Trang tin Ngọc Minh Net xin trích một đoạn trong “Trung giang ký sự” của tác giả Hành Vân trong đó có đoạn nói về sự nhận định của Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu -nguyên Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, đại biểu quốc hội nước CHXHCN VN, sau khi xem xong bộ Chơn lý của Tổ sư Minh Đăng Quang do HT. Thích Giác Toàn trao tặng.

Đại lão HT. Thích Minh Châu – Ảnh Internet

Nguyên văn: Hòa thượng Minh Châu, sau khi xem xong bộ Chơn Lý của Tổ do hòa thượng Giác Toàn mang tặng, Hòa thượng Minh Châu đã nhận xét rằng: “Thời của ngài Minh Đăng Quang là thời mà đa số kinh điển Phật giáo còn nằm trong Pàli tạng hay Hán tạng. Ấy vậy mà bộ Chơn Lý của ngài Minh Đăng Quang hàm chứa cả Đại thừa và Tiểu thừa. Những gì ngài Minh Đăng Quang viết hoàn toànkhông có sai khác với 2 tạng kinh điển Nam, Bắc Phật giáo. Nên tôi nghĩ rằng Đại đức Minh Đăng Quang không phải là người thường!”. Đó là những lời trò đã nghe các vị kể lại, có dịp sư gặp hòa thượng Giác Toàn hỏi lại xem…

Với nhận định Giáo pháp Khất Sĩ không có sai khác với 2 tạng kinh điển Nam, Bắc Phật giáo, tôi thấy đúng là không sai, nhưng có khác nhiều đó. Ví dụ Giáo pháp Khất Sĩ có những đặc sắc:

* 24 giới chứ không phải 18 giới,

* Ngũ định chứ không phải Tứ thiền bát định,

* 4 Niết-bàn chứ không phải 2 Niết-bàn,

* Bảy đạo quả chứ không phải Tứ quả Thanh Văn và 52 quả Bồ-tát,

* Bảy pháp giải hòa khác với Thất diệt tránh pháp,

* Lục thiên thất tụ chứ không phải Ngũ thiên thất tụ,

* Đạo lý của ăn chay là Thiệt căn thanh tịnh chứ không phải chỉ trưởng dưỡng đức Từ bi và tránh nghiệp sát,

* Dùng Pháp tháp là chính chứ ít dùng Xá-lợi tháp,

* Giới Phật Tửđược biên tập hay hơn Giới Bồ-tát,

* Hai bộ Giới Bổn được biên tập quá hay,

* Truyền giới Khất Sĩ phải do một hoặc hai tiểu giáo hội đảm trách chứ không phải do Tam sư và Thất tôn chứng,

* Bài học Sa-di có 19 bài Oai nghi chứ không phải 24 bài,

* Kinh nhật tụng bằng tiếng Việt chứ không mượn tiếng nước ngoài cho linh,

* Y bát Khất Sĩ khác hẳn y bát của Nam, Bắc tông Phật giáo,

* Thờ phượng bản tâm là hơn hẳn mọi cách thờ phượng,

* Có hai hạng Bồ-tát phàm và Thánh chứ không tính chi li 52 bậc,

* Lập Đoàn Du Tăng Khất Sĩ như thời Phật Thích-ca hành đạo, một điều mà chắc chưa có Phật giáo nước nào khác đã làm,

* Kinh Diệt Lòng Ham Muốn khác Kinh 42 Chương,

* Quan Công là tướng A-tu-la chứ không phải là Bồ-tát hộ pháp,

* Đức Di-lặc vẫn còn là Bồ-tát, đừng vội gọi là Phật,

* Lập thuyết Tứ đại duyên khởi…

Nghĩ thoáng qua những điều mà lâu nay đã chú ý, và tôi vẫn trả lời sư Pháp:

– Chuyện này trò đã nghe kể, mà câu kết trong nhận định của hòa thượng Minh Châu là: “Đại đức Minh Đăng Quang phải là một bậc Thánh mới viết được một tác phẩm như thế! Như tôi là một tiến sĩ Phật học cũng không viết được.”.

– Vậy hả? Có thể trò đã được nghe kể lại không chính xác lắm. Ngoài ra, trò còn có xem một quyển sách của mục sư Lê Trung Trực, vị này chắc ở Việt Nam…

– Dạ không, mục sư Lê Trung Trực ở Mỹ. Quyển Điển Quang Biện Chứng Phápcủa mục sư lúc đầu trò thấy có xuất hiện ở Việt Nam, nhưng sau đã ngưng lưu hành do trong sách có một câu không thích hợp.

– À, trong sách đó, mục sư Lê Trung Trực đã khẳng định Đại đức Minh Đăng Quang là một vị Bồ-tát.

– A-di-đà Phật.

– Thật sự, mình chưa thấy ai trong vòng 7, 8 năm đã lập ra một hệ phái Phật giáo mà bây giờ đứng chân vạt ở Việt Nam là Bắc tông, Khất Sĩ và Nguyên Thủy. Số lượng Tăng, Ni và tịnh xá của Phật giáo Khất Sĩ hiện nay rất nhiều.