“Thần y” chữa liền xương
Thứ Sáu, 23/05/2008 --- cập nhật 03:28 GMT+7

Chỉ bằng một lá cao và mấy cái nẹp, ông Ngô Văn Bang (Phù Yên, Dũng Liệt, Yên Phong, Bắc Ninh) đã giúp nhiều người lành lại những vết thương như chẹo tay, gãy chân, gãy xương háng, dập xương hông, xương vòng cổ…



Giáp mặt “thần y”


Về thôn Phù Yên, xã Dũng Liệt huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh hỏi nhà ông lang Bang thì ai cũng biết. Con đường dẫn vào nhà ông Bang chạy quanh vòng qua mấy con hẻm, chốc chốc lại nghe tiếng rú ga đi ngược chiều của khách vào chữa trị. 8 giờ sáng, trước sân nhà đã có cả chục người bị gãy tay, gãy xương cổ đang đứng ngồi la liệt đợi đến lượt được ông cứu chữa. Trong nhà, ông Bang đang nhăn mặt kéo hai xương tay bị gãy bên trong của bệnh nhân ra rồi dùng 4 miếng gỗ mỏng, 2 miếng nẹp trên to hơn 2 miếng nẹp ngang rồi kéo mạnh đánh khục một cái, quay ngang khuôn mặt ra ông tủm tỉm cười: “xong rồi”.

Bệnh nhân tiếp theo là một người dập xương hông đang đau đớn, ông Bang đưa bệnh nhân lên giường rồi tạo tư thế bất động để nẹp bằng bẹ cau khô. Sau nửa tiếng, dán xong miếng cao to tổ vật cho người bệnh ở hông, ông Bang quay ra lý giải: “Những vết thương ở háng và hông là khó chữa nhất. Bởi ở đó không có điểm tựa, sau khi dán cao xong đòi hỏi người bệnh phải bất động”. Câu chuyện giữa chúng tôi và ông luôn bị ngắt quãng bởi tiếng kêu đau của người bệnh.


Ông Ngô Văn Bang: Bí quyết đều nằm ở trong chai này.


Kể về việc mình đến với nghề đông y, ông trầm giọng ngước lên nhìn tấm di hài của bố vợ. Nghề đông y dán cao ập vào ông như một định mệnh. Chuyện là vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, lúc ấy ông mới đôi mươi. Nhạc phụ của ông tức cụ lang Y vốn nổi tiếng chữa bệnh liền xương khắp vùng Kinh Bắc xưa. Nhưng lúc ấy ông không để ý đến chuyện chữa trị hay phải theo học.

Nhưng dần dà, phải chứng kiến nhiều bệnh nhân đến nhà bố vợ trong tình trạng đau đớn, khổ sở đã khiến ông phải quyết tâm theo học bằng được phương thức chữa trị cho người bệnh. Ông ghi chép từng trường hợp cụ thể của bệnh nhân và phương pháp điều trị. Từ đó, những ca nhẹ, bố vợ giao cho ông làm còn ca nặng cụ Y trực tiếp làm. Trước khi qua đời, nhạc phụ của ông cũng đã kịp truyền bí quyết nghề chữa liền xương cho ông.

Nhưng phải mãi đến năm 35 tuổi, ông mới thực sự chữa trị cho nhiều người. Đó là trường hợp của cụ bà tên Cần ở thôn Sân Cai, xã Yên Trung. Cụ Cần đã bị dập xương háng, không đi lại được và phải nằm bất động, gia đình cụ lại nghèo không có tiền đưa đi chữa trị ở bệnh viện. Sau khi được gia đình cụ Cần mời đến điều trị, ông Bang đã nẹp vết thương lại cho bất động rồi dán lên đó một miếng cao.

Thật không ngờ, chỉ sau 20 ngày cụ Cần đã đi lại bình thường. Từ đấy tiếng tăm của ông lan khắp hang cùng ngõ hẻm. Nhớ lại chuyện mình bị vỡ bánh chè, anh Tuấn ở xã Đông Tiến, huyện Yên Phong không khỏi kinh hãi kể lại: “Do ham mê đá bóng, tôi đã bị đối phương vào bóng rồi hậu quả là vỡ bánh chè. Gia đình tôi đã cấp tốc đưa tôi đi cấp cứu ở Bệnh viện Việt - Đức nhưng sau 3 tháng đầu gối tôi vẫn không khỏi. Trong lúc tưởng như tôi sẽ bị tàn tật vĩnh viễn, nghe bà con giới thiệu, gia đình tôi đón ông Bang về chữa trị. Thật là thần kỳ chỉ sau đúng 1 tháng, tôi đã tập đi trở lại...”



