Hành xử công bằng của Nguyên soái Giucốp


08:17 | 09/05/2013
Ngày 9/5 là ngày kỷ niệm chiến thắng hoàn toàn của các nước đồng minh chống phát xít. Hồng quân Liên Xô và quân đồng minh đã giành chiến thắng trước quân đội Đức Quốc xã, mở ra trang mới cho lịch sử toàn thế giới. Nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Chiến thắng Phát xít, Petrotimes xin được trích đăng bút ký về tiểu sử Nguyên soái Liên Xô G.C. Giucốp của Nhà văn Liên Xô K.M.Ximônôp giúp bạn đọc hiểu thêm về sự kiện và con người nổi tiếng này.


"Trong buổi nói chuyện giữa chúng tôi vào năm 1950, Giucốp hay nói về vấn đề đồng chí hằng quan tâm là cần phải đánh giá thật khách quan những lực lượng và khả năng của địch - cả trong lịch sử, cả cho ngày nay và mai sau. Thật đáng tiếc là tôi không ghi chép câu chuyện ấy nên không thể dẫn ra đây các chi tiết, không dám liều lĩnh nói cương. Song nhân đây, tôi có thể dẫn ra những vấn đề Giucốp nói tới trong những lần nói chuyện về sau. Nội dung các vấn đề ấy, tôi có ghi lại. Một số ghi chép được như sau: “Rốt cuộc lại sẽ phải nhìn thẳng vào sự thật; không được e ngại, phải nói những cái có thật đã xảy ra. Phải đánh giá những mặt mạnh của quân Đức mà chúng ta buộc phải đương đầu từ những ngày đầu chiến tranh. Không phải chúng ta buộc phải rút lui đến hàng ngàn kilômét trước những quân ngu ngốc, mà trước một đạo quân mạnh nhất thế giới.

Phải nói rõ, quân Đức lúc bắt đầu chiến tranh giỏi hơn quân đội chúng ta, được huấn luyện, được trang bị tốt hơn và đã sẵn sàng chiến tranh về mặt tâm lý hơn chúng ta. Quân Đức có những kinh nghiệm chiến tranh và thêm nữa lại là những cuộc chiến tranh đã đánh thắng. Những cái đó giữ một vai trò lớn. Cũng lại phải thừa nhận, Bộ Tổng tham mưu Đức và các cơ quan tham mưu Đức nói chung hồi đó làm việc tốt hơn Bộ Tổng tham mưu và các cơ quan tham mưu của chúng ta. Những người tư lệnh quân Đức trong thời kỳ ấy suy nghĩ sâu hơn và tốt hơn những người tư lệnh chúng ta. Trong quá trình chiến tranh, chúng ta mới học tập và đã học tập được và mới đánh được quân Đức. Nhưng đó là một tiến trình dài. Cái tiến trình này bắt đầu khi bên phía quân Đức chiếm ưu thế hơn ta về mọi mặt”.




Nguyên soái Giucốp
Chúng ta cũng không được ngần ngại khi viết về tình trạng không ổn định của bộ đội ta trong thời kỳ đầu chiến tranh. Do không ổn định, nên bộ đội chẳng những rút lui, mà còn bỏ chạy và lâm vào tình trạng hoang mang. Khuynh hướng không muốn công nhận tình trạng đó, bởi e rằng, nếu nói như vậy thì ra nhân dân không có lỗi mà chỉ ban lãnh đạo có lỗi. Về đại thể, thì điều đó đúng. Mà kết quả cũng thực như vậy. Nhưng nếu nói một cách cụ thể, thì lúc bắt đầu chiến tranh, chúng ta đã chiến đấu tồi cả ở cấp trên và cả ở bên dưới. Không có gì phải giữ bí mật, rằng các sư đoàn chúng ta, có sư đoàn đánh tốt, rất kiên cường, song lại có sư đoàn bỏ chạy khi bị địch tiến công y hệt như thế. Có những người chỉ huy khác nhau, sư đoàn khác nhau và cả mức độ kiên cường khác nhau.

