Phần I: Phát khởi lòng tin

1. Gọi thức người mê

Ngày 15.4.Nhâm Tuất, 1982

Thưa Anh,

Em, một đứa em lạc lỏng bơ vơ, qua bao cuộc bể dâu biến đổi. Nếu nói ở trần gian này có bao nhiêu đau khổ, có lẽ trời chỉ giành riêng để tặng em! Từ địa vị một chủ nhân ông, trong tay có hàng trăm triệu, nhà cửa huy hoàng, vợ đẹp con ngoan, lên xe xuống ngựa, thế mà chỉ phút chốc biến thành mây khói. Tiền bạc nhà cửa bị tịch thu, vợ đẹp con ngoan thì nghìn trùng cách biệt. Thân thể cường tráng năm nào giờ đây vô cùng già nua tiều tụy sau cuộc giải phẩu vì quá ưu phiền. Nhiều lần em muốn tự tử để thoát khỏi cõi đời ô trọc này. Nhưng hôm nay, rất may gặp lại anh trong hoàn cảnh tha hương đầy tuyệt vọng này. Anh như liều thuốc hồi sinh, vì xưa nay anh luôn luôn đối với em là niềm tin và lẽ sống. Mong anh hãy vì đứa em khốn khổ này mà cho em vài lời vàng ngọc !....

Em thân thương của anh !

Nhìn thân hình tiều tụy, mái tóc bạc phơ, đôi mắt thâm quần, chứng tỏ em đã trải qua một hoàn cảnh quá khổ đau, cần tìm một nơi yên nghỉ tâm hồn. Anh rất thông cảm hoàn cảnh của em. Dù đã xuất gia, nhưng anh chỉ là một kẻ phàm, không thể diễn đạt hết ý thánh, hầu có thể làm thức tỉnh được khách mộng mê. Nên anh chỉ đưa ra những lời khuyên vàng ngọc của các bậc thánh triết cổ đức, biết đâu nhờ đó mà em có chỗ nương về thoát khỏi khổ đau!..

Trong Long Thơ Tịnh Độ nói: “ Người sanh ở đời luôn luôn mê chấp nào cha mẹ, vợ con, nhà cửa, ruộng vườn, cơ xưởng, cho đến áo quần, thân thể đều là của mình; kho lẫm đã đầy vẫn cho chưa đủ, vàng bạc gấm vóc đã nhiều vẫn còn muốn thêm, nhưng khi thần chết đến nơi, tất cả đều bỏ lại cho đời, thân này còn không giữ được huống gì vật ở ngoài thân. Xét cho kỹ, đời người như giấc chiêm bao, nên người xưa nói: “ Một khi vô thường đến, mới biết mình trong mơ, muôn vật đều đi hết, chỉ có nghiệp theo mình.” Ngài Tử Thiên cũng có bài kệ: “ Muôn vật đều bỏ lại, chỉ có nghiệp theo mình, gắng niệm Phật Di Đà, chắc về cõi Cực lạc.”

Đời người không khác bọt nước, sống chết vô thường, ta chỉ thấy người già, đâu biết thân ta mỗi lúc mỗi già, đi lần vào cõi chết. Thế gian luôn luôn là cảnh khổ, nếu cảnh vừa ý có được bao lâu! Ta hằng ngày tạo nhiều ác nghiệp có lúc nào không, khi xuôi tay nhắm mắt, phải theo nghiệp lôi đi trong trạng thái mờ mờ mịt mịt còn biết về đâu! Hoặc vào địa ngục chịu các điều khổ, hoặc vào súc sanh bị người giết hại, hoặc vào ngạ quỷ đói khát đốt mình, hoặc vào tu la giận dữ ép ngặt. Dù có tạo được chút nghiệp lành sanh lên cõi trời, cõi người, khi phước báo hết, quay lại luân hồi, chìm nỗi xuống lên không bao giờ ra khỏi. Chỉ có cầu sanh về Tây phương là con đường tắt thoát khỏi luân hồi. Thân này như núi lửa âm ỷ, không chắc có được an lành, phải mau mau tìm phương cứu khổ, được sanh về Cực lạc mới khỏi lo sợ thấy lại Diêm Vương.”

Hòa Thượng Tử Tâm dạy:” Câu Nam Mô A Di Đà Phật thật dễ niệm, cõi Tịnh độ thật dễ sanh, nhưng người đời lại không chịu tin, chỉ biết tham sống đâu ngờ phải chết. Đời người thường nói sống được trăm tuổi, nhưng ít có người sống quá bảy mươi, khi thần chết đến rồi nào ai thoát khỏi. Như người nhiều công danh giàu có, của tiền như núi, thê thiếp đầy nhà, ngày đêm hoan lạc, họ luôn luôn muốn sống lâu ở đời , ngặt nỗi, đời người có hạn, mỗi lúc thêm già, mỗi lúc bước đi chân càng lụm cụm. Hàng ngày mắt thấy, tai nghe ở trước xóm sau nhà, biết bao nhiêu những bằng hữu, anh em tuổi hãy còn xuân mà đã vội biến thành người thiên cổ, nên người xưa nói: ‘Đừng đợi đến già mới niệm Phật, thiếu chi mồ trẻ đã qua đời’.

Vì thế, Từ Tâm tôi chân thành khuyên những người thanh thiếu niên, trong lúc khí huyết còn mạnh, sức lực chưa suy, đó là thời gian tốt nhất để tu hành. Còn người già suy yếu, rất cần phải tu hành, vì tuổi tác đã nhiều, tháng ngày rất ít, tóc bạc da nhăn, mắt lờ tai điếc, đầu cúi lưng khòm, bước đi sờ soạn, gần đất xa trời, còn chần chờ gì nữa mà không thành tâm niệm Phật.

Nếu người có con trai, con gái nhiều cần nên niệm Phật, vì từ lúc thanh niên, cưới vợ nuôi con, kinh dinh sự nghiệp, chịu trăm cay ngàn đắng, hôm nay con cái đã lớn trọn thành gia thất, nên giao hết gia sản, quyết chí niệm Phật tu hành. Nếu không biết quay về, đâu phải người trí, vì khi hơi thở đã dứt, mọi vật đều không, may có con cháu hiếu thuận thì cúng dường trai tăng được bao nhiêu tăng, đọc kinh được bao nhiêu bộ, khóc được bao nhiêu tiếng, thương nhớ ông bà có được bao lâu, không may gặp những đứa con bất hiếu, cha mẹ chết chưa lạnh trán, cùng nhau phân chia tài sản, bán hết ruộng vườn xài phá vui chơi, nếu biết rõ được điều ấy cần phải gấp gấp tu hành vì “con cháu tự có phước của riêng nó, đừng vì con cháu mà quá lo xa”.

Người không có con, cần phải chí thành niệm Phật, cô đơn một thân, khỏi sự lo buồn, không cần cưới dâu, không nhọc gả con, áo thô cơm hẩm, dễ được thanh nhàn, nếu không tu hành sau ăn năn không kịp.

Người giàu sang niệm Phật càng tốt, nhà cao cửa rộng, y phục đầy đủ, trăm việc đều vừa ý, do đời trước có tu. Người nghèo càng nên niệm Phật, áo cơm không đủ, nghèo hèn hạ tiện, thường bị đói lạnh vì đời trước ít tu, nên đời này phải gặp ác báo, nếu không quyết chí tu hành, sau khi chết rồi, như bèo rơi vào giếng thẩm, bao thuở nào ra.

Người tu thiền cũng cần niệm Phật, nếu căn cơ còn độn, e rằng đời này chưa được đại ngộ, cần phải nhờ vào nguyện lực của đức Phật A Di Đà tiếp dẫn vãng sanh mà thoát sanh tử luân hồi, như người được chức quan ấm, khỏi lo sụt cấp, tước lộc dồi dào. Có những người không biết đạo, lòng mơ ước cao xa, không cần niệm Phật, đó là những tà kiến, làm loạn tâm ý người đời, cần nên tránh. Vì thế Cổ Đức dạy:’ Đáng cười những kẻ giàu, đời sống như tên bắn, kho lẫm gạo sanh trùng, trong tủ tiền rỉ sét, ban ngày quay con vụ, đốt đèn tính thâu đêm, hình hài như cây tăm, như tơ căn sắp đứt, đôi mắt vừa khép lại (chết), hối tiếc lúc nào nguôi”. Ngài còn ân cần dạy:

“Niệm Phật chẳng sanh Tịnh độ ngay

Lưỡi ta sẽ bị ngục trâu cày

Nếu ai được thấy hoa sen nở

Mới biết Ta bà niệm Phật hay.”

