Nguỵ Diên, nhân vật ‘phản chủ' tai tiếng của Tam Quốc (1)

15.06.2013 | 00:24


Chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, bao lâu nay người ta đều cho rằng Ngụy Diên có xương phản chủ, là một nhân vật phản chủ. Bởi mưu phản cho nên bị Gia Cát Lượng giết, dường như là cái tội đáng chết. Tuy đã có người vì Ngụy Diên mà lật lại bản án đó, nhưng hình tượng phản tặc Ngụy Diên được khắc họa trong Tam Quốc Diễn Nghĩa thực sự sâu đậm, khó có thể xóa bỏ nó ra khỏi tâm lý của người đọc.


Tôi gần đây có tới Thành Đô họp, nhân tiện tới miếu Vũ Hầu thăm thú, thấy hai bên hành lang Thục Hán văn thần vũ tướng biết bao nhiêu người, nhưng duy nhất không có tượng của Ngụy Văn Trường (Ngụy Diên). Hỏi nguyên do vì sao, người hướng dẫn viên nói: Bởi Ngụy Diên là phản thần, nên không có tượng.


Tôi đang muốn tìm những người quản lí miếu Vũ Hầu để nói chuyện chân tướng của lịch sử, sau đó có người nói với tôi: Đồng chí Đặng Tiểu Bình năm 1963 đã đến thăm miếu. Trước hành lang văn thần vũ tướng, ông có nói như sau: “Những tượng đặt ở đây, đáng có thì không có, không đáng có thì lại có, như Ngụy Diên nên có thì lại không có” (xem trong Tứ Xuyên nhật báo ngày 27 tháng 2 năm 1997 - “Đồng chí Tiểu Bình, công nhân Vũ Hầu từ nhớ người”).



Tướng Nguỵ Diên trên phim
Tôi nghe xong lời đó đành thở dài mà bỏ ý định đi tìm người quản lý của miếu Vũ Hầu. Sau khi về Thượng Hải, không cam lòng, quyết lấy bài văn này để giải án oan cho Ngụy Diên!

Quân sự kỳ tài Ngụy Diên

Xuất thân và lí lịch không rõ ràng “Tam Quốc Chí – Ngụy Diên truyện” nói về Ngụy Diên như sau “Người Nghĩa Dương, dẫn bộ khúc cùng với tiên chủ vào Thục” Nghĩa Dương huyện (nay ở phía tây bắc thành phố Tín Dương Hà Nam) thuộc Quận Nam Dương Kinh Châu. Bộ khúc theo “Hậu Hán thư. Bách quan nhất” nói “Phàm lĩnh quân đều có bộ khúc, đại tướng quân doanh gồm có ngũ bộ, bộ hiệu úy một người, sánh hai nghìn thạch, quân tư mã một người, sánh nghìn thạch. Dưới bộ có khúc, trong khúc có quân hầu một người, những tướng quân khác, xếp vào việc chinh phạt, không có viên chức, cũng có bộ khúc, tư mã, quân hầu làm lĩnh binh”. Có thể thấy bộ khúc chính là biên chế ba cấp ở trong quân đội của nhà Hán. Những năm cuối thời Đông Hán, hình thành việc cát cứ của thế gia hào tộc, địa chủ là chính. Những tập đoàn quân phiệt lấy việc kiến lập bộ khúc để tổ chức quân đội của mình, bộ khúc trở thành lực lượng vũ trang của các tập đoàn cát cứ.

Ngụy Diên lấy bộ khúc cùng Lưu Bị nhập Xuyên, địa vị tuy không cao, nhưng vẫn hoàn toàn là dòng chính trong quân đội của Lưu Bị, chứ tuyệt đối không phải là hạng hàng tướng. (Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa có nói Ngụy Diên là bộ tướng của Lưu Biểu, sau đó giết Hàn Huyền, hiến Trường Sa cho Lưu Bị, hoàn toàn là chuyện bịa đặt). Vì “Có được chiến công, thăng làm Nha môn tướng quân” Tam Quốc chí quyển 40 “Ngụy Diên truyện”

Kiến An năm thứ 22 đến năm thứ 24, Lưu Bị dùng Pháp Chính làm mưu thần, Sau một thời gian đoạt được một địa khu rất quan trọng từ tay Tào Tháo là Hán Trung. Từ đó, thế Tam quốc đỉnh lập mới chính thức hình thành. Lưu Bị tự xưng làm Hán Trung Vương, biểu thị cùng đối chọi với triều đình của Tào Tháo. Không lâu sau, Lưu Bị trở về Thành Đô, trước khi đi “Phải có tướng giỏi đến trấn Hán Xuyên”… Vì sao Lưu Bị lại coi trọng việc tuyển tướng trấn thủ Hán Trung như thế?