Chúng ta cần nói và viết về tất cả những cái đó. Tôi có lần nói, ở đây có cả những mặt sư phạm của vấn đề, bởi các bạn đọc hiện nay, trong đó có các thanh niên sẽ không được nghĩ rằng, tất cả chỉ phụ thuộc vào Bộ Chỉ huy. Không. Thắng lợi phụ thuộc vào tất cả, vào từng con người trong chiến đấu. Chúng ta biết đấy, trong những điều kiện như nhau mà có người tỏ ra kiên cường, có người lại không. Cho nên vấn đề này không thể không được nói tới.

- Khi nói về sự thất bại của quân Đức trong chiến tranh, giờ đây chúng ta hay nhắc đến, cho là không phải chỉ có sai lầm của Hitle, mà sai lầm của cả Bộ Tổng tham mưu quân Đức. Song, cần phải nói thêm rằng, những sai lầm của Hitle càng làm cho Bộ Tổng tham mưu của chúng sai lầm thêm, bởi Hitle thường làm trở ngại cho Bộ Tổng tham mưu quân Đức không thể thông qua được những quyết định đúng đắn hơn, chín chắn hơn. Năm 1941, sau khi quân Đức bị đập tan ở gần Mátxcơva, Hitle đã cách chức Braokhích, Bốc cùng một loạt những viên tư lệnh khác và đảm nhận lấy quyền chỉ huy các lực lượng bộ binh Đức. Hitle làm như vậy đã giúp ích nhiều cho chúng ta. Sau đó thì Bộ Tổng tham mưu quân Đức và cả những viên tư lệnh các cụm tập đoàn quân Đức càng bị trói buộc nhiều hơn trước. Sự chủ động của họ bị tê liệt. Những quyết định của Hitle bấy giờ lại là Tổng tư lệnh Lục quân nên trở thành tuyệt đối lớn hơn hết thảy. Mức độ độc lập giải quyết những vấn đề tác chiến vốn dĩ vẫn dành cho quân đội Đức trước đây bị giảm thấp cùng với sự thải hồi Braokhích đều là những việc tất nhiên có lợi cho chúng ta.

- Nếu theo dõi tiến trình lịch sử chiến tranh trong thời kỳ thứ hai, thứ ba này, thì chúng ta có thể đếm được nhiều tình thế bị lặp lại về nguyên tắc mà quân Đức trước sau vẫn cứ rơi vào tình thế không xử lý nổi, vẫn bị hợp vây, hút vào những lòng chảo và mặc dù tình thế đã lặp đi lặp lại nhiều lần như thế, song chúng vẫn không thể quen với chiến đấu trong tình huống bị thất bại và rút lui thật lạ lùng đối với chúng.

Hãy đơn cử ra tình huống, chẳng hạn như vào trước cuộc tiến công của chúng ta ở Bêlaruxia vào mùa hè năm 1944, mà chỉ cần nhìn vào bản đồ cũng thấy rất rõ chúng ta có thể sẽ mở những đòn đột kích vào chúng trên ba hướng và có thể tạo nên chiếc lòng chảo Bêlarútxia và kết quả là có thể đột phá kết thúc chiến dịch trên chiều rộng 300-400 kilômét mà quân Đức sẽ không thể chống đỡ nổi. Chúng hoàn toàn có thể nhìn thấy trước những sự kiện đó.

Lôgíc của các sự kiện, sự am hiểu tối thiểu về mặt quân sự nhắc chúng phải rút quân ra khỏi chiếc lòng chảo tương lai đó, thu hẹp và tăng mật độ trên chính diện lên, xây dựng những đội dự bị chiến dịch ở phía sau chính diện đó. Tóm lại, là tất cả những gì đòi hỏi phải làm trong những trường hợp ấy. Nhưng quân Đức lại không làm thế và hậu quả đã bị tiêu diệt trong chiến dịch Bêlarútxia.

