Ngài giảng dạy vài sự kiện đã học hỏi được.

.................................................. .......
Vấn: Vậy định mạng cuối cùng của con người không là cõi Trời nơi Thượng Đế ngự trị, nhưng mà là một sự biến đổi vật chất từ từ thành Chân linh hay là phân tố nguyên thủy của nó ?



Đáp: Tất cả vạn vật đều tiến đến mục tiêu cuối cùng đó.



Vấn: Những người chấp nhận giáo lý Thông Thiên Học có coi sự kết hợp hoặc sự hạ giáng của Chân linh vào vật chất là một điều tai hại hay ưu phiền chăng ?



Đáp: Có vài người nghĩ như thế,do đó họ cố gắng thu ngắn thời kỳ thử thách tại trần gian. Nhưng mà điều hại này không phải không có sự ban thưởng lại, thật ra chúng ta có được kinh nghiệm dạy chúng ta không có điều chi ngoài hạnh phúc tâm linh có thể thỏa mãn nhu cầu tâm linh của chúng ta được. Ngày giờ nào chúng ta còn ở trong xác thân, chúng ta gánh chịu sự khổ đau thất vọng của cuộc sống, nhưng trái lại để đền bù, chúng ta sẽ đạt được sau cùng sự tri thức và chỉ có nó mới giải thoát được ta và giúp ta hi vọng ở tương lai tốt đẹp hơn.

.......................................

BÍ QUYẾT TTH
Tác giả :H.P.Blavastsky
http://www.thongthienhoc.com/sach%20...et%20tthoc.htm