BÊN BỜ GẠCH
(thân mến tặng KiencangHP)

Lâu lắm rồi mới về thăm làng cũ!
Ngôi làng đã biến mất trên bản đồ từ lâu, vì thế phải lần mò mãi…
Một quán nước nho nhỏ ven đại lộ, một cụ bà răng đen chít khăn mỏ quạ đang ngồi.
- Cụ cho cháu xin một cốc nước ạ.
- Cậu uống chè lóng hay chè đá?
- Cho cháu hỏi đi đường nào thì đến đình làng G hả cụ?
Ngồi nhâm nhi cốc nước chè xanh, nói chuyện phiếm với bà cụ cũng rất thú vị.
Xem ra người ta phá đi tất cả để xây nhà , xây chung cư nhưng đình, chùa thì vẫn còn phải giữ lại, người mới đến cũng nhiều nhưng đối với những người già thì ký ức của họ vẫn chưa mai một…
Theo lời chỉ dẫn của bà cụ cũng đến được đình làng G, bao năm rồi cái cổng đình cũng không thay đổi, chỉ có con đường làng đã thành con đường hẻm vì nhà cửa san sát, không còn ruộng đồng nữa. Cái giếng làng có chín bậc bên cây gạo đã bị lấp từ lâu. Ngày xưa có một người vệ quốc quân bị giặc Pháp bắt đánh đập dã man để ông chỉ chỗ đồng đội, ông đã lừa dẫn chúng đến bên cái giếng, sau đó ông đã nhảy xuống tự tử.
Ông tên Nguyễn Văn Truy, còn gọi là ông Ba Truy.
Bà cụ còn kể, có lần trong một buổi trưa bà đang nằm ngủ, chập chờn trong giấc mơ bỗng thấy một cái bóng đen thấp thoáng, rồi tiếng nói văng vẳng “bà ơi, cháu bà bị té xuống giếng tôi mới đẩy lên đó”, bà giật mình tỉnh dậy, nhìn ra thì thấy đứa cháu gái nhỏ mới hơn mười tuổi, người ướt mem từ ngoài hớt hải chạy vào, kêu lại thì nó nói đang hái mấy quả duối ngoài giếng làng thì bị ngã từ trên cành xuống, uống no nước nhưng lại không chìm mà hình như có cái gì đó từ phía dưới đẩy lên bờ.
Có khá nhiều đứa trẻ bị ngã xuống cái giếng này mà không chết.
Cây gạo cũng phải chịu chung số phận với cái giếng, đã bị đốn từ lâu, nhưng những chuyện về con ma cây gạo vẫn còn lưu trong ký ức nhiều người. Có lần tay bí thư chi bộ đi họp về khuya, thấy một cục gì đỏ hỏn, to bằng cái đấu trên cây gạo… cái cục đỏ ấy từ trên cây lao thẳng vào, báo hại tay bí thư lần ấy phải chạy bán xới, rớt cả cái túi dết lẫn đôi dép râu…
Vào mùa hè, hoa gạo nở đỏ rực cả một vùng, trẻ con trong làng xúm nhau dưới gốc cây nhặt hoa gạo rơi.
Còn một cái tường gạch cũ không hiểu sao người ta vẫn còn giữ lại.
Những bờ tường gạch đỏ dài dằng dặc luôn là một phần của làng quê, gắn bó cả một thời thơ ấu.
Bờ tường cũng có thể là cả một sự ngăn cách…còn bây giờ thì bờ tường này chỉ là một ký ức thô sơ nhất về một làng quê đã mất.../.

----------------------------------------------------------------

Đôi khi bâng khuâng “Ta tìm về nguồn cội để làm gì? Ta muốn nhìn lại nơi ta đã từng sống để làm gì? Ta tìm hiểu lịch sử để làm gì? Suy cho cùng đó chính là vì ta đang tự hỏi: Ta chính là gì ? ”.