Tác giả

J.S.COOPER


Dịch giả

Huỳnh văn Tuất

Nguyễn văn Minh



Lời Tựa C. W. LEADBEADTER


Hiện nay, thế giới đang cần một số tác phẩm như quyển sách nầy. Thời kỳ duy vật bế tắc nay đã qua. Vào thời kỳ này, con người tuyên bố một cách đường đột và tự mãn rằng quyền năng và minh triết thiêng liêng chẳng qua là một mớ tin tức sai lầm. Nhưng nay, nhân loại nhìn nhận sự thực tại của một cõi giới siêu hình vượt tầm giác quan con người và muốn tìm hiểu về cõi nầy.

Để giúp vào sự tìm hiểu nầy, một số sách đã xuất bản gồm hai loại chánh : loại “tư tưởng mới” và loại “thần linh học”.

Loại thứ nhứt được viết theo kinh nghiệm cá nhân của những người đã ý thức được quyền năng của tư tưởng và sự quan trọng của cõi vô hình. Loại thứ nhì cũng chứa đựng các kinh nghiệm cá nhân, nhưng các kinh nghiệm nầy xuất phát từ những vong linh thương đời, họ đã từ bỏ cõi trần nhưng cố chia sớt các kinh nghiệm của mình cho các bạn đồng hành còn đang bị tù hãm trong xác thân.

Các sách nầy rất quí vì chúng không lặp lại những thành kiến chính thống mà trình bày những kinh nghiệm cá nhân; tuy nhiên, chúng cũng có thể nguy hại vì một cá nhân riêng rẽ có thể nhận xét sai lầm nếu không quen quan sát một cách khoa học.

Hiện nay, có một phong trào nghiên cứu một cách khoa học các vấn đề trên và vài khía cạnh đặc biệt của môn nầy. Phong trào nầy được khởi xướng từ mấy năm nay do những người đã được huấn luyện rất công phu trọn cả cuộc đời. Kết quả của sự nghiên cứu nầy chứng minh sự thực tại của một số định luật thiên nhiên hoàn toàn hòa hợp với các phát minh khoa học mới nhứt, đồng thời cũng giải thích rành rẽ nhiều giáo lý được truyền lại từ nghìn xưa nhưng không được mấy ai hiểu rõ. Sau khi gia tâm nghiên cứu, tác giả của quyển sách nầy cố gắng trình bày một phần kết quả bằng những lời đơn giản thông thường, cốt để giúp độc giả thu thập được trong vài tiếng đồng hồ những điều mà thường phải để nhiều năm mới học được.

Với tư cách một người đã nghiên cứu lâu năm hơn, tôi xin giới thiệu một cách nồng nhiệt quyển sách nầy cho những ai được may mắn lưu tâm đến các vấn đề tâm linh và muốn khảo cứu với một nguồn tài liệu chắc chắn.



C. W. LEADBEATER




--------------------------------------------------------------------------------



Lời tựa của lần Xuất bản thứ nhứt.



Trong quyển sách nhỏ nầy, chúng tôi cố gắng trình bày bằng những lời rõ ràng và giản dị, những định luật thực tế và các kết quả của sự phát triển tâm linh. Tuy ý định của chúng tôi là dành quyển sách nầy cho những người mới bước chân vào khoa huyền môn, nhưng người khảo cứu sâu rộng có thể dùng nó như một cái khung để sắp xếp kiến thức hầu hệ thống hóa sự hiểu biết của mình.

Theo thiển ý, những điều trình bày trong quyển sách nầy không phải là những lý thuyết mà là những sự kiện, vì chúng được căn cứ trên những sự khảo cứu của những vị có huệ nhãn sáng suốt nhứt của thời đại chúng ta.

Chúng tôi thành thật ước mong quyển sách nầy sẽ tránh nguy tai cho một số người và dẫn dắt một vài người khác đến Ánh sáng trường cửu sẵn có trong lòng mọi người.

I. S. C.

(Adyar, Madras India)



Lời tựa của lần Xuất bản bên Mỹ.



Sự duyệt khảo kỹ càng quyển sách nầy không sửa đổi nội dung của nó mà nhằm trau luyện lời lẽ để sự diễn tả được sáng sủa, gọn gàng hơn. Ở Mỹ, sau nầy người ta lưu ý rất nhiều về vấn đề tâm linh nhưng một số bị dẫn dắt lầm đường do những tác phẩm viết sai và nguy hiểm. Tác giả ước mong quyển sách nhỏ nầy sẽ giúp độc giả bỏ ý định tập luyện theo những tác phẩm nói trên nhằm kích động các quyền năng tâm linh. Độc giả nên nghiên cứu và áp dụng lối tu tâm, sửa tánh : đó là con đường duy nhứt dẫn dắt chúng ta đến sự Đại giác.