Trong Khô Lâu Đồ của ngài Liên trì Đại sư nói: “Lần lần da gà tóc hạc, run run từng bước lần dò, dù cho đầy nhà vàng ngọc, sao khỏi đau bệnh co ro. Dù được muôn ngàn khoái lạc, vô thường luôn luôn ép ngặt, chỉ có đường tắt tu hành, chuyên niệm A Di Đà Phật‘. Ý chính của bài kệ trên cho chúng ta biết ‘muôn vật đều bỏ lại, chỉ có nghiệp theo mình”. Tại sao muôn vật không đem theo được? Vì người đời có quan tước, vàng ngọc lâu đài, vườn ruộng, đồ ăn ngon, mặc đẹp, cho đến vợ đẹp con ngoan. Khi tử thần đến không có một vật gì có thể đem theo được. Trái lại, người tạo ra ác nghiệp như tham, sân, si, phi lễ, dâm dục, ác ý giết hại, làm con chống cha, làm tôi khi vua, hại người lợi mình, ác độc hại vật, các thứ nghiệp ấy khi vô thường đến phải mang theo hết và nhận lấy quả báo. Nếu chúng ta không mạnh mẻ thức tỉnh quay về, bỏ dữ làm lành, hết lòng niệm Phật, để khỏi uổng phí được gặp thân người, sống đời vô ích, nhận chịu khổ đau.

Tôi (ngài Liên Trì) thấy mọi người đều có thể niệm Phật, đơn cử một vài người để chứng minh: Nếu người có hoàn cảnh rảnh rang, phải nên niệm Phật không kể ngày đêm. Người làm việc, nên niệm Phật theo hoàn cảnh công việc, sau đó lại tiếp tục niệm Phật. Người không có giờ rảnh, có thể sử dụng khóa lễ thập niệm, sau đó vẫn tiếp tục theo từng hoàn cảnh công việc. Người giầu phước lộc đầy đủ cần phải niệm Phật, người bần cùng vẫn an phận thủ thường dốc lòng niệm Phật. Có con cái đông, có người giúp đỡ, cũng nên niệm Phật. Người không con cái khỏi bận lòng lo, rảnh rang niệm Phật. Người không bệnh, thân hình cường tráng, cần nên niệm Phật. Kẻ có bệnh biết chết không lâu, nên phải niệm Phật. Người thông minh hiểu rành kinh lý, cần phải niệm Phật. Người quê mùa không có tạp tri kiến cần nên niệm Phật. Tóm lại, tất cả hoàn cảnh tất cả trời người đều cần nên niệm Phật. Dám khuyên tất cả mọi người khi thân thể chưa thành khô lâu, mau mau nhất tâm niệm Phật, đợi đến khi ‘muôn vật đều bỏ lại, chỉ có nghiệp theo mình’, chừng đó hối tiếc thời đã muộn.

Trong văn khuyên tu Tịnh nghiệp, ngài Sư Tử Phong dạy: người đời yêu mến sắc thân, đâu biết thân là gốc khổ, tham hưởng khoái vui, vui thật khổ nhân, đời như bóng chớp qua mau, không thể giữ lâu, thân huyễn chẳng bền, thoáng liền tan biến. Thân này do đất, nước, gió, lửa hợp thành, sao khỏi sanh, già, bệnh, chết, cuộc sống như bọt nước, chốc lát liền tan, tai ách nối liền không bao giờ dứt. Người sống lâu được bảy tám mươi cũng phải chết, kẻ yểu mạng chỉ được vài mươi, huống chi độc trùng, gió xấu chết chẳng kịp đề phòng, nhà sập, xe lăn làm sao cứu kịp, gò cao vực thẩm phải chịu thọ ương, nước lửa binh đao làm sao tránh khỏi. Việc ngày nay còn chưa biết được việc sáng mai, lên giường nằm chưa chắc mang lại giày cũ ( có khi chết luôn). Khi hơi thở ra không trở lại mới biết mình vĩnh biệt cõi đời. Thật thân này vô thường huyễn mộng, có người nào thoát khỏi tử thần. Thân người chỉ là bọc da đựng thịt máu dơ, có chín lỗ thường chảy ra những điều bất tịnh. Tóc, lông, răng, móng, bụi đóng không thanh; ghèn, mũi, nhớt, đờm, khóm hờm chẳng sạch. Trên mặt vi trùng bò lúc nhúc. Trên đầu chấy, rận cắn tứ tung. Chỉ chút nọc rắn, xương cá đủ để giết người, khí hậu lạnh nóng bất thường làm người mau già chết.

Nghiệp mê sắc bị xô vào ngạ quỷ, tai mê tiếng dễ vào ngục A Tì, người đời dù miệng ăn hết ngàn vị ngọt, chết rồi còn được gì đâu, chỉ thêm được chăng vài ngọn đèn dầu. Thân này như cỏ úa hoa rơi, không thể tiếc thương, sao lại mê đắm trong chốn phong lưu để có một cuộc sống vô cùng điên đảo, không có ý xa lìa. Có người thấy kẻ tóc dài da trắng, thân thể ướp hương, áo lụa gói thân, gấm vóc che phủ, hết lòng yêu quý, mong hưởng trọn sắc thân, trăm phương ngàn kế, muốn chiếm trọn trăm năm, họ đâu biết khi đầu nhức mắt hoa, diêm vương sẽ sai người đến đón, vì răng long tóc bạc là thiệp gọi của vô thường, mọi thứ luyến sắc ham tài, chính là con đường mất mạng. Ngày ngày ăn thịt uống rượu, biết đâu đó là gốc khổ địa ngục, hiện tiền vui sướng một thời, thân sau phải chịu muôn ngàn khổ não.

Có một ngày mạng căn tan rả, bốn đại chia lìa, bên ngoài tay chân run rẩy, bên trong gân cốt nhức đau. Dù cho vợ con vô cùng thương tiếc cũng chỉ một mình chịu khổ mà thôi, khi hành hạ bị thịt nát xương tan, có ai dám đứng ra chịu thế, mới biết sanh tiền đáng buồn đáng khóc, chết rồi phải chịu thần thức lôi đi, trước mắt không có ánh sáng, nhìn ngắm toàn người xa lạ, qua bến bờ sông Nại ( Âm Phủ), cảnh nào lại chẳng đau thương, vào cửa quỷ rồi, người đến phải chịu nhiều khổ sầu. Dương gian chỉ có bảy ngày, âm cảnh đã qua thập điện. Vị Tào quan tuyên án không hề thiên vị, ngục tốt cầm xoa, mặt không có nụ cười. Bình thời tạo thiện nghiệp được đưa lên cõi trời, tạo nghiệp ác bị lôi đến núi đao hầm lửa. Bị liệng lên núi đao, thân mình máu me be bét, bị ném vào núi băng, da thịt nổ bong. Thân vừa nát ra, gió nghiệp thổi qua, phải sống lại chịu khổ. Mạng vừa chung, la sát bắt phải sống thêm. Một ngày đêm ở điạ ngục lâu bằng ở nhân gian mấy năm. Thây thi còn nằm ở quan tài chưa chôn, đã bị lúc nhúc côn trùng ăn hút hôi thúi đáng ghê. Lúc sống hồng nhan xinh đẹp trở thành vòi tửa xương khô, da thịt là bùn bẩn, những việc thương yêu tha thiết, rốt cuộc thành không. Ngày xưa quả thật anh hùng, giờ còn đâu nữa? Tiếng khóc qua rồi im bặt, gió buồn dấy động lạnh căm căm, đêm đêm nghe quỷ khóc ma kêu, năm tháng chịu quạ ăn chim mổ. Nếu may ra có chút thạch bia trên bờ cỏ, năm mười tháng mới được vài tiền giấy, thếp nhang. Vô thường không ai tránh khỏi. Tại sao chẳng tỉnh mộng hồn?.....

Có người đủ cả đạo nhãn, lại sớm hồi đầu tự mình thoát khỏi sông mê, giây lát thoát qua lưới ái, miệng nói vượt qua hang quỷ, có ai quả thật chơn nhơn. Vì thế đức Thế Tôn thương xót, cứu giúp hết lòng, muốn giúp tất cả mọi người thoát ra ba cõi, đặc biệt chỉ dạy cho Tịnh độ pháp môn, bốn mươi tám nguyện rộng sâu, độ mọi người thoát ra bể khổ, cách mười muôn ức cõi tuy xa tuyệt, nhưng nương sức Phật giây lát sẽ tới nơi, sanh vào hoa sen, áo cơm đầy đủ, thân được về cõi tịnh, khỏi sáu nẽo luân hồi. Người nam kẻ nữ đều dễ tu, kẻ trí người ngu đều về Cực lạc. Chỉ mong mọi người phản tỉnh, mới biết thể tánh toàn không. Nếu chưa học đạo tham thiền, cần phải ăn chay niệm Phật. Nếu được nhất tâm bất loạn, Phật dạy bảy ngày thành công, đổi sáu giặc thành sáu thần thông, lìa tám khổ biến thành tám tự tại. Trong Tịnh độ văn, lời tam kinh chứng tỏ, tích vãng sanh truyền lại rất nhiều, vậy mọi người hãy chuyên tâm niệm Phật, niệm về nhà (Cực lạc) được giải thoát cả nhà, nếu dạy nơi nơi đều biết niệm Phật, giúp mọi người khỏi khổ luân hồi, trên giúp chư Phật chuyển pháp luân, dưới dắt chúng sanh ra bể khổ. Lời Phật rõ ràng căn dặn , nếu không tin còn biết tin ai, đạo làm người không tròn làm sao tu theo đạo Phật, đừng đợi lâm chung mới biết, dù có ngàn Phật cũng chẳng giúp được gì ? Mau mau niệm Phật tu hành, ngày giờ ( chết) không hẹn cùng người, phải quyết chí thực hành ngay để khỏi đời này vô ích.”

