Tịnh Ðộ không có sự truyền thừa như chư Tổ bên Thiền tông. Sở dĩ có chư Tổ Tịnh Ðộ là do các vị Tăng, tục tu môn niệm Phật đời sau, hợp lại chọn những bậc siêu xuất mà suy tôn. Sự siêu xuất ấy biểu lộ trên ba quan điểm:

1. Về phần kiến thức, phải là bậc hiểu sâu cả Tông lẫn Giáo, ngộ đến thượng thừa.

2. Về phần đạo hạnh, phải giới phẩm tinh nghiêm, tu hành tinh tấn. Khi lâm chung có triệu chứng vãng sanh.

3. Về phần hoằng hóa, phải có công tuyên dương Tịnh Ðộ, hộ trì chánh pháp, khuyến đạo ngàn muôn người niệm Phật.

Trong Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục chỉ ghi có mười một vị Tổ tông Tịnh Ðộ. Về sau nơi đạo tràng Linh Nham, ngài Ấn Quang họp các liên hữu tăng tục, suy tôn Hành Sách Ðại Sư làm vị Tổ thứ mười, đưa Thật Hiền Ðại Sư lên hàng thứ mười một và Tế Tỉnh Ðại Sư lên hàng thứ mười hai. Sau khi Ấn Quang Ðại Sư vãng sanh, chư liên hữu xét thấy ngài có công lớn với Tịnh Ðộ, mới họp lại đồng suy tôn lên làm vị Tổ thứ mười ba.

Thiền tông tuy có y bát truyền thừa, nhưng mục đích dùng để hiểu tín với quần chúng. Sau đời Lục Tổ, chỉ truyền pháp không còn truyền y bát, vì lúc ấy Thiền hóa đã thạnh hành. Bên Tịnh Ðộ, chư Ðại Sư cũng thuần vì bi trí lợi sanh, không tự gọi mình là Tổ. Chỉ sau khi các ngài viên tịch, người đời sau mới suy tôn lên. Nhưng thật ra, xét kỳ qua mọi phương diện, các vị đều là bậc thánh nhơn ứng hóa, xứng đáng được tôn là Tổ. Những bậc cao tăng thông thường không thể làm được như vậy.

Trong mười ba vị Tổ của Tịnh Ðộ, đã có bảy ngài nguyên là Thiền sư được chánh truyền. Các vị ấy là: Thừa Viễn, Vĩnh Minh, Liên Trì, Ngẫu Ích, Hành Sách, Tỉnh Am và Triệt Ngộ. Tại sao các ngài đã ngộ Thiền mà không hoằng Thiền, trở lại hoằng Tịnh? Trong đây có ba nguyên yếu:

1. Về pháp môn: Trực Chỉ Thiền chỉ có lợi cho bậc thượng thượng căn, hàng trung, hạ khó bề thể nhập (“Phi thượng thượng căn, thận vật khinh hứa” - Tổ ngữ). Còn môn Tịnh Ðộ thì lợi khắp cả ba căn. Hàng thượng thượng căn tu Tịnh Ðộ có thể hiện đời ngộ được bản tâm, chứng Niệm Phật tam muội, khi mạng chung sanh về Thượng phẩm. Dù kẻ tối hạ căn nếu chuyên niệm Phật cũng được đới nghiệp vãng sanh, lên ngôi Bất Thối. Khi đã vãng sanh, kề cận Di Ðà, gần gũi thánh chúng, thọ mạng vô biên kiếp, lo gì không ngộ chân tâm, chứng thánh quả! Vì sự lợi ích rộng rãi chắc chắn như thế, các ngài mới khuyên tu Tịnh Ðộ!

2. Về thời tiết: Trong thời Chánh Pháp, có thật hành phần nhiều đều chứng quả, hoặc đi sâu vào thiền định để làm cơ bản cho những kiếp tu sau. Qua thời Tượng Pháp, sự ngộ đạo còn có ít người huống chi là chứng! Ðến thời Mạt Pháp, như kinh Ðại Tập nói: "Ức ức người tu hành, song khó tìm một người ngộ đạo". Dù được ngộ đạo, nhưng chưa phải chứng, phiền não nghiệp tập hãy còn, khi luân hồi bị phước báo làm mê, mười người đã thối chuyển hết chín. Do đó, từ cuối thời Tượng bước sang Mạt Pháp, chư đại thiện tri thức lần lần chuyển hướng dạy người tu Tịnh Ðộ. Vì bấy giờ thiền hóa còn thạnh hành, các ngài thị hiện phương tiện, trước triệt ngộ Thiền cơ, sau hoằng dương Tịnh Ðộ, mới được người đương thời tín nhiệm tuân hành.

3. Về cơ duyên: Từ đầu Mạt Pháp trở về sau, căn cơ của quần chúng hầu hết là hạng trung, hạ. Muốn thật hiện mục đích lợi sanh trong thời đại này, chư Bồ Tát phải tùy cơ duyên mà chủ trương Tịnh Ðộ. Các tông khác tuy cũng rất cần chấn hưng, nhưng chỉ thuộc phần thứ yếu, bởi sự lợi ích không được phổ cập. Từ trước chư tôn túc trong các tông khác xét biết điều này, nên tuy vẫn hoằng dương bổn môn mà phần nhiều đều quy hướng Tịnh Ðộ. Như Chân Yết Liễu thiền sư nói: "Những vị dưới tông Tào Ðộng đều mật tu Tịnh Ðộ, bởi Tịnh Ðộ thấy Phật còn dễ hơn Thiền tông" (Ðộng hạ nhất tông giai cụ mật tu, dĩ Tịnh Ðộ kiến Phật vưu giản vị ư Tông môn).

Về như thời cận đại, Ðế Nhàn Pháp Sư tuy truyền bá tông Thiên Thai, song vẫn niệm Phật. Khi sắp viên tịch, ngài đọc lời kệ khuyến tấn đại chúng:

Tôi nhờ niệm Phật.
Tịnh Ðộ hiện tiền.
Thọ dụng chân thật.
Chúng gắng tinh chuyên!
Ấn Quang Pháp Sư trong bức thư gởi cho Thể An Hòa thượng có nói: "Trong mấy mươi năm lịch duyệt Bắc, Nam, đi về hàng muôn dặm, tôi kinh nghiệm thấy những vị thông minh hiểu suốt Tông giáo, khinh thường Tịnh Ðộ, khi lâm chung phần nhiều mê loạn, đôi khi có trạng thái kêu la. Còn những người chân thật niệm Phật, dù tín nguyện chưa chí thiết, không có thoại ứng lúc lâm chung, nhưng họ chết đều yên ổn cả".

Cho nên, từ lúc sanh tiền đến khi quá vãng, môn Niệm Phật đích thật là con thuyền cứu khổ nhơn sanh trong thời buổi này vậy.

(Trích Mấy Điệu Sen Thanh)