Vấn: Có địa-ngục chăng?
Đáp: Có, địa-ngục là sắc thân tứ-đại là bốn vách, cái đó là nền, sở chấp là nóc, chúng-sanh là tội nhơn ở trong cái khám tối đó.

Vấn: Có bao nhiêu thứ địa-ngục?
Đáp: Địa-ngục vô số đếm! Tâm địa nhốt trói cũng gọi là địa-ngục! Cái khổ ép-ngặt cũng là địa-ngục! Một niệm chấp cũng là địa-ngục! Cái ác cũng là địa-ngục! Tham-sân-si cũng là địa-ngục! Sự ích-kỷ cũng là địa-ngục! Địa-ngục lớn, địa-ngục nhỏ tùy theo việc làm lời nói, ý niệm, giáo-lý chẳng hay cùng các cái địa-ngục của loài người ấy đều giống như địa-ngục trong giữa ruột quả địa-cầu: Vách sắt, tối đen, lửa cháy, sình lầy, chết ngộp, có đủ sự trừng phạt.

Vấn: Những sự trừng phạt của địa-ngục như thế nào?
Đáp: Nơi địa-ngục thì phải chịu đau khổ và chết đi sống lại để chịu đau khổ mãi cho đến khi nào hết tội; Tội là thân-miệng-ý mười địa-ngục của tội thân khẩu ý là:
•Sát-sanh
•Trộm-cắp
•Tà-dâm
•Nói-dối.
•Khoe-khoang
•Đâm-thọc
•Rủa-chửi
•Tham-lam
•Sân-giận
•Si-mê

Mười địa-ngục ấy cũng kêu là thập-điện
Khi nào mười tội dứt, là thập-điện địa-ngục tiêu dứt! Tức tam-nghiệp thanh-tịnh thì Niết-Bàn tại đó, người ta không còn chết đi, sống lại, đổi nghề, chọn đạo, luân-hồi vay trả, để chịu đau khổ hình phạt của sắc hình đồ-vật nữa; Sự chết sống đây là chết bỏ nghề nầy sống qua nghề kia, tránh đau khổ để tìm đau khổ vì đau khổ mà chết bỏ cảnh nầy để trở lại cảnh khác cũng chịu đau khổ nữa. Ấy bởi không biết đường giải-thoát đi ra, mãi mãi ở trong cái có, cái sắc cái hữu-tình đồ phạt bằng vật-chất nên mới khổ-đau không dứt không gián-đoạn, ở trong cõi sắc ấy kêu gọi là dưới núi thiết-vi là dưới lời nói việc làm, mỗi lời nói như sắt thiết, mỗi việc làm như dây vi trói, càng chất chứa nói làm nâng lên cao, như những mắc lòi-tói sắt quấn đeo bao phủ cái ý ở trong ấy phải khổ-đau, mắc kẹt không ra được, càng vùng-vẫy càng bó chặc, càng cựa-quậy càng đau-khổ, càng tung loạn thì càng chết trơ thật là khổ hại. Ở trong địa-ngục của tứ-đại ấy, không cái có nào chẳng phải là sự hành-phạt mình cả, các cái sắc đó thật là ghê-gớm ví như rượu là nước đồng sôi, thân nữ sắc đẹp-xinh là cây cột đồng bào-lạc đốt người, sự đau thương là mũi đao, mũi thương, lưỡi người là dao cưa mổ-xẻ, tay chân người là kềm sắt dấu đồng, nguồn sông mê là tình ân-ái, chó sắc là sự ganh đua, rắn sắt là sự ác-độc, cá sấu là sự ghét-ghen, lạnh lẻo là dòng sông ích-kỷ, sinh-lầy là sự tham-lam, lửa cháy là tánh sân-giận, si-mê là đêm tối vọng-động là sự hành-hình. Xe sắt cán, ngựa sắt lôi, voi sắt kéo, tướng sắt đập là sự phong-lưu xa-mã, tướng tốt, tài hay, sức mạnh (lại cũng như nơi sòng bạc) đứt đầu như mất trí, cưa cẳng như ngồi trơ, xoi-mói nghiến đay như móc ruột, diều-ó như kẻ khôn lanh, chảo dầu là mồi danh-lợi xúi nung như lửa cháy đốt, biết bao muôn ngàn thảm trạng không sao kể xiết…Chúng-sanh hằng ở mãi tong địa-ngục tứ-đại chẳng có đường ra, tứ-đại sanh ra rồi lại ở luôn nơi đó chịu nạn, chết đi sống lại đổi thay da áo, nghiệp-nghệ lối đường mà ra không khỏi, không giảm bớt sự đau-khổ, là bởi nghiệp tội càng sanh, lấy nghiệp trừ nghiệp, lấy tội trừ tội thì tội nghiệp càng thêm chớ không có ích-lợi chi cả.


