Truyền thuyết Thần Trụ Trời

Có thể nói sự tồn tại “Thần trụ trời”, “cột chống trời”, “cây chống trời” hay “cây mọc thẳng lên đến trời là hiện tượng độc đáo chỉ có trong cộng đồng cư dân người Việt cổ. Chưa cần xét sâu đến các đặc tính văn hóa, nếu như có một nét chung của các sắc dân từ dãy Ngũ Lĩnh đến tận Nam Trung Bộ Việt Nam thì dễ nhận biết nhất có thể nói là nhóm thần thoại về “Thần/Cột/Cây trụ trời”. Trong Tuyển tập văn chương nhi đồng [1], có đoạn viết về đánh giá của giáo sư Trần Ngọc Ninh:

Trong tín ngưỡng của dân Lạc cổ, hay đúng hơn của những người thuộc nhiều sắc dân nhưng gần chung một văn hóa qua các huyền thoại ở khu vực nằm giữa Ngũ lĩnh và Hoành sơn, thì sau khi Trời Đất phân chia, vũ trụ đã được tổ chức quanh một cái cột thông liền ba cõi thế gian Trời-Đất-Người. Bốn phương được định, mặt đất được tổ chức, sự phân biệt đất sống và đất linh cho phép các bộ lạc làm ăn, sinh sống dưới bóng linh thiêng.

Cũng trong sách đã dẫn có liệt kê một số câu chuyện liên quan đến Thần/Cây/Cột Trụ trời như sau:

Thần thoại Việt nam có truyện “Thần Trụ Trời”. Núi Tản Viên là một nơi khác cũng được coi là một cột chống trời, đệ nhất cao sơn của Việt nam, nơi trời đất thông nhau, Sơn Tinh ngự ở đó. Trong huyền thoại Chử Đồng Tử ở đồng bằng ven sông, trên bãi không, cắm cái gậy xuống đất, úp nón lên, thành biểu tượng của cột chống trời, linh thiêng hiển hiện, đất cấm trở nên ở được, trù phú.

Người Phủ Nội cho rằng cây chống trời là cây song Khưa-khao-cát mọc ở hồ Nong-khu (Điện Biên Phủ).

Thần thoại Thái có cây song Chuốc-khao-cát làm đường đi lại giữa trời và đất. Hai thiên sứ Tao Suông và Tao Ngân khi xuống mặt đất sau nạn Hồng thủy cũng có mang theo tám quả bầu và tám gậy đồng Sao-cam-pha (gậy chống trời).

Thần thoại Mèo thì dân chúng nhớ thiên đường Giu Giang Ka bèn rủ nhau xây tháp làm đường lên trời.

Thần thoại Mường kể rằng bộ hạ Lang-Đa-Cần đã phải vất vả lắm mới kiếm được cây Chu-đồng linh thiêng đem về làm trụ kình thiên cất cung điện.

Truyện “Lạc Long quân diệt Mộc tinh” của người Kinh có nói đến một cây Chiên Đàn[2]. Về nội dung lẫn hình thức cùng âm tiết đều gợi cho ta nhớ đến cây Chu đồng mà vua Dịt Dàng trong Sử thi “Đẻ Đất Đẻ Nước”[3] đi đốn về.[4]

Ngoài ra các phiên bản Đẻ đất đẻ nước đều nói đến cây si to lớn thần thánh[5]:

Cành rơi xuống rậm

Hóa thành trống chim tầm lầm

Cành rơi xuống rộc

Thành trống chim túc clộc

……..

Nhưng không biết gốc, rễ cây si nơi nào?

Lá cây si bời lời

Gốc cây si quang phẳng

Một bản khác thì cho rằng cây si đó là nguồn gốc của vũ trụ[6]:

Thối cành nên con cá

Thối lá nên con muông

Thối lòng, thối lõi

Nên đôi chim Ây, cái Ứa

Như vậy các Cây/Cột trụ trời không những mang ý nghĩa thông liền ba cõi mà còn mang bản chất sự giao hoan giữa trời và đất và kết quả của sự giao hoan đó là sinh ra vũ trụ. Và hẳn nhiên, chúng ta hay người xưa đều có thể hình dung ra, cây/cột/gậy đó phải dính liền đầu này với Trời và đầu kia với Đất. Nếu qua ngôn ngữ Dịch thì đầu này với Càn, đầu kia với Khôn.