I. S. C (Chicago, III)



Lời tựa của dịch giả.



Mục đích của quyển sách nầy, như tác giả đã nói ở hai bài tựa, là nêu tai hại của các phương pháp tu luyện nhằm kích động quyền năng tâm linh. Các tai hại nầy chẳng những xảy ra ở Âu Mỹ như tác giả đã nói mà cũng thường thấy ở xứ ta như trường hợp loạn trí hay không chủ trị được dục tình.

Mới bước chân vào đường đạo, vì chưa hạn chế được bản ngã nên ai ai cũng muốn có quyền nầy phép nọ. Có người nhận thức rằng phụng sự là một mục đích cao cả và nghĩ muốn phụng sự đắc lực thì phải có phép thần thông.

Lời nầy tuy đúng nhưng có một điều cần ý thức rõ hơn là kích thích quyền năng tâm linh thật là nguy hiểm như chơi dao hay chế tạo chất nổ. Khi các quyền năng nầy được thức động mà ta sử dụng trái đạo hay không chủ trị được thì ta sẽ lâm nguy trọn cả một đời.

Vả lại, những quyền năng sẵn có của chúng ta như trí thông minh chẳng hạn, chúng ta sử dụng hợp lẽ chưa ? Ngoài ra, có những quyền năng khẩn thiết hơn mà ta cần luyện trước : ấy là tính can đảm, sự bền chí, tính ôn hòa, lòng tha thứ, tính thương người v. v. . . vì các đức tính nầy quả thật là những quyền năng thực tế.

Nói thế không phải là chúng ta không bao giờ có những quyền năng tâm linh. Chúng ta sẽ có các quyền năng nầy chắc chắn như vậy khi chúng ta trau tâm luyện trí theo phương pháp tham thiền đơn giản được chỉ trong quyển sách nầy. Phương pháp phát triển tâm linh nầy đòi hỏi nhiều thì giờ nhưng kiến hiệu và chắc chắn.

Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, chúng ta sẽ được gia hộ : một Chơn Sư – theo ý nghĩa của Thông Thiên Học – hay một vị đệ tử của Ngài sẽ đến dạy bảo ta đúng như lời Ngài dạy : Khi chúng ta bước đến Ngài một bước, Ngài bước đến ta hai bước.”

*

* *

Việc sử dụng đồng cốt cũng rất nguy hiểm. Các đồng cốt thường bị loạn trí. Lý do là tấm màn bảo vệ của họ bị rách nên các vong linh tự do xông pha vào thể xác họ như đến một nhà trống và hành hạ họ đủ thứ : họ có thể khùng và đau khổ suốt đời. Đó là một trở ngại rất lớn trên con đường tu tập.

Trong việc cầu cơ, xây bàn, nếu sự tổ chức không được tinh khiết, màn bảo vệ của đồng tử cũng có thể bị rách như vậy. Ngoài ra, các vị nhập vào đồng tử có thể là những vong linh tầm thường, họ có ý giúp đời thật nhưng vì tiến hóa thấp nên không dạy bảo được những điều hữu ích.

Cơ bút tự nó không phải là một điều tai hại. Tai hại thường là đồng tử không được siêu thoát, thanh cao, còn cử tọa thì gồm những người tham lam, ô trược. Trong các điều kiện nầy, tiên thánh không thể giáng đàn.



*

* *



Tóm lại, phương pháp phát triển tâm linh hữu hiệu nhứt là việc trau tâm luyện trí nhằm mục đích giúp đời. Việc cầu cơ xây bàn là những phương tiện hữu ích nhưng cần được sử dụng hết sức cẩn thận, nếu không tai hại gây ra không nhỏ. Còn việc kích động các quyền năng tâm linh như luyện hỏa hầu chẳng hạn là một điều nhứt định phải tránh.



Dịch giả




--------------------------------------------------------------------------------

đầu trang cuối trang chú thích mục lục chương 1 2 3 4 5 6 7 8



CHƯƠNG I



Một cõi giới trong một cõi giới.



TRỜI Ở ĐÂU ?



