NDĐT - Cứ nhắc đến Hòa thượng Chau Kắk (pháp danh Sa Van Phan Na, Phó Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang), mỗi người Khmer cho đến các vị lãnh đạo chính quyền từ xã đến tỉnh An Giang đều hết lòng yêu mến. Cả một đời, ông luôn hết lòng, hết tâm vì sự phát triển cộng đồng, dân tộc, vì quê hương, đất nước.



Giữ đạo và đời luôn sáng

Ngôi chùa Mỹ Á nằm sâu trên con đường mòn nhỏ thuộc xã Núi Voi (huyện Tịnh Biên, An Giang) mấy tháng qua luôn có những chuyến xe tải chở cát, đá, xi măng, máy xúc ì ạch nhả đất mấy tháng ròng… làm sóc nhỏ càng thêm huyên náo. Chị Neáng Thị Thi ,nói: “Sư thầy đang khẩn trương cho đào, xây mới cái hồ chứa nước to lắm, làm xong thì nó có thể chứa nước cho cả mấy xã liền kề này xài suốt mùa khô”. Công trình hồ chứa nước do chính vị sãi cả trụ trì chùa Mỹ Á cùng chính quyền đứng ra quyên góp xây dựng.

Là một người con Khmer, đi tu báo hiếu vừa là nghĩa vụ đạo lý báo hiếu, vừa là bổn phận, danh dự của một người thanh niên trai tráng trong cộng đồng. Bảy tuổi, cậu bé Chau Kắk đã đến chùa cho tròn bổn phận làm trai. Năm 1960, khi tròn 17 tuổi, chàng trai trẻ Chau Kắk quyết định xin cha mẹ ở lại ngôi chùa Mỹ Á thờ Phật.

Hòa thượng nhớ lại: “Mình quyết tâm xuất gia, cha mẹ chỉ khuyến khích, dặn phải ráng làm thêm nhiều điều phúc cho dân, cho nước, xứng đáng là con người tu chân chính”. “Ngày trước, nhà nghèo, đất nước chiến tranh, chữ nghĩa có là bao. Nhờ các thầy dạy bảo tận tình, học tới đâu, mình ráng nhớ đến đó, không biết thì hỏi, đọc càng nhiều sách, kinh càng cho mình thêm kiến thức”, Hòa thượng Chau Kắk nói.

“Trong số những việc đầu tiên mình làm, mở lớp chữ Phạn cùng chữ Khmer là việc ưu tiên nhất. Theo truyền thống người Khmer, con trai khi lớn lên sẽ tu báo hiếu. Thế nhưng, phần lớn các em vào lại chỉ biết nói tiếng dân tộc mà mặt chữ thì không biết. Mình mở lớp xóa mù chữ dân tộc Khmer, một là để các em giữ gìn tiếng nói, chữ viết của mình, hai là có thể đọc những kiến thức của người xưa. Thứ hai là dạy tiếng Phạn vì kinh nhà Phật đều viết thứ tiếng này, không biết thì làm sao đọc được kinh kệ, hiểu được đạo pháp”, Hòa thượng Chau Kắk chia sẻ về lớp dạy chữ tiếng Khmer, chữ Phạn đầu tiên ở An Giang.
Người biết chữ dạy người chưa biết, người đi trước dạy người đến sau… cứ thế gần 20 năm nay, thanh niên Khmer các xã Núi Voi, thị trấn Chi Lăng, xã Tân Lợi và các phum, sóc phụ cận đều được xóa mù và nâng cao kiến thức tiếng dân tộc Khmer.

Song song với chuyện dạy học, những con đường liên ấp hàng chục năm qua đều ghi dấu sự vận động quyên góp hiện vật mở đường, rải đá, lán nhựa của Phật tử. Điển hình là con đường liên ấp dẫn vào chùa, giờ xe ô-tô cũng ra vào thuận tiện.

Sư thầy cười hiền: “Hổng nhớ hết, nhà báo ạ! Mình làm vì bà con mà nhớ công, nhớ của làm chi!”. Giờ đây, công trình hồ chứa nước, trị giá gần hai tỷ rộng 5.200 mét vuông, sâu 3,5m, kè đá bê tông kiên cố với tổng sức chứa tương đương 7.000 mét khối nước đang ngày đêm thành hiện thực, là một trong những công trình hồ chứa nước dân sinh do người dân đầu tư lớn nhất trong đồng bào dân tộc Khmer tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

“Công trình cần nhiều tiền nên mình có đến đâu làm đến đó. Nhà nước, các cấp lãnh đạo quan tâm, hỗ trợ thêm,tỉnh, huyện đề xuất nếu cần thì các đồng chí sẽ vận động cho, mình có đến đâu thì làm đến đó. Có cái hồ này, mùa khô năm sau, bà con ở đây sẽ không còn cảnh chở từng can nước dùng nữa. Nước giếng nghi nhiễm mấy chất gì đó (asen hay thạch tín) sẽ không còn độc hại bà con. Có zậy mình vui rồi”- Hòa thượng Chau Kắk chia sẻ khi tiễn tôi ra con đường nhỏ với hàng cây xanh, rợp bóng chiều tà vùng Bảy Núi (An Giang) mà chính vị sư thầy là người mở lối.

Bảo Trị