Hát văn - lên đồng là một loại hình âm nhạc - diễn xướng phục vụ cho nghi lễ dân gian tứ phủ rất độc đáo của Việt Nam được thực hiện tại các đền thờ từ nhiều đời nay. Theo các nhà nghiên cứu thì hát văn được coi là một sân khấu tâm linh diễn xướng dân gian thu nhỏ ở đó có đầy đủ sự hội tụ của thi ca, âm nhạc, vũ đạo và hội họa. Tuy vậy, nghi lễ này đang bị biến tướng nghiêm trọng khi có quá nhiều đối tượng lợi dụng việc buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan.

Một nghi lễ tín ngưỡng độc đáo

Giáo sư Tiến sĩ Frank Proschan - Mỹ đã phát biểu trong một cuộc hội thảo về nghi lễ lên đồng của Việt Nam như sau: “Hơn bất kỳ một quyển sách khô cứng, một bức tranh hay một bức tượng nào, lên đồng là một bảo tàng sống động. Những người tham gia hầu đồng chính là những người quản lý nhà bảo tàng, những người bảo vệ cho văn hóa Việt Nam. Việc làm của họ đảm bảo cho các thế hệ tương lai vẫn sẽ tiếp tục có cơ hội được chiêm ngưỡng những khía cạnh khác nhau của văn hóa Việt Nam”.

Theo các nhà nghiên cứu xác định hát văn có từ thời Lê. Ban đầu khi mới xuất hiện chỉ có hát văn thờ mà chưa có diễn xướng lên đồng. Sau này theo sự phát triển âm nhạc, nên có diễn xướng múa phụ họa kèm gọi là lên đồng. Hát văn thờ là những bản văn hát ở đình, đền ca ngợi công đức của các vị mà nhân dân đã phong thánh. Ban đầu những bản văn là những tác phẩm văn vần, sau đó đã được nhân dân thơ hóa, nhạc hóa và truyền tụng cho đến ngày nay.

Hát văn thờ thường được hát vào dịp kỷ niệm những ngày mất, hoặc ngày hóa của các vị thánh. Nội dung các bản hát văn là kể lại câu chuyện rằng vị thần sinh ra ở đâu, có những thánh tích gì và được nhân dân ca ngợi việc gì, và đã giúp nhân dân ra làm sao.

Vị thần đó tính cách, sở thích thế nào, ăn mặc mũ mãng ra sao... Người kể lại câu chuyện đó chính là các cung văn, họ hát các bản văn đó lên cho người dân nghe để ca ngợi công đức của các vị thánh và để cầu xin được phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.


“Sân khấu” tâm linh thu nhỏ

Bản chất âm nhạc hát văn là âm nhạc nghi lễ, những bài hát như những bài thánh ca. Những đoạn mở đầu thường có trống phách như để mời các vị về chứng cho dân làng, và khi kết thúc thường có câu “thánh giá hồi cung” để tiễn các vị đi. Với những nhạc cụ rất đơn giản như đàn nguyệt, sênh, phách, trống, nhưng tiết tấu âm nhạc trong hát văn không theo bất kỳ một chu kỳ nào của âm nhạc nhảy múa phương Tây, khiến cho người nghe rất phấn khích trong tiếng nhạc tiếng phách đó.

Theo nhạc sĩ Thao Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam thì tính âm nhạc trong hát văn vô cùng độc đáo và có tính bản địa hóa mà đến bây giờ các nhạc sĩ vẫn khó mà học nổi. Hát văn đi đến đâu lại được bản địa hóa đến đấy nên các làn điệu âm nhạc trong hát văn vô cùng đa dạng, nhưng lại cũng không lẫn vào đâu được. Chẳng hạn như khi hát về một vị thánh ở núi rừng thì những âm thanh của rừng núi được đưa vào, khi hát về một vị thánh ở sông nước thì âm nhạc cái như phảng phất điệu hò khoan dô khoan....

Và những biến tướng thời nay

Đáng báo động là hiện nay, hát văn lên đồng không chỉ còn được thực hiện trong các đền đài, tứ phủ, mà ở khắp mọi nơi điện thờ tư nhân mọc lên nhan nhản như cỏ dại. Họ cũng hát, cũng nhảy múa, cũng lên đồng như một thứ ma quái hoang tưởng, nhuốm màu mê tín dị đoan mà ngay đến những người có tín ngưỡng chân chính cũng cực lực phản đối.

Thử đi dự một vài buổi trình đồng ở các điện thờ tư nhân thì mới thấy hết được sự hài hước từ những trò biến tướng. Người ta sẵn sàng bỏ ra vài chục cho đến cả trăm triệu đồng để mở phủ trình đồng, rồi chỉ để nghe mấy kẻ đồng cô, hoặc cố tình ra vẻ đồng cô chỉ bảo sai khiến. Người ta chất lễ lạt cao ngất trên “điện ngọc”, người ta sắm vàng mã, vung vãi tiền lẻ chật cả sân như giấy lộn quả là một sự phung phí, trong khi còn nhiều đền đài bị xuống cấp mà không có tiền trùng tu, sửa chữa.

Nhân dân ta xưa kia phong thánh cũng có triết lý riêng của họ, không phải ai cũng được phong thánh cả, nhưng bây giờ trong các điện thờ thì hiển linh đủ các loại thánh, và thánh lại còn che chở cho cả kẻ... buôn lậu.

Lại có những người mê muội đến mức để bà chủ điện giả trong một vai thánh hiển linh về chữa bệnh cho dân, bà húp một ngụm nước, súc miệng sòng sọc, rồi những con nhang đệ tử ngồi hầu phía dưới ai có bệnh, bà nhổ cho một ngụm vào chỗ bị đau để chữa bách bệnh.

Người đau đầu thì bà nhổ một ngụm “nước thánh” vào đầu, người đau chân thì bà nhổ vào chân, có người vạch cả lưng áo để bà phun phì phì cái thứ nước ở trong miệng của bà vào lưng. Mà họ đâu hiểu được rằng việc lên đồng là một hình thức diễn xướng để minh họa lại tích thánh của các vị thánh mà dân gian gọi là giá. Từ “giá” ở đây có nghĩa như là cái giá áo để cho các vị thánh vắt quần áo vào thôi, vậy làm sao mà chữa bệnh???

Còn hát văn, lên đồng thì vô tội vạ, người hát chẳng ra sao, lời hát lộn xộn, lời từ đoạn nọ, ném sang lời đoạn kia. Cung văn ngọng “l”, với “n” mà cứ ra sức hát ông ổng qua tăng âm, kẻ nhảy đồng thì phừng phừng, hùng hùng hổ hổ hai tay cầm hai bó hương cháy nghi ngút, cái khăn vấn trên đầu cũng cắm đầy chân hương và thuốc lá, mồm ngậm một lúc hai điếu thuốc, mắt đảo điên liếc ngang liếc dọc trông chả còn ra thể thống gì. Nghi lễ tâm linh tứ phủ hiện đang bị những kẻ buôn thần bán thánh làm biến dạng, đánh đồng giữa tín ngưỡng và mê tín dị đoan.

Đinh Kiều Nguyên