Sự thực về thi thể trôi sông bị lãnh đạo xã tiếp tục cho... trôi sông!

Lao Động số 226 Ngày 17/08/2006 Cập nhật: 9:27 AM, 17/08/2006

Anh Nguyễn Văn Cảnh đọc tin trên báo Lao Động và xác nhận "hoàn toàn đúng sự thật" ngay tại bờ sông Chảy - nơi anh đã vớt thi thể để rồi bị... cắt dây cho thả trôi .

(LĐ) - Thông tin trên Lao Động về một thi thể trôi sông được người dân xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái neo vớt; rồi, sau quá trình dài chờ đợi (suốt 7-8 tiếng đồng hồ), "bẩm đi báo lại", "một số cán bộ xã Tân Lĩnh quyết định cho tháo dây cột thi thể nạn nhân xấu số để xác tiếp tục trôi sông!" đã gây công phẫn trong công luận.
Trong khi Nhà nước ta, thậm chí, bỏ hàng tỉ đồng cử nhiều cán bộ bất chấp hiểm nguy xông ra bão tố tìm kiếm người bị nạn trong cơn bão Chanchu vừa qua, thì ở ngay bên bờ sông Chảy yên bình, lại có những người nhẫn tâm tới mức ấy?


Người đàn ông làm phúc phải tội

Anh Nguyễn Văn Cảnh năm nay 39 tuổi, có vợ và 2 con cùng làm nghề nuôi cá lồng trên sông Chảy đoạn qua thôn 8, xã Tân Lĩnh. Suốt 10 tiếng đồng hồ tôi đi từ Hà Nội lên với xã Tân Lĩnh heo hút ấy, lúc nào liên lạc, anh Cảnh cũng đay đả... "tôi không muốn tiếp bất cứ ai, kể cả chú là nhà báo hay nhà gì đi nữa". Vì anh mệt mỏi quá.

Lần gọi đầu, anh bảo, có công an đến để điều tra vụ việc anh tố cáo cán bộ xã thả xác cho tiếp tục trôi sông và họ đang ăn cơm ở nhà anh, nói gì không... tiện. Tối, chúng tôi tới TP.Yên Bái, điện thoại vào, anh bảo, "tôi đã báo cáo với tất cả những người điều tra tìm hiểu, là từ ngày mai (15.8.2006) tôi không tiếp bất cứ ai nữa. Tôi phải đi làm để kiếm sống". Mãi rồi, tôi cũng "bắt cóc" được anh Cảnh ở bên bờ sông Chảy, khi anh đang đào đất mở đường để di chuyển lồng cá bè ra chỗ nguồn nước màu mỡ hơn.

"Có lẽ, tôi cũng phải nói khác đi với những gì đã nói với người viết báo hôm trước. Phức tạp quá" - đó là câu đầu tiên anh Cảnh nói với PV Lao Động. Khi cầm tờ Lao Động trên tay, vỗ vai tác giả, anh Cảnh hào hiệp: "Viết đúng hoàn toàn". Sao anh Cảnh lại phải nói khác đi với những gì đã nói?

Khi chúng tôi đưa ra cuốn sổ tay với chữ ký của anh Cảnh, cùng một người dân khác tên là Phùng Huynh Đệ (với cam kết: Chịu trách nhiệm trước pháp luật về những lời tường thuật đã được
người viết báo ghi chép rồi đọc lại cho nghe) thì anh Cảnh... cười: "Tôi nói vậy là để thấy sự phức tạp của vấn đề, chứ tôi đã kể với nhà báo, hèn gì tôi lại lật lọng?".

Qua xác minh trong buổi làm việc trực tiếp với đồng chí Trưởng Công an huyện Lục Yên (trung tá Bùi Văn Thịnh), chúng tôi cũng được khẳng định rằng: Những gì anh Cảnh nói là đúng sự thật. Kể cả việc anh Cảnh kể, anh có gọi cho trực ban Công an huyện báo cáo sự việc, nhưng khi lực lượng công an có mặt (quá muộn) thì thi thể đã được cắt dây cho trôi.

