“Vua đồ cổ Sài Thành” một đời hai nghiệp 13/05/2013 15:37
Lão bận chiếc quần kaki màu trắng, chiếc sơ mi cũng màu trắng, đôi giày da màu nâu, trên đầu nghênh nghênh một chiếc mũ cát-két kiểu Pháp… nhìn dáng vẻ, phong thái này, ai cũng nghĩ: Hoàng Văn Cường là một đại gia phong trần. Thì đúng đó, lão là một đại gia – đại gia đồ cổ. Nhưng có lẽ, hai chữ “đại gia” chưa đủ đối với gia sản mà Cường có. Người ta tôn lão là vua đồ cổ đất Sài thành, lão cười sảng khoái đến lạ kỳ…




Từ “thằng bé lang thang” tới “vua đồ cổ”

“Tôi cũng may mắn được sinh ra và lớn lên trong gia đình ba đời buôn bán nghề đồ cổ” – Lão vui vẻ bảo vậy. Hóa ra một phần gốc tích của thú đam mê sưu tầm đồ cổ là đây. Lão cười khoái chí lắm!

Hoàng Văn Cường sinh năm 1949 ở Huế. Lúc bấy giờ, dù gia đình làm ăn có khá khẩm nhưng cực nỗi nhà đông con nên khó vẫn hoàn khó. Năm 10 tuổi, Cường cảm thấy đất quê mình “chó ăn đá, gà ăn sỏi” mà “con người có tay, có chân mà phải chịu đói thì nhục và hèn nhát quá!”, cậu rời xa mảnh đất quê nhà, một mình lăn lội vào Sài Gòn bắt đầu cuộc sống tự lập. Một thằng bé còm nhom mới tí tuổi đầu thì biết làm cái gì, học hành chưa đến nơi đến chốn, sức thì chẳng có để bốc vác như người ta. Nhưng Cường sẵn sàng làm mọi việc để sinh tồn ở chốn thị thành – nơi quân đội Mỹ đang chiếm giữ.

Cường đi bán báo, đánh giày, làm đủ nghề mà một thằng bé có thể làm, thậm chí là hơn thế để có tiền đi học. Ở quê, anh em nhiều, muốn học hành tử tế cũng trở thành giấc mơ viển vông. Vào đây, cậu được học văn hóa, học ngoại ngữ ở các lớp bình dân học vụ. Với cậu nhóc ấy thế đã là quá đủ. May cho hắn là thời gian đi làm, hắn được tiếp xúc với nhiều sỹ quan quân đội Mỹ, thế nên, Cường có nhiều cơ hội để trau dồi và nâng cao khả năng ngoại ngữ của mình.




Một thân, một mình chốn đất khách quê người, thằng nhóc 10 tuổi nhiều lúc “đói xanh mắt” nhưng cậu không bao giờ dám làm cái việc mà hồi ấy những đứa trẻ lang thang khác thường làm. Ðó là “tiện tay móc túi” của khách trong các quán bar. Cường cứ ngồi một xó và chờ đợi khách đến đánh giày hay mua tờ báo của cậu. Cường tỏ vẻ chính trực hơn người dù cậu chỉ là một thằng bé lang thang. Trước cái vẻ lạ lùng của một thằng bé lang thang như Cường đã khiến một viên Ðại úy quân đội Mỹ tò mò. Ông ta gọi Cường tới hỏi: Từ đâu đến? Cường đáp: Ở xa lắm! Tận Huế cơ. Viên Ðại úy tỏ vẻ ngạc nhiên: Vào đây một mình à? Cường gật đầu. Viên Ðại úy thấy hứng thú với thằng nhóc: Nó mới chỉ 10 tuổi mà dám một mình vào đây tự lập và nó hoàn toàn khác với những thằng bé lang thang khác. Ông ta đưa hắn về trại lính Mỹ. Chính giây phút này, đời thằng bé lang thang bước sang trang mới.


Ở đây, Cường được học văn hóa, được học ngoại ngữ và trở thành người “thầu” công việc giặt quần áo cho lính. Bên cạnh đó, cậu cũng tận dụng thời gian đi gom, nhặt vỏ lựu đạn, đồ sắt, nhôm… phế thải để bán. Lúc ấy, Việt Nam chưa có nhà máy gang, thép hay chế biến đồ phế liệu, Cường đã chuyển những thứ gom được bán sang Nhật Bản, Hàn Quốc. “14 tuổi tôi đã là triệu phú. Là triệu phú đô la đàng hoàng nhé!” – Hoàng Văn Cường vẫn thường hay khoe vậy với những ai thân thiết.