Nhưng sau này, khi bị lâm vào tình thế rất nặng nề, không sao có thể chống đỡ nổi cuộc đột phá trên chính diện 400 kilômét, ta cũng phải nói cho thỏa đáng là chúng đã tìm được một lối thoát táo bạo và đúng. Thay vì phải kéo quân ra để bịt lấy những cửa mở rộng hoác này, chúng đã tập trung lập thành từng cụm quân đột kích và đón đánh chúng ta ở giữa khoảng không gian trống trải ấy. Do đó chúng đã kìm được quân ta, buộc ta phải giao chiến với chúng. Như vậy chúng đã làm chậm bước tiến của quân ta. Nhờ cuộc đột kích táo bạo và bất ngờ này đối với chúng ta nên sau khi bị tiêu diệt trong chiếc lòng chảo Bêlarútxia, chúng đã kịp làm được việc xây dựng tuyến phòng ngự ở phía sau. Chúng ta phải công nhận quyết định ấy của bọn chúng là táo bạo và thông minh”.

Những đoạn trích ở đây dẫn trong các cuộc nói chuyện vào năm 1955 mà tôi còn nhớ là nó rất gần gũi với những chuyện Giucốp nói với tôi trước đây trong Văn phòng Bộ Quốc phòng. Hồi đó, câu chuyện cũng chỉ xoay quanh vấn đề: đánh giá cho thật khách quan các hành động của chúng ta, dù là những hành động thất bại hay thắng lợi.

Vào tháng 5 năm 1956, sau việc tự sát của Phađêép (Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Tổng thư ký Hội Nhà văn Liên Xô), tôi gặp Giucốp trong phòng tang lễ của Chủ tịch đoàn Ủy ban Trung ương Đảng, nơi tập trung tất cả những ai được cử làm hàng rào danh dự đứng bên linh cữu của Phađêép. Giucốp đến sớm hơn thời gian đã dự định, nên chúng tôi lại có dịp ngồi với nhau một góc phòng nói chuyện được nửa tiếng đồng hồ.

Câu chuyện thật bất ngờ với tôi và bất ngờ với cả khung cảnh ấy. Giucốp nói, sau Đại hội Đảng lần thứ 20 được ít lâu có một sự việc khiến đồng chí ấy xúc động và hào hứng. Đó là vấn đề phục hồi những tiếng tốt cho người bị bắt làm tù binh, mà chủ yếu vào thời kỳ đầu chiến tranh, ở thời điểm quân ta rút lui kéo dài và bị hợp vây quy mô lớn.

Tôi hiểu được phần nào vấn đề này khi đưa ra thảo luận trong Chủ tịch đoàn Ủy ban Trung ương Đảng. Giucốp thời gian ấy là Bộ trưởng Quốc phòng đã đề nghị đưa vấn đề này ra để Đoàn Chủ tịch có quyết định dứt khoát. Đồng chí rất phấn khởi khi được sự ủng hộ có tính nguyên tắc và đã nói thật sốt sắng về sự việc đó hầu như không thấy sự điềm tĩnh và ít lời như thường lệ. Có lẽ, vấn đề này đụng tới vấn đề gì sâu xa, mạnh nhất trong thâm tâm đồng chí. Chắc là (ít ra thì tôi cũng thấy như vậy) Giucốp lâu nay có suy nghĩ tới việc này và nhiều năm trong nội tâm không yên lòng với cách xử lý không đúng. Và không có căn cứ ấy trước đây về vấn đề này. Đồng chí nói đến nỗi đắng cay là theo luật pháp nước Anh, các sĩ quan và binh lính Anh bị bắt làm tù binh thì trong suốt thời gian bị đối phương bắt giữ vẫn tiếp tục hưởng lương, thậm chí còn tăng thêm phụ cấp cho những ai gặp hoàn cảnh khó khăn.




