Sau hơn 10 năm thực hiện, ngày 12/9 vừa qua, dự án VIBEKAP cùng với sự tham gia của các nhà địa chất Bỉ đã thông báo kết quả cuối cùng. Theo đó, có tới hơn 300 hang động đá vôi lần đầu tiên được phát hiện ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam.

Các nhà nghiên cứu đã khảo sát hơn 200 hiện tượng Karst, vẽ mô phỏng hơn 50km hang động, phát hiện lần đầu tiên hơn 300 hang động lớn nhỏ ở nhiều vùng núi đá vôi thuộc hai tỉnh Sơn La và Lai Châu.

"Giếng đứng" sâu nhất Việt Nam và những sinh vật "trắng bạch"

Trong khuôn khổ của dự án này, các nhà hang động học đã vào thám hiểm các hang sâu Karst đầy huyền bí và phát hiện ra nhiều hang dài trên 1.000m như: hang Dơi (1.435m), hang Rắn (1.880m), Thị Đội (1.551m), Nậm Khum (1.323m), Chiềng Ban (1.382m). Vùng Tủa Chùa, Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) có nhiều hang dài và rất sâu như: Tà Chinh (dài 2.015m, sâu 402m), Dơi Nước (dài 1.035m, sâu 290m), Sì Lèng Chải (dài 1.162m, sâu 286m)...

Đặc biệt, họ đã phát hiện hang Cống Nước, sâu tới 602m. Kỹ sư Thái Duy Kế - Phó phòng Karst của Viện cho biết: Có thể khẳng định trong tất cả các hang đá vôi ở Việt Nam cũng như ở Đông-Nam Á, Đông Á, chưa có hang nào sâu như thế, vượt cả hang Tà Lũng (Hà Giang) được xem là sâu nhất với 528m.

Hang được bắt đầu trong một mái vòm rộng và đẹp (rộng 30m, cao 35m) trong một cánh rừng già gần bản Chiêu Sài Phìn, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Từ trên nhìn xuống sâu hun hút, với nhiều khối đá khổng lồ xếp chồng chất lên nhau. Cả đoàn thám hiểm phải mất ba ngày với kỹ thuật leo dây thừng đơn rất "nhà nghề" mới chạm tới đáy. Có thể cảm nhận được gió thổi mạnh ở đây và một vài con dơi ở nơi này, chứng tỏ rằng có tồn tại các đường khác thông ra bề mặt ở gần đó. Người ta thấy dấu hiệu những sinh vật đã sinh sống từ hàng chục vạn năm và thậm chí lâu hơn nữa dưới miền đáy hang sâu thẳm này.

Hầu hết các hang được phát hiện đều phức tạp, hiểm trở, và chưa đến điểm chấm dứt cuối cùng thật sự. Nhiều hang động có hệ thống thạch nhũ như hoa đá, cột đá, rèm đá với những hình dáng đẹp đến sửng sốt, lạ kỳ. Khi có ánh sáng từ đèn pha, ánh lửa rọi vào, các phân tử can-xi từ đá phát ra ánh sáng rực rỡ như bầu trời sao lấp lánh. Hệ sinh thái động thực vật ở hang sâu cũng khác với hệ sinh thái trên mặt đất. Có những con vật kỳ lạ với rất nhiều chân rất dài tỏa ra bốn phía chung quanh, chẳng biết gọi là gì. Có những con rắn to và dài đến 2m cuộn tròn trong hang sâu mà về sau hỏi người dân địa phương thì mới biết chúng là loài vô hại, rất hiền. Những sinh vật bình thường sống dưới nước như cua cá, tôm,... thì đặc điểm chung nhất là chỉ có màu trắng bạch vì chúng ở trong hang tối không có ánh sáng mặt trời