Vậy là sự việc đã quá rõ ràng. Cơ quan điều tra bước đầu cũng xác nhận: Có tài liệu thuyết phục chứng minh rằng, đại diện nhiều ban ngành (do Phó Chủ tịch xã Tân Lĩnh dẫn đầu) đã có mặt tại hiện trường... xem thi thể. Rồi thi thể trôi đi, ai ra lệnh cho cắt dây thừng thì chưa dám chắc. Nhưng việc cán bộ xã (ít ra là) "đồng loã" với việc cho thi thể trôi đi cho "mát mẻ" là có thật.

Khi chúng tôi có mặt ở Tân Lĩnh, ông Bí thư Huyện uỷ Lục Yên Phạm Văn Lái xuống tận xã yêu cầu Bí thư Đảng uỷ xã Tân Lĩnh Nguyễn Xuân Đỉnh báo cáo sự việc. Riêng người ưa làm phúc Phạm Văn Cảnh thì... không dám ở nhà vì sợ điện thoại reo chuông tối ngày. Sự việc nóng lên từng giờ...

Theo tường thuật của anh Cảnh, lúc 10h30 phút ngày 12.8, anh phát hiện một thi thể trôi trên sông Chảy ở gần bè cá nhà anh. Anh bơi thuyền đuổi theo, vật lộn với nước xoáy để kéo được vào bờ. Ruồi muỗi và mùi tử thi phân huỷ kinh khủng. Anh đã dùng dây thừng buộc thi thể vào ven bờ rồi đi báo cáo cơ quan chức năng. Nạn nhân khoảng 16 tuổi, mặc áo kẻ, quần xanh, thắt lưng bằng vải.

Anh Cảnh đã điện thoại báo cho Công an huyện Lục Yên ngay sau đó (qua xác minh tại Công an huyện do PV Lao Động thực hiện, thông tin này là chính xác); báo cho Viện Kiểm sát Nhân dân Lục Yên, Công an huyện Bảo Yên (Lào Cai, nơi có khúc trên của sông Chảy đoạn qua Tân Lĩnh), UBND xã Tân Lĩnh... Chỉ có điều đáng tiếc là thái độ tích cực, đầy tính nhân văn của anh Cảnh đã nhận được thái độ thờ ơ. Theo anh Cảnh, người ta bảo anh: Xác ấy không phải của địa phương mình thì để cho nó trôi đi; chờ bên công an có ý kiến; chúng tôi sẽ trả lời sau, không có kinh phí để làm việc đó...

Anh Cảnh đã phải khóc vì sự thờ ơ khó hiểu của những cán bộ ấy. Trong khi đó, mùi tử khí bốc lên quá khủng khiếp, bà con xông vào mắng anh Cảnh rất nặng lời, anh Cảnh phải lên UBND xã Tân Lĩnh cầu cứu. Gia đình xin được chôn cất nạn nhân làm phúc, nhưng đại diện xã lúc ấy không cho phép, bởi vì "không có điều luật nào cho... chôn" (vì phải khám nghiệm tử thi, xác định nguyên nhân chết đã). Lúc đó, cán bộ xã mới cử một "đoàn công tác" xuống nhà anh Cảnh, rồi lần lữa mãi mới ra... hiện trường. Có người thậm chí còn nguyền rủa anh Cảnh. Họ còn vu cho anh Cảnh định cột cái xác vào bờ để chờ thân nhân người ta đến... nộp tiền!

Cuối cùng, sau bảy tiếng rưỡi đồng hồ, thi thể nạn nhân được neo đậu, người ta đã nhất trí cho người ra cắt dây thừng cho thi thể nạn nhân tiếp tục... trôi. Anh Cảnh đau đớn cầm dao ra bờ sông. Anh tự hỏi, không biết thân nhân của người xấu số sẽ đau đớn đến thế nào khi biết có kẻ làm việc như anh đang làm (!?). Anh gạt nước mắt cắt chiếc dây thừng một cách... giả vờ. Anh lên bờ. Một tiếng sau, dẹp yên đám "biểu tình" (lời anh Cảnh), anh Cảnh trở ra thì thi thể đã trôi mất. Có thể ai đó đã nhân "nghị quyết cắt dây thừng" cắt dây cho trôi.

Xử lý nghiêm những kẻ vô cảm!


