I. LỜI TỰA

Tịnh độ là quốc độ thanh tịnh, trang nghiêm, thù thắng không có ngũ trược, cấu nhiễm. Cõi Tịnh độ này như một Đại đồng thế giới, không ai mà không mơ tưởng đến, hoặc chẳng khác nào Thiên đường trong tư tưởng của các giáo đồ khác.

Nếu đem so sánh lý tưởng Đại đồng thế giới và Thiên đường thì cõi Đại đồng thế giới đẹp đẽ, vi diệu, thù thắng hơn. Tịnh độ là thế giới cư trú của chư Phật, Bồ-tát, Thánh hiền, cũng là đạo tràng thanh tịnh của chư Phật, Bồ-tát giáo hoá cứu độ chúng sanh. Cho nên trong tâm mỗi cá nhân đệ tử của Phật luôn luôn khao khát tìm cầu hướng về lý tưởng thế giới Tịnh độ. Nhân đó pháp môn Tịnh độ ở trong Phật pháp hết sức quan trọng, lại được các đệ tử của Phật tín ngưỡng tin theo và truy cầu phổ biến rộng rãi. Vì sao pháp môn Tịnh độ ở trong Phật pháp lại chiếm một địa vị quan trọng như thế ? Lại được các đệ tử của Phật tin theo rộng rãi như vậy ?

Vì hiện thực nhơn sinh chịu nhiều thống khổ bức bách (bát khổ: sanh, lão, bệnh, tử v.v…), đó là một loại hiện tượng tự nhiên. Cũng giống như một quốc gia trải qua một thời kỳ chinh chiến loạn lạc, cuộc sống nhân dân bất ổn, chưa có an cư lạc nghiệp, nên nguyện cầu quốc gia thái bình, để đời sống được an lạc hạnh phúc. Thế gian thật là đau khổ, cho nên mọi người phải tìm cầu giải thoát đau khổ. Vì thế mới có nhiều tôn giáo khác nhau xuất hiện; mục đích giúp cho con người có cuộc sống hiện thực, để họ gửi gắm tâm linh của mình vào đó được an bình và sinh mạng sau khi chết, kỳ vọng vĩnh viễn được an ổn.

Pháp môn Tịnh độ chính vì nhu cầu của chúng sanh, vì lý tưởng hiện thực vĩ đại cứu nhơn loại, ngõ hầu tương lai đưa nhơn sinh đến bờ giác, nên mới thiết lập ra một phương pháp để cứu tế. Do đó, Tịnh độ mới được phổ biến rộng rãi, các đệ tử của Phật một lòng tín ngưỡng và cùng nhau tu học, vì vậy hàng học giả Đại thừa và Tiểu thừa cũng dung hòa lý tưởng hướng về thế giới Tịnh độ. Các tông phái Phật giáo Trung Quốc như: Hoa nghiêm, Thiên thai, Duy thức, Tam luận cho đến Thiền tông v.v… đều thực hành tu học, hoằng dương pháp môn Tịnh độ. Vì vậy chúng ta biết rằng, trong Phật giáo Tịnh độ là mục tiêu lý tưởng mà tất cả đồng hướng về, và Tịnh độ tông cũng chiếm một địa vị rất quan trọng trong Phật giáo.