Hồng quân Liên Xô cắm lá cờ chiến thắng vào mùa xuân năm 1945 trên Tòa nhà Quốc hội Đức phát xít ở Berlin
“Còn ở chỗ chúng ta - Giucốp nói - ở chỗ chúng ta thì Mekhơlích lại nghĩ ra được cái định thức: “Những ai bị bắt làm tù binh đều là những kẻ phản bội Tổ quốc” và còn lập luận cho các định thức ấy, rằng những người Xôviết trước nguy cơ bị bắt làm tù binh phải tự sát để kết liễu đời mình. Thực chất ấy là trong tổng số biết bao triệu con người đã hy sinh trong chiến tranh phải cộng thêm mấy triệu người tự sát nữa. Hơn một nửa số người bị bắt làm tù binh đã bị bọn Đức hành hạ, tra tấn, đã chết vì đói khổ và bệnh tật. Nhưng theo như luận chứng của Mekhơlích, thì ngay cả số người còn sống sót, đã vượt qua được cửa ải địa ngục ấy trở về và khi về được đến nhà cũng sẽ phải luôn ăn năn, hối hận rằng, tại sao trong những năm 1941 hoặc 1942 ấy, mình không kết liễu lấy cuộc đời mình”.

Tôi không còn nhớ chính xác hết những lời của Giucốp, nhưng ý nghĩa của nó là cái định thức ấy của Mekhơlích thật đê nhục - không tin cậy vào những chiến sĩ và sĩ quan, đã dựa vào những lập luận không công bằng, cho rằng mọi người bị bắt làm tù binh đều là những con người hèn nhát.
“Hèn nhát, tất nhiên là có những người hèn nhát, song làm sao mà có thể suy nghĩ như vậy đối với mấy triệu chiến sĩ và sĩ quan bị bắt làm tù binh của cái quân đội, mà rốt cuộc, nó đã ngăn chặn và đánh tan được quân Đức.

Phải chăng, tất cả họ đều là những người khác, không phải là những con người mà sau này đã đến tận Béclin? Họ là những con người thuộc loại thử nghiệm khác chăng, tồi tệ hơn, hèn nhát hơn?! Liệu có thể nào lại đem khinh rẻ một cách xô bồ với tất cả những ai đã bị bắt làm tù binh do những tai họa bất ngờ ập đến với họ lúc đầu chiến tranh?...”.

Nhắc lại câu chuyện lúc ban đầu, là vấn đề đau thương này sẽ được xem xét lại và Ủy ban Trung ương Đảng đã nhất trí như thế, Giucốp nói, đồng chí thấy mình có nghĩa vụ của một quân nhân lúc này là sẽ làm tất cả những gì để khôi phục thật triệt để sự công bằng đối xử với tất cả những ai xứng đáng như thế, không được bỏ quên và bỏ qua, mà phải phục hồi phẩm cách của tất cả những chiến sĩ và sĩ quan đã chiến đấu trung thực, lâm vào cảnh ngộ đau đớn bị bắt làm tù binh. “Suốt những ngày này tôi suy nghĩ về công việc ấy và thật bận tâm về nó” - Giucốp nói.

Vào ngày lễ kỷ niệm 20 năm chiến thắng phát xít Đức, lần đầu tiên sau 8 năm nghỉ hưu, Giucốp lại cùng với các nguyên soái khác có mặt tại Chủ tịch đoàn của phiên họp ngày lễ kỷ niệm long trọng này. Đây là một hành động công bằng. Những người có mặt trong phòng họp, mà chí ít cũng là chín phần mười trong số họ đã tham gia chiến tranh cùng lĩnh hội như thế. Họ còn nhớ rõ, Giucốp đã giữ vai trò như thế nào trong chiến tranh.

Trong phiên họp trọng thể này, trong danh sách những người chỉ huy quân sự, khi đọc đến tên Giucốp mà nhiều năm qua đã không được nhắc đến trên một diễn đàn nào, cả gian phòng vang dội tiếng vỗ tay tự phát. Tại diễn đàn này cũng đã từng có nhiều tràng vỗ tay khi đọc đến tên những người đáng được ca ngợi trong chiến tranh và trong những hoàn cảnh khác, khi đọc đến tên Giucốp chắc là cũng không được hưởng ứng thật mãnh liệt đến thế. Cả gian phòng vỗ tay như sấm dậy, biểu lộ sự nhất trí, rằng cái ngày, cái giờ này, rốt cuộc đã khôi phục lại được sự công bằng lịch sử mà trong đáy lòng mọi người, ai cũng luôn luôn khao khát.