Truyền thuyết Thần Trụ Trời của người Kinh lại mang mức độ diễn tả lên tầm cụ thể cao hơn, thậm chí chúng ta có thể nói câu chuyện này đã chuyển tải hết vũ trụ quan của người Việt cổ qua hình tượng các quái. Hay nói cách khác, người sáng tác ra truyền thuyết này đã sáng tác ra nó khi trước mặt hiện ra rõ ràng Hậu Thiên bát quái Văn Lang. Truyền thuyết đó được kể lại như sau[7] (trích đoạn):

Thần trong đám mờ mịt hỗn độn đó không biết đã từ bao lâu, một hôm bỗng đứng dậy dùng đầu đội trời lên cao rồi đào đất, đá đắp thành một cái cột vừa to vừa cao để chống trời…..Thần cứ một mình cày cục đắp, cột đá càng cao chót vót càng đẩy trời lên mãi.

Từ đó trời đất phân ra làm hai. Đất phẳng như cái mâm vuông, trời ở trên như cái bát úp….

Khi trời đã cao vừa ý và đã khô cứng rồi, không hiểu sao thần lại phá cột đi. Thần ném vung đá và đất đi khắp nơi mọi chỗ. Một hòn đá văng ra bấy giờ thành một hòn núi hay hòn đảo. Đất tung tóe ra mọi nơi thành cồn đồi, thành cao nguyên. Vì thế mà bây giờ mặt đất chỗ cao chỗ thấp không được bằng phẳng. Chỗ thần đào lên để lấy đất đá đắp cột bây giờ là biển cả.

…..

Sau Thần trụ trời phân khai trời đất, một số vị thần khác được phân công hoặc lên trời hoặc xuống đất để tiếp tục công việc kiến thiết ra thế giới.

Vì thế trong dân gian có câu hát hiện nay còn lưu hành:

Nhất[8] ông đếm cát,

Nhì ông tát bể,,

Ba ông kể sao,

Bốn ông đào sông,

Năm ông trồng cây,

Sáu ông xây rú,

Bảy ông trụ trời.[9]

Tại sao lại có những ông thần kỳ quái như vậy? Đào sông, trồng cây, xây rú còn có thể hiểu được, khiên cưỡng thì có thể hiểu ông tát bể, nhưng ông đếm cát và ông kể sao khó có thể mang một ý nghĩa thực tiễn nào. Vậy tên các ông thần này từ đâu mà ra? Phải chăng đã có một nguyên nhân chính đáng để người xưa đặt câu đồng dao như vậy?

Trước tiên chúng ta xét đến cấu trúc của các câu thơ. Các câu thơ có phép gieo vần theo thứ tự từ thứ ba và thứ tư:

Nhất ông đếm cát, (4)

Nhì ông tát bể, (3-4)

Ba ông kể sao, (3-4)

Bốn ông đào sông, (3-4)

Năm ông trồng cây, (3-4)

Sáu ông xây rú, (3-4)

Bảy ông trụ trời. (3)

Tuy số từ từng câu và chỗ gieo vần khác nhau, nhưng motip gieo vần so le hoàn toàn đồng nhất với các câu thơ sau:

Chi chi chành chành

Cái đanh thổi lửa

Con ngựa chết trương

Ba vương ngũ đế.

Và cũng có mối quan hệ mật thiết đến thể thơ lục bát:

Con mèo trèo lên cây cau.

Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà.

Chú chuột đi chợ đường xa.

Mua mắm, mua muối giỗ cha chú mèo.

Liệu chăng phép gieo vần 3-4 cũng một phần nói lên ý tứ của kinh Dịch với 3 và 4 là hai phương vị đối nhau trong Hà Đồ. Và như chúng tôi đã phân tích, 3 là số lẻ đầu tiên và 4 là số chẵn đầu tiên. Cộng hai số đó lại bằng 7-tượng trưng cho Thái Cực. Nhưng đây cũng mới chỉ là một liên tưởng mơ hồ. Để làm cho liên tưởng đó được thêm phần xác thực, chúng ta bắt buộc phải nghiên cứu vào nội dung cụ thể của bài thơ trên. Nếu nội dung cũng có ý tưởng Dịch rõ ràng thì cả nội dung lẫn cách ghép vần là những bằng chứng bổ sung nhau trong việc chứng minh bài ca được sáng tác ra để thể hiện một tư tưởng nào đó của Dịch Lý.