II. NGUỒN GỐC TÔNG TỊNH ĐỘ

Tư tưởng của Tịnh độ bắt nguồn từ tư tưởng sanh Thiên và niệm Phật cho đến nay.
Đại trí độ luận quyển 22 nói: “Trong pháp Thanh Văn niệm cõi dục giới, trong pháp Bồ-tát niệm tất cả tam giới. Khi hành giả chưa đắc đạo, hoặc tâm tham đắm ngũ dục thế gian, đức Phật dạy niệm Thiên để đoạn dâm dục, mới sanh lên hai cõi trên. Nếu không đoạn được dâm dục thì sanh vào trong cõi trời Lục dục (sáu tầng trời cõi Dục giới)” 1. Ở đây đức Phật vì những người chưa đạt đạo còn quyến luyến ngũ dục, nên ngài chỉ ra “con đường” giải thoát thống khổ hiện thực. Khi đức Phật còn tại thế, đệ tử theo Ngài qui y rất nhiều, và khao khát tín ngưỡng sùng bái nhơn cách vĩ đại của ngài. Nhưng thâm tâm mỗi vị đệ tử theo Phật, chỉ cùng ý chí học Phật truy cầu giải thoát, do đó mới hình thành hai chúng: tại gia và xuất gia.

Ở Ấn Độ từ xưa đến nay, giới tư tưởng đối với nhân sinh quan cùng một quan điểm là “khổ”. Quan niệm “đời là khổ” đã đi vào đáy lòng sâu thẳm của người dân, tạo thành một lao ngục tư tưởng truyền thống khó có thể phá vỡ. Loại tư tưởng này vẫn cứ lưu truyền cho đến hiện nay và ảnh hưởng sang các nước. Vì vậy mọi người cùng một nguyện vọng tìm con đường giải thoát thống khổ của hiện thực, để đem lại hạnh phúc cho nhơn sinh. Các Tông phái thành lập, cộng đồng Tăng lữ xuất hiện, cũng vì mục đích tối hậu là giải thoát thống khổ cho con người. Cho nên tư tưởng sanh Thiên cũng nảy mầm, lưu truyền lan tỏa khắp Ấn Độ. Đức Phật dạy các đệ tử phải qui y Tam bảo, chính là thực hiện Tam niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, rồi thêm niệm Giới (luôn nghĩ nhớ niệm giới để có thêm công đức), niệm Thí (luôn nghĩ nhớ hành trì tạo thêm công đức, không quên công đức bố thí) và niệm Thiên (niệm Thiên là giàu có và an lạc, cần phải tu tập thiện nghiệp trì giới và bố thí). Lục niệm này đều thích hợp với căn cơ chúng sanh. Các phương pháp giải thoát đau khổ không có giống nhau nên trong tam niệm có tư tưởng niệm Phật; trong lục niệm có tư tưởng sanh Thiên. Lại do tư tưởng sanh Thiên, diễn biến thành tư tưởng vãng sanh; tiến thêm một bước nữa do kết hợp hai tư tưởng niệm Phật và vãng sanh, hình thành một tư tưởng niệm Phật vãng sanh Tịnh độ. Trong kinh Phật có ghi chép vãng sanh Tịnh độ, bắt đầu từ cõi Tịnh độ của ngài Di-lặc ở cung trời Đâu-suất. Đây chính là mở đầu cho sự niệm Phật, niệm Thiên, sanh Thiên tiến triển trở thành vãng sanh Tịnh độ. Vì thế chúng ta mới thấy được rằng tư tưởng của Tịnh độ xuất phát bắt nguồn từ thời đại Phật giáo (Nguyên thuỷ).