Trong Tịnh Độ thần chung, ngài Hiếu Trực dạy: từ xưa nay, ba cõi luân hồi giống như lao ngục, đã bị đày vào trong ngục, kêu xin tha thật chẳng ích gì, lúc yên lành phải tìm kế thoát thân, mới gọi là người có trí, thân này vô thường đợi đến già chết gần kề thật là quá muộn. Người đời đều biết tất cả đều phải chết sao chẳng lo xa, sớm tiến tu hành, để ngày lại ngày qua, khi quỷ vô thường đến nơi, ăn năn trở thành vô ích.

Ngài Viên Trung Lang cũng nói: Chúng sanh ở trong đời dữ năm trược, như người ở trong ngục, đã vào ngục tức là tội nhân, dù được sanh về cõi trời, cõi người cũng chỉ ở trong phần đoạn sanh tử. Tội nhân ở trong ngục muốn trốn thoát phải vượt qua nhiều cạm bẫy, trèo vách chông gai, làm sao có được sự bảo đảm nếu không nhờ Phật lực. Lại nữa, ngày nay, chúng sanh lấy phiền não làm nhà, lấy sanh tử làm ruộng vườn, không biết núi Đại Thiết Vi là pháp trường hiểm độc của ba cõi.

Chư Phật vì thương chúng sanh mê lầm, nên phân biệt cõi tịnh, cõi uế, chỉ cho con đường thoát ly, đổi nhà lửa làm nhà yên ổn, chỉ cho thấy con đường địa ngục lại qua, làm cho mọi người xa lìa đường dữ, khỏi nẽo luân hồi. Trong kinh nói “Đức Như Lai vì một việc lớn mà hiện ra trong đời, việc lớn ấy chính là sanh tử “. Đức Phật luôn luôn đưa tay tiếp dẫn, chúng sanh cứ quay mặt làm ngơ, thật đáng buồn thương!...

Ngài lại nói: Có người cho rằng mình nghèo, thiếu thốn trăm bề, khó có thể niệm Phật. Họ biết đâu rằng ai cũng có hoàn cảnh khổ, đâu phải riêng mình, như người giàu suốt ngày đêm lo lường tính toán, giặc cướp vây quanh nào có vui gì! Sao bằng người nghèo mà biết đủ, cơm đủ no, áo đủ che ấm, cần gì cao lương mỹ vị, loè loẹt áo hoa. Người giàu dù kho lẩm đầy dẫy, cũng chỉ giường nằm hơn thước, nhà rộng một gian, cơm ngày ba bữa no, nhưng họ vẫn bị già chết vây quanh, suốt đời làm con ma giữ của, nhưng khi thần chết đến nơi, tất cả đều bỏ lại cho đời, chỉ còn mang theo được có HỌA PHÚC mà thôi.....

Em thân thương của anh !

Qua dẫn chứng trên, chúng ta thấy rõ thân vô thường, tâm vô thường, hoàn cảnh vô thường, đời người là một giấc mơ. Hoàn cảnh của em không khác gì hoàn cảnh của Lữ Tổ, sau khi tỉnh mộng, ông đã ngậm ngùi than:” Giàu sang vinh dự hơn năm mươi năm, chỉ là một giấc mơ hoa, khi tỉnh lại rồi nồi cháo kê vẫn còn chưa chín”. Tại sao chúng ta không nhận thức sự khổ não của cuộc đời, quyết lòng tu tập để thoát nẽo khổ luân hồi? Anh mong em:

Từ rày khép cửa phòng thu

Chẳng tu thì cũng là tu mới là......

2. Chỉ phương pháp dễ làm

Ngày 29.4.Nhâm tuất 82

Thưa Anh,

Qua những lời dạy của cổ nhân, em như người vừa tỉnh mộng, tất cả sự mê chấp cảnh trí phù du của cuộc đời lần lần tan biến như sương sớm gặp thái dương, lòng em cảm thấy lâng lâng không còn chút gì ràng buộc. Nhưng em rất lo ngại, vì Phật pháp cao siêu mầu nhiệm, nếu không phải là bậc thượng căn, có nhiều túc nghiệp thiện, sợ khó có thể thực hành. Lại nữa, em gần suốt cuộc đời, đắm chìm trong danh lợi, trong nghiệp khổ mộng mơ, tội nghiệp chất chồng, phúc duyên quá mỏng, sợ rằng, dù có thực sự hồi đầu cũng khó có thể đến bờ kia. Mong anh vì thương đứa em sơ cơ này mà chỉ cho phương pháp thật dễ tu, dễ làm, để từ đó em có cơ hội trở về bến giác !....

Em thân thương của anh !

Đường vào cõi Phật có rất nhiều lối, có ngõ tắt, đường cong. Có người ý chí kiên cường muốn tự mình chiến thắng tất cả ma quân phiền não để đi vào, dù phải vượt qua vô vàn nguy hiểm. Có người cảm thấy bóng quang âm thấp thoáng, ngày chết gần kề, cần nương vào Đại Nguyện của đức Từ Phụ mà thoát qua bể khổ. Nhìn mái tóc em đã điểm sương, thân thể võ vàn tiều tụy, răng rụng mắt lờ, chứng tỏ thiệp mời vô thường đã nhiều lần gởi đến. Vì thế, anh trân trọng giới thiệu em một phương pháp thẳng tắt dễ tu, hợp thời cơ mà đức Thế Tôn đã ân cần khuyên bảo......

Trong Tịnh Độ truyện, ngài Long Thơ nói:” Đức Phật A Di Đà và hai vị Bồ Tát nương theo thuyền Đại Nguyện, vượt bể sanh tử đến cõi Ta bà, dẫn dắt chúng sanh lên thuyền từ, đưa về Tây phương Cực lạc, được sanh trong hoa sen, dự vào hàng bất thối”.

Qua lời kể trên, chúng ta thấy Phật và Bồ tát thương nhớ chúng sanh chìm đắm trong bể khổ, không bao giờ ra khỏi, nên dùng oai lực của thệ nguyện tiếp độ mọi người sanh về cõi tịnh, như vị thuyền trưởng đưa mọi người lên thuyền để thẳng đến bờ kia.

Hành giả nếu có lòng tin, muốn được vãng sanh, dù có nghiệp nặng cũng được vãng sanh. Lòng ham muốn vô cùng quan trọng trong hiện tại, nếu tâm muốn đi, thân họ cũng phải đi theo, tâm muốn đứng, thân vẫn đứng theo, tất cả hành động của thân này đều do tâm niệm mà hành động. Vì thế, nếu người có tâm niệm vãng sanh, thân thoát được sự trói buộc, chỉ còn có tâm niệm, chắc chắn tâm niệm muốn chỗ nào sẽ sanh vào chỗ đó. Do đó, người có tâm niệm muốn sanh về tịnh độ, chắc chắn được sanh, huống chi còn thêm sức Phật và Bồ Tát tiếp dẫn, việc vãng sanh càng thêm chắc chắn.

Ngài Thừa tướng Đặng Thanh nói: Người học Phật đời nay thường nghiên cứu Thiền, Giáo, Luật. Nếu nói về cứu cánh viên đốn không pháp nào bằng Thiền, nhưng không phải là bậc thượng căn, thần lãnh, ý giải sẽ khó khỏi dẫn vào chỗ sai lầm ngoan không. Nghiên cứu tam thừa không pháp nào bằng Giáo, nhưng không phải là người được cá quên nôm, theo ngón tay để thấy mặt nguyệt, vẫn chưa khỏi bị chê là con mọt đục giấy. Bỏ dữ làm lành không pháp nào bằng Luật, nhưng không phải người thân tâm hoàn toàn thanh tịnh, trong ngoài là một, vẫn chưa khỏi cái khổ tự trói buộc. Tóm lại, chỗ quy túc của Thiền Giáo Luật là Giới Định Huệ. Không do thiền giáo luật mà được giới định huệ chỉ có một pháp môn duy nhất là pháp môn Tịnh độ, vì trong khi niệm Phật, miệng niệm, tâm dừng, các việc ác không làm, tức là Giới, lòng nhớ cõi tịnh, mãi trần không còn tức là Định, niệm Phật khi không niệm nà niệm, ánh sáng thường chiếu tức là Huệ. Nếu có người trừ hết muôn việc nghĩ xằng, một lòng hướng về Tây phương, thời không cần lấy gậy đánh hoặc la hét (thiền cơ) mà thuộc về căn cơ viên đốn, không cần xem hết Đại Tạng kinh mà được chánh pháp nhãn tạng, không cần giữ tứ oai nghi mà đăng đại tự tại, không nhơ, không sạch, không trói buộc, không giải thoát, trong lúc ấy hoàn toàn được giới định huệ, hoàn toàn được công năng trọn vẹn Thiền Giáo Luật, tâm ta và tâm Phật không khác gì. Đây chính là chỗ rốt ráo của pháp môn niệm Phật, chừng đó nước tám công đức đầy trong ao báu, nghiễm nhiên ngồi đài sen, còn có ngại chi!