Những biểu hiện bên ngoài của một triết lý vũ trụ quan của bài ca dao chúng ta có thể thấy rõ ràng qua câu Bảy, ông trụ trời. Còn những câu khó hiểu như ông đếm cát và ông kể sao cũng phải có một nguyên nhân nào đó sâu xa. Khó có thể tưởng tượng ra vai trò của các ông này trên thực tiễn, vì thế hoàn toàn logic khi chúng ta khẳng định các ông này được đưa vào một cách có vần có vè do ảnh hưởng từ một hệ thống quan điểm triết lý nào đó.

Nhất ông đếm cát: chúng ta hay nói về nơi gió cát, về nơi gió bụi. Người Việt chúng ta, ai ai cũng biết đến bài hát của nhạc sỹ tài hoa họ Trịnh:

Đôi khi ta lắng nghe ta

Nghe sóng âm u dội vào đời buốt giá

Hồn ta gió cát phù du bay về ....

Mối tình giữa gió và cát hoàn toàn dễ hiểu vì đơn giản gió lốc hay làm tung cát lên. Càng đơn giản và dễ hiểu hơn đối với những dân tộc miền biển như dân tộc Việt, khi bên bờ là cát vàng óng ánh còn gió thì thường xuyên thổi từ biển vào đất liền và ngược lại. Không ai đi làm việc kỳ cục là đếm cát. Từ xa xưa đến ngày hôm nay đều thế. Thế nhưng câu ca vẫn tồn tại đó, ông này phải được sinh ra từ một quan niệm triết học nào đó hay từ một tín ngưỡng nào đó. Bởi vì gió luôn luôn đi kèm với cát (đặc biệt những vùng biển như nước ta) và gió cũng không có nghĩa là cát, nên người xưa có thể cho rằng gió chính là ông thần tung cát lên để đếm. Vậy ông đếm cát là Thần Gió tượng trưng cho quái Tốn.

Nhì ông tát bể: bể tiếng Việt cổ để chỉ hồ (Hồ Ba Bể) hay một cái gì đó có lòng chứa đựng nước (kích thước to lớn). Biển một biến âm từ bể và biển thật ra cũng là cái hồ vĩ đại mà thôi. Và chúng ta lại thấy sự khắng khít của biển, gió và cát. Bờ biển được dệt nên bởi bờ cát vàng, gió thổi từ biển vào hay từ đất liền ra biển, tạo nên sóng biển (biển động do gió và bão). Gió cũng thổi vào cũng làm tung cát lên tạo trên mặt cát những gợn sóng đẹp kỳ dị. Hoàn toàn khách quan khi khẳng định: người ta đặc biệt là những cư dân gần vùng biển ở những nơi nhiều cát vàng như vùng biển Việt Nam đã nhận thấy mối quan hệ khắng khít giữa gió, cát và biển qua những quan sát hiện tượng tự nhiên.





[10]

Trong văn đàn, có lẽ gió, cát và biển gợi được niềm cảm hứng vô tận cho thi nhân:

Anh không xứng là biển xanh

Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng

Bờ cát dài phẳng lặng

Soi ánh nắng pha lê ...

………….

Anh không xứng là biển xanh

Nhưng cũng xin làm biển biếc

Để hát mãi bên gành

Một tình chung không hết


Để những khi bọt tung trắng xóa

Và gió về bay tỏa muôn nơi

Như hôn mãi ngàn năm không thỏa

Bởi yêu bờ lắm lắm em ơi!

Biển, Xuân Diệu[11]



Chính vì mối quan hệ khắng khít của chúng mà khi suy luận từ Tiên Thiên Trùng quái ra đồ hình Hậu Thiên, người ta đã chấp nhận một cách tự nhiên sự kết hợp giữa quái Tốn và quái Đoài để tạo nên một trùng quái bất dịch (có số 51). Nói cách khác, những quan sát tự nhiên càng làm cho người Việt cổ tin vào tính đúng đắn của đồ hình.

Ông tát bể là ông Thần Bể tượng trưng cho Đoài trong Hậu Thiên Bát Quái.

Ba ông kể sao: Ông nào kể sao? Ông nào thường trực trên bầu trời và sáng chiếu rõ ràng đến mọi cõi để kể được những vì sao? Chính là ông Mặt Trời. Trong Kinh Dịch, quái Ly tượng trưng cho Mặt Trời. Vậy ông kể sao là Thần Mặt Trời nằm ở phương vị Ly.