Nguồn gốc tư tưởng của Tịnh độ, tuy có gốc gác ở vào thời đức Phật, nhưng cụ thể thành lập chính là từ trong kinh điển, tức là bắt đầu trong kinh Hoa nghiêm Đại thừa Phật giáo, sau là kinh Pháp hoa. Vào thời đại nguyên thuỷ Phật giáo và các bộ phái, tư tưởng Tịnh độ hết sức chìm lặng không có hiển bày rạng rỡ. Nhưng tín ngưỡng Tịnh độ lại ăn sâu vào trong tâm khảm của người tại gia, còn xuất gia chú trọng giải thoát sanh tử chứng niết-bàn. Đang lúc Tăng Đoàn xuất gia làm chủ, lãnh đạo chỉnh đốn tình hình Phật giáo, thì tư tưởng Tịnh độ tự nhiên lại lu mờ. Do vậy trong kinh điển của Tiểu thừa có ghi chép liên quan đến tư tưởng Tịnh độ không nhiều, chỉ có một vài nét nho nhỏ mà thôi. Cho đến sau khi kinh Bát-nhã xuất hiện, trong các lời nguyện của kinh Bát-nhã cùng với tư tưởng Tịnh độ, hai bên tương ứng với nhau mới có một chút ánh sáng le lói. Kinh Bát-nhã phẩm Hạnh nguyện, Hội thứ hai nói: “Có các vị Đại Bồ-tát tu hạnh bố thí Ba-la-mật-đa … phát lời nguyện: Ta nên tinh tấn chuyên cần không tham luyến, tu hạnh bố thí Ba-la-mật-đa để thành thục hữu tình để trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật”2. “Ta nên dùng phương tiện gì để cứu vớt các loài hữu tình, khiến họ xa lìa tà định và bất định tụ. Tư duy đã xong mới phát lời nguyện: Ta nên tinh cần tinh tấn không tham luyến, tu hạnh lục chủng (sáu pháp) Ba-la-mật-đa, thành thục hữu tình trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật”3. Cho nên kinh Bát-nhã dùng lục độ để nói rõ việc trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật. Đến khi xuất hiện kinh Hoa nghiêm, ghi chép Thiện Tài Đồng Tử đến phương Nam tham học nơi Tỳ-kheo Công Đức Vân, mới có nói rõ việc niệm Phật tam-muội và thấy Phật. Lại trong kinh Hoa nghiêm phẩm “Nhập pháp giới” nói: “Bồ-tát Quang Minh dùng chánh định tam-muội quán sát … thấy tất cả chư Phật và quyến thuộc của Ngài ở cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh”4. “Đạt được Hư không đẳng niệm Phật Tam-muội môn, thấy thân Như Lai chiếu khắp pháp giới”5. Trong kinh Hoa nghiêm, phẩm “Hoá thành dụ” đều nói đến đức Phật A-súc và đức Phật A-di-đà, và nói: “Có hai vị Sa-di phương Đông thành Phật, một là A-súc ở quốc độ Hoan Hỷ, hai là Tu Di-đảnh … . Lại ở Tây phương có hai vị Phật, một là A-di-đà, hai là Độ Nhất Thiết Thế Gian Khổ Não”6.

Đây là nói rõ 10 Đại vương tử theo Ngài Đại Thông Trí Thắng Như Lai xuất gia học đạo, sau đến các phương thành Phật. Phẩm “Dược vương Bồ-tát” nói: “Nếu có người phụ nữ nào nghe kinh Diệu pháp liên hoa, nghe xong phát tâm tu hành, sau khi mạng chung liền vãng sanh về thế giới của đức Phật A-di-đà, có các vị đại Bồ-tát vây quanh nơi đó”7.

Như vậy trong kinh đã nói rõ sự thực về vãng sanh Cực lạc Tịnh độ. Chúng ta thấy trong các kinh Đại thừa hay tán dương đức Phật A-di-đà và thuật lại sự trang nghiêm thanh tịnh của cõi Cực lạc Tịnh độ, do đó Phật giáo ở Trung Quốc, đối với đức Phật A-di-đà họ luôn tôn kính sùng bái. Nên cổ đức nói: Trong các kinh tán thán, đều tán thán đức Phật A-di-đà, vì Ngài có ý một nghĩa đặc thù tồn tại miên viễn.

