(Cadn.com.vn) - Được lời giới thiệu của bác sĩ Lâm Chí Đức - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng H. Hướng Hóa (Quảng Trị), tôi và anh bạn đồng nghiệp tìm đến những nơi hẻo lánh của xã Tân Lập, H. Hướng Hóa - nơi người Pa Cô, Vân Kiều sinh sống để tìm hiểu về thuật “thư” của người đồng bào.

Diện kiến “phù thủy” giải “thư”

Dừng xe đầu thôn Bù, xã Tân Lập, hỏi thăm già làng Hồ Côi thì ông bảo: “Chúng mày tìm hiểu cái đó để làm gì? Muốn bóc ra khỏi người hay muốn thư ai? Chắc đi buôn bán gì mấy bản sát biên giới Việt - Lào, bị “thư” rồi phải không?”. Chúng tôi bảo muốn “chạy chữa” cho một người thân không may bị vướng bùa phép, già Côi chỉ tay về cuối bản, bảo tìm nhà Tà Cam “phù thủy” của làng.

Căn nhà Hồ Tà Cam nằm lọt thỏm giữa đại ngàn. Trải chiếu mời khách phương xa, ông bảo: “Cứ ngồi yên đó, có gì kể cho tao nghe. Con bệnh giờ thế nào? Làm răng bị người ta thư, rồi tao tìm cách”. Chúng tôi lấy đại lý do là người nhà đi buôn ở bản làng sát biên giới, do bất đồng ngôn ngữ hay việc tiền nong mà bị “thư”. Nghe vậy, “phù thủy” Cam bảo sự việc nghiêm trọng và hứa sẽ giúp đỡ, nhưng phải đưa con bệnh lên ăn ở tại đây để ông biết mà chữa trị.


“Phù thủy” Cam giới thiệu những thứ dùng để “thư” người.

Nhấp ngụm nước, “phù thủy” kể cho chúng tôi nghe về thuật “thư” của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây. Rằng đây là một thứ bùa phép được truyền từ đời này sang đời khác của đồng bào người Thượng. Ngày trước, có các vị tựa tu sĩ vào rừng ở ẩn rồi tu luyện các bài thuốc chữa bệnh, kèm theo đó là các thứ bùa ngải để khống chế người khác. Bùa ngải có nhiều loại, nếu đưa vào người khác mà không ảnh hưởng đến tính mạng, chỉ ảnh hưởng đến tinh thần gọi là “ngải”. Nếu đưa vào người khác mà liên quan đến sức khỏe, tính mạng gọi là “thư”. Trong các buổi uống rượu, lễ hội họ thường thử “ngải” hay “thư” của nhau để phân tài cao thấp.

Xem “thuốc thư”

Dường như thấy khách chưa tin lắm về chuyện có thực hay không phép “thư” người, “phù thủy” Cam bảo chúng tôi ngồi chơi, chờ ông một chút. Chừng 5 phút sau, ông quay về với 2 chiếc lu trên tay. “Nếu không tin chuyện này là có thực, tao lấy cho chúng mày xem. Lo liệu mà chữa trị cho con bệnh, không thì nó chết chắc. Đừng có tưởng tao đùa”.

“Phù thủy” mở chiếc lu cũ kỹ, một mùi tanh là lạ bốc lên. Ông đưa ra những thứ làm chúng tôi gai người, rồi tỉ mỉ giới thiệu. Đây là những chiếc răng của “ông ba mươi” - hổ, đây là răng nanh lợn rừng mà là lợn một. Còn đây là xương rắn bay, chúng không bò dưới đất mà bay từ cây này sang cây khác. Loài rắn này rất tinh khôn, chỉ khi chúng chết mới nhặt được xương. Rồi “phù thủy” bốc ra một nắm viên sỏi to nhỏ đủ kích cỡ, có màu sắc vô cùng bắt mắt, bảo là hạt ngọc của rết tinh khi chúng đi ăn bỏ quên. Cách duy nhất để lấy được chúng là đan một liếp rổ rồi đặt trong một chiếc hố đào sẵn. Loài rết đi ăn vào ban đêm, đặc biệt những con sống lâu năm thường có hạt ngọc ở miệng để soi đường. Khi gặp mồi thì chúng nhả ra để ăn, vậy là hạt ngọc ấy rơi xuống cái hố mà mình đào sẵn. Còn có một thứ nữa mà ông tiết lộ làm chúng tôi hết sức tò mò là râu của hổ cắm vào cây măng tre để sinh ra một loài sâu rất lợi hại có thể dùng nó vào chuyện bùa phép. Loại này phải cất giữ trong rừng sâu và không để lọt vào tay kẻ xấu hoặc những ai có tâm hại người.