Bốn ông đào sông: Là ông Thần Nước nằm phương vị Khảm. Ở đây ta chứng kiến chữ S không phải trên di sản vật thể hay là bằng chứng Toán học mà là trong di sản phi vật thể. Bài thơ về các ông Thần này là một bằng chứng phi vật thể cho chữ S thiêng liêng của vũ trụ Hậu Thiên.

Năm ông trồng cây: Cây có nhiều trong rừng núi. Chính núi rừng là nơi nuôi dưỡng cây cối. Như thế ông trồng cây là ông Thần Núi nằm ở phương vị Cấn.

Sáu ông xây rú: đây là một khúc mắc lớn. Vì rú cũng nằm trong danh mục núi, rừng, rú…; ý nghĩa “xây rú” ở đây rõ ràng là xây núi. Nhưng liệu ông xây núi có phải chính là ông Thần Núi không? Nói đến ý nghĩa thì ông Trồng Cây hoàn toàn tương đương với Thần Núi vì Núi là nơi nuôi dưỡng cây cối. Còn Thần xây rú tại sao không phải là Cấn? Thứ nhất, ta xét các nghĩa của rú. Theo Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam[12] của GS Nguyễn Lân thì rú (thuần Việt) là núi có rừng rậm, và rú (thuần Việt): kêu to và dài hay phát động mạnh. Nếu chúng ta chú ý đến hiện tượng tiếng vọng của rừng núi thì chúng ta hoàn toàn có thể thống nhất hai từ này. Núi càng âm u thì tiếng vọng dội về càng huyền bí và ngân dài. Như vậy người xưa có thể lấy từ rú này đặt cho những rừng núi già là do ảnh hưởng của tiếng vọng hay tiếng núi rú. Xét cho cùng rú ở đây cũng có nghĩa là phát tiếng động mạnh, gầm rú. Thứ hai, trong Hậu Thiên Bát Quái thì linh hồn nó là 6 trùng quái bất dịch. Cấn-Chấn là 1 trong 6 trùng quái đó. Có lẽ người xưa dùng từ rú đối với núi gợi ý cho ta thấy một từ kép rừng rú hoặc là núi rú. Vì hai lý do đã phân tích trên, nên chúng tôi cho rằng ông xây rú chính là ông làm ra tiếng vọng của núi hay là ông thần Sấm/gầm~rú nằm ở phương vị Chấn. Tư tưởng kép của trùng quái từ hai quái điên đảo dịch này chúng ta đã từng gặp trong chương II, mục 3- Kinh Dương Vương, họ Hồng Bàng và nước Xích Quỷ[13] khi cũng cùng là ông khởi tổ một vương triều nhưng người Việt lại lấy quái Chấn làm trọng còn người Mường lấy quái Cấn làm trọng. Cũng chính sự đồng âm của chữ “rú” trong “rừng rú” lẫn “gầm rú’ lại là bằng chứng cho quan niệm đồng nhất (hay liên kết) hai quái Cấn Chấn qua một trùng quái bất dịch. Núi, rú (rừng rú), rú, gầm rú trong ngôn ngữ Việt lại có một mắc xích nối quan trọng: động từ “nói”. “Nói” về âm thì giống “núi” nhưng về ngữ nghĩa lại hầu như tương đồng với “rú”. Từ “năng” trong từ kép “nói năng” lại đồng âm với nâng~nấng (nuôi dưỡng, trồng)~tâng, tâng cao=Núi.

Bảy ông Trụ trời: Như vậy ta đã có sẵn một chữ S hoàn chỉnh gồm 6 quái chia thành 2 cặp 3-3 đối nhau. Nhưng ở đây có 8 quái? Vì sao chỉ có 7 câu? Có lẽ người xưa muốn nhấn mạnh đến số Trời là số 7. Điều này cũng ứng vào đúng câu Bảy ông Trụ Trời. Trời=Càn=7 và Càn trong ngôn ngữ Dịch Nòng Nọc lại là cái trụ, cọc. Còn quái đối với Càn có số bằng 0. Thứ nữa, như trên đã phân tích về hình dáng thì trụ trời bắt buộc phải mang hai đầu hai quái Càn Khôn. Nó mang ý nghĩa giao hoan trời và đất, càn và khôn và trụ trời chính là trục Càn Khôn mang ý nghĩa lưỡng thể đồng nhất thiêng liêng nhất vì thế không thể tách hai quái Càn Khôn ra khỏi trụ trời được. Ngoài ra, nếu liên hệ với câu chuyện Nữ Oa vá trời ta thấy sự liên quan giữa Trụ Trời với cả hai quái Càn và Khôn. Ai đã chặt bốn chân rùa làm trụ trời?. Đó là bà Nữ Oa=Khôn. Như vậy, câu ông Trụ Trời vừa chỉ ra đúng số 7 thiêng liêng, vừa chỉ ra trục thiêng liêng do hai quái Càn=Trụ Trời còn người làm việc chống trời lại là bà Khôn. Do đó, hoàn toàn logic khi khẳng định câu “Bảy ông Trụ Trời” chỉ trục Càn Khôn nhưng vector đi đúng theo đường S từ Khôn quay ngược lại Càn.