Linh tính bất diệt luôn luôn báo cho ta biết thế giới nầy chẳng qua là một phòng nhỏ của một ngôi nhà vĩ đại. Cho đến thuyết duy vật của thế kỷ vừa qua và khoa Thần học chính thống lâu đời cũng không sao hủy diệt được niềm tin đó hay là làm cho con người lầm tưởng rằng Trời chỉ là một chuyện thần thoại huyễn hoặc hay xa vời. Vì vậy, khi các thi sĩ ước mơ và ca tụng cõi thiên quốc đó, khi các triết gia và các nhà khoa học luận bàn hay phủ nhận nó thì các nhà huyền môn đã tìm ra cõi đó, diễn tả và phân loại các sinh vật và hiện tượng của nó.

Trong lúc sự hiểu biết về cõi vô hình nầy và các thành phần của nó được một ngày một trở nên chính xác và sâu rộng thì một đám mây vô minh và sai lầm còn bao phủ nhiều người khiến họ mãi đau khổ và không tin ở Thiên cơ sáng suốt và nhân từ.

Nếu ta hỏi một người gặp ngoài đường : Trời ở đâu, y sẽ ngạc nhiên và cười to lên. Nếu y có đọc những sách thuộc loại Tư tưởng mới có lẽ y sẽ trả lời : Trời ở tâm ta. Câu trả lời nầy đúng nhưng rất sáo và không được hiểu rõ. Nếu người đối thoại của ta là một người mộ đạo, chỉ có đọc Kinh Phúc Âm và nghe các bài giảng ngày Chủ nhật, y sẽ trả lời sau khi bớt ngạc nhiên và tổng hợp những giáo lý đã học được, rằng Trời ở cao tận trên không, có lẽ ở cái chỗ mà Hỏa tinh đang vận chuyển.

Nếu chúng ta được đưa lên một hành tinh xa xôi và nơi đây câu hỏi trên được đặt lại thì ta cũng trả lời y như vậy, và bây giờ thì Trời cũng vẫn ở trên cao nhưng không còn ở quỹ đạo của Hỏa tinh nữa mà ở chỗ địa cầu đang quay trên vòm trời đầy sao. Tại sao ta cứ mãi nói Trời ở chỗ nầy chỗ nọ mà không phải ở tại đây ?



CÕI VÔ HÌNH



Sinh viên huyền môn khi tìm hiểu các định luật ẩn tàng trong tạo vật, biết rằng một cõi giới mênh mông tuy vô hình đang bao quanh quả địa cầu, và muốn tìm cõi ấy, ta khỏi phải sang các hành tinh khác hay du hành trên không trung. Chúng ta đang sống ở một hành tinh vật chất, giữa một cõi giới thanh nhẹ hơn, nó bao quanh chúng ta như một khí quyển rộng lớn.

Dầu chúng ta bất luận ở nơi nào, cõi ấy vẫn thâm nhập trí hóa ta, thân thể ta, cả quả đất chúng ta đang giẫm lên. Chúng ta không cần đi xa để tìm nó, vì hiện nay chúng ta đã là dân cư của nó tuy rằng chúng ta không ý thức được sự hiện diện của nó và sự thực tại của vô số sinh linh và nhân vật đang sống trong nó.

Khi một linh hồn ở cõi đó khoác một thể vật chất sang cõi trần để thu thập kinh nghiệm, đó là sự sanh. Đến lúc thể vật chất ấy trở nên già nua, tiều tụy sau khi làm xong chức vụ của nó, con người sẽ vứt bỏ nó : đó là sự chết. Cõi vô hình đó thanh trong hơn cõi trần, là quê hương thật sự của chúng ta, còn cõi trần chẳng qua là một xứ xa lạ, thỉnh thoảng ta mới đến mà thôi. Chúng ta giống như một lữ khách đến một xứ xa tìm vật liệu dùng để dệt một bức lụa huy hoàng.

Chúng ta thường không ý thức được sự thực tại của cõi vô hình nầy vì một số giác quan của chúng ta chưa được khai mở. Khi một người bị cảm và nghẹt mũi vào một phòng bát ngát mùi hương của hoa hồng, anh không biết có mùi hương nầy. Khi một người mắc bịnh loạn sắc dạo chơi ở một khu rừng rậm rạp hay trên một bãi cỏ xanh tươi, anh không thưởng thức được màu sắc phong phú vì tất cả chỉ là màu xám dưới đôi mắt bịnh hoạn của anh.

