Nguyễn Bảo Nguyên: Nói chuyện với người trong tranh 13/05/2013 15:32
Mặc dòng xe tấp nập qua lại, trong gian hàng hẹp chỉ chừng 10m2 đúng kiểu phố cổ Hà thành, ông họa sĩ mái tóc dài bạc trắng tay đưa cây đũa chỉnh sửa từng nét trên bức vẽ giống y ảnh chụp. Ðã nhiều năm nay người dân nơi đây gọi ông là “họa sĩ vẽ tranh truyền thần giữa lòng phố cổ - Nguyễn Bảo Nguyên”.




Họa sĩ Nguyễn Bảo Nguyên đúng như những gì người ta hay nói về người Hà Nội gốc vốn thanh lịch, giọng nói nhỏ như thủ thỉ, nhẹ nhàng với bất kì ai. Sinh ra và lớn lên tại Ô Quan Chưởng nhưng nơi ông gắn bó lại là phố Hàng Ngang bởi ngày nắng cũng như ngày mưa cần mẫn và tỉ mẩn ông sống cùng những bức tranh truyền thần ở đó. Ðã bước chân gần đến tuổi 80 nhưng họa sĩ Nguyễn Bảo Nguyên (sinh năm 1934) vẫn minh mẫn, đôi mắt sáng nhìn rõ từng chi tiết nhỏ, tay cầm đũa vẽ vững vàng. Từng nếp nhăn, nuốt ruồi,… trên những khuôn mặt trong ảnh ông đều ghi nhớ rất kĩ để đưa vào tranh. Ấy thế mà khi nói về công việc của mình ông Nguyên chỉ cười: “Ðừng gọi tôi là họa sĩ, tôi chỉ là thợ vẽ thôi. Vẽ là cái nghiệp, là nỗi khổ, niềm vui gắn với tôi hơn năm chục năm nay”.

Làm “thợ vẽ” là số phận

2h chiều một ngày cuối Xuân ở cửa hàng số 47 Hàng Ngang của ông Nguyên tấp nập khách Tây ra vào. Ông cười nói, giới thiệu bằng thứ tiếng Anh khá chuẩn đáp lại những lời khen “thú vị quá” của hai người khách Ba Lan. Giải thích về khả năng nói tiếng Anh chuẩn ấy, ông cười đáp: “Tôi tự học đấy, mua một quyển từ điển về tự tra rồi nghe băng nói theo. Nói thì thạo chứ không viết được nhiều. Ðáng ra nếu tôi làm nghiên cứu như đúng chuyên môn đào tạo thì không phải học mò thế”. Câu chuyện tự học tiếng đã khơi lại trong ông kí ức từ những ngày đầu bước chân vào nghiệp vẽ, ông kể lại bình thản như một quá trình trải nhiệm đầy kì thú. Tốt nghiệp trường Bưởi, vì căn bệnh đau dạ dày không thể cầm súng nơi chiến trường như nhiều thanh niên cùng thời ông thi vào khoa Vật lí nguyên tử (Ðại học tổng hợp Hà Nội) và trở thành sinh viên giỏi của khoa. Nếu không vì trận ốm thập tử nhất sinh đúng kì thi tốt nghiệp có lẽ ông sẽ thành một nhà khoa học như ý định ban đầu.





Trong một năm chờ thi lại, ông dự định sẽ kiếm một nghề làm thêm tạm thời để giúp gia đình. Một lần lang thang qua cửa hàng vẽ truyền thần ông thấy tò mò đứng lại xem và xin học. Không được chủ hàng nhận làm thợ học cũng không cho xem, ông Nguyên quyết tâm về tự học. Sẵn có chút ít năng khiếu và tình yêu với hội họa khi còn nhỏ cậu bé Nguyên đã thích vẽ đền chùa miếu mạo, cảnh vật và được một số giải thưởng ông bắt tay vào tự học. Từ cách kẻ ô được học trong trường phổ thông ông mày mò áp dụng vào tranh truyền thần. Trong một tháng học đa phần là kí họa người nhà, bạn bè, chép lại những bức ảnh của người quen ông mang tặng mọi người được khen đẹp lắm, giống lắm khiến chàng trai Bảo Nguyên tự tin mang đồ nghề ra mở cửa hàng. Nói là đồ nghề cho “sang” chứ thực ra chỉ có một chiếc ghế gỗ, giá vẽ, giấy, bút và vài khung kính nhỏ. Ðơn sơ vậy mà giúp gia đình ông vượt qua được cả thời kỳ gian khó với mười hai miệng ăn trông vào đồng lương của người cha làm thầy thuốc. Trong câu chuyện cũ, ông ngậm ngùi: “Ban đầu tôi không có ý định theo nghề. Nhưng tháng đầu tiên đi làm kiếm được 250 đồng thời đó gấp bốn lần lương của người kĩ sư đã làm nghề lâu năm (được khoảng 60 đồng). Là con trưởng, để giúp đỡ gia đình tôi quyết định theo nghề này”.


Mãi tới khi ông Nguyên làm nghề được một thời gian cha ông mới kể: “Khi tôi còn nhỏ, có người xem tướng nói với ông cụ tôi sẽ là thầy thuốc hoặc họa sĩ. Rồi tôi đi học vật lí mọi người chỉ nghĩ đó là chuyện vui, đến lúc tôi gắn bó với nghề này, ông cụ mới nhắc và bảo đó là số mệnh của tôi”. Trong suốt câu chuyện của mình ông Nguyên nói nhiều đến cái duyên, cuộc đời với nhiều lối rẽ bất ngờ, đôi khi nghề nghiệp đến với mình cũng là do cái duyên định sẵn. Ông Nguyên biết ơn sự tình cờ năm ấy bởi nó đã đem đến cho ông cái nghề mà dẫu có gắn bó cả đời vẫn thấy là chưa đủ. Không chỉ thế, cũng nhờ vẽ truyền thần ông tìm được người vợ hiền thảo của mình chính là cô học trò đầu tiên của ông. Nghề chọn người là vậy!