Bí thư Đảng uỷ và Phó Chủ tịch UBND
xã Tân Lĩnh làm việc với PV Lao Động.
Chúng tôi không bất ngờ chút nào khi gặp chuyện cãi bay cối đá của một số cán bộ tắc trách kể trên. Tiếp xúc trực tiếp với chúng tôi, ông Đỉnh - Bí thư Đảng uỷ; ông Điệp - Phó Chủ tịch UBND; ông Đố - Phó trưởng Công an xã Tân Lĩnh đều một mực cho rằng: Cắt dây cho thi thể trôi không phải là chủ trương của cán bộ xã.

Riêng ông Đỉnh cho rằng, việc chậm trễ xử lý sự việc trên là có thật, cần rút kinh nghiệm sâu sắc, hậu quả thật đáng tiếc. Còn hai ông Điệp và Đố thì nhất nhất: Họ chưa nhìn thấy thi thể ấy. Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với lời kể của nhiều nhân chứng và cán bộ hữu quan (kèm theo là cam kết, chữ ký, ghi âm): Lúc quyết định cho thi thể trôi, có mặt ông Điệp, ông Đố, ông Chung, ông Tuyến (đều là cán bộ xã xuống giải quyết). Vậy, đâu là sự thật?

Các nhân chứng, kể cả nhận định của Cơ quan điều tra khi làm việc với PV Lao Động, đều cho rằng: Các vị "quan" xã kể trên đều có mặt ở hiện trường, họ đã trông thấy tử thi được neo buộc bên bờ sông Chảy. Ông Bí thư Đảng uỷ xã cũng xác nhận: Ông có cử ông Điệp và đoàn cán bộ xã xuống hiện trường. Và, họ có đi xuống nhà anh Cảnh. Công an huyện đưa ra kết luận ban đầu là: Xã có điện thoại lên huyện báo cáo tình hình liên quan đến tử thi từ rất sớm (khoảng 11h); trong khi đó, ông Điệp, ông Đố lại "hồn nhiên" nói với PV chúng tôi rằng: 16 hay 17 giờ chiều đó, tức là Sát giờ tử thi được thả trôi, họ mới biết tin!

Ngày 15.8, sau khi đi kiểm tra tình hình về, Bí thư Huyện uỷ Phạm Văn Lái cho PV Lao Động biết: Qua xác minh, sự việc Báo Lao Động nêu là có thật. Huyện sẽ nghe cơ quan hữu quan báo cáo, phần lỗi dù thuộc về cá nhân đơn vị nào cũng sẽ bị xử lý nghiêm minh. Nếu sự thật, có cán bộ nào đó ra tận hiện trường, thấy tử thi neo ở bờ rồi, mà còn để cho người ta cắt dây thả trôi thì có khuyết điểm lớn. Cán bộ có khuyết điểm thì có nghĩa là Đảng bộ xã có khuyết điểm - ông Lái nhấn mạnh - dù anh có chủ trương cắt dây hay không đi nữa!

Trung tá, thủ trưởng Cơ quan điều tra, Trưởng Công an huyện Bùi Văn Thịnh thì đề cao vấn đề lương tâm của người cán bộ trong vụ việc này. "Thả tử thi trôi là một việc làm thiếu nhân đạo" - anh nói. Việc thiếu trách nhiệm, chậm trễ trong giải quyết vụ việc của cấp uỷ chính quyền xã là có thật. Điều đó gây bức xúc lớn trong dư luận cũng là dễ hiểu. Đủ tài liệu khẳng định rằng, cán bộ xã có mặt khi thi thể chuẩn bị được... thả trôi. Còn việc có ai đó đã ra "nghị quyết miệng" nhằm thả trôi thi thể hay không thì còn phải xác minh thêm.

Chiều qua, 16.8.2006, theo thông tin từ trung tá Thịnh - Trưởng Công an huyện Lục Yên, sau quá trình nỗ lực tìm kiếm của cơ quan chức năng và bà con, thi thể bị cắt dây thừng cho tiếp tục trôi sông đã được trục vớt ở khu vực hạ lưu sông Chảy thuộc xã Phan Thanh, cùng trong huyện Lục Yên. Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Yên Bái đã thành lập hội đồng giám định pháp y nhằm xác định danh tính và nguyên nhân chết của nạn nhân.



Đỗ Doãn Hoàng
http://www.laodong.com.vn/Home/phong...8/1194.laodong