Chúng ta cũng giống như vậy đối với cõi vô hình vô cùng thanh trong và đẹp đẽ đang bao quanh chúng ta : chúng ta không ý thức được nó không phải vì nó không có, mà vì ở giai đoạn tiến hóa hiện tại của chúng ta, những giác quan cần để cảm xúc nó chưa thức động. Nhưng ngày chúng nó được khai mở không còn xa.



NHỮNG BẰNG CHỨNG VỀ SỰ THỰC TẠI

CỦA CÕI VÔ HÌNH



Nếu chúng ta có thể nhờ một cơ quan thông tấn tập trung các kinh nghiệm cá nhân rải rác trên thế giới về cõi vô hình, chúng ta sẽ tin sự thực tại của cõi nầy ngay. Các kinh nghiệm riêng của mỗi chúng ta đều rất ít và cũng không vững chắc, nhưng khi được tập hợp lại, chúng là những bằng chứng hùng biện. Đôi khi chúng ta thấy được một điều lạ hoặc có một điềm chiêm bao lý thú, chúng ta nhớ nó trong một thời gian, thuật cho bạn bè nghe hoặc thảo luận về ý nghĩa và tầm quan trọng của nó, nhưng không bao lâu, nó chìm trong sự lãng quên. Dĩ nhiên, thường nó không có giá trị bao nhiêu và cũng không dạy ta được nhiều. Nhưng khi chúng ta đọc qua các sự việc mà các hội thần linh đã thu góp được, chúng ta sẽ nhận định rõ ràng rằng toàn thể nhân loại đang tiếp xúc với một cõi tâm linh mênh mông và phức tạp.

Sự diễn tả các hiện tượng xa xôi nhờ huệ nhãn đột phát trong phút chốc; những lời tiên tri về các nguy tai sắp đến; việc các vong linh hiện ở những ngôi nhà xưa; những điềm chiêm bao sáng suốt báo đúng những việc xảy ra; những cảm hứng đến bất ngờ cho các bậc thiên tài hay chí sĩ, các việc ấy và nhiều việc khác nữa chỉ rằng con người vĩ đại hơn chúng ta tưởng và thế giới chúng ta được lồng trong một cõi giới thanh cao. Chúng ta không cần có quyền nầy, phép nọ mới ý thức được thực tại của cõi vô hình.



NHỮNG ẢNH HƯỞNG TẾ NHỊ CỦA CÕI VÔ HÌNH



Từ giây, từ phút chúng ta chịu ảnh hưởng của cõi vô hình ấy. Bất cứ lúc nào, tư tưởng và tình cảm của kẻ khác tác động ở tâm ta khiến ta suy tư, cảm xúc và hành động trái với chân tánh của chúng ta. Thường, chúng ta không ý thức được căn nguyên của các tư tưởng đó và cho rằng chúng nó phát xuất từ lòng ta.

Điều nầy được chứng minh do một việc xảy ra cách đây một vài năm. Một hôm, trên con tàu chạy ngang qua vịnh San Francisco, một người đàn ông đang bình tĩnh đọc sách. Bỗng nhiên, ông thấy tâm trí ông bị kích thích mãnh liệt và sợ hãi. Ông lấy làm lạ vì quyển sách của ông đang coi không có tính cách kích thích ấy. Ông ngước mắt lên và thấy một bà mẹ đang hoảng hốt chạy theo bao lơn và sắp té xuống biển. Như vậy, sự hoảng hốt đến cho ông không phát xuất từ tâm ông mà do người đàn bà nầy.

Những người suy tư với tư tưởng riêng của mình rất ít. Tư tưởng của đa số là tư tưởng rút trong bầu tư tưởng bao quanh chúng ta. Ngược lại các tư tưởng của chúng ta không phải chỉ liên hệ đến ta mà thôi, chúng nó gia nhập vào khối tư tưởng cộng đồng của nhân loại. Người khôn ngoan điều hòa tâm mình với các ý tứ thanh cao, các tình cảm trong sạch, và chỉ thu nhận chúng nó mà thôi. Người là một cái máy lọc phân tích sự thanh khiết của tư tưởng cao thượng ra khỏi sự ô trược của dục vọng thấp hèn.