Liên Trì Đại sư nói: Người tu theo pháp môn niệm Phật là theo một con đường vô cùng phẳng tắt, thực hành rất giản dị nhưng thành công rất to lớn và mau chóng, nên Hòa Thượng Thiện Đạo khuyên :”Chỉ có đường tắt tu hành, gắng niệm A Di Đà Phật “ Người tu hành có mục đích duy nhất là thoát ly sanh tử, như con mọt đục ống tre, mục đích làm thế nào thoát khỏi ống tre. Người học các pháp môn khác là phương pháp thoát sanh tử theo đường dọc, như con mọt đục theo chiều dọc phải qua 52 lóng mới thoát được ra ngoài thật vô cùng khó. Còn người niệm Phật cầu vãng sanh thoát sanh tử theo chiều ngang, con mọt chỉ cần đục trong chốc lát là có thể ra ngay, khỏi cần trải qua nhiều thềm bậc. Do đó pháp môn niệm Phật được coi là pháp môn thẳng tắt dễ tu hành nhất.

Niệm Phật có 4 cách:

1. Thật tướng niệm Phật: Bản tánh chúng sanh có đủ thật tướng, nhưng bị nghiệp chướng nặng nề ít có người được giải ngộ.

2. Quán tượng niệm Phật: Khi tượng mất lại trở về không, do đó mỗi niệm trở thành giai đoạn.

3. Quán tưởng niệm Phật: Chúng sanh rất khó quán tưởng vì tâm thô mà thánh cảnh rất vi tế, diệu quán khó thành.

4. Trì danh niệm Phật: Phương pháp này vô cùng giản yếu, thẳng tắt chỉ gắng niệm danh hiệu Phật không gián đoạn sẽ được vãng sanh. Khi được vãng sanh rồi, lo gì không tỏ ngộ, lúc ấy không cần thiệt tướng, mà thiệt tướng hiện rõ ra. Niệm Phật pháp môn là con đường tắt tu hành, mà trì danh là ngõ tắt nhất trong con đường tắt ấy.

Trong Liên Tôn Bửu Giám nói: Ta bà là cõi trược, rất nhiều khổ và cầu đạo khó thành, Tịnh độ là cõi vui, các lành đều họp và vị lên bất thối. Người xưng hiệu Phật nhờ chư Phật hộ niệm mà được vãng sanh. Kẻ phát bồ đề tâm do ánh sáng từ bi chiếu rọi mà luôn luôn tinh tấn. Bồ tát, La hán đều là bạn tốt, cây nước chim rừng nghe rồi niệm Phật niệm Pháp niệm Tăng. Bên tai thường nghe diệu pháp, trong lòng dứt hết tham sân, vui vẻ vô biên sống lâu vô lượng. Người vừa vãng sanh Cực lạc liền được vào vị bất thối, điều ấy người trời không bao giờ dám nghĩ đến.

Trái lại, cõi trược mở mắt ra dẫy đầy thuận nghịch, trên đường đến quyền thừa, người căn lành ít, khó được chu toàn. Ở quốc độ tam thừa, trải qua muôn ngàn ức kiếp mà công hạnh khó thành, niệm Phật pháp môn chỉ trong khảy móng tay được sanh về An Dưỡng. Người sơ cơ học đạo không nương vào tha lực, khó có thể tiến tu. Đức Phật có nguyện rộng sâu, nếu người có duyên trì danh chắc được tiếp dẫn. Các pháp môn khác học đạo khó như con kiến bò lên núi cao, niệm Phật cầu vãng sanh dễ như buồm căng gặp nước thuận. Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn thẳng vào quả bồ đề, các thánh dắt dìu mau ra ba cõi. Bực thượng phẩm hoàn thành Phật quả, hạ sanh còn vui hơn thiên cung. Kính mong toàn thể đừng nghi, chắc sẽ chứng được quả bất thối.

Trong Tây Phương Công cứ dạy: Làm lành ở thế gian có muôn ngàn cách, tại sao chỉ khuyên người niệm Phật? Ý niệm con người có nhiều quan hệ đến đời sống. Người có ý niệm lành sanh về thiên đường, có ý niệm ác sanh về địa ngục, ý niệm ngay thẳng làm người, ý niệm tà vạy làm quỷ súc. Ý niệm là động cơ chánh của đời sống, ý niệm ma thành ma, ý niệm Phật thành Phật. Nếu muốn ra khỏi ba cõi sáu đường phải một lòng niệm Phật, để mất thân người muôn kiếp khó gặp lại. Đức Phật dạy người niệm Phật, tổ sư khuyên niệm Di Đà, những lời ấy hoàn toàn chơn thật. Sở dĩ niệm Phật không được thành Phật, vì người niệm Phật miệng niệm nhưng tâm không niệm, tuy nói là có niệm, nhưng hoàn toàn giống như người chưa niệm, uổng qua một đời, chưa niệm được một tiếng. Khi niệm, chữ mình niệm phải phát xuất từ tâm, gốc không phải từ miệng. Mỗi niệm từ tâm sanh, tiếng từ miệng ra, tâm là Phật, miệng là Phật cả hai hợp nhau đó gọi là niệm Phật.

Có người nghi, trong mười phương có muôn ngàn vị Phật mà Phật, Tổ lại khuyên ta chỉ nên niệm Phật A Di Đà? Nguyên nhân do đức Phật A Di Đà có 48 Đại nguyện, thệ nguyện độ hết tất cả chúng sanh trong mười phương. Trong ấy có nguyện:” Nếu tất cả chúng sanh trong các thế giới ở mười phương, có người xưng niệm danh hiệu ta, mà không được sanh về nước ta, ta thề sẽ không làm Phật”. Cõi nước Cực lạc có chép đủ trong kinh A Di Đà.

Người đời giàu sang vinh hiển, chỉ trăm tuổi cũng thành không ! Cõi trời hoa trổ nghìn năm rồi cũng dứt ! Sao bằng vào được thế giới Cực lạc sống lâu vô lượng và phương pháp vãng sanh chỉ có một câu Di Đà mà thành tựu. Ở thế gian có người dốc lòng tìm đạo, mòn gót phong trần, nếu không phát thệ nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương là tự dấn thân mình vào con đường gian khổ nhiều ma lực. Ba tạng, mười hai bộ kinh nhường cho người khác (thiền) ngộ, tám muôn bốn ngàn pháp môn để cho người khác (giáo) thực hành, ngoài câu Nam Mô A Di Đà Phật không dùng thêm một chữ.

Khi đã quyết tâm, ban đầu mỗi người cần một gian tịnh thất, một ảnh Phật, một lò hương, một bát nước, một ngọn đèn, một tờ giấy vẽ. Từ sáng đến chiều chí thành, chí kỉnh, xâu chuỗi chẳng rời tay, câu hiệu Phật không rời miệng, niệm lớn, niệm nhỏ niệm sáu chữ ( Nam Mô A Di Đà Phật), niệm bốn chữ (A Di Đà Phật) niệm gấp, niệm huởn, niệm chậm, niệm thầm, chấp tay niệm, quỳ gối niệm, nhìn tượng niệm, hướng phía tây niệm, đánh mỏ niệm, lần chuỗi niệm, kinh hành niệm, lễ bái niệm, một mình niệm, hòa chúng niệm, ở nhà niệm, ra ngoài niệm, rảnh niệm, bận rộn niệm, đi niệm, đứng niệm, ngồi niệm, nằm niệm, niệm lúc thức, niệm trong mộng, niệm được như thế gọi là chơn niệm. Dần dần niệm đến nước mắt rơi đầy thất (chí thành), niệm đến lửa tắt lò lạnh (vọng niệm tan mất), niệm đến thần sầu, quỷ khóc (ma đều tiêu diệt), niệm đến trời vui đất cười (thiên nhân cung kỉnh) vạc than xa lắc, ao sen báu gần kề, dù có muôn ngàn áp lực bắt ta không niệm Phật cũng không thể được, quyết chí như thế là chuyên tu. Ngàn người tu ngàn người được vãng sanh.

Hán Nguyệt Thiền sư dạy: Cầu sanh tịnh độ phương pháp rất nhiều, không cần ham hố, chỉ chọn một pháp, chúng ta có thể hàng ngày phân thời khóa, mỗi thời tụng kinh A Di Đà, trì chú vãng sanh, rồi niệm danh hiệu Phật. Niệm ra tiếng nên niệm sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật, khi niệm thầm nên niệm bốn chữ A Di Đà Phật, vì bốn chữ dễ niệm, dễ dàng thành công. Dù vậy, trong thời khóa tụng, để việc niệm Phật càng ngày càng tinh tiến, cần nên lần chuỗi, thiết niệm. Đọc khống luống theo hơi, tuy có niệm mà không khít khao, khó được thành tựu. Khi niệm cần phải hết lòng, câu trước đuổi theo câu sau, một tiếng khít một tiếng. Gắng niệm từ một ngày đến bảy ngày, niệm đến hư không tan hết (hết vọng), năm uẩn đều tiêu (dứt hết bỉ ngã), gọi là nhất tâm bất loạn. Chừng đó tịnh nghiệp đã thành, chỉ chờ ngày vãng sanh Cực lạc.

Em thân thương của anh !

