Với “kịch bản” buồn chuyện gia đình, muốn tìm đến nơi thanh tịnh hay giả vờ làm người lỡ đường ả đã lấy cớ làm quen với các ni cô, chủ trì các chùa xin ngủ qua đêm rồi bỏ thuốc gây mê vào thức uống để cướp tài sản…
Hàng loạt vụ án sau đó xảy ra khiến nhiều người tử vong và nhiều người “sống không bằng chết”. Người phụ nữ gây ra tội ác tày trời trên là Đào Thị Ngừng, trú tại ấp 2 xã Tân Bình, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.


Hung thủ từng đầu độc tại ngôi chùa này

Cuộc đời tù tội

Nhìn vào hồ sơ lý lịch, ai cũng bảo, cuộc đời Ngừng gắn chặt lấy tội ác và nhà tù. Khi mới 18 tuổi, Ngừng đã bị đưa đi cải tạo tập trung ngót 10 năm về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Một năm, sau ngày ra trại, Ngừng tiếp tục lãnh án 4 năm tù giam về tội “cướp tài sản” của một sư cô tại Q.Thủ Đức, TP.HCM. Thụ án vỏn vẹn 4 tháng, lợi dụng sự mất cảnh giác của các giám thị trại giam, cuối tháng 10/1991, Ngừng đã vượt ngục, trốn về TP.HCM. Tại đây, Ngừng cùng đồng bọn bắt đầu bước vào con đường ăn cướp chuyên nghiệp khi liên tục thực hiện 4 vụ đầu độc người, cướp tài sản. Thế nhưng, lưới trời lồng lộng, những vụ cướp của băng nhóm Ngừng nhanh chóng bị lực lượng công an triệt phá.

Cuối tháng 9/1993, Đào Thị Ngừng một lần nữa sa lưới và bị TAND tỉnh Sông Bé cũ (nay là tỉnh Bình Dương) tuyên phạt gần 19 năm tù. Theo hồ sơ, thì 15 năm tù về tội “cướp tài sản”, 1 năm tù về tội “trốn khỏi nơi giam giữ” và gần 3 năm tù giam mà Ngừng chưa thi hành trong bản án trước. Đến cuối tháng 9/2008, Ngừng được ra tù, khi hưởng chế độ đặc xá của nhà nước.
Hành trình gây án

Sau khi được hưởng ân xá, nhiều người tin rằng, Ngừng sẽ ăn năn, hối cải mà làm lại cuộc đời. Nhưng, có ai ngờ những ngày sau đó tội ác của ả ngày càng kinh hoàng hơn với những thủ đoạn tàn độc, ghê sợ. Đó là vào một ngày giữa trung tuần tháng 11/2008, khi mà Ngừng vừa được ân xá 2 tháng thì ả đã đến khu vực tòa thánh Tây Ninh vào miếu và chùa Xứ xin nghỉ lại qua đêm và từ đây đã mở ra một hành trình gây án. Đêm đó, Ngừng đã pha ba ly cà phê sữa, đưa cho 3 phụ nữ, mỗi người 2 viên thuốc và nói là uống thuốc cho đẹp da. Không nghi ngờ gì, ba người phụ nữ đã uống và ngủ lúc nào không hay. Khi ấy, Ngừng đã lục soát tư trang lấy 2,8 cây vàng 24k cùng 700 nghìn rồi bỏ trốn. Tiếp đó, Ngừng đến chùa Pháp Tam (phường Phú Khương, TP Bến Tre) cũng với thủ đoạn cho 8 viên thuốc vào 2 ly nước dừa, đầu độc chết trụ trì chùa là bà Phạm Lệ Thủy rồi cướp đi nhiều tài sản có giá trị.

Kế đó, Ngừng bắt đầu đến gây án ở Bến Tre sau đó bắt xe về An Giang, Tiền Giang, Đắc Lắk để thực hiện hàng loạt vụ đầu độc khác. Trong lần này, Ngừng đến nhà bà Võ Thị Xiêu (ngụ tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang), một người tu tại gia. Ngừng tìm cách làm quen với bà Xiêu rồi xin nghỉ tại nhà bà. Lợi dụng lúc không có người để ý, Ngừng pha cà phê sữa đá, bỏ thuốc vào, rồi mời bà Xiêu uống và khi bà Xiêu bị hôn mê, bất tỉnh, Ngừng lục soát tài sản rồi tẩu thoát. Ngay sau đó thì bà Xiêu tử vong.

Tiếp tục hành trình gây án của mình, Ngừng đến chùa Bạch Long ở xã Bình Quới, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Lúc này, Ngừng xưng tên là Ngọc Hà, quê ở Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM. Khi gặp ba sư cô là Trần Thị Phỉ (SN 1946), Nguyễn Thị Ba (SN 1941), Nguyễn Thị Tuyến (SN 1959), Ngừng kể hoàn cảnh chồng bị chết, làm ăn thất bại, không có tiền, muốn coi bói để bán được đất. Sau đó, thị lấy bánh xèo mang theo ra mời các sư cô ăn. Được các sư cô cho ở lại chùa, khoảng 20 giờ ngày 28/5/2009, bà Ba có việc đi ra ngoài, bà Phỉ, bà Tuyến đang tụng kinh, thấy không có ai để ý, Ngừng pha thuốc vào hai ly cà phê sữa đưa cho bà Phỉ, bà Tuyến uống. Khi bà Ba về chùa, Ngừng tiếp tục làm một ly cho bà. Đợi đến khi cả ba bà bị hôn mê bất tỉnh, thị lục soát cướp tài sản rồi trốn thoát. May mắn, ba sư cô được người dân phát hiện sớm nên được đưa đi cấp cứu kịp thời.

