Long tranh hổ đấu và trận thua bí ẩn của 'thần cước'

01.04.2013 | 22:34

Vốn là hai cao thủ trong chốn võ lâm, từng quy tụ dưới trướng cả ngàn đệ tử, tung hoành ngang dọc một thời, uy danh của "thần cước" Sáu Cường và cao thủ Ba Dương ở Sài Gòn những năm 30 - 40 của thế kỷ trước, nhớ lại, vẫn khiến nhiều kẻ yếu bóng vía sởn da gà, nổi gai ốc.

Liên hoàn cước quỷ khốc thần sầu

Từ những năm loạn ly, Sài Gòn đã là một thành phố đô hội, nơi hấp dẫn mọi thành phần xã hội. Đặc biệt là các băng phái giang hồ mã thượng. Thế giới giang hồ những năm 30 - 40 là nơi dành cho những tay yêng hùng hảo hán theo đúng nghĩa.

Nổi lên trong số đó là Sáu Cường, người về sau được biết đến như một cao thủ huyền thoại của Nam Kỳ những năm 30, 40. Về thân thế của nhân vật này có nhiều tài liệu với nhiều ý kiến trái chiều. Có tài liệu cho rằng ông vốn là người Bạc Liêu. Tuy nhiên, những ghi chép của nhà văn Đặng Tấn Đức cho biết, Sáu Cường vốn tên là Nguyễn Phước Cường quê ở huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh.

Khẳng định thông tin trên, ông Tư Trinh (ấp Chợ, Tân An, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh), một trong những đệ tử cuối cùng của Sáu Cường cho biết: "Sinh thời ông sống tại Tiểu Cần nhưng sau này, khi con đường võ nghiệp đã thành danh, ông lên ở Sài Gòn nhiều năm". Cũng theo ông Trinh, huyền thoại giang hồ Sáu Cường có tuổi thơ không mấy êm ả. Ông sớm mồ côi cha mẹ và lăn lóc mưu sinh.

Số phận đen bạc khiến tuổi thơ của Sáu Cường rất nghiệt ngã, nhưng bù lại cho cậu khả năng thiên bẩm về võ học. Ông Tư Trinh kể lại: "Nhiều bậc tiền bối nói rằng, ông có một trí nhớ khác người và một sự đam mê võ học ít ai có được. Ông thường lén xem các tay võ sư mãi võ rồi tập theo.
Sau này, ông gặp được một tay cao thủ võ học người Tàu đang ẩn danh tại đây nhận làm đồ đệ". Nhiều ý kiến cho rằng, Sáu Cường chỉ học được với người võ sư trên những đòn đá kinh người. Ngoài ra, ông còn những tuyệt kỹ khác được học với nhiều bậc danh sư ẩn dật.

Cũng như "thần cước" Sáu Cường, Ba Dương sớm mất cha. Sinh ra trong một gia đình nghèo tại Bến Tre, sau ngày mất cha, ông theo mẹ tha hương khắp nơi và trụ lại Sài Gòn. Không như Sáu Cường một thân trăm nghề, lúc trẻ, Ba Dương chăn vịt chạy đồng khắp miền đồng ruộng Nhà Bè, Cần Giuộc, Cần Đước, Gò Công.

Tuy nhiên, tại đây, ông có dịp được mục kích những màn biểu diễn, thi thố võ thuật của những bậc võ sư thượng hạng. Vốn cũng là người có khiếu võ nghệ từ nhỏ, nhờ được cha dượng chỉ dạy, lớn lên Ba Dương đam mê võ nghệ hơn bất cứ điều gì. Đi đến đâu, Ba Dương cũng lân la tìm kiếm các bậc danh sư võ học để tìm hiểu. Gặp thầy hay, Dương xin học cho kỳ được. Nhờ đó, nghề võ của Dương sớm hơn người.