Chúng ta có: TốnèĐoàièLyèKhảmèCấnèChấnèKhônèC ànèTốn….

(Trụ Trời)



Tính lưỡng phân trong Kinh Dịch Nòng Nọc[14]:

Chỉ trong Kinh Dịch Nòng Nọc mới có tính lưỡng phân Trời-Đất, Càn-Khôn. Tính lưỡng phân này được phát hiện ra bởi đặc tính kế thừa Tiên Thiên Bát quái của Hậu Thiên Văn Lang. Không một bát quái nào khác có thể có vũ trụ quan mang đặc tính lưỡng phân Trời Đất và Càn Khôn. Mà đây lại là tính kế thừa dựa trên toán học thuần túy chứ không hề huyền bí. Và chỉ có Kinh Dịch Nòng Nọc mới thống suốt từ Tiên Thiên đến Hậu Thiên được suy diễn qua số của các quái.

Nhìn qua các hình trên chúng ta có thể nghiệm thấy hai sự phân chia này có ý nghĩa khác biệt: phân chia hai nghi Càn Khôn theo Tiên Thiên mang ý nghĩa triết học-sự đối đầu của các hiện tượng, sự việc đối nghịch nhau triệt để, còn phân chia Trời-Đất (dựa trên Càn-Đoài) lại mang ý nghĩa tượng hình-sự đối đầu nhau qua trục chia bát quái Văn Lang.

Quan niệm phân chia theo Càn-Khôn có lẽ không có điều gì phải bàn đến bởi vì nó như một phiên bản của Tiên Thiên Bát quái. Còn phân chia theo ba trùng quái đối xứng nhau qua mặt phẳng vuông góc với trục Càn-Đoài cũng có thể dễ dàng nhận biết qua hình vẽ trên. Để lấy đối xứng qua mặt phẳng vừa nêu ra ta có thể lấy ba cặp quái: Càn-Đoài, Khảm-Ly và Cấn-Khôn, trong đó đặc biệt cặp Khảm-Ly như trong chương 1, mục 10-Chồng vợ sự giao hoan giữa trời đất chính là mối giao cảm, luyến ái nhau giữa ngọn lửa giống Ly với nôi tinh chất nuôi dưỡng Khảm. Tại sao, người xưa lại lấy hai chữ tr (trời-Càn) và đ (đất-Đoài) để tượng trưng cho phân chia Trời-Đất?

-Thứ nhất, đơn giản nhất có lẽ trong ba cặp quái trên chỉ có cặp Càn-Đoài là có hiện diện của Càn-thiêng liêng nhất, đại diện của Thái cực của thời Hậu Thiên.

-Thứ hai, trong khung Tiên Thiên, nghĩa các quái sẽ được dẫn sau, ta thấy Càn=Còn=Hiện hữu đầu tiên nhất, tuyệt đối nhất-dương tính còn Đoài=Đôi=Hai (biến âm đçèh xuất hiện hai lần cho cùng một chữ đoài: đoài=đôi=hai và đoài=đầm=hồ)=Hiện hữu âm tính. Vì thế, nói đến vũ trụ thành hình thì nói đến hai cặp hiện hữu dương và âm tính là hợp lý.

-Thứ ba, như chương 1, mục 10 có đề cập, bên cạnh trung tâm giao hoan giữa trời và đất với sự trao đổi cho nhau hai quái Khảm-Ly thì phía bên trái (mà trái lại tượng trưng cho Trời) lại chứng kiến một cặp giao hoan khác mang ý nghĩa hình tượng hơn với Càn tượng gậy và Đoài tượng cái bát đỡ, hay vật thể có hai cánh vòng ôm lấy gậy-Càn. Đây cũng là đặc tính của kinh dịch Nòng nọc vì Càn=tượng gậy, Đoài-tượng bát đỡ chỉ có thể xuất phát từ hình tượng Nòng Nọc của quái.

