GS Trần Lâm Biền nói gì về "tinh thần đoàn kết của người Việt"?

Thứ ba 04/06/2013 13:55

(GDVN) -Nói đến điểm mạnh-yếu của người Việt trên con đường hội nhập GS Trần Lâm Biền cho rằng: “Tinh thần đoàn kết chính là sức mạnh lớn nhất của người Việt, giúp người Việt giữ và xây dựng đất nước bao đời nay…”.



Thời chiến: Người Việt tồn tại và chiến thắng nhờ sức mạnh đoàn kết

Để biết được điểm mạnh hay điểm yếu của một dân tộc, nhà nghiên cứu về văn hóa dân gian, tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam, GS Trần Lâm Biền cho rằng, phải lần tìm trong lịch sử. Không phải tự nhiên mà người Việt có điểm mạnh điểm yếu riêng khác với các dân tộc khác.

“Theo tôi điểm mạnh lớn nhất của người Việt Nam là tinh thần đoàn kết, tinh thần đoàn kết này nó khác biệt với dân tộc khác vì người Việt đoàn kết để tồn tại”, GS Trần Lâm Biền nhấn mạnh.

Theo GS Trần Lâm Biền, trong tiến trình phát triển Việt Nam luôn chịu sự o ép của các nước lớn vì thế chỉ có đoàn kết người Việt mới tồn tại được. Ngoài yếu tố khách quan này, tinh thần đoàn kết của người Việt còn xuất phát từ tổ chức xã hội của người Việt.

So sánh với tổ chức xã hội người Việt với tổ chức xã hội người Hán, GS Trần Lâm Biền cho biết, tổ chức xã hội Trung Hoa của cải của đất nước thuộc về địa chủ lãnh chúa sự phân hóa này khiến dân tộc Hán vô cảm. Như trong chiến tranh nếu có chết hàng vạn quân thì vua chúa Trung Hoa cũng chỉ coi đó là mất đi một phần tài sản.Sự phân hóa này khiến tầng lớp dưới (dân nghèo, đầy tớ, nô tỳ) là tài sản của tầng lớp trên (vua, quan).



GS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu về văn hóa dân gian, tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam:“Tinh thần đoàn kết chính là sức mạnh lớn nhất của người Việt, giúp người Việt giữ và xây dựng đất nước bao đời nay…”.

“Vì thế trong xã hội Trung Hoa có sự ngăn cách rất lớn giữa tầng lớp, trong tổ chức xã hội của họ không còn tổ chức làng xã thấm đậm tinh thần yêu thương như Việt Nam. Ngoài ra, Trung Hoa còn có hệ thống triết học như đạo Nho bảo vệ cho tổ chức xã hội của nó. Nhằm quy tụ con người, của cải đất nước vào tầng lớp thống trị vì vậy tư tưởng đồng nhất trung quân gắn với ái quốc điều này khác hoàn toàn với xã hội người Việt” – GS Trần Lâm Biền cho biết.




Trong một so sánh khác, GS Trần Lâm Biền cũng cho biết, ở các nước Đông Nam Á, ví dụ như Campuchia tính chất quyền lực thuộc về tầng lớp thống trị cũng rất mạnh. Ở đây, tầng lớp thống trị nắm được thủy lợi nếu làng nào, vùng nào không nộp thuế, không quy phục triều đình sẽ bị cắt nước không thể canh tác nông nghiệp dẫn đến đói nghèo. Hay như các nước Indonesia, tầng lớp thống trị cũng nắm quyền lớn khi nắm được kinh tế hàng hải.

“Có thể nói phương diện nào đó tổ chức xã hội quyết định tính cách người Việt không phải giống người Hán, phải giống với Ấn Độ mặt khác cũng không giống các nước Đông Nam Á” – GS Trần Lâm Biền nhấn mạnh.

Câu nói “đất vua chùa làng” chỉ là tương đối để quy tụ hướng người Việt về một mối thống nhất. Ngược trở lại người Việt cũng có câu “phép vua thua lệ làng”, vì vậy cấu trúc tổ chức xã hội người Việt là làng xã. Làng xã người Việt xây dựng với cấu trúc mở không khép kín như Ấn Độ, mối liên hệ mở giữa làng này với làng khác đặc biệt khi gặp chiến tranh bệnh hoạn chính điều đó làm nên tinh thần đoàn kết của người Việt.

Người Việt ngay từ thủa ban đầu hiểu được cát cứ, phân chia dễ bị xâm lược vì thế người Việt không chấp nhận cát cứ, không chấp nhận chia rẻ. Tầng lớp thống trị như cường hào ở Việt Nam rất yếu, bình thường có sự mâu thuẫn nhưng khi đất nước lâm nguy lại ngay lập tức đoàn kết dưới ngọn cờ dân tộc chống ngoại xâm.