SỰ HIỆN DIỆN CỦA CÕI VÔ HÌNH



Chúng ta hiện nay đang chìm đắm trong đời sống vật chất nên khó mà ý thức được sự hiện diện của cõi vô hình mà chúng ta không nghe, không thấy, không nếm, không ngửi được với các giác quan phàm tục của chúng ta. Nhưng cõi ấy còn thật hơn cõi trần nhiều, mặc dầu các rung động tế nhị của nó không lưu một dấu vết chi trên vật chất thô kịch của các giác quan chúng ta.

Chúng ta biết rằng mỗi tháng trong một thời gian nào đó mặt trăng có thể thấy được vào lúc ban ngày. Chúng ta thấy con trăng lưỡi liềm ấy mà không ngờ đến ánh sáng của nó đang bao trùm chúng ta. Chúng ta chỉ thấy có ánh sáng mặt trời. Nhưng khi mặt trời lặn thì cảnh vật hiện ra dưới ánh trăng êm ái, dịu dàng. Thật sự, thì trong suốt thời gian ấy, ánh trăng lúc nào cũng có, nhưng về ban ngày, thì chúng ta không thấy được.

Cõi vô hình cũng y như vậy. Lúc nào, nó cũng hiện diện nhưng chúng ta không ý thức được nó vì chúng ta hoàn toàn chìm đắm trong ngoại cảnh. Khi nào chúng ta trấn an được giác quan phàm tục và tâm trí hỗn loạn của ta, chúng ta sẽ nhận được các rung động vi tế của cõi vô hình và ý thức được nó.



BẢN CHẤT CỦA GIẤC NGỦ VÀ GIẤC MỘNG



May phước, chúng ta biết về cõi vô hình nhiều hơn là chúng ta tưởng vì mỗi đêm khi thể xác ta ngủ, chúng ta đều sang qua cõi đó và di chuyển giữa các quang cảnh của nó bằng một đối thể tế nhị của xác thân. Đối thể ấy được gọi là thể tình cảm hay thể vía cấu tạo bằng chất thanh khí của cõi vô hình. Cũng như thể xác, thể vía là một dụng cụ của tâm thức và có thể dùng riêng biệt với thể xác.

Giấc ngủ đối với nhà huyền môn là một việc dễ hiểu, nhưng nó là một sự kiện lạ lùng đối với những ai đồng hóa mình với thể xác và cho rằng trí tuệ là một thứ hóa phẩm của khối óc. Bản chất của giấc ngủ rất đơn giản. Chúng ta rời xác thân, và khối óc của ta trở nên vô thức, ngoại trừ một thứ ý thức mù mờ, máy móc còn lưu lại trong thần kinh hệ. Trong khi ta rời bỏ thể xác, chúng ta bay phất phơ trong cõi vô hình hay hướng theo một chiều nào đó với ít nhiều ý thức. Tâm thức của chúng ta vẫn như trước nhưng cái thể ta dùng là thể vía thay vì thể xác.

Trong lúc ta ngủ, sự sống thiên nhiên vẫn tác động trong thể xác để bồi dưỡng các tế bào mệt nhọc, nuôi nấng các tế bào mới sanh, bài tiết các chất thừa trong cơ thể. Như vậy, trong lúc vắng mặt chủ nhân, thể xác có dịp nghỉ ngơi và phục hồi sức lực, cho đến lúc chúng ta trở về thì thể xác “thức tỉnh” và các tế bào phải hoạt động lại để đáp ứng với tư tưởng, cảm xúc và ý chí của ta. Vì hoạt động như vậy, thể xác ta mới mệt và cần nghỉ ngơi trong lúc ngủ. Sở dĩ giấc ngủ khỏe là vì chúng ta vắng mặt.

Đôi khi, lúc thức dậy, chúng ta có thể buộc trí óc nhớ lại một kinh nghiệm hay một sự việc xảy ra trong lúc ngủ. Khi ta nhớ được, đó là một giấc mộng hợp lý dù rằng chỉ là một sự nhớ lại. Những điều hợp lý ta nhớ lại đây khác hẳn các hình ảnh vô lý, chúng hiện liên tiếp trong trí óc ta lúc ngủ và tạo ra những giấc mơ thông thường, kỳ dị.

Nếu chúng ta liên kết được tâm thức lúc thức và tâm thức lúc ngủ, chúng ta trở thành con người năng linh [1] : sự phát triển tâm linh là sự nới rộng giới hạn tâm thức lúc thức (mà chúng gọi là giác thức) bằng sự khai mở một vài quyền năng ẩn tàng trong con người.