Quam niệm lưỡng phân Trời-Đất là một đặc tính rất độc đáo trong Dịch lý Nòng Nọc và qua đó tất yếu nó ảnh hưởng lên đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt cổ. Trong ngôn ngữ, tính lưỡng phân được minh chứng bởi hiện tượng Tr, hiện tượng Đ riêng lẻ lẫn mối đối đầu qua lại của chúng chẳng hạn: trời, trong, trên, tre, đất, đục, đêm, trong-đục, trắng-đen, trên-dưới, trốt-đít (hoặc đuôi),…Trong di sản khảo cổ, hai trục chia cho hai cách phân cũng được diễn tả qua cách vẽ trống đồng Ngọc Lũ:







Và trong di sản phi vật thể, tính lưỡng phân một lần nữa hiện diện trong truyền thuyết Thần Trụ trời này qua câu: Chỗ thần đào lên để lấy đất đá đắp cột bây giờ là biển cả. Câu này, người đọc có thể dễ tưởng tượng ra đầu Trụ trời ở phần đất nằm chính ngay (hoặc gần) biển cả. Với biển, bể, bát, bồn, bợ…đều mang tượng Đoài (và trong ngôn ngữ Việt cũng tồn tại biến âm gần đçèb).





Như vậy, những điểm chính của bài ca đều chỉ rõ sự liên quan chặt chẽ với Kinh Dịch Nòng Nọc; nói chính xác hơn đây chính là Hậu Thiên Bát quái Văn Lang qua đồng dao.

-Cách gieo vần 3-4 là một gợi ý đến sự đối nhau giữa 3 và 4, giữa chẵn và lẻ. Cộng chúng lại bằng 7-số của Thái Cực.

-7 câu thơ cũng dẫn đến số 7-Thái Cực thiêng liêng.

-Cách đánh số câu đã chỉ rõ đường đi chữ S của Hậu Thiên Bát quái Văn Lang. Người xưa đã tính toán rất chu đáo: phải đánh số mới chứng tỏ đây không phải là ngẫu nhiên mà chính là sự sắp đặt cố ý; nếu không đánh số đếm thì đó cũng chỉ là bảng kê khai các ông Thần – ý tứ không liên quan một cách sâu sắc đến Dịch. Nói cách khác, đánh số là để thể hiện sự vận động.

-Cách đặt câu Bảy, ông Trụ Trời ở cuối cùng cho thấy vận động uyên nguyên của vũ trụ Hậu Thiên trùng khớp với vận động của Thái Cực. Đồng thời chính câu này đã khẳng định đường đi chữ S chứ không phải đường đi vòng tròn. Nếu vòng tròn thì Khôn và Càn liền nhau trong bát quái không thể gọi là Trụ được. Chữ S mới làm cho trục Trụ Trời này thành một đường kính (đường hay trụ lớn nhất) của vòng tròn. Không thể đặt câu này lên đầu vì lúc đó sẽ gây những nhầm lẫn: nếu đi từ Càn sang Khôn thì không biết vẽ đường đi tiếp theo thế nào. Nếu từ Khôn sang Càn thì ý nghĩa càng mơ hồ-đường vận động của vạn vật trùng với của Thái Cực lại bắt đầu từ quái mang tính Nòng nhất. Chỉ có cách đặt câu này cuối cùng mới tỏ rõ được thứ nhất, số 7-Thái cực; thứ hai, tuy 7 nhưng 8; thứ ba, cái Trụ Trời; thứ 4, chuyển động chữ S.

-Nội dung giải mã hầu hết bám sát với tên các quái. Có vẻ hơi trúc trắc ở trường hợp trồng cây và xây rú. Tuy nhiên nếu xét tính tuy hai mà một của hai quái Cấn – Chấn, xét sự ràng buộc ngôn từ: núi, rú~nói, rú, gầm=sấm và xét đến tính thơ-các ngôn từ phải láy vần nhau thì ta thấy sự trúc trắc này cũng dễ hiểu và cách giải thích trên hoàn toàn hợp lý.