Nhưng cho đến giờ, lão hay đùa lão là “Cường không đô”. Bán được phế liệu cũng nhiều, nhưng từ năm 20 tuổi, Cường phát hiện có những thứ “rác lá” cần phải giữ lại, cần mua chứ không thể bán. Lão có cái may là sinh ra trong một gia đình bán đồ cổ, đó cũng là cái duyên rồi, nhưng lão nghĩ: “Chẳng lẽ cha làm thầy, con đọc sách”. Cường nhìn những cổ vật được gọi là “di sản văn hóa” của đất nước lọt vào tay người nước ngoài và lưu lạc tứ xứ, lão đứng ngồi không yên. “Mình đi làm, có tiền, mình muốn góp nhặt “rác lá” đó. Ðó là tích lũy được văn hóa”. Và hơn 40 năm đã trôi qua, lão thôi không bán nữa mà hắn mua về giữ.




Ngày lại qua ngày, khối gia sản của lão lớn dần và căn nhà nhỏ ở phố Ðông Du, Quận 1, TPHCM đã trở nên chật ních. Cổ vật cứ chồng chéo lên nhau đến “chết nghẹt” khiến Hoàng Văn Cường cảm thấy xót xa. Cường khó chịu, cồn cào… Lão phải tìm cho kỳ được một nơi để “gia sản” được “sống”. Mày mò rồi cũng có nơi cho “kho tàng” của lão “thường trú”. Một bảo tàng tư nhân ra đời tọa lạc ở quận Thủ Ðức với không gian nhà sàn người Thái, nhà rường của Huế chứa tới 2.000 cổ vật, sớm nhất là thời Ðông Sơn, muộn nhất là Triều Nguyễn: Ðồ ngự dụng từ triều Nguyễn (Huế) như giường bà Từ Dũ nằm, ngai vàng (dùng để thờ), trên 200 loại ấm pha trà, vò đựng rượu, đèn và chân đèn...


“Tôi chơi nhưng cũng phải có nét đặc trưng của mỹ thuật, văn hóa trong đó. Vì tôi muốn biến không gian đó thành chỗ trưng bày có ý nghĩa, gồm cả ba miền: Bắc, Trung, Nam đàng hoàng. Vừa phục vụ đại đồng công chúng, vừa phục vụ khách du lịch. Ðến Việt Nam, họ thấy nhà cao cửa rộng, khách sạn cao tầng… đó không phải là văn hóa. Văn hóa là từ trong con người Việt Nam ý thức được, giữ gìn và bảo tồn”.

Ai đến bảo tàng của Hoàng Văn Cường, thấy những căn nhà khá bụi bặm, mạng nhện chi chít, có lẽ người ta sẽ vô tình nghi ngại “có thực lão này là vua đồ cổ Sài thành không nhỉ?”. Bấy lâu, người ta vẫn nghĩ: yêu, đam mê cái gì đó thì phải chăm chút cho nó tươm tất, sạch sẽ, nhưng với vị chủ nhân bảo tàng này: “Thế mới là cổ!”. Cứ có tiền, Cường lại dồn vào mua cổ vật, thường chỉ mua hoặc cho các bảo tàng khác mượn chứ không bán. “Kho tàng” cổ vật này là nỗi “thèm thuồng” của biết bao người sưu tầm đồ cổ. Họ ra giá hàng chục triệu đô và tìm đủ mọi cách để thuyết phục Cường bán: “Hay thật đấy! Họ hết nài nỉ, gạ gẫm, rồi đe dọa, khích bác để tôi bán, nhưng tôi không bán”.