Bình: Qua dẫn chứng trên, chúng ta thấy, Phật pháp có rất nhiều pháp môn, nhưng tất cả đều phải tự mình diệt trừ vọng nghiệp để vượt qua bể khổ sanh tử, thật vô cùng khó đối với chúng sanh nghiệp chướng nặng nề trong thời mạt pháp. Duy có pháp môn niệm Phật nương vào sức mình và sức Phật để được vãng sanh. Khi về Cực lạc rồi, pháp nào không ngộ, quả nào không tròn. Chỉ cần một danh hiệu Phật, do đó việc làm dễ mà thành công cao, dùng sức ít mà công hiệu chóng, mà cũng là pháp môn duy nhất để những người nhiều trần ai hệ lụy, có cơ hội quay về. Anh chân thành khuyên em nên nghe theo ngài Đại Trí Luật sư khuyên:

Cực lạc Tây phương thực dễ cầu

Cuối thu lá đổ, nghiệp còn đâu

Lần châu lần mãi không ra mối

Mới biết Di Đà ước nguyện sâu !....

3. Giải quyết căn bản nghi vấn.

Ngày 15.5. Nhâm tuất 82.

Thưa anh,

Qua những lời dạy bảo chân thành của chư Phật Tổ, cho ta thấy pháp môn niệm Phật thực dễ thành công. Chính vì sự dễ dàng đó đã làm cho em nhiều nghi hoặc:

- Có phải pháp môn Tịnh độ chỉ để độ cho kẻ độn căng, tội nặng không?

- Niệm Phật tức gọi tên Phật có mang tội bất kính không?

- Kinh nói duy tâm tịnh độ. Vậy cõi Tịnh độ có thực không?

- Niệm Phật hiện đời có lợi ích gì ?

Mong anh vui lòng giải quyết để lòng tin em thêm sâu chắc và quyết chí thực hành!....

Em thân thương của anh!

Thái độ phát biểu thành thực của em, chứng tỏ em quyết tâm trong việc lựa chọn một hướng đi. Khi đức Phật còn trụ thế, ngài thường dạy:”Nghe ta thuyết pháp các ngươi đừng vội tin ngay, mà cần suy gẫm để thấy có lợi ích thực sự rồi mới thực hành”. Sự nghi hoặc của em vô cùng chính đáng. Không phải chỉ một mình em mà từ xưa đến nay hầu hết những người quyết tâm tìm đạo cũng đều có nghi vấn như thế. Em hãy gắng nghe những lời quyết nghi của Chư Tổ dạy!.....

Thiền sư Huệ Giác Ngọc dạy: Có người cho rằng pháp môn niệm Phật là phương pháp tạm thời của đức Phật để tiếp dẫn những kẻ độn căn, chứ đâu có thể nhờ tha lực mà có thể vào địa vị của Như Lai được? Thực ra họ đâu biết rằng khi đức Phật còn tại thế ngài Văn Thù, ngài Phổ Hiền là những bậc Đại Trí; sau khi Phật diệt độ, Tổ Mã Minh, Tổ Long Thọ và hầu hết các tông chủ của các tông, đều phát nguyện cầu vãng sanh Cực lạc. Các vị ấy đều là những kẻ độn căn sao? Đức Phật trong kinh Đại Bảo Tích, ngài khuyên Vua Cha Tịnh Phạn cùng bảy muôn người họ Thích đều nên phát nguyện cầu sanh Cực lạc, đó là phương pháp tầm thường sao ? Nếu các bậc Bồ tát, Tổ sư là độn căn thì đời này ai là người lợi căn ? Nếu pháp của Bồ tát, Tổ sư tu hành mà cho là quyền thì pháp nào là thật? Điều đó không cần trả lời, ta tự suy gẫm cũng có thể biết được.

Ngài Vương Long Thơ nói: Có người nghi rằng, người đời niệm Phật làm sao sanh vào được hoa sen trên ao thất bảo ở Tây phương? Thật ra điều này cũng không khó biết,vì mỗi chủng loại có một cách thọ sanh khác nhau, ao thất bảo như một tấm gương lớn, nếu có vật đến thì ảnh hiện ra, tấm gương cần gì biết đến, việc ảnh hiện trong kiến là điều tự nhiên. Cỏi nước đức Phật A Di Đà sáng suốt trong sạch, tự nhiên ảnh mười phương thế giới hiện ra, cũng như gương sáng có thể soi mặt, do đó những người niệm Phật, trong ao thất bảo sẽ sanh một đóa sen, đó là điều tự nhiên, không có gì đáng nghi ngại.

Trong kinh nói: “Người niệm chú vãng sanh, đức Phật A Di Đà thường đứng trước mặt để hộ vệ người đó”. Nếu có vô lượng chúng sanh trong các thế giới đồng niệm chú vãng sanh, đức Phật làm sao đứng trước mặt hết các người ở các thế giới đó để hộ vệ? Thực ra điều ấy rất tự nhiên, như ở trên bầu trời có một vầng trăng, tất cả chỗ đều có trăng hiện, trăng hiện ở đại dương, ở sông rạch, và cả trong bát nước đâu có gì lạ.

Cũng có người nghi rằng: trong mười phương thế giới có vô lượng chúng sanh tinh tấn niệm Phật, cùng lâm chung một giờ, chỉ có một mình đức Phật làm sao có thể cùng một lượt tiếp hết chúng sanh về Cực lạc. Thực ra việc ấy cũng tự nhiên, như trên vòm trời chỉ có một mặt trời có thể chiếu sáng tất cả cảnh giới trên trái đất, đâu có chi lạ. Huống chi oai thần của Phật vô biên, mặt trời, mặt trăng làm sao có thể so sánh được. Dĩ nhiên Đức Phật biết rõ tâm niệm của vô lượng chúng sanh, ngài luôn luôn ở bên người niệm Phật để hộ vệ và biết rõ hạn kỳ khi người ấy sắp lâm chung để đến tiếp dẫn đâu còn gì để nghi ngại.

Có người nghe nói cảnh giới Cực lạc quá thù thắng lại không tin, không có gì lạ, như người ở quê, suốt đời với chòi tranh nghèo nàn,khi nghe người đi thủ đô về kể lại lâu đài nguy nga tráng lệ, họ sẽ không tin vì chính mắt họ không thấy. Nhưng xét vào tư cách người kể, ta có thể tin là có, chúng ta thấy đức Phật cấm ngặt mọi người không được vọng ngữ, có lý gì ngài lại nói dối để gạt mọi người làm gì? Người đời nói dối phần nhiều để hưởng lợi hoặc tránh tai họa. Đức Phật bỏ tất cả việc đời, đâu cần hưởng lợi lộc, ngài xem việc sống chết như đao chém vào hư không, đâu cần gì tránh tai họa, như thế ngài cần gì nói dối. Ở đời, những người có chút tự ái còn không bao giờ nuốt lời để mang tiếng xấu, huống là đức Phật ư!

Lời đức Phật nói ra đáng được tin tưởng, không có gì phải nghi ngờ. Huống chi từ xưa đến nay, những người tu theo pháp môn này được chứng quả rất nhiều, chính các ngài đã thân chứng xác nhận, đâu không thể không tin.

Có người cho rằng tụng hiệu Phật như kêu tên một người, kêu mãi sẽ trở thành bất kính, do đó niệm hiệu Phật nhiều không tốt. Thực ra, chúng sanh từ vô thỉ đến nay, khẩu nghiệp tạo ác nhiều như núi. Chủ yếu miệng niệm Phật là dứt trừ khẩu nghiệp, hết lòng niệm liên tục còn sợ không đủ, đâu thể lấy tên của người mà so sánh được. Phật tự khai pháp môn niệm Phật để chúng sanh diệt được khẩu nghiệp, thân nghiệp, ý nghiệp, hết lòng niệm danh hiệu Phật, e rằng chưa đủ để tịnh tam nghiệp. Lại nữa lời kêu còn định được thái độ của người kêu. Kêu để khinh mạn gây cho người khác tức giận, trái lại lời thiết tha của đứa con kêu mẹ, càng kêu lòng thương mẹ càng nhiều, quyết lòng dìu dắt, chúng sanh niệm Phật như con kêu mẹ, cầu xin giúp đở nào có lỗi gì?

Liên Trì Đại sư dạy: Có chỗ nói Duy tâm Tịnh độ, không phải ngoài mười muôn ức cõi mà có cõi Cực lạc, đây chỉ nói trong tâm mà thôi, ý này nguyên rút từ trong kinh hoàn toàn thật, nhưng người đem ra dẫn chứng lại hiểu lầm ý ấy. Ý ấy nói tâm tức là cảnh, hoàn toàn không có cảnh ở ngoài tâm (1), đã nói cảnh toàn là tâm, làm sao lại định chấp tâm mà bỏ cảnh (2), bỏ cảnh nói tâm là người chưa hiểu được tâm. Hoặc có người nói, khi lâm chung thấy cõi Tịnh độ đều là từ trong tâm, thật không có cõi Tịnh độ. Họ không biết từ xưa nay, những người niệm Phật được vãng sanh, khi lâm chung thánh chúng đến rước, nhạc trời, hương lạ, tràng phang, lầu các đều phải chỉ người vãng sanh thấy được mà nói cảnh ở tâm, chính lúc ấy, mọi người đều được thấy tràng phang, lầu các, tai đều nghe tiếng nhạc trổi đi lần về hướng Tây, mùi thơm ở trong thất nhiều ngày chưa tan. Như thế sao gọi là không có cõi Tịnh độ ?