Chúng tôi hỏi tại sao lại dùng các thứ đó để hại người thì ông ngắt lời, giải thích: những thứ này để trừng trị những kẻ xấu, làm nhiều việc có hại dân bản, không thể dùng một cách tùy tiện được. Dẫu có cho bao nhiêu tiền họ cũng không làm hại người vô tội mà chỉ trừng trị những người làm khổ dân bản.

Chiếc lu thứ hai được “phù thủy” giới thiệu là phương thuốc gia truyền cất giữ đã lâu để hóa giải những thứ kia. Nhìn vào lu thì đầy cây cỏ. Nhưng theo “phù thủy” Cam thì để đưa những thứ đó vào cơ thể hay “bóc” ra không phải ai cũng làm được. Chỉ những người có phép thuật nhiều năm mới sử dụng được. Rồi ông quay lại trường hợp của “người nhà” chúng tôi: “Chúng mày biết sao người nhà chúng mày bị như thế không? Tao dám chắc rằng nó đi buôn bán đã lừa bịp dân bản thứ gì đó. Dân bản không ưng cái bụng nên “thư” cho nó chừa cái tính đó chứ có ai lại đi hại người tốt hay người đã giúp mình đâu. Chúng mày về hỏi nó cho kỹ rồi mang nó quay lại đây để tao còn biết đường”.



Hồ Tà Cam chữa bệnh cho A Tòng.

Trong lúc chúng tôi đang trò chuyện cùng “phù thủy” thì cậu bé Hồ A Tòng (9 tuổi, người cùng thôn) leo cây bị gãy tay đang được ông chữa trị, tìm đến. Nhà nghèo, không có tiền đi bệnh viện, bố mẹ A Tòng nhờ “phù thủy” Cam chữa trị. Theo “phù thủy” nói thì mới mấy ngày nhưng cánh tay của A Tòng đã đỡ hẳn và hết sưng tấy. Anh Hồ A Van (bố A Tòng) bảo: “Rứa đó, thầy thuốc hay thầy gì cũng là giúp người thôi, đồng bào mình ở giữa núi rừng nên phải biết nương tựa vào nhau mà sống. Thầy Cam chữa cho nhiều người bị thư rồi”. Chúng tôi quay sang “phù thủy” Cam thì ông cũng khẳng định, “tao đã chứng kiến và chữa trị cho nhiều người bị thư rồi. Có người bị răng thú cắm vào bụng, người thì cả chai rượu nằm trong cơ thể. Người mắc phải nếu không tìm được “thầy” cao tay hơn để “bóc” những thứ đó ra thì chỉ còn nước chết”. Chúng tôi hỏi về một vài địa chỉ cụ thể đã được chữa khỏi, “phù thủy” Cam tỏ vẻ không ưng: “Tao chữa bệnh cứu người chứ không quan tâm họ sống ở mô”.

Không có cơ sở

Trở lại Trung tâm Y tế Dự phòng H. Hướng Hóa, ông Lâm Chí Đức bảo rằng, bùa phép “thư” của đồng bào vùng Hướng Hóa, Quảng Trị, theo đồn đại thì người ta dùng thuật gì đó để đưa các thứ như răng thú, xương động vật hay các đồ vật vào cơ thể của con người. Người bị “thư” sẽ có các biểu hiện bị phù nề, xanh xao, sức khỏe bị suy giảm sau 3-4 tháng. Thực tế thế nào thì không xác định được vì có quá nhiều sự đồn thổi. Công tác tại Hướng Hóa đã lâu nhưng ông chưa gặp trường hợp nào bị “thư”. Cũng theo ông Đức, người dân địa phương đều không ai biết thuốc thư là gì mà chỉ nghe nói về nó với vẻ huyền bí. Phải nói rõ rằng không có cơ sở khoa học để chứng minh việc dùng “thuật” để đưa đồ vật vào người khác, nhưng vì sự thiếu hiểu biết, nhận thức lạc hậu đã dẫn đến nghi ngờ, thêu dệt khiến cho “thư” càng trở nên bí hiểm. Đây là hủ tục lạc hậu hết sức nguy hiểm đã và đang được loại bỏ khỏi đời sống xã hội của đồng bào.


Phóng sự: Bùi Đức Tú