Cường phóng khoáng, ga lăng. Lão có thể vung hàng đống tiền để ăn uống, chơi bời, và nhất là để mua những cổ vật có giá trị chứ lão nhất quyết không chịu bán “những đứa con tinh thần” của mình. Hoàng Văn Cường đã có những năm tháng cực kỳ nghèo khó nhưng chưa bao giờ lão bán đi cổ vật nào. Tâm nguyện của Cường là mua thêm để giữ lại cho đất nước chứ không bán đi. Vì thế, nhiều lần Cường qua Trung Quốc, Philippines để mua cổ vật đấu giá của Việt Nam để mang về. Tiền cứ thế ra đi mà cổ vật trong nhà, trong bảo tàng của Cường thì ngày càng tăng lên. Cường tâm niệm rằng: Tiền chỉ là phương tiện. Nó đến với mình được, nó cũng có thể đi được. Mà nó đi nó cũng chẳng chào mình một câu, mình đâu biết nó đi lúc nào. Nhưng… cổ vật là linh hồn đấy! Linh hồn của lịch sử văn hóa.



Chính vì linh hồn cổ vật mà Cường “ham” đến thế. Mỗi khi một cổ vật “lọt vào mắt xanh” của Cường là hắn quyết đem về bằng được, rồi lão lại chia sẻ với mọi người, đặc biệt là người trông coi bảo tàng của mình – anh Nguyễn Ðức Anh Trung. Lão kể nhiều và dặn dò tới mức, từ một người chẳng bao giờ quan tâm cổ vật là gì như anh Trung lại đâm ra gắn bó và trân trọng những di sản này: “Mỗi khi sưu tập được đổ cổ ông ấy đều tâm sự dặn dò tôi. Ông bảo đồ này rất quý, cha ông bao nhiêu đời để lại, 13 vua, 9 chúa rồi đó, cháu phải trông nom kỹ càng cho chú. Ðây là những đổ cổ, những vật đây nhiều linh hồn, rất linh thiêng”.


“Vua đồ cổ” gần như chung sống, ăn ở với đồ cổ. Lão dành một gian phòng nhỏ nằm dưới nhà sàn người Thái để thường xuyên lui tới nghỉ ngơi và săn sóc “những đứa con tinh thần” của mình. Không ngày nào Cường không lên đây. Căn phòng nhỏ cũng được bài trí và sử dụng những đồ dùng cổ kính như tủ sách, tủ quần áo, bàn ghế, chiếc giường nho nhỏ… Mọi sinh hoạt của Cường đều không tách rời chúng.

“Cái nhà kia mà để trưng bày cổ vật thì quá tuyệt vời!” – Lão trầm trồ khi ngắm nhìn ngôi nhà ven Xa lộ Hà Nội. Kỳ thực, Cường “thèm” lắm những không gian mới cho “gia sản” này. Nó quá lớn và nó cần những nơi xứng tầm với nó. Ðó là tâm nguyện trong quãng đời còn lại của Cường khi tuổi lão đã bắt đầu chạm ngưỡng 65.

Ký ức trở về dưới bia hồi niệm

Ai đã từng tới bảo tàng của Hoàng Văn Cường không chỉ được chiêm ngưỡng cổ vật quý hiếm mà còn được chính “Vua đồ cổ” Sài thành giới thiệu về tấm bia hồi niệm đặt một góc trước bảo tàng của lão. Cường tự hào về tấm bia ấy lắm: “Chưa có ai làm được điều này. Có lẽ đây là bia hồi niệm duy nhất ở Việt Nam đấy!”. Lão kết luận như vậy là có nguyên do bởi đó là “Bia hồi niệm các nhà báo đã hy sinh trong chiến tranh Ðông Dương 1945 – 1975”. Trên đó có khắc hơn 100 nhà báo hy sinh và mất tích trong cuộc chiến tranh Việt Nam, trong đó có 80 nhà báo miền Bắc, 4 nhà báo miền Nam, 10 nhà báo Mỹ, 7 nhà báo Pháp, 15 nhà báo Campuchia và hơn 30 nhà báo các quốc tịch khác. Ở đây, người ta còn thấy những chiếc mũ mà các nhà báo thời chiến tranh đã đội khi tác nghiệp.
Cường bảo: “Cuộc đời tôi gắn với hai nghề”. Ðằng sau tên tuổi là “Vua đồ cổ” Sài thành, Hoàng Văn Cường còn được biết đến như một “Newsman”.




Cùng với Nick Út – tác giả của tấm ảnh Cô gái Napalm, Hoàng Văn Cường là khuôn mặt khá nổi trội được làng báo chí thế giới biết đến. Cũng chính quãng thời gian gắn bó với báo chí mà nay bia hồi niệm dựng lên giữa bảo tàng của lão trở thành nơi để hắn cùng những đồng nghiệp trước đây nhớ về những tháng năm tác nghiệp vất vả và trân trọng sự hy sinh của những người đi tìm hai tiếng “sự thật”.