Viên Chiếu Bổn thiền sư dạy: Có người nghi rằng ai có thể thấy được nêu tên trên đài sen, vì đâu ai có thể biết được tâm người khác ? Ta thử hỏi người ấy, có người lâm chung tướng địa ngục hiện ra, có phải ở ngoài tâm chăng ? Họ sẽ đáp trong tâm. Người ấy có đọa địa ngục chăng? Có. Nếu nói bị đọa vào địa ngục là phải có địa ngục để đọa chứ ! Nếu tâm hiện tướng địa ngục bị đọa vào địa ngục thực. Tâm hiện tướng Tịnh độ lại không sanh về Tịnh độ thực sao? Điều đó không còn gì đáng nghi nữa.

Trong Thiên Như Tịnh độ văn nói: Có người hỏi mọi người đều nói tịnh nghiệp chỉ có ích cho thân sau, vậy hiện thân đâu có lợi ích gì? Thực chỗ thấy ấy còn quá hạn hẹp, quý vị không thấy kinh nói người thọ trì danh hiệu Phật sẽ được mười sự lợi ích lớn:

1. Thường được tất cả thiên thần ẩn hình theo giúp đỡ.

2. Thường được các Bồ tát giúp đỡ.

3. Thường được chư Phật ngày đêm hộ niệm, Phật A Di Đà thường phóng hào quang giữ gìn người ấy.

4. Tất cả quỷ dữ không thể làm hại, tất cả nọc độc của rắn rồng đều không trúng.

5. Tất cả nước, lửa, giặc, đao, tên, lao ngục, chết ngang, chết yểu đều không bị hại.

6. Nghiệp của đời trước tất cả đều tiêu diệt, nếu lở giết oan mạng người, họ sẽ được giải thoát không còn gặp lại.

7. Đêm chiêm bao thấy việc tốt, hoặc thấy được thân tốt trang nghiêm của Phật A Di Đà.

8. Tâm thường vui vẻ, làm việc gì cũng có lợi ích.

9. Thường được mọi người kính trọng.

10. Khi mạng chung, lòng không sợ sệt, chánh niệm vững vàng, được thấy Phật A Di Đà và các thánh chúng tay cầm đài sen vàng, tiếp dẫn về cõi Cực lạc.

Mười điều lợi ích trên đây, trong kinh có chép, chính lời Phật nói ra. Như thế, niệm Phật đời này hoặc đời sau đều có lợi ích. Đó là phương pháp khẩn yếu, để thoát khỏi sanh tử. Tất cả pháp môn không pháp nào bằng pháp môn niệm Phật, mong quý vị cần tinh tấn niệm Phật đừng hoài nghi.

Trong Tịnh Độ Thập môn, Ngài Từ Chiếu Tông chủ dạy: Người niệm Phật không sanh được về Tịnh Độ vì có ba điều nghi:

1. Nghi ta từ nhỏ đến giờ tạo nghiệp quá nhiều, tu hành quá ít, e không được vãng sanh.

2. Nghi ta tuy có niệm Phật A Di Đà nhưng tâm nguyện chưa được chí thành, lòng tham sân si ái chưa dứt, e không được vãng sanh.

3. Nghi ta tuy niệm Phật A Di Đà, đến khi mạng chung, e Phật không đến rước.

Do ba điều nghi này, vì nghi thành ra chướng, mất hết chánh niệm, không được vãng sanh. Vì thế, người niệm Phật cần thiết tin chắc lời Phật dạy trong kinh, đừng sanh lòng nghi. Trong kinh dạy: Niệm một câu A Di Đà Phật diệt được tám mươi ức kiếp tội nặng sanh tử. Những người bậc thượng được nhất tâm bất loạn, kẻ bậc hạ chỉ mười niệm thành công, được Phật tiếp dẫn về Cực lạc. Nếu muốn thoát khỏi đời trược, phải có lòng tin chắc, mỗi niệm không rời hiệu Phật, chắc chắn lòng nghi chấm dứt, quyết định được vãng sanh.

Trong bài Nhất ý Tịnh nghiệp, tiến sĩ Trần Tán nói: Có người hỏi rằng: Ông không nghe trong luận Đại Giám nói tất cả đều duy tâm, sao ông lại chán cõi uế để ưa cõi tịnh làm gì ? Thật ra họ nghe nói Duy Tâm Tịnh Độ tự cho mình là hiểu, nhưng thực họ không hiểu nguồn gốc của câu nói. Đức Phật nói “Tâm ấy làm Phật, tâm ấy là Phật” vì khuyên những người đem lòng bất tịnh để cầu sanh Tịnh độ, chứ không phải nói cõi nước không có cấu tịnh. Lại nữa, cái vui của Cực lạc không phải vui vì có hoa, có ao, có lầu ngọc, chim nói, gió rung cây, mà chính vui được ở với các bậc thượng thiện, thấy Phạt A Di Đà, gặp vô số Phật, chứng vô sanh nhẫn, thành vô thượng đạo, độ khắp tất cả chúng sanh, đó mới là cái chính. Ông chỉ thích cái vui ở cấu độ, còn ta chỉ thích cái vui ở tịnh độ, ông cần gì quở ta!...

Em thân thương của Anh,

Bình: Qua dẫn chứng trên với những lời quyết nghi sắc bén của chư Tổ, chúng ta thấy pháp môn Tịnh độ dung thông cả ba căn, là nơi quy ngưỡng của các bậc thượng trí, vì thế các Tông chủ, Tổ sư một lòng niệm Phật cầu vãng sanh Cực lạc. Đức Đại Thế Chí dạy: người niệm Phật như con nhớ mẹ, lòng tha thiết kêu mẹ, lòng mẹ càng mến thương tiếp dẫn nào có hại gì ? Cõi Tịnh độ do lời kim khẩu của đức Phật nói ra đều là có thực, người niệm Phật hiện đời cũng như kiếp sau được lợi ích không thể nghĩ bàn. Những lời quyết nghi như mặt nhật, làm tan hết phù vân sau cơn mưa. Chúng ta hãy sớm quyết định trở lại cố hương. Như Sở Thạch thiền sư dạy:

Cha lành Cực lạc hiệu A Di

Tiếp dẫn chúng sanh đến bảo trì

Đường cũ phẳng phiu, nhàn nhã bước

Quê xưa, Từ Phụ ngại ngùng chi !....

Phần II: Quyết định lập nguyện

4. Quyết định một đời vãng sanh

Ngày 15.5 Nhâm tuất .82

Thưa anh,

Qua những lời giải nghi, tâm hồn em tự nhiên bừng sáng, như nhà tối nghìn năm, nay nhờ một ngọn đuốc làm tiêu tan bóng tối. Em cảm thấy lòng tin đã vững chắc, quyết định thực hành. Nhưng lý tưởng mà em đeo đuổi, đó là ý nguyện thoát ly sanh tử, về Cực lạc để thành nguyện độ sanh. Ước nguyện như thế có phù hợp với khả năng hoàn cảnh hay quá cao? Có thể thành tựu được chăng, hay trở thành không tưởng? Mong anh hãy xót thương mà cho em vài lời chỉ giáo!...

Em thân thương của anh !

Tin mà không ước nguyện, sự tin ấy trở thành vô nghĩa, nhưng tất cả sự mong ước muốn có kết quả cần phải phù hợp với khả năng và hoàn cảnh. Đức Phật ra đời chỉ có một hoài bảo duy nhất là làm cho mọi người thoát ly sanh tử, chứng thành Phật quả vì tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, có khả năng thành Phật và pháp môn Tịnh độ hoàn toàn thích hợp mọi căn cơ, hoàn cảnh chúng sanh thời mạt pháp. Như thế những ước nguyện của em hoàn toàn phù hợp với hoài bảo của chư Phật, chư Tổ. Em hãy nghe kỹ những lời vàng ngọc sau đây làm tiêu chuẩn cho sự quyết định thực hành....

Liên Tông Ngũ Tổ, ngài Vĩnh Minh Diên Thọ thiền sư dạy: Trong kinh nói quả vị của chín phẩm không ngoài hai tâm: định tâm và chuyên tâm. Người tu theo định tâm thực hành theo định quán trong 16 phép quán sẽ được thượng phẩm thượng sanh. Người tu chuyên tâm chỉ niệm danh hiệu Phật, các thiện đồng về, hồi hướng phát nguyện được vào hạ phẩm. Người niệm Phật phải một đời nương về đức Phật, chuyên tu hết lòng, nằm ngồi mặt thường hướng về phương Tây, khi đi đứng kỉnh lễ, hoặc niệm Phật phát nguyện phải khẩn thiết chí thành, không có niệm khác như đến hình ngục đề lao, hoặc oan gia theo đuổi, nước lửa ép ngặt, nên hết lòng cầu cứu, mong được thoát vòng nguy khổ, mong mau được chứng vô sanh, rộng độ các loài, làm thạnh Tam bảo, thề trả bốn ơn. Được chí thành như thế chắc được vãng sanh, khỏi uổng phí một đời. Như có người hoặc nói thực hành mà không làm, sức tin rất ít, mỗi niệm không nối tiếp nhau, ý thường bị gián đoạn, giải đãi như thế, khi lâm chung mong được vãng sanh, chỉ e nghiệp chướng ngăn che, sợ khó gặp bậc thiện tri thức, bị gió lửa (trong thân) bức bách, chánh niệm khó thành. Vì sao? Vì hiện đời là nhân, lâm chung là quả, nên biết rằng, hột giống chắc, quả sẽ tốt, tiếng hòa thời vang thuận, hình thẳng thì bóng ngay.