Truyền “cái thần” vào tranh

Tự nhận mình chỉ là thợ vẽ nhưng nhìn ngắm ông Nguyên tỉ mỉ chuẩn bị từng cây bút, chăm chút cho từng tờ giấy vẽ người ta dễ nhận thấy ở ông bóng dáng của nghệ sĩ thực thụ. Không có cọ và những hộp màu sặc sỡ, cây bút của ông chỉ là những chiếc đũa một đầu chẻ làm tư để nhét vào đó que tăm hay chân hương theo kích cỡ nét to, nét nhỏ. Ðầu kia vót nhỏ viên tẩy kẹp lại để xóa đi những nét vẽ nhỏ như sợi tóc hay một nếp nhăn người ta ít chú ý. Chế được ra cây bút đơn giản ấy là cả một quá trình lao động không ngừng nghỉ. Ông cẩn trọng không mạnh tay làm hỏng những bức ảnh gốc nhỏ xíu đã bạc màu thời gian của khách. Vẽ truyền thần bắt buộc phải kẻ ô lấy tỉ lệ, ông buộc chiếc kim khâu vào một đầu đũa để kẻ các hình ô vuông lên miếng mica theo dòng kẻ bên dưới tờ giấy. Nhờ cách này, ông không cần kẻ trực tiếp lên ảnh. Với những khách hàng chỉ có ảnh trên chứng minh thư hay giấy tờ, một đường kẻ cũng có thể làm hỏng đôi mắt người trong ảnh, ông Nguyên tìm ra cách dùng miếng phim chụp ảnh ngâm vào nước vôi tới trong vắt rồi đặt lên tờ giấy đã kẻ ô sẵn.




Khi người viết bài thoáng nhắc đến chi tiết người họa sĩ trong truyện ngắn “Bức tranh” (Nguyễn Minh Châu) về quan niệm vẽ truyền thần chỉ là sao chép không đòi hỏi sáng tạo như nhiều hình thức hội họa khác, ông không một thoáng phật ý chỉ nhẹ nhàng: “Vẽ truyền thần đôi khi chỉ nhìn ngắm trên không gian hai chiều, hình mẫu lại quá nhỏ nên rất khó quan sát để vẽ đẹp và thật giống. Truyền thần phải giống, không thể giản lược chi tiết hay trừu tượng như nhiều loại hình hội họa khác. Ðể vẽ lại một bức ảnh đòi hỏi người họa sĩ phải có ý chí kiên trì, cần mẫn, tập trung cao độ. Bức ảnh sau khi hoàn thành không chỉ giống với ảnh được chụp mà còn phải truyền được thần thái của con người đó. Truyền được cái thần có được coi là sáng tạo?” Cách lí giải ấy khiến ai gặp cũng chẳng ngần ngại gọi ông là họa sĩ.


Ở họa sĩ Bảo Nguyên hội tụ một đôi tay tài hoa, trí thông minh của nhà khoa học và sự nhạy cảm tinh tế của người nghệ sĩ như một chuẩn bị tất yếu để ông gắn bó với nghiệp vẽ truyền thần. Bởi không phải ai cũng có cái duyên và cái tài nắm bắt được thần thái của người trong ảnh hay trong đời thực để truyền lại trong tranh. Chính vì thế có những bức truyền thần chỉ ông mới truyền được cho ra thần thái của người được vẽ. Trong mọi bức vẽ điểm ông Nguyên coi trọng nhất đó chính là đôi mắt mà ông gọi là điểm nhãn bởi: “Những “điểm nhãn” đó chính là nét độc đáo trong các bức tranh truyền thần mà không một loại tranh nào khác thực hiện được. Phải vẽ sao cho khi hoàn thành tôi có cảm giác nói chuyện được với người trong tranh”. Có những bức vẽ đã hoàn thành, lồng khung kính vài ngày hay vài tuần ông vẫn dỡ ra sửa lại vì: “Nhìn mãi, ngắm mãi vẫn không thấy người ta đang nói chuyện với mình”. Ở đây “cái thần” của bức tranh một phần chính là cái tâm của người họa sĩ.

Ngày xưa, tranh truyền thần chỉ dùng để thờ cúng người đã khuất trong gia đình hay trong đình, đền. Song những năm gần đây cửa hàng ông Nguyên thường xuyên đón những vị khách trẻ tuổi đến yêu cầu vẽ tranh để tặng, để treo hay vẽ lại ảnh cưới. Ông được nhiều người trong và ngoài nước biết đến, được mời triển lãm ở Nhật Bản, Mỹ, Pháp… Giữa nhịp sống hối hả và sự lên ngôi của ảnh màu rực rỡ, máy ảnh tiện lợi ông Nguyên tự hào mình vẫn nuôi sống được gia đình bằng những bức họa với hai màu đen trắng. Ðã đến tuổi nghỉ ngơi nhưng dường như ông không thể gỡ ông ra khỏi chiếc giá vẽ đã mòn cũ bởi ông vẫn quả quyết: “Tôi yêu và gắn bó với cái nghiệp này, sẽ còn làm đến khi nào ông trời cho nghỉ”.


Đinh Nha Trang