Ở khía cạnh khác người Việt với ý thức của anh tiểu nông vốn nhỏ bé nên tự vận động phải đoàn kết lại để có sức mạnh. Vì tinh thần đoàn kết, người Việt có thể bỏ đi lợi ích cá nhân vì cái chung người ta chấp nhận “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Cũng chính vì vậy trong chiến tranh, người ta sẵn sàng hy sinh bàn ghế, gường tủ làm thành lũy chặn quân xâm lược. Cũng chính sự đoàn kết làm nên tình thần yêu nước lớn lao của người Việt.

Thời bình: Người Việt lo vun vén lợi ích cho mình


Cũng theo GS Nguyễn Lâm Biền, nói người Việt đoàn kết ở khía cạnh nhất định đất nước lâm nguy, khi tiếng gọi núi sông, giống nòi tự khắc mỗi người sẽ ý thức và đùm bọc giúp đỡ nhau, đoàn kết lại để chống kẻ thù chung. Tuy nhiên, khi đất nước hòa bình, người dân có của ăn của để, kinh tế xã hội ổn định thì cái tư tưởng tiểu nông co cụm lại, người ta vun vén lợi ích cho mình qên đi trách nhiệm cộng đồng.

Mặt trái của kinh tế thị trường hiện nay là chỗ làm biến thái làm thói xấu của một số người có điều kiện phát sinh phát triển. Sự vô cảm giữa con người với con người, giá trị đồng tiền được tôn vinh dẫn đến sự ích kỷ, rồi thói hám danh như câu tục ngữ: “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”.

Giáo sư Trần Lâm Biền là một trong những nhà nghiên cứu văn hóa lớn của Việt Nam ông nổi tiếng với các công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian, tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam. Những công trình nghiên cứu như: Phật giáo và văn hóa dân tộc, Đồ thờ trong di tích của ngừơi Việt, Diễn biến kiến trúc truyền thống của người Việt,Hình tượng con người trong nghệ thuật tạo hình Việt...Được đánh giá rất cao.

Ông cũng là người nổi tiếng thẳng tính khi dám nói lên tồn tại, thói hư tật xấu trong văn hóa của người Việt hiện nay.
Tuy nhiên GS Biền cũng thẳng thắn thừa nhận trong quá trình phát triển, người Việt cũng có những thói hư tật xấu đáng phải lên án.Nếu suy xét trong lịch sử,những thói xấu nàt bắt đầu trở thành vấn nạn từ cuối đời Lê sơ (khoảng cuối thế kỷ XV). Tình hình đất nước lúc đó bùng nổ dân số, kinh tế kém phát triển hơn, giữa con người với nhau này sinh lòng đố kỵ dẫn đến tính chất: “tự kỷ trung tâm” gần với nghĩa “suy bụng ta ra bụng người” và đẻ ra rất nhiều tính xấu của người Việt.

GS Trần Lâm Biền cho rằng, tính xấu người Việt trước hết ở lòng tham, người Việt tham gì? Về điều này GS Trần Lâm Biền cho hay: “Tham nhất của người Việt là ruộng đất, tư tưởng tiểu nông ruộng đất càng rộng thì càng giàu. Dẫn đến tính chất cơi nới tìm cách lấn chiếm giữ ruộng đất mà đến bây giờ vẫn còn tồn tại. Từ đó những tính xấu khác bộc lộ như “ném đá dấu tay”, “nói xấu sau lưng”, “thọc gậy bánh xe”… dần dần tính xấu đó ăn sâu vào tiềm thức người Việt” .

Đến bây giờ ở xã hội hoàn cảnh khác trong thời kinh tế thị trường, đồng tiền ngự trị thì mọi giá trị tinh thần bị bỏ quyên vì vậy nảy sinh nhiều tiêu cực.Người Việt hiện nay sống không minh bạch cách sống lách luật, tình cảm con người thì vô cảm “cạn tàu ráo máng”, “cạn tình cạn nghĩa”.

Nhưng đánh giá về cái xấu của người Việt Nam, GS Biền cho rằng, tất cả chỉ là cái xấu vặt không phải là trung tâm. Với GS Biền, để nói cảm nhận trung tâm người Việt ông cho rằng: “Điểm mạnh của người Việt nhiều hơn với tinh thần đoàn kết, tinh thần yêu nước sự thông minh… Còn với tinh xấu chỉ là xấu vặt không mang tính đại diện”.

Tuy nhiên theo GS Biền cái xấu ít đó của người Việt cũng cần phải lên án và tìm cách loại bỏ đồng thời phải có sự chấn chỉnh lấy truyền thống đạo đưc răn dạy thì dần cái xấu đó trở thành bản chất của người Việt lúc đó sẽ vô phương cứu chữa. “Mong rằng mọi người hãy nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Phải sống sao cho có tình có lý” cũng như mong Nghị quyết 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc được đẩy lên trở thành ngọn đuốc sáng” – GS Biền chia sẻ.