Ngài Ưu Đàm Đại sư dạy: Người chơn tu hành cốt yếu phải cầu sanh về thế giới Cực lạc, phải chuyên ý vào một niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Một niệm là bổn sư, một niệm là hóa Phật, một niệm có khả năng phá tan sự kiên cố của địa ngục, một niệm là kiếm báu chém hết các tà, một niệm là đèn sáng chiếu vào đêm tối, một niệm là thuyền lớn qua biển mê, một niệm là liều thuốc hay trị lành bệnh sanh tử, một niệm là con đường tắt ra khỏi ba cõi, một niệm là bản tánh Di Đà, một niệm là duy tâm tịnh độ. Muốn được một niệm này, chỉ cần giữ câu Nam Mô A Di Đà Phật ở một chỗ đừng cho thất lạc, mỗi niệm thường hiện tiền, mỗi niệm không lìa tâm, rãnh cũng niệm như thế, bận rộn cũng niệm như thế, an vui cũng niệm như thế, bệnh cũng niệm như thế, sống cũng niệm như thế, chết cũng niệm như thế, một niệm được rõ ràng không trại, không mơ, cần gì hỏi ai để tìm đường về !

Người tu Tịnh độ, cốt yếu là phải thoát khỏi sanh tử. Nó là việc lớn, không phải nói rồi bỏ qua, phải nhớ vô thường mau chóng, thời gian không hẹn cùng người, phải quyết tâm làm cho thành công, nếu bán tín, bán nghi, nửa tiến, nửa lùi, rốt cuộc không làm được việc gì, làm sao thoát luân hồi. Nếu lòng tin được chắc, mau phát lòng đại dõng mãnh, đại tinh tấn, không cần thấy tánh hoặc đại triệt đại ngộ, chỉ cần giữ kỷ một câu Nam Mô A Di Đà Phật, không ai làm lay chuyển nổi. Chuyên lòng nhất chí hoặc tham niệm, quán niệm, nhớ niệm, mười niệm, hoặc mặc niệm, chuyên niệm, lễ niệm, hệ niệm, mỗi niệm ở lòng thường nhớ thường niệm, sáng niệm, tối niệm, đi niệm, ngồi niệm, tâm niệm không cho luống qua. Hiệu Phật không rời tâm. Mỗi ngày mỗi giờ không cho xen hở, niệm liên tục khít khao như gà ấp trứng cần hơi ấm đều đặn mới có thể nở con. Niệm được như thế mỗi niệm kế nhau, lại lấy trí huệ để quán chiếu, mới biết tịnh độ ở trong tâm mình, đó là công phu tiến tu của bậc thượng trí. Như thế là giữ được tâm định, làm chủ được tâm mình, lúc ấy dù ở trong hoàn cảnh thuận, nghịch, khổ, vui, trước mắt chỉ có một câu A Di Đà Phật, không còn một niệm nào khác thay đổi trong tâm, không còn tạp tưởng lui sụt, chắc được vãng sanh về thế giới Cực lạc. Nếu quyết dụng công như thế, tất cả nghiệp chướng sanh tử nhiều đời nhiều kiếp tự nhiên tiêu diệt. Những tập khí trần lao tự nhiên hết sạch. Chính mình thấy Phật A Di Đà, không lìa bổn niệm, công thành hạnh đủ, nguyện lực giúp nhau, đến khi lâm chung chắc sanh thượng phẩm.

Người đời nay, quy y đầu Phật, phần nhiều hoặc vì bệnh, khổ mà phát tâm, vì báo đáp ơn song thân mà niệm Phật, hoặc vì bảo vệ gia đình, sợ tội đọa địa ngục mà trì trai. Tuy họ có lòng tin nhưng không có ý nguyện thoát khỏi sanh tử, niệm Phật cầu sanh tịnh độ, do đó không phù hợp với ý kinh, với bản nguyện của chư Phật.

Người tu tịnh độ cần phải một lòng cương quyết, tu theo pháp môn ra khỏi tam giới, nguyện bỏ Ta bà, vãng sanh Tịnh độ, tha thiết như người khách lạ bơ vơ nơi xứ người muốn mau được về quê cũ, người cầu sanh Tịnh độ nguyện lực phải mạnh mẽ mới mong thành tựu. Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Người sắp đến giờ lâm chung các căn đều hư hoại, chỉ có sức nguyện kiên cố không bao giờ mất, ý nguyện sẽ dẫn dắt chúng ta, chỉ trong chốc lát đến nơi mình mong muốn”.

Ngài Ngẫu Ích Đại sư nói:” Pháp môn niệm Phật thực không có gì đặc biệt, kỳ lạ, chỉ cần yếu tin sâu, nguyện thiết, niệm Phật liên tục. Rất tiếc đời nay có một số người thấy phương pháp niệm Phật thực hành được dễ dàng, cho là thiển cận, để dành cho kẻ quê mùa thực hành. Chính vì thế, lòng tin của họ không sâu, việc làm không gắng sức, suốt ngày dong rủi, tịnh nghiệp khó thành. Người niệm Phật chỉ quý ở lòng tin sâu, phát nguyện vãng sanh, luôn luôn hết lòng niệm Phật. Ngày đêm có thể mười muôn, năm muôn, ba muôn câu Nam Mô A Di Đà Phật, cần phải lấy quyết định không bao giờ thiếu làm tiêu chuẩn, suốt đời không bao giờ thay đổi. Nếu làm được như thế, người đó không được vãng sanh là chư Phật ba đời đã nói dối sao? Việc ấy không bao giờ có. Nếu được vãng sanh, vĩnh viễn không bao giờ thối chuyển.

Người niệm Phật không trụ tâm, buông bỏ thân và thế giới là Đại Bố Thí. Niệm Phật không khởi tham sân si là Đại Trì Giới. Niệm Phật lòng không còn tính thị phi, nhân, ngã, là Đại Nhẫn Nhục. Niệm Phật thuần nhất tâm không gián đoạn là Đại Tinh Tấn. Niệm Phật không theo đuổi vọng tưởng là Đại Thiền Định. Niệm Phật có tâm tịch chiếu, không bị mê hoặc lôi cuốn là Đại Trí Tuệ. Cốt yếu là một lòng không loạn động chứ không có gì lạ cả.

Ban đầu, khi niệm phật, cần phải lần chuỗi, ghi được rõ ràng, định rõ thời khóa, quyết định không thiếu, lâu dần thuần thục, không niệm cũng thành, tự niệm được như thế dù có ghi số hay không cũng được. Nếu mới phát tâm, lại muốn không chấp tướng, muốn được viên dung tự tại, đều do lòng tin không sâu, việc làm không gắng hết sức, đều là việc đứng bên bờ sanh tử, đến khi lâm chung không thế nào vãng sanh được.

Liên Trì Đại sư dạy: Hoặc có người hỏi ngày nay người niệm Phật cũng nhiều, tại sao người thành Phật lại ít ? Vì có 3 nguyên nhân:

1. Có người miệng tuy niệm Phật, nhưng trong lòng không làm điều thiện, nên không được vãng sanh, dám mong mọi người đã niệm Phật cần yếu phải y theo lời Phật dạy: phải chứa đức tu phước, phải hiếu thuận với cha mẹ, trung với vua, anh em hòa thuận, vợ chồng cung kính, cần phải chí thành tin thật, ngọt dịu nhẫn nại, công bình chính trực, phương tiện giúp người. Cần phải lấy lòng từ bi đối với tất cả, không sát hại sanh mạng, không làm nhục kẻ dưới, không khinh chê người kém hơn mình. Nếu người có lòng không tốt, dù có niệm Phật, chắc chắn niệm bị thối lui, còn lại lòng không tốt. Trái lại người tích đức, tu phước, lòng luôn làm việc lành niệm Phật chắc được thành Phật.

2. Có người miệng tuy niệm Phật, trong lòng tạp nghĩ loạn tưởng, do đó không được vãng sanh. Dám mong mọi người khi niệm Phật cần phải an định tâm vượn, ý ngựa, niệm mỗi chữ được rõ ràng, mỗi tâm thường chiếu sáng như chính mình đối với Phật ở Tây phương không dám tán loạn. Nếu niệm Phật được như thế chắc được thành Phật.

3. Có người tuy miệng niệm Phật, trong lòng chỉ cầu sanh về chỗ giàu sang, hoặc nghĩ ta là phàm phu không thể về thánh địa được, chỉ mong khỏi mất thân người là tốt rồi. Những ý tưởng ấy hoàn toàn không phù hợp với tâm Phật. Vì đức Phật chỉ hướng dẫn chúng ta vãng sanh Cực lạc, trái lại chúng ta từ chối không muốn sanh, tâm mình trái với tâm Phật, vì thế không được vãng sanh. Dám mong tất cả mọi người, nếu niệm Phật phải quyết chí cầu sanh Cực lạc, không nên nghi ngại. Người ở cung trời giàu sang tột bực, phúc hết còn bị đọa lạc, huống chi người giàu ở đời này có được bao lâu. Nếu sợ ta là phàm không được vãng sanh, các bậc thánh hiền được vãng sanh đều là từ phàm phu tiến lên quả thánh. Ai dám nói chúng ta không được vãng sanh? Vì thế chúng ta cần phát tâm rộng lớn, lập chí kiên cố thệ nguyện vãng sanh, thấy Phật nghe pháp, chứng quả vô thượng, độ thoát tất cả chúng sanh. Niệm Phật như thế chắc được thành Phật.