Tri ân với đời

Thôn Phù Yên sống chủ yếu bằng nghề gánh gạch thuê vì thế có tới cả nghìn công nhân trong xã tập trung làm tại thôn Phù Yên. Phần lớn họ rất nghèo mỗi khi bị gãy tay, chẹo chân khi gánh gạch bị ngã thì đều qua một tay ông Bang chữa trị cho lành bệnh. Những ca như vậy ông đều không lấy tiền nếu bệnh nhân có trả cũng là tuỳ tâm. Nhưng khách hàng quen thuộc nhất vẫn của ông Bang là những đứa trẻ trong thôn. Sau mỗi trận đấu bóng, đánh trận giả là những ca bị chấn thương như gãy tay, trật khớp bọn trẻ lại khiêng đến nhà ông.

Ông Bang cho biết, phương thuốc này cực kỳ đơn giản. Nó chỉ là sự cải tiến của phương thuốc gia truyền mà bố vợ ông để lại. Trước kia, bố vợ ông chữa liền xương, khôi phục lại xương bằng nhựa thông, gà non, gạo nếp và nhiều vị thuốc nam. Nhưng hạn chế của phương thuốc này chỉ được 7 ngày là vết bó sẽ vỡ ra lại phải thay lại. Sau hàng chục năm trời chữa trị, ông Bang đã thấy rõ điểm mạnh yếu của phương thuốc gia truyền. Để cải tiến, ông không dùng gà non bó vết thương mà sử dụng các vị thuốc nam để chữa trị. Với phương pháp mới này, những ca nặng như dập xương háng, gãy xương hông chỉ mất 1 tháng là có thể đi lại được. Còn gãy tay, chân thì chỉ mất 20 ngày.

Khi hỏi về bí quyết chữa bệnh liền xương chỉ bằng một lá cao, ông Bang không hề giấu nghề cho biết: “Bí quyết gồm có miếng cao nhựa thông để phủ lớp thuốc bên trong. Thuốc bên trong là đinh hương, nhục quế, đại hồi tương truật, bạch truật. Nguyên lý ở đây là dùng cái nóng bên ngoài để tiêu cái nóng bên trong. Khi máu bên trong lưu thông thì tự nhiên can xi của xương bên trong phát triển lại...”

Ông Nguyễn Văn Kế, trạm trưởng Trạm Y tế xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh:
Báu vật của làng

Người dân thôn Phù Yên, xã Dũng Liệt huyện Yên Phong còn rất nghèo, nghề nghiệp chính là làm ruộng. Ngoài thời gian rảnh rỗi thì họ đi gánh gạch thuê. Hiện nay những thân lò gạch rất cao, việc gánh và vận chuyển cực kỳ khó khăn nên thường xuyên có những ca tai nạn xảy ra như trật khớp tay, chân, nặng thì dập xương. Tuy nhiên không phải ai khi gặp tai nạn cũng có tiền để lên bệnh viện cấp tỉnh hay Trung ương chữa trị. Hơn nữa, ngay tại thôn, ông Bang lại có những bài thuốc gia truyền dán cao lành xương quả là báu vật của làng.



Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, chủ tịch Hội Đông y Việt Nam:

Chỉ phù hợp với gãy xương trong

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Huớng, chủ tịch Hội đông y Việt Nam. Theo ông Hướng, gãy xương có 2 trường hợp là gãy xương kín và gãy xương hở. Đối với gẫy xương kín thì cần phải bó và kéo vào cho đúng khớp rồi bó và dán cao. Trong trường hợp này bó đúng phương pháp của đông y phải có nẹp, dây cuốn chặt. Sau khi bó nẹp, dán cao xong, vết gãy dần bình phục và ra xương. Đối với gãy xương hở thì bắt buộc phải mổ và sắp sếp lại vị trí các khớp xương rồi mới được bó.

Đây là phương pháp tối ưu nhất. Ngày xưa, các cụ nhà ta chưa hiểu về y học nên phương pháp bó chỉ bằng cơm nếp và gà non giã ra nhưng nếu dán cao bằng phương pháp Đông y không đúng cách sẽ bị di chứng. Theo tôi được biết, nếu chữa trị vết thương bằng dán cao, trong thành phần cao có nhựa thông, quế, hồi, đinh hương, tương truật, bạch truật... là những vị thuốc giúp cho máu ở vết thương được lưu thông. Máu được lưu thông nhanh nghĩa là các đầu xương sẽ sản sinh ra nhiều can xi tốt cho việc tái tạo lại vết thương.

Theo Khoa Học & Đời Sống