Địa khu nắm giữ cơ bản của Thục Hán là bồn địa Tứ Xuyên, lấy bình nguyên Thành Đô làm trung tâm. Hán Trung nằm giữa Quan Trung và Ba Thục. Nằm trong khu vực giáp ranh giữ hai địa khu lớn, Thục quốc nhằm đảm bảo an toàn căn cứ địa của mình, phải có trọng binh nắm giữ nơi hiểm yếu tiếp giáp giữa ta và địch.

Về tầm quan trọng của Hán Trung, người đời sau cũng có nhiều luận thuật. Dương Hồng từng nói với Gia Cát Lượng : “Hán Trung là yết hầu của Ích Châu, việc tồn vong vốn nằm ở đó, nếu không có Hán Trung ắt không có Thục, đấy cũng chính là cái họa từ cửa vào vậy (Tam quốc chí quyển 4, Dương Hồng truyện). Hoàng Quyền cũng nói :”Nếu mất Hán Trung tức Tam Ba dao động, đây cũng chính là hại tay của mình vậy” (Tam quốc chí quyển 43 Hoàng Quyền truyện). Thanh nhân Cố Tổ Vũ có nói “Hán Trung phủ phía bắc nhìn Quan Trung, Nam che Ba Thục, Đông tới Tương Đặng, Tây khống chế Tần Lũng, hình thế quan trọng bậc nhật” Cố Tổ Vũ (Độc sử phương và kỷ yếu quyển 56) . Tào Ngụy nếu chiếm lĩnh được Hán Trung, ắt hẳn sẽ làm uy hiếp tới Ba Thục. Năm Kiến An thử 20, Tào Tháo bình Trương Lỗ “Phá Hán Trung, khiến người Thục kinh hoảng” “Trong Thục một ngày kinh sợ tới mười lần, Bị tuy ở xa nhưng cũng không được yên”. (Tam Quốc chí quyển 14 “Lưu Diệp truyện” dẫn chú “Phó tử”).
Thục quốc nếu như chiếm cứ đất này, không những bảo vệ được Kiếm Các, Thành Đô an toàn, càng có thể làm căn cứ địa để Bắc phạt. Đối với Thục Hán mà nói, sự quan trọng của Hán Trung hoàn toàn không hề kém gì Kinh Châu. Cho nên Lưu Bị không thể nào không tính toán cho kỹ càng được. Những vị tướng có tiếng dưới trướng của Lưu Bị có Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Triệu Vân, Hoàng Trung. Lưu Bị coi trọng nhất là Quan Vũ, nhưng Quan Vũ hiện đang trấn thủ Kinh Châu không thể rời khỏi phòng khu cũ. Chức trách chính của Triệu Vân là quản Nội sự, chủ quản các việc ở trung cung của Lưu Bị. (Tam Quốc chí quyển 36 “Triệu Vân truyện” dẫn chú “Vân biệt truyện”).
Hoàng Trung tuy dũng mãnh hơn người nhưng dẫu sao thì tuổi cũng đã cao. Mã Siêu tuy uy danh hiển hách, lại thêm một điều Mã Siêu là tướng quy hàng. (Tam Quốc chí quyển 40 Bành Dương truyện). Lưu Bị không thể tín nhiệm được. Trước tình hình đó, dường như người trấn thủ Hán Trung không ai khác ngoài Trương Phi. “Mọi người ai cũng cho là tất ở trong tay Trương Phi, Trong lòng Phi cũng nghĩ rằng thế”. Nhưng ra ngoài dự đoán của mọi người “Tiên chủ đề bạt Diên trấn thủ Hán Trung, Trấn Viễn tướng quân, Hán Trung thái thú”.

Lưu Bị không để ý tới tình cảm của Trương Phi và nghị luận của Toàn quân mà lại phá cách tuyển dụng Ngụy Diên. Điều đó không những phản ánh tài năng chỉ huy quân sự kiệt xuất của Ngụy Diên mà còn phản ánh tới việc Ngụy Diên được Lưu Bị tín nhiệm. Nếu như Ngụy Diên “sau não có xương phản chủ” thì có nhận được trọng chức như thế này không? (Còn tiếp).

Tiếu Chi (dịch)