Xin được hỏi các “nhà ngoại cảm” nổi tiếng (và tai tiếng) ở Việt Nam rằng, các vị ở đâu trong vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị đốt? Và tại sao các vị cứ im như thóc trong vụ “Kỳ án vườn mít”, khi thanh niên Lê Bá Mai hai lần bị tuyên tử hình,…

Trong số các “nhà ngoại cảm” nước ta, có lẽ không ai nổi tiếng (và tai tiếng) như Phan Thị Bích Hằng. Với những ai đã trót đặt niềm tin vào “nhà ngoại cảm” này, đó là một vị á thánh, người có thể khiến nhiều người thay đổi đức tin và đưa ra những đề nghị khó tin nhất.

Trường hợp điển hình là trường hợp giáo sư Trần Ph. – người từng giữ trọng trách trong Chính phủ khoảng 30 năm trước. Do quá tin tưởng vào khả năng gọi hồn của Bích Hằng mà vị giáo sư này từng đề nghị thành lập viện nghiên cứu về linh hồn với giả định rằng, nếu chứng minh được linh hồn có thật thì không kẻ nào dám thủ ác nữa, vì hồn có thể “mách” “nhà ngoại cảm” tìm ra thủ phạm rất dễ dàng (!). Với một người có kiến thức tối thiểu về sinh học và có tư duy phản biện lành mạnh, đó là một đề nghị rất lạc hậu trên khía cạnh nhận thức và khá nực cười trên khía cạnh thực hành.

Xin được hỏi các “nhà ngoại cảm” nổi tiếng (và tai tiếng) ở Việt Nam rằng, các vị ở đâu trong vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị đốt? Và tại sao các vị cứ im như thóc trong vụ “Kỳ án vườn mít”, khi thanh niên Lê Bá Mai hai lần bị tuyên tử hình, một lần được tuyên vô tội, mới nhất lại bị tuyên chung thân, mà cả hai phía buộc tội và bị can đều kháng án (Viện Kiểm sát muốn tuyên án tử hình, bị cáo thì muốn tuyên vô tội)?

Rồi vụ chiếc xe khách bị cuốn trôi tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh trong vụ lũ lụt lịch sử năm 2010, rốt cuộc chân lý thuộc về Phan Thị Bích Hằng và Nguyễn Văn Liên (bằng khả năng “thấu thị phi thường” đã dự báo xe trôi xa tới tận gần cầu Bến Thủy) hay thuộc về những người dân tốt bụng tuy không có khả năng “thấu thị”, nhưng có tư duy lành mạnh (suy luận chính xác rằng xe nặng như vậy thì không thể trôi xa khỏi chỗ bị chìm vài ba trăm mét)?

Và tại sao Phan Thị Bích Hằng toàn đi lừa gạt các gia đình liệt sỹ ít hiểu biết về lĩnh vực dị thường và đang tuyệt vọng trong nỗ lực cố gắng tìm kiếm hài cốt người thân, mà cứ lẩn trốn khi các phóng viên tìm gặp để phỏng vấn năm 2007, khi chuyên trang Viet Times của Vietnamnet mở chiến dịch tấn công toàn diện vào cái gọi là “ngoại cảm tìm mộ”? Loại bài viết này sẽ cố gắng đưa ra lời giải đáp về “khả năng ngoại cảm” của Phan Thị Bích Hằng, bằng cách chỉ ra rằng đó chỉ là sự lừa gạt không hơn không kém.

Để giải mã “khả năng” tìm kiếm hài cốt của Phan Thị Bích Hằng và của các “nhà ngoại cảm” khác nhờ “nhập hồn”, “gọi vong” hoặc “nói chuyện với người chết”, chúng ta cần làm rõ những vấn đề như sau: 1) Linh hồn có thật hay không?; 2) Tại sao “nhà ngoại cảm” tìm được mộ?; 3) Tại sao chúng ta rất dễ tin những chiêu trò lừa gạt nhiều khi rất thô sơ của “nhà ngoại cảm”, giới đồng cốt, thày bói hoặc thày cúng? và 4) Trước khi nhờ tìm hài cốt người thân, chúng ta có thể kiểm tra khả năng của một “nhà ngoại cảm” như thế nào?

Với một người theo dõi bình thường, hai vấn đề đầu tiên phải có mối liên hệ mật thiết với nhau, vì chính linh hồn liệt sỹ hoặc vong người chết đã mách bảo “nhà ngoại cảm” mọi thông tin cần thiết để người thân tìm thấy mộ. Hỏi còn ai rõ hơn chính hương hồn người chết về nơi chôn cất của chính thân xác mình?

Nếu không thì tại sao “nhà ngoại cảm” lại biết chính xác sơ đồ nghĩa trang, vị trí và đặc điểm của một ngôi mộ vô danh khi họ đang ở cách xa hàng ngàn cây số? Tuy nhiên với những ai có tư duy lành mạnh, óc phê phán chính xác và sự nghi ngờ đúng cách, không khó để nhận ra những trò lừa gạt của giới ngoại cảm hoặc đồng cốt, như nhiều tờ báo đã phản ánh trong thời gian vừa qua.