Và những dòng sông-hang-ngầm

Các nhà thám hiểm còn phát hiện ra nhiều dòng sông-hang-ngầm dưới những núi đá vôi, trong đó có dòng sông dài hơn 4.500m chảy ngầm qua đèo Khau Pha ở Sơn La. Một cửa của dòng sông ngầm này là hang Bản Ái, hút phần lớn nước mặt sông Nậm La. Trận mưa lũ khủng khiếp cùng một tiếng nổ dữ dội ngày 27/7/1991 tại Sơn La đã phá vỡ ngọn núi đá Phiềng Hay ở sát sông Nậm La, tạo ra hồ Bom Bay rất đẹp với những thác nước tung trắng xóa vào mùa mưa. Nơi nước của dòng sông ngầm này thoát ra là hang Dơi, phía bên kia đèo Khau Pha, tại bản Nậm Liếp, xã Mường Bú, huyện Mường La.

Dòng sông nước chảy cuồn cuộn, ghềnh thác cheo leo, vượt qua chúng trong điều kiện tối tăm không dễ. Theo các nhà khảo sát, vào mùa thu hoạch lúa, rơm rạ, rác thải... đều được "dọn vệ sinh" và đổ xuống mương, xuống lòng sông rồi theo dòng chảy chung trôi cả vào dòng sông ngầm. Ngoài ra có những vật bằng sắt nặng, những mảnh vỡ của xác máy bay từ thời chiến tranh, những tảng đá to bị vỡ, những cành cây to, và hàng trăm thứ "hầm bà lằng" khác cũng trôi dạt vào sông ngầm gây ách tắc làm cho nước sông Nậm La vào mùa mưa rất lớn, gây ngập cả các thôn, bản ở gần sông. Để giảm bớt tác hại của lũ, cần chấm dứt kiểu "dọn vệ sinh" đó và tổ chức khai thông dòng sông- hang-ngầm này.

Hệ thống sông, hang động ngầm với kết cấu phức tạp đến nay vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp. Để bảo đảm an toàn cho cuộc sống của những người dân sống trong những vùng có hang động đá vôi, cũng như các hoạt động kinh tế khác, việc nghiên cứu chúng đang được đặt ra như một nhiệm vụ khẩn thiết....

Đá vôi của Việt Nam được coi là một tài nguyên khoáng sản lớn thứ hai ở châu Á, sau Trung Quốc với 6.000 km2 lộ diện, chiếm gần 20% tổng diện tích cả nước. Đá vôi với các hang động kỳ lạ còn tạo nên các dạng cảnh quan mà các nhà khoa học gọi là Karst. Cảnh quan Karst rất đẹp, cả dáng vẻ bề ngoài và những điều ẩn chứa sâu xa bên trong mà chùa Hương, vịnh Hạ Long, Tam Cốc - Bích Động, Phong Nha - Kẻ Bàng, Ngũ Hành Sơn... là những minh họa.

(Theo TTVH)


VÀI HÀNG ƯỚC NGUYỆN .

Những hang động tại Sơn la , được tạo thành sau hàng triệu năm làm việc bền bỉ cũa những dòng sông ngầm , chảy xuyên qua những dãy núi đá vôi . Để có một nhũ đá nối từ dưới đất lên tới trần hang như các bạn thấy , cần có hàng vạn năm trôi qua . Thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta những món quà vô giá . Chúng ta cần phải có một thái độ trân trọng và hướng khai thác du lịch , đi đôi với bảo tồn , tránh những sự việc đáng tiếc như những động nhũ ở Ninh Bình và một số nơi khác . Nếu biết khai thác và bảo tồn đúng mức , dienbatn tin rằng Sơn La sẽ có một thế mạnh về du lịch , góp phần nâng cao đời sống và dân trí tại địa phương . dienbatn cũng mong ước rằng , có ngày , các bạn sẽ có những chuyến du lịch kỳ thú tham quan ngắm cảnh đẹp Tây bắc và ghé thăm ĐỆ NHẤT ĐỘNG TIÊN CẢNH của Sơn La .
Thân ái . dienbatn .