Trong địa-ngục chỉ có sự đau-khổ là đáng sợ hơn hết, chớ chết đi rồi mà gió nghiệp nó còn thổi tới là còn sống lại chưa tiêu-diệt được, chúng-sanh trong đó ở hoài chưa ra đặng là bởi hiểu lầm lạc nẻo, cứ nhắm chừng theo cái sắc có mà nắm kéo xiết vô mình đi tới làm cho chật đường, mất lối tự mình tạo ra cái chết cái đau khổ lấy mình, quá đau-khổ lại dữ hung nanh quái, tinh-ác lạ-lùng như bị tà-thần sát nhập, mê sảng điên-cuồng không ai lại gần cứu được. Kẻ ấy khó mà biết được cái không-không khoảng trống lớn rộng bên ngoài là nơi giải-thoát có đường đi, sạch êm mát sáng, nên không chịu vẹt xô phá bỏ cái vách sắt tường đồng để đến được cảnh yên vui nhứt-định. Nhưng tuy ngày nay như vậy, chớ lâu sau có kẻ cũng có ngày ra được, vì sự đau-khổ đã đến mức tức thì phản dội giác-ngộ tỉnh ra và chịu khó giảm dứt tiêu-trừ nghiệp tội lần-lần diệt hết mà được siêu-thoát.

Vấn: Có những ai cai-quản địa-ngục chăng?
Đáp: Có! Cái lương tâm của ta là Diêm-Vương xử án, vì nó mặt sắt, mặt âm không tư-vị ai hết, cái tâm là vua là chúa-tể trong bóng tối của ta, mà bởi nó nóng-nảy cang-trực nên gọi Diêm-Vương.
Cái trí phân biệt ghi nhớ của ta là phán-quan thơ-lại ghi chép đủ điều tội-lỗi không dấu được, không quên sót một mảy; Cái ý muốn dục của ta là quỷ-sứ tay sai, da-xoa la-sát tục kêu là quỷ vô-thường vì sự ham muốn không bền như vầy khi khác, nó dắt cái tham, cái ta đi tới mãi tới chỗ kết-quả của quả-báo, hành phạt thất-bại sa vào trong cái khổ-đau mờ-mịt của khám tội. Mã-Diện là sự chạy nhảy đua bơi tâng hót, ngưu-đầu là đen-đúa ác hung canh-ngạnh, cái thân của ta là nhà khám, miệng là cửa cái sắt mở rộng, tay chân là bốn cột nhà, xương sống như đòn-dông, xương-sườn như mè rui, da là vách lá, ngũ-tạng như đồ vật, hai lỗ mũi như lỗ hơi trước, hai lỗ tai như hai lỗ hơi sau, hai con mắt như hai lỗ bên hông, nhà ấy có một cửa ra vào, vào rồi bên trong đen tối không còn thấy đường ra được là bởi tại nơi cửa đóng kín-mít bên trong, còn phía ngoài thì hả rộng to quát khiến nên cái ta phải bị đọa-lạc.