Điều đáng mừng là trong Đề án xác định danh tính hài cốt giai đoạn 2012-2015, Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội (chủ trì), Bộ Quốc phòng và Bộ Khoa học – Công nghệ đã thống nhất dùng công nghệ gien và các phương pháp khoa học khác để xác định danh tính cho khoảng 25.000 hài cốt liệt sỹ; chứ không dùng ngoại cảm và tâm linh (theo Tiền phong online ngày 14-02-2012).
Vấn đề số một: Linh hồn có thật hay không?

Vào tháng 11-2010, trong một buổi lên lớp với 200 sinh viên năm thứ nhất tại trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch Thành phố Hồ Chí Minh, người viết đã tiến hành một cuộc thăm dò nhỏ. Kết quả, khoảng 85% số sinh viên tin linh hồn có thật, 10% không tin và 5% có ý kiến khác.

Kết quả đó khá phù hợp với những thăm dò chính thức trên thế giới. Và thật thú vị khi không một sinh viên nào định nghĩa được linh hồn, cho thấy một thực tế rất đáng quan tâm là chúng ta có thể tin vào một quan niệm mà thực ra chúng ta chưa hiểu!

Hầu hết các nền văn hóa và các tôn giáo đều công nhận linh hồn, tuy quan niệm cụ thể có thể khác nhau. Chẳng hạn nhà tư tưởng vĩ đại nhất thời cổ đại Aristotle không tin phụ nữ có linh hồn, chí ít là với chất lượng như linh hồn nam giới.

Nhà vật lý lừng danh bị tật nguyền Stephen Hawking: “Không có cái gọi là linh hồn hoặc kiếp sau”

Thú vật có linh hồn hay không cũng là chủ đề gây tranh cãi khác (một truyện cười kể rằng giới triết học chia thành hai phe, ai nuôi chó thì tin chó có linh hồn, còn người không nuôi thì phản bác!). Bào thai có linh hồn hay không cũng là một bài toán rất nan giải. Và không phải tôn giáo nào cũng thừa nhận sự tồn tại của linh hồn, chẳng hạn Phật giáo không có quan niệm về linh hồn bất tử (và đấng sáng tạo tối cao tạo ra toàn vũ trụ).

Vậy linh hồn là gì? Dẫn theo nhà vật lý Crick lừng danh (giải Nobel về cấu trúc ADN) trong cuốn Giả thuyết ngạc nhiên: Tìm kiếm khoa học về bản chất linh hồn, do NXB Simon & Schuster in năm 1994, người viết xin đưa ra quan niệm trong giáo lý Công giáo La Mã như sau: “Linh hồn là vật sống không có cơ thể, có lý trí và ý chí tự do”.

Đó là lý do trong cái gọi hiện tượng luân hồi, linh hồn luôn được “cấy” vào một cơ thể khác để bắt đầu một cuộc sống mới. Do đó, các em bé “đầu thai” đều phải “mượn xác” của người khác (tốt nhất là của người đã chết, để khỏi tranh chấp lôi thôi!).

Vậy có thể có sự sống mà không cần cơ thể hay không? Để trả lời, cần tìm hiểu bản chất sự sống. Theo từ điển mở Wikipedia, sự sống là đặc trưng phân biệt các vật có khả năng tín hiệu hóa và các quá trình tự duy trì với các vật không có khả năng đó, hoặc đã mất đi (khi chết) hoặc vốn không có (vật vô cơ).

Các nhà sinh học cũng quan niệm sự sống không khác biệt và không chia tách với các cấu trúc và các chức năng được tổ chức trong một cơ thể sống. Đó là cặp phạm trù cấu trúc – chức năng nổi tiếng trong sinh học: trong cơ thể, một chức năng cụ thể chỉ có thể do một cấu trúc chuyên biệt thực hiện mà thôi.

Chỉ tim mới có khả năng bơm máu đi nuôi cơ thể, chỉ não mới biết cảm xúc hoặc tư duy. Chỉ cần một mạch máu nhỏ trong não trục trặc là ta có thể mất trí là vì vậy. Các đặc trưng tinh thần như cảm xúc, nhận thức hoặc tư duy (các đặc tính của linh hồn) chỉ có thể thực hiện và tồn tại trong một cấu trúc vật chất duy nhất là bộ não mà thôi. Nói cách khác, theo quan điểm khoa học, “hồn” và “xác” không thể tách rời nhau, nên không thể có vật sống không cần cơ thể mà lại có lý trí và ý chí tự do được.

Bạn đọc có thể cảm thấy khó hiểu về chuyện “linh hồn” không thể rời thoát và tồn tại bên ngoài “thể xác”. Tuy nhiên, chúng ta có thể hình dung được bản chất của vấn đề nếu so sánh với bài toán trí tuệ nhân tạo, tức trí tuệ bên trong các máy tính.