-Trong phần truyện xuôi, nơi đắp đá thành cột chống trời bây giờ trở thành biển cả cũng nêu lên chính hình tượng Càn-gậy đâm thẳng xuống Đoài-bát, bể, biển.

Kết luận: câu truyện thần thoại “Thần Trụ Trời” với bài thơ 7 câu có vần vè gần giống thể lục bát đầy từ ngữ khó hiểu và khác thường như “đếm cát”, “kể sao” đã được giải mã hoàn toàn qua những tri thức Dịch Nòng Nọc. Đó chính là một cách trình bày đường chữ S của Hậu Thiên Văn Lang. Và cũng chỉ có Hậu Thiên Văn Lang mới đủ khả năng giải mã hoàn toàn bài đồng dao này.

[1]. Doãn Quốc Sỹ. Tuyển tập văn chương nhi đồng. Website e-cadao. Link: http://e-cadao.com/tieuluan/tuyentap...nhidong-4a.htm

[2]. Vũ Ngọc Khánh. Kho tàng thần thoại Việt Nam. Nhà XB Văn hóa thông tin, 2006, tr. 96-97

[3]. Đinh Văn Ân. Mo kể chuyện đẻ đất đẻ nước : Song ngữ Mường - Việt NXB Văn hoá dân tộc, 2005, tr. 266-290

[4]. Mối liên hệ giữa Lạc Long quân với Chiên Đàn và Dịt Dàng với Chu đồng cho ta thêm một chứng cớ về sự đồng nhất giữa Lạc Long-người Kinh với Dịt Dàng-người Mường.

[5]. Đinh Văn Ân. Mo kể chuyện đẻ đất đẻ nước : Song ngữ Mường - Việt NXB Văn hoá dân tộc, 2005, tr. 185-186.

[6]. Bùi Thiện. Diễn xướng Mo - Trượng - Mỡi : Song ngữ Mường - NXB Văn hoá dân tộc, 2005, tr. 8.

[7]. Vũ Ngọc Khành. Kho tàng thần thoại Việt Nam. Nhà XB Văn hóa thông tin, 2006, tr. 24-25.

[8]. Một điều lạ lùng là cách bắt đầu từ Nhất và Nhì. Sau đó đến các số đếm tiếng Việt. Không thể chối cãi việc nhất, nhì chính là tiếng Hán Việt: yi, er,..(tiếng phổ thông); yách, dị…(tiếng quan thoại). Nó hoàn toàn khác với một, hai…Phải chăng, trước đây là Một ông đếm cát, Hai ông tát bể,…; sau đó, người ta lại thay bằng âm Hán Việt vào? Liệu trong dân gian Việt Nam còn nơi nào đọc Một ông đếm cát, Hai ông tát bể không? Đó là điều cần tìm hiểu.

[9]. Có một khảo dị khác của bài thơ này, trong đó không có những số đếm:

Ông đếm cát.
Ông tát bể.
Ông kể sao
Ông đào sông
Ông trồng cây
Ông xây rú
Ông trụ trời
Ông cời cua

Ông lùa chim

Ông tìm sâu

Ông xâu cá

Nguyễn Đổng Chi . Lược khảo về thần thoại Việt Nam.

Có thể về sau này người ta thêm vào và giản lược đi số đếm. Chúng tôi cho rằng nguyên thể của bài ca này là như trên chỉ có 7 câu và có số đếm. Số 7 tượng trưng cho Thái Cực, còn thứ tự đếm cũng cho ta thấy vận động của Thái Cực. Người sau không hiểu ý tứ toàn bộ câu ca nên nghĩ đó chỉ là câu liệt kê các ông Thần nên họ đã tùy tiện bỏ đi số đếm và thêm các ông Thần khác mà họ biết vào.

[10]. http://picasaweb.google.com/tan218nt...08349493303410

[11]. http://www.vietnamsingle.com/f_view....1048&QID=33523

[12]. Nguyễn Lân. Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam. Nhà xuất bản tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. 2006. Tr. 1545.

[13]. Trần Quang Bình. Kinh Dịch-sản phẩm sáng tạo của nền văn hiến Âu Lạc. Quyển 2. Chương II. Mục 3.

[14]. Còn nhiều di sản văn hóa Việt thể hiện được tính lưỡng phân này, nhưng cho phép chúng tôi được trình bày sau.

Vietsciences- Trần Quang Bình

tuvilyso@mail.ru

Moscow, bắt đầu tháng 9.2005.

Kết thúc tháng 12.2007