Hồi ấy để làm một phóng viên đã khó mà lại là phóng viên cho một hãng thông tấn quốc tế thì càng khó hơn. Vượt qua trăm đối thủ, Cường là một trong số ít người Việt “xính” được hợp đồng phóng viên nhiếp ảnh của Hãng thông tấn UPI Hoa Kỳ. Năm ấy, Hoàng Văn Cường mới 18 tuổi.

Gần 40 năm chiến tranh đã qua đi nhưng những ký ức về chiến tranh, những dấu tích về lịch sử vẫn được Cường lưu lại. Những tấm ảnh mà Cường chụp bằng chiếc máy cơ chuyên dụng: những đau thương, những mất mát ở hai phía chiến trường Việt Nam – Mỹ: Ảnh chiến đấu của quân giải phóng Việt Nam, ảnh lính Mỹ bắt người cộng sản Việt Nam, ảnh xe tăng tiến vào dinh Ðộc Lập sáng 30/4/1975... Rất nhiều tấm ảnh về chiến tranh Việt Nam lúc bấy giờ của Cường được nhiều báo chí nước ngoài mua với giá cao. Trong đó có bức ảnh chấn động dư luận thế giới về cuộc di tản khỏi Nha Trang đầu tháng 4/1975, ghi nhận khoảnh khắc một viên chức Mỹ đấm vào mặt một thanh niên Việt Nam đang cố bám vào máy bay trực thăng chuẩn bị cất cánh. “Cảnh tàn bạo này mà có giá triệu đô đấy!” – Cường nói.

Người ta nói làm phóng viên, làm báo là sướng lắm, cứ như quan vậy, còn với Cường: Làm báo là khùng, là điên. Nói có vẻ mâu thuẫn, nếu khùng sao lão còn theo đuổi? Lão cười một cách lạ lùng nhưng rồi phân giải: Bom đạn vô tình, ai biết lúc nào chết. Vậy mà biết bao phóng viên chiến trường cứ nhằm chỗ chết mà lao vào. Họ chỉ biết theo đuổi “sự thật” mà “sự thật” thì không phải lúc nào cũng được ưa chuộng. Là phóng viên thì phải nắm bắt được cả hai mặt trận. Nhiều lúc mình là phóng viên Hãng thông tấn của Mỹ, nếu không khôn ngoan khi đi vào khu quân giải phóng thì không biết sẽ như thế nào. Chẳng khùng là gì!
“Nhưng…” ngậm ngùi một lúc, lão mỉm cười – một nụ cười của kẻ như đã có được thứ mình muốn: “đó là nghề đẹp nhất mà tôi được biết!”



Nhìn tấm ảnh người nữ thanh niên xung phong bị lính Mỹ kéo đi một cách thương tâm. Tôi hỏi: “Tấm ảnh này được chụp như thế nào?”. Lão nhìn một hồi rồi giọng lạc đi: “Câu chuyện về tấm ảnh này… buồn lắm!”. Lão không nói gì thêm, bàn tay từ từ lật sang trang album ảnh khác cho tôi xem. Tôi nhìn ông tò mò, nhưng tôi biết có tò mò cũng vậy. Chỉ cần nhìn tấm ảnh ấy thôi và cái ngậm ngùi trong giọng nói, gương mặt của lão khi nhìn tấm ảnh ấy, cũng đủ thấy sự bi thương đằng sau nó và sự phi nghĩa của cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành lúc bấy giờ. Lão thực sự phải can đảm và gắng gượng kìm nén cảm xúc của mình để chụp tấm ảnh “buồn” ấy. “Ðôi khi phải “nhìn” nhưng phải “nhịn”. Làm báo là phải can đảm lên!”. Từ những câu chuyện của mình, Cường luôn nhắc nhở tôi như vậy mỗi khi tôi đến chơi và có dịp trò chuyện với Cường vì lão chê tôi “làm báo mà hiền quá!”.