Tôi nghĩ rằng, Giucốp trải qua cái giây phút sung sướng ấy đối với đồng chí thật không dễ dàng, bởi trong đó có phần nào sự đắng cay. Những khi không nhắc đến tên đồng chí ấy, thì thời gian cứ tiếp trôi, mà con người lại không thể sống mãi. Ai có thể biết được bên cạnh những ý nghĩ khác, Giucốp lại mảy may không xao xuyến tới một điều đơn giản trong hoàn cảnh thật tàn nhẫn đối với mình và nói chung liệu có thể sống tới cái giây phút này.

Tối hôm ấy cho đến tận đêm khuya, Giucốp đã cùng một số người chỉ huy quân sự tới Cung Văn học ở chỗ chúng tôi tham dự buổi gặp mặt truyền thống hằng năm với các nhà văn - những người đã tham gia chiến tranh. Tính tự chủ và sức mạnh của tính cách đồng chí ấy được biểu lộ ở ngay đây.

Cũng phải nói rằng, cái đêm hôm ấy những người có mặt đều tập trung chú ý trước hết tới Giucốp. Trong cuộc sống, nhiều người với tấm lòng quá nhiệt thành có khi không nhận ra mình trong lúc bộc lộ hết cả tấm lòng đã rơi vào tình trạng thái quá, sẽ đặt người khác vào một tình thế khó khăn chính bởi những tình cảm ấy.

Cái đêm hôm ấy đúng là như thế. Một số người có mặt trong buổi tiếp đón tỏ ra sung sướng trước sự công bằng đã được khôi phục, song đồng thời cũng lại biểu thị sự không công bằng đối với các vị khách quân sự khác. Có lúc, hầu như họ đã quên sự có mặt của những vị ấy.
Nhưng tôi cảm thấy chính Giucốp lại không một giây phút nào quên những vị khách ấy, mà bằng chứng là thái độ xử sự của đồng chí và những cộng sự ấy đang ngồi cùng bàn với mình và những lời nói ngắn mà lúc đầu Giucốp không định phát biểu, khiến tôi không thể bỏ qua.

Giucốp không nói một lời về bản thân, về sự tham gia chiến tranh của mình. Đồng chí chỉ nói đến những công lao lịch sử xứng đáng của nhân dân, của Đảng và quân đội, tiếng nói của một trong những người tham gia cuộc chiến tranh lớn lao nói về những người khác trong chiến tranh.
Tôi nghĩ, những lời nói ấy đích thực là bài học cho các nhà văn chúng tôi, những người đã tỏ ra sung sướng và bộc lộ đến quá mức tình cảm của mình khi thấy Giucốp có mặt. Bản thân tôi cũng ở trong tình trạng đó và đúng là mình cũng đầy lòng khâm phục con người ấy, con người qua nhiều từng trải với những phẩm chất thật cao đẹp…”.

22 giờ ngày 8/5/1945 (0 giờ 43 phút ngày 9/5 theo giờ Mátxcơva), thay mặt nước Đức Quốc xã, thống chế Wilhelm Keitel ký vào định ước xác nhận đầu hàng không điều kiện. Sau đó, lần lượt đại diện các đoàn Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Liên Xô đều ký vào văn bản định ước. Phía Liên Xô có Nguyên soái G. K. Zhukov, Đại tướngV. D. Sokolovsky, Trung tướng K. F. Teleghin và nhà ngoại giao A. Ya. Vysinsky. Đoàn đại biểu quân đội Hoàng gia Anh do thống chế Arthur Tedderđứng đầu, đoàn đại biểu quân đội Hoa Kỳ do tướng Carl A. Spaatz đứng đầu. Đại diện cho quân đội Pháp là thống chế Jean de Lattre de Tassigny.
Ngay sau lễ ký kết định ước, đoàn đại biểu quân sự Liên Xô đã mở tiệc chiêu đãi các đoàn đại biểu đồng minh. Tại buổi tiệc, các tướng lĩnh Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Liên Xô đều bày tỏ lòng mong muốn củng cố và giữ vững mãi mãi các mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các nước trong khối đồng minh chống phát xít.

(Trích Bút ký về tiểu sử G.C.Giucốp - K.M.Ximônốp - Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân 2004)