Chân dung huyền thoại Sáu Cường và thủ lĩnh Bình Xuyên Ba Dương.
Ngay khi còn là một thiếu niên gầy yếu, Ba Dương đã được đánh giá là một cao thủ võ học. Ông tinh thông nhiều độc chiêu của những thầy võ nổi tiếng ở Sài Gòn và miền Tây Nam Bộ như: Thầy Ba Thi ở Chợ Lớn, thầy Sáu Lầu ở Bình Chánh, thầy Bộ Dực ở Bến Tre... Rất nhanh chóng, ông trở thành thầy dạy võ gần cầu Rạch Đỉa, làng Tân Quy, Nhà Bè, kiêm nghề bảo hiểm bình dân cho các chủ ghe thương hồ trên kinh Cây Khô, ngay cửa ngõ Sài Gòn từ khi còn là một "thằng trai nhỏ xác".

Long tranh hổ đấu và trận thua bí ẩn của "thần cước"

Một trong lãnh địa kiếm cơm lý tưởng nhất thuộc quyền sở hữu của Sáu Cường là bến xe An Đông (khu vực đường Lê Hồng Phong, quận 10, TP.HCM bây giờ). Trước khi thâu tóm bến xe này vào tay và trở thành ông trùm bảo kê hàng hóa, dàn xếp tất cả các cuộc tranh giành khách tại đây, Sáu Cường đã không ít lần đích thân ra mặt thách đấu mọi đối thủ. Với danh tiếng và uy lực của đòn liên hoàn cước, khiến quỷ khốc, thần sầu, Sáu Cường nhanh chóng dẹp yên bờ cõi, thâu tóm toàn bộ bến xe.

Trong lúc này, Ba Dương vẫn sống đời "ngọa hổ tàng long". Ông mở lớp dạy võ rồi về Nhà Bè sống cảnh phiêu bạt giang hồ. Với nghĩa khí của bậc quân tử, không ít lần Ba Dương ra mặt giải quyết những vụ đụng độ giữa đám đệ tử với các bang phái giang hồ Sài Gòn. Sự xuất hiện của tên thư sinh tay cầm quạt, tưởng chừng trói gà không chặt nhưng có thể áp đảo quần hùng khiến nhiều đàn anh, đàn chị đứng ngồi không yên. Tuy nhiên, trong các trận tử chiến với tên "thư sinh" nhiều tay anh chị bị hạ gục đều tâm phục khẩu phục. Ba Dương cũng nhanh chóng thu phục hàng loạt đàn em vốn là những tay đâm thuê chém mướn.

Được biết, lúc bấy giờ, Ba Dương đã có ý định nuôi quân, thu thập vũ khí chờ làm việc lớn. Nguồn thu từ việc bảo kê hàng hóa lương thực không đủ đảm bảo cho một số lượng lớn các anh hùng hảo hán. Thủ lĩnh Bình Xuyên có ý muốn được Thần cước Sáu Cường giúp đỡ từ nguồn thu kếch xù trong việc bảo kê bến xe An Đông. Sau chuyến về Tiểu Cần lên Sài Gòn, Sáu Cường nhận được một lá thư tay có nội dung ngắn gọn: Xin ít tiền nuôi quân. Ký tên: Ba Dương, một trong những thủ lĩnh Bình Xuyên.

Sáu Cường không mảy may suy tính, ông nhận lời hội kiến. Địa điểm là quán cà phê Hải Nam trên góc đường Vĩnh Viễn. Không phải đợi quá lâu, sau ít phút, Sáu Cường thấy một chiếc xe lôi đỗ lại trước mặt. Từ trên xe, một thanh niên bận bà ba trắng, tay cầm quạt nom có vẻ thư sinh, yếu ớt. Thoáng chút bất ngờ, Sáu Cường không tin đó là thủ lĩnh Bình Xuyên lại càng không tin hắn có thể chịu nổi thần cước vang danh của mình. Sáu Cường đứng dậy nói thẳng: "Chịu nổi thần cước của Sáu Cường rồi nói chuyện... không thì Bình Xuyên cứ tung hoành ở đất của mình, chừa đất cho anh em An Đông sống, chớ để mất hòa khí".