Cường không ngần ngại khi là người Việt Nam mà đi làm cho báo chí Mỹ. Lão bảo: Báo chí là đại diện cho nhân loại, là nói lên sự thật. Người dân thế giới đều có quyền biết về tình hình chiến tranh ở Việt Nam. Và nghiệp báo của lão là phục vụ cho đại đồng công chúng không phân biệt dân tộc, đất nước. Sứ mệnh của lão là ghi lại những hình ảnh của lịch sử dù là quân đội Mỹ hay Việt Nam.

“Một phút chốc anh làm nên Lịch Sử/ Tên anh viết bằng chữ Trăng Sao 30/4/2013” – đó là dòng chữ được đề dưới tấm ảnh một chàng trai đeo chiếc máy ảnh, cười rất tươi bên cạnh xe tăng trước dinh Ðộc Lập. Bên trái đề thêm: “Tác giả: Hoàng Văn Cường, một chứng nhân lịch sử”. Cường bảo: chàng trai trong ảnh chính là lão hồi trẻ. Trong buổi sáng lịch sử ngày 30/4/1975, Hoàng Văn Cường được văn phòng UPI Sài Gòn yêu cầu ra ngoại ô để có những hình ảnh nóng nhất. Ðến ngã ba Vũng Tàu thì bất ngờ gặp xe tăng của Quân đội Việt Nam. Cường đã tháo áo giáp chống đạn, để lộ chiếc áo trắng và lỉnh kỉnh đủ thứ máy ảnh rồi giơ tay vẫy xe quá giang.

Quân giải phóng hỏi Cường đủ thứ nhưng Cường lại trả lời bằng tiếng Nhật. Họ ngỡ anh là phóng viên Nhật nên cho Cường tham gia lịch sử và bất ngờ Cường vừa trở thành người dẫn đường, và là phóng viên hãng UPI duy nhất có mặt tại dinh Ðộc Lập. Nhiều người từng thắc mắc: Sao lão phải giả bộ làm phóng viên Nhật? Cường bảo đó là bản năng tự vệ: “Lúc ấy là chiến tranh và tôi làm cho một hãng thông tấn của Mỹ. Thật sự ai biết họ sẽ làm gì. Lúc ấy chỉ biết cách vận dụng những thứ mình có được để tự vệ. Và tôi đã giả làm một phóng viên của Nhật đến đưa tin về chiến tranh của Việt Nam”.
Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử vẫn còn lưu giữ tấm ảnh Hoàng Văn Cường đang bấm máy chân dung Bùi Quang Thận khi người đại đội trưởng xe tăng này vừa cắm cờ xong trên nóc Dinh.

Trong bức ảnh cạnh xe tăng trước Dinh Ðộc Lập, nụ cười của Hoàng Văn Cường bên chiếc xe tăng của quân giải phóng đã khiến nhiều hãng thông tấn, báo chí nước ngoài thắc mắc: Vì sao lão là một phóng viên của Hãng thông tấn UPI Hoa Kỳ mà lại cảm thấy vui thế khi quân giải phóng tiến vào được dinh Ðộc Lập? Cường không ngần ngại trả lời: “Tôi thấy vui bởi vì từ đây anh em, đồng bào, dân tộc của tôi không còn phải đâm chém, chĩa súng vào nhau nữa”. Chính vì thế, dù chiến tranh đi qua, biết bao đồng nghiệp của lão về Mỹ làm việc và sinh sống, nhưng Cường vẫn quyết định ở lại Việt Nam, bởi: “Tôi là người Việt Nam, đây là quê hương tôi” - Lão luôn tự hào mỗi khi chia sẻ trên CNN hay BBC và các trang báo chí quốc tế khác và cũng trở thành câu chuyện Cường luôn miệng tâm sự với những người lão vô cùng yêu mến.

Dù không còn làm báo nhưng Cường vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với bạn bè, anh em báo chí thế giới như: Nick Út – tác giả của tấm ảnh Cô gái Napalm hay Peter Arnett – tác giả kịch bản phim Việt Nam – cuộc chiến tranh 10.000 ngày…. Cứ mỗi dịp gặp gỡ, họ lại cùng nhau ôn lại kỷ niệm làm báo thời chiến tranh ở Việt Nam. Và nơi họ không bao giờ quên lui tới, đó là bia hồi niệm các nhà báo, phóng viên đã hy sinh trong cuộc chiến tranh ở Ðông Dương tại bảo tàng tư nhân của “Vua đồ cổ” Sài thành – Hoàng Văn Cường.

Cát Thảo