Em thân thương của Anh !

Bình: “Đường tuy khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà chỉ khó vì lòng người ngại núi e sông”, sự quyết định là động cơ chính để tiến đến thành công, vì trên đường lý tưởng, không phải lúc nào cũng đầy hoa thơm cỏ lạ, mà thường lắm chông gai, nếu chúng ta không quyết chí tiến lên, chắc sẽ bị rơi vào vực thẩm. Chính vì thế chư Tổ thường khuyên chúng ta phải quyết chí đi theo con đường của ta đi rồi chậm hay mau thế nào cũng có ngày đến đích, huống chi con đường về Cực lạc đã có đức Bổn sư chỉ dạy, chỉ cần chúng ta cố gắng một chút là có thể thoát khổ. Như Ngộ Triệt Thiền Sư dạy:

Sáu chữ Di Đà phải khắc ghi,

Đứng bờ vực thẩm gắng từng ly,

Cảnh trần như ngựa qua song cửa

Tịnh độ không còn lệ rớm mi.

5. Phát Tâm Độ Khắp.

Ngày 29.5 Nhâm Tuất 82.

Thưa anh,

Đường trần nhiều gian khổ và bể trần thì thăm thẳm mù khơi, trong ấy biết bao nhiêu chúng sanh còn lặn ngụp. Dù em đã quyết chí tiến tu hành, nhưng nhìn lại những người thân, những bạn bè đang vui chơi trong nhà lửa cháy, vẫn chưa biết nguy hiểm sắp đến nơi. Từ đó em muốn có một tâm hồn mở rộng, đứng ra kêu gọi những người còn mê hãy quay về nẽo giác như mình, nhưng em tự nghĩ mình chưa tự độ mà muốn độ tha, cả hai cùng bị hại. Nếu chỉ tự độ riêng mình sẽ lạc vào thiển kiến của nhị thừa. Dám mong anh cho vài lời vàng ngọc.....

Em thân thương của Anh!

Phát Bồ đề tâm là một trong những yếu tố quan trọng để thành tựu định nghiệp, tâm niệm lợi tha đã làm cho hạnh tu con người trở nên cao cả hơn, do đó người tu theo pháp môn Tịnh độ phải mở rộng lòng thương, muốn cho mình và người đều được lợi ích, để phù hợp ý muốn đại thừa của Phật Tổ. Vì thế, nguyện vọng lợi tha của em rất thù thắng, như ngọn đuốc càng mồi nhiều ngọn đuốc, ánh sáng càng to lớn, mà ngọn đuốc gốc chẳng có hại gì, lại còn thêm tăng tấn là khác, em hãy nghe kỹ những lời dạy của Cổ Đức….

Long Thơ Tịnh Độ văn nói: Những lời nói về Tịnh độ này, chúng tôi muốn khuyên tất cả mọi người nên phát tâm rộng lớn, lấy tâm Phật làm tâm mình, làm cho tất cả mọi người đều được sanh về Tịnh độ. Nếu chỉ tu cho riêng mình là tâm niệm của hàng Thinh văn tiểu thừa, như một chiếc xe nhỏ có thể chở một mình, không đem lợi ích gì cho kẻ khác. Nếu người đem pháp môn Tịnh độ rộng truyền cho người khác, gọi là Bồ tát Đại thừa, như một cổ xe lớn, có thể chở được nhiều người. Mình và người đều có lợi ích, phước đức ấy thật vô lượng, thẳng đến Phật quả. Khuyên người học Phật tu hành gọi là pháp thí, pháp môn Tịnh độ lấy pháp thí làm chính, làm con đường siêu xuất luân hồi, phước đức của nó không pháp nào có thể so sánh được. Ngài Đại Từ Bồ Tát dạy: “Khuyên được hai người niệm Phật tu hành, tự mình đã tinh tấn. Khuyên được hơn mười người công đức vô lượng. Khuyên trăm người đến ngàn người tu gọi là Bồ tát. Nếu khuyên được số muôn, tức là Phật A Di Đà”. Xem lời dạy trên, chúng ta thấy một trong những điều kiện sanh về Tây phương là phải phát tâm rộng lớn, làm cho mọi người đều hiểu được pháp môn tu hành, tức là chứa được vô lượng phước đức.

Có người đói ta cho một bữa ăn, có người lạnh ta cho một chiếc áo, đã là một sự ân huệ lớn rồi, huống chi người bị chìm đắm trong sáu nẽo, không bao giờ ra khỏi, chúng ta đem pháp môn niệm Phật chỉ bày, làm họ thoát khỏi sanh tử luân hồi, nhận được sự sống lâu và vui vẻ không cùng tột, ân huệ ấy thật to lớn vô cùng. Lại nữa, khi về được Cực lạc là không còn luân hồi, được vào địa vị bất thối, thẳng đến thành Phật. Dù rằng mới sanh về Tịnh độ chưa thành Phật ngay, nhưng nó là nền tảng chắc chắn thành Phật. Vì thế, khuyên một người tu Tịnh độ là giúp một chúng sanh thành tựu Phật quả. Nhờ sự giúp đở của ta mà một chúng sanh được thành Phật, công đức bố thí pháp ấy to lớn không thể kể xiết.

Ưu Đàm Đại sư nói: Học Phật có nhiều cách, mở lòng từ bi rộng lớn là chánh hạnh của Bồ tát, việc làm cốt yếu của lợi tha là khuyên mọi người nên gắng sức gây nhân tốt Tịnh độ. Trong kinh nói:”Nếu có người lấy hết bảy món báu trong thiên hạ cúng dường chư Phật, Bồ tát, Duyên giác, Thinh văn được phước rất nhiều, nhưng không bằng khuyên người niệm Phật được một tiếng, phước đó còn hơn phước cúng dường. Thực ra dùng tài vật để bố thí, giúp cho người khác khỏi nghèo một đời, dùng thực phẩm để bố thí, giúp cho người nuôi mạng sống một ngày, dùng pháp thí làm cho người khác thoát khỏi sanh tử, công đức rất lớn đâu có thể so sánh được.

Đem tiền của bố thí như ngọn đèn chỉ sáng một gian nhà, pháp thí như mặt trời soi khắp thế giới. Biết chánh pháp mà không khuyên người khác tu, nhiều kiếp rơi vào ngục tối. Niệm Phật luôn dạy người khác đời này chính thực Di Đà, bủa khắp mây lành, hết lời răn nhắc, đem lòng bi nguyện, kết hết tịnh duyên, vớt hết kẻ trầm mịch trong biển ái, đem kẻ luân hồi ra khỏi sông mê, tất cả đồng về Cực lạc, trả Phật ơn sâu.

Đức Phật dạy tự mình chưa được độ, trước muốn độ người đó là điều phát tâm của Bồ tát. Mình giác ngộ chưa tròn muốn đem giáo pháp giác ngộ cho người khác, đó là lời huấn thị của đức Như Lai và liên tôn chư Tổ. Sáng lập pháp môn Tịnh độ để hạnh giải hợp nhau, lợi mình lợi người đầy đủ, chỉ bảo không mõi gọi là Đạo sư. Pháp môn niệm Phật dùng nhiều phương tiện độ sanh, làm cho mình và người đều được độ thoát, như có người thân thuộc bị rơi vào sông sâu, nếu hai người không biết lội vội vàng đến cứu sẽ chết cả đôi. Trái lại, người biết cách, tìm thuyền đến cứu cả hai đều thoát. Người tu tịnh nghiệp tự mình phải cố gắng tu trì, khi đã được tự lợi, phải đem lợi ấy giúp người. Đó chính là người nương theo thuyền đại nguyện của đức Phật A Di Đà ra bể khổ cứu vớt chúng sanh đang trầm mịch, công đức ấy thực là vô lượng.

Bình: Khổ trước cái khổ của mọi người, vui sau cái vui của kẻ khác, đó là tâm niệm của Bồ tát, lòng yêu thương nhân loại thiết tha, lấy tình yêu làm động lực cho việc dấn thân, hành động ấy phù hợp với lòng ước mong của chư Phật. Thuở xưa, Thái tử Sĩ Đạt Ta, đã rời bỏ thê nhi, phụ hoàng và xã tắc chỉ vì muốn đem ánh sáng nhiệm mầu cho nhân thế. Ta hãy nghe cuộc đối thoại giữa Thái tử và Sa Nặc.

Trời tối nhân gian mờ mịt quá

Giờ này thái tử định đi đâu?

Chính đời mờ mịt nên ta phải

Đi để tìm ra ánh đạo mầu....

Vì thế, chúng ta hãy mau mở rộng lòng vị tha, quyết tâm thực hành, tự tạo cho mình và cho mọi người một cuộc sống yên vui dưới ánh đạo. Phải biết hy sinh thì đời ta mới có nghĩa cao thượng.