Sau khi gây án ở chùa Bạch Long, Ngừng lại ngược lên vùng biên giới nơi có chùa Long Hòa ở khóm Hòa, thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Cùng với các thủ đoạn pha cà phê sữa mời một số người tại chùa, Ngừng tiếp tục đầu độc, cướp tài sản. Đến ngày 29/7/2009, Ngừng đến chùa Quan Âm (thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) gặp vợ chồng ông Nguyễn Văn Chơi, bà Nguyễn Thị Của ở chùa. Được ông Chơi bà Của đồng ý cho về nhà họ ở nhờ, Ngừng lén bỏ thuốc mê vào bình đựng nước đầu độc cả nhà ông Chơi để cướp tài sản, sau đó ông Chơi cũng qua đời.

Những vụ án như thế, cứ được tiếp nối, chỉ trong một thời gian Ngừng đã hạ độc hàng chục người, trong đó nhiều người may mắn thoát chết do được phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời.


Không ít nhà sư còn hoang mang trước sự việc

Cái giá phải trả!

Sau hàng loạt vụ việc nêu trên, nhận thấy đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng nên Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương lập chuyên án phá vụ cướp bằng thủ đoạn gây mê. Ngay lập tức, Phòng Kỹ thuật hình sự, Đội Cảnh sát điều tra Công an huyện Châu Thành (tỉnh Long An) đã trực tiếp đến khám nghiệm hiện trường tại chùa Bạch Long và phát hiện, thu giữ một số mẫu nước màu trắng trong ca inox, trong chai nước khoáng hiệu Sumo, Aquafina; ly để cà phê sữa còn lại trong tủ lạnh, cùng nhiều dấu vết nghi vấn khác. Kết quả giám định cho thấy, chất lỏng trong ba chai nhựa đều chứa thành phần Bromazepan có tác dụng chống co giật, gây buồn ngủ.

Khi ấy, theo dõi tình hình, từ năm 2008 đến năm 2009 lực lượng công an nhận thấy tại một số tỉnh như Tây Ninh, Bến Tre, An Giang, Tiền Giang, Đăk Lăk, Long An liên tiếp xảy ra các vụ cướp tài sản có phương thức tương tự. Đó là các vụ đầu độc đều có chung một “kịch bản”: Có một người đàn bà giả vờ buồn chuyện gia đình tìm đến nơi thanh tịnh hay trong vai một người lỡ đường làm quen, xin ngủ lại chùa, sau đó bỏ thuốc gây mê vào thức uống để gây án...

Sau khi củng cố các chứng cứ trong thời gian đến 5 tháng, tập trung rà soát toàn bộ đối tượng cướp với thủ đoạn gây mê, bằng biện pháp nghiệp vụ cơ quan điều tra xác định nghi can số một của các vụ án trên là Đào Thị Ngừng (SN 1960, hộ khẩu thường trú tại ấp 2, xã Tân Bình, huyện Tân Uyên; tạm trú tại đường Chùa Hội Khánh, khu phố 2, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), một “nữ quái” có nhiều tiền án, với nhiều vụ gây mê cướp tài sản.

Khi đã xác định rõ đối tượng và cho các nhân chứng nhận dạng người gây án, ngày 18/10/2009, Công an huyện Châu Thành tỉnh Long An đã phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương, bắt được Đào Thị Ngừng tại nhà trọ ở đường chùa Hội Khánh, khu phố 2, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Qua đấu tranh khai thác Ngừng đã thừa nhận là tác giả thực hiện 13 vụ cướp tài sản bằng chiêu hạ độc thủ. Trong mỗi lần gây án, Ngừng dùng một số tên giả như: Nguyễn Thị Hồng, Điệp…, Ngừng cho các nạn nhân uống nước có bỏ thuốc để đầu độc các nạn nhân rồi cướp tài sản. Theo giám định của cơ quan công an, thuốc mà Ngừng pha vào nước để cho các nạn nhân uống có chứa một số chất độc như: thuốc trừ sâu Furadan, thuốc mê và một số tân dược khác…

Ngừng đã phải trả một cái giá thích đáng cho tội ác của mình, nhưng khi nhắc lại vụ án trên, không ít điều tra viên khẳng định, đối tượng khá tinh vi, đặc biệt hoạt động trên địa bàn rộng nên khi điều tra cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, từ vụ án này, một lần nữa cảnh tỉnh đối với các chùa và hộ gia đình, cần thực hiện tốt quy định đăng ký tạm trú cho khách vãng lai cũng như thân nhân đến cư ngụ với chính quyền địa phương. Điều đó, mới không để sơ hở cho bọn tội phạm lợi dụng gây án…

Danh Việt