Nhà khoa học tật nguyền Stephen Hawking, phát ngôn viên của khoa học hiện đại, từng nói: “Tôi quan niệm bộ não như máy tính vậy. Khi máy tính hư hỏng thì toàn bộ hoạt động của nó cũng bị mất đi. Không có cái gọi là linh hồn hoặc kiếp sau”. Nói cách khác, chúng ta không thể thấy các phần mềm máy tính, trong vai trò “hồn”, tồn tại ngoài máy tính hoặc các phương tiện lưu trữ, trong vai trò “xác”.

Người viết thì rất thích một hình ảnh trực quan; đó là màn hình mất điện. Khi đó mọi hình ảnh, âm thanh, hành động, cảm xúc, tư duy… của các nhân vật đều bị mất đi một cách đột ngột và vĩnh viễn. Do đó không thể có linh hồn như một tồn tại sau cái chết của cơ thể được.

Như vậy là trên phương diện lý thuyết, không thể có linh hồn bất tử tồn tại sau cái chết. Vậy trên khía cạnh thực hành thì sao? Cụ thể hơn, nếu không có linh hồn, tại sao “nhà ngoại cảm” hoặc giới đồng cốt có thể nhập hồn hoặc gọi vong; và tại sao các em bé luân hồi có thể biết một số thông tin về một người chết hoàn toàn xa lạ?

Trước khi bàn về khả năng gọi vong của “nhà ngoại cảm” Phan Thị Bích Hằng và các nhà ngoại cảm khác, người viết xin đề cập một chút tới hiện tượng luân hồi, vẫn được nhiều người xem là bằng chứng của linh hồn bất tử, qua trường hợp giáo sư tâm thần học Ian Stevenson (1918-2007). Ông là người hùng của những ai tin tưởng vào sự đầu thai.

Qua nghiên cứu chi tiết khoảng 3000 trường hợp “gợi ý tới sự luân hồi” hay “kiểu luân hồi” (thuật ngữ thể hiện sự thận trọng trong quan niệm khoa học của ông), ông cho rằng đó là bằng chứng của sự đầu thai. Tuy nhiên đa số giới khoa học không đồng ý với ông, thậm chí có người còn xem quan niệm và lý thuyết của ông là giả khoa học (pseudoscience).

Tất nhiên trong cộng đồng khoa học vẫn có người ủng hộ Stevenson, nhưng họ chỉ là thiểu số. Điểm yếu lớn nhất của Stevenson và những người đồng quan điểm là vấn đề mà nhà triết học Paul Edwards, một người phê bình Stevenson rất kiên định, gọi là “modus operandi problem” (bài toán cơ chế vận hành).

Đó là sự thiếu vắng các cơ chế vật chất để một nhân cách có thể sống sót sau cái chết và cấy vào cơ thể khác. Chính Stevenson cũng thừa nhận sự thiếu hụt này, như thể hiện trong cuộc tranh luận trên BBC năm 1976. Chúng ta hãy theo dõi một phần cuộc tranh luận thú vị này:

Cohen: Ký ức gắn với bộ não. Không có bộ não thì không có ký ức.

Stevenson: Tôi nghĩ đó là giả định. Ký ức có thể tồn tại trong não và ở một nơi nào đó.

Cohen: Nhưng chúng ta không có một bằng chứng dù là nhỏ nhất về việc ký ức tồn tại ngoài não bộ. Chúng ta chỉ thấy một tổn thương não nhỏ cũng có thể phá hủy trí nhớ chứ không có một ngoại lệ nào.

Stevenson: Tôi cảm thấy vấn đề ở đây là, liệu ký ức có thể sống sót sau khi phá hủy não hay không?

Taylor: GS Stevenson, ông có bằng chứng nào, ngoài các trường hợp luân hồi, về việc trí nhớ có thể tồn tại sau cái chết của tổ chức vật chất?

Stevenson: Không. Tôi nghĩ bằng chứng tốt nhất là các trường hợp luân hồi.

(Bách khoa thư về các hiện tượng dị thường, Prometheus Books ấn hành năm 1996, trang 633)

Chúng ta có thể thấy gì từ cuộc tranh luận này? Trong khi Cohen và Taylor (những người phản đối sự tồn tại của linh hồn) nhấn mạnh sự phụ thuộc của tâm trí vào bộ não (điều được khoa học thần kinh và khoa học tâm trí khẳng định) thì Stevenson chỉ đưa ra giả định về điều ngược lại, thể hiện qua cách trình bày “tôi nghĩ” hay “tôi cảm thấy”. Nhưng khoa học hiện đại, dưới hình thức như chúng ta đang biết, dựa trên các bằng chứng khách quan chứ không dựa trên cách suy nghĩ hoặc cảm giác chủ quan của một vài cá nhân.

Từ những điều đã trình bày, người viết xin khẳng định lại một chân lý khoa học, đó là không có linh hồn bất tử như một tồn tại sau cái chết của thể xác. Và như vậy các trò “cầu hồn”, “gọi vong”, “nói chuyện với người chết” của Phan Thị Bích Hằng chỉ là sự lừa gạt không hơn không kém.

Vậy tại sao giới ngoại cảm tìm được mộ?

Theo Tiến sĩ – Đại tá quân đội Đỗ Kiên Cường