Trong giáo lý truyền thống của Tiểu thừa nhận định về đức Phật là bậc thầy của trời người, thánh cách siêu nhơn của Ngài không gì so sánh được, và mọi người chỉ có thể làm đệ tử của Ngài và tu hành theo lời dạy của Ngài; nhưng, nếu muốn đầy đủ tất cả diệu dụng từ bi, nguyện lực, thần thông cứu độ người nhơn gian như đức Phật, thì không thể được. Do đó đối với hạnh nguyện cứu độ chúng sanh, bộ phái Phật giáo nguyên thuỷ cho là không thể thực hành được, nên phần nhiều Tăng đoàn xuất gia chú trọng chủ nghĩa tịch tịnh, thành ra thiên lệch về chủ nghĩa tiêu cực. Về sau, do ở trong giáo đoàn có phần Đại thừa phát triển, từ đó hoàn cảnh thôi thúc họ bất mãn các hình thức không linh hoạt, đã phá bộ phái truyền thống, cho rằng không phù hợp với con người. Cho nên họ lập ý chí lớn, phát đại nguyện, hành Bồ-tát đạo, nguyện làm vị Phật tương lai, cùng Ngài cứu vớt chúng sanh, đạt đến nhân cách lý tưởng tối cao viên mãn. Nhưng lý tưởng tối cao của Phật Đà không phải một kiếp một đời có thể thành đạt được, hiện tại chỉ là hàng hậu duệ kế thừa sự nghiệp Phật Đà, lập đại nguyện trên cầu thành Phật dưới hoá độ chúng sanh, thành tựu Bồ-tát, thực hành Lục độ Ba-la-mật, chờ đợi tương lai sẽ thành Phật, như vậy chúng ta có thể thấy được rằng tư tưởng thành Phật từ đây mà nảy mầm. Trong kinh A-hàm có ghi lại: Ngài Bồ-tát Di-lặc đời sau sẽ kế vị thành Phật, hiện Ngài ở cung trời Tịnh độ Đâu-suất. Đây là đầu mối vãng sanh Tịnh độ.

Trong truyện Bổn sanh có nói: Bồ-tát hiện các hình tướng, đời trước chỉ là một vị Phật Thích Tôn mà thôi, từ đó mà phát triển thành các tư tưởng bổn nguyện Bồ-tát, và biết được cái nhân chơn chánh của Bồ-tát là thành Phật; cũng vậy nếu có chúng sanh phát đại Bồ-đề tâm, rộng tu Bồ-tát đạo, về sau nhất định sẽ thành Phật. Lại do chủ nghĩa của một vị Phật Thích Tôn, diễn biến thành tư tưởng nhiều vị Phật, cho nên Phật giáo Đại thừa có vô lượng vô biên Tịnh độ của các vị Phật. Bồ-tát vì muốn đạt đến lý tưởng cao tột và hạnh nguyện cứu độ chúng sanh như Phật Đà, nên phát đại nguyện, cõi Tịnh độ chính là đạo tràng để cho Bồ-tát thành tựu đại nguyện. Tóm lại, đều do một vị Phật Thích Tôn mà sanh ra tư tưởng nhiều vị Phật, lại do kiếp trước Phật Đà thị hiện các hạnh Bồ-tát, mà phát triển thành vô lượng vô biên tư tưởng Bồ-tát. Trong kinh Đại thừa diễn tả hằng hà sa số chư Phật, Bồ-tát ở cõi Tịnh độ, cũng chính từ đây thành lập. Mười phương chư Phật và vô lượng vô số cõi Tịnh độ Bồ-tát, không phải một vị thành lập, mà cùng với chúng sanh kiến lập, do đó có tư tưởng vãng sanh Tịnh độ. Tất cả chúng sanh vãng sanh về quốc độ chư Phật, Bồ-tát, không chỉ hưởng thọ khoái lạc riêng tư, mà tất cả đều cùng nhau lập một ý chí mạnh mẽ phát Bồ-đề tâm, trên cầu thành Phật dưới hoá độ chúng sanh, nhân nơi đó xây dựng nên một cõi Tịnh độ mới; họ luôn mong mỏi thành đạt được nguyện vọng là tiếp dẫn chúng sanh, cứu độ chúng sanh, giáo hoá chúng sanh. Từ cõi Tịnh độ này nảy sanh thành cõi Tịnh độ mới, đây cũng chính là thành tựu vô lượng vô biên cõi Tịnh độ.