Ba Dương lặng lẽ gật đầu. Không cần thăm dò thực hư, như mọi lần, Sáu Cường vung chân xuất cước liên hoàn về phía Ba Dương. Người xem chỉ nghe tiếng gió vùn vụt mỗi khi "thần cước" tung chân. Trong rừng chân bủa vây, người ta chỉ thấy anh thanh niên lách người né tránh nhanh như chớp với thân thủ linh hoạt xuất thần. Sau một loạt liên hoàn cước chết người, bất thần Sáu Cường tái mặt ngừng đánh. Bất ngờ chấp nhận quyên tiền nuôi quân Bình Xuyên. Ba Dương chắp tay tỏ ý cảm tạ rồi lên xe ra về bỏ lại Sáu Cường bị vây kín trong sự tò mò của đám đàn em. Trước những câu hỏi liên tục của đám dưới trướng, Sáu Cường chỉ xua tay không trả lời, lên xe về thẳng Tiểu Cần mang theo những câu hỏi không lời giải.

Lời giải cho ảo chiêu của Ba Dương

Những bí mật về trận thua khó hiểu của ông mãi về sau khi thế giới giang hồ nghĩa hiệp bị xóa sổ mới được tiết lộ vài phần. Theo đó, khi Sáu Cường mải mê tung thần cước hòng hạ gục Ba Dương trong chớp nhoáng, thì chỉ thấy Ba Dương khi lách người, khi cúi thấp né tránh, thân pháp biến ảo khôn lường, thần cước Sáu Cường như hổ vồ, thì Ba Dương như rồng lượn. Tuy nhiên, trong khi đang say đòn đầy khí thế trước đám đàn em hô vang, ủng hộ, Sáu Cường bất thần cảm nhận được đầu quạt giấy của Ba Dương khẽ chạm hạ bộ của mình.

Không còn nghi ngờ, việc đoạt mạng "thần cước" đối với Ba Dương chỉ như trở bàn tay. Ông không ra tay là vì tôn trọng đối thủ cũng như giữ thể diện cho một bậc cao thủ võ học nghĩa hiệp.
Cho dù lý giải thế nào, thì đến nay, việc đại cao thủ Ba Dương thực chất xuất chiêu gì và thuộc môn phái nào vẫn là một ẩn số mãi mãi không có lời giải.

Anh hùng nhất khoảnhNgay sau khi khuất phục những bậc cao thủ võ học cùng thời, Sáu Cường nổi lên như một tay hảo hán. Ông trở thành niềm tin của những người yếu thế. Danh tiếng của thần cước càng nổi sau khi đánh bại tay đấm Hồng Sơn bảo vệ hãng xà bông thuần Việt của Trương Văn Bền. Sau trận này, "thần cước" Sáu Cường nhanh chóng quy tụ hàng ngàn đàn em, bảo kê một vùng rộng lớn các bến xe, rạp hát, khách điếm, sòng bạc...
Sau khi thu phục những tay giang hồ có tiếng, Ba Dương chuyển mình thành một tay bảo kê chuyên bảo kê cho dân buôn vận chuyển lương thực, hàng hoá từ Nam Kỳ lục tỉnh về Sài thành. Từ đây, trong giới giang hồ nghĩa hiệp, Ba Dương trở thành đối trọng với cánh của Sáu Cường, cho dù cả hai chưa hề đụng mặt nhau.
Được cách mạng cảm hóaCuộc đời và sự nghiệp của hai tay giang hồ mã thượng Sáu Cường, Ba Dương tưởng chừng không có điểm chung nhưng lại gặp nhau trên con đường cách mạng. Sáu Cường sau những lần chứng kiến cảnh sống tủi nhục của kẻ nước mất nhà tan đã nghe theo tiếng gọi của cách mạng. Ba Dương từ rất sớm đã có ý định nuôi quân làm việc lớn và trở thành một trong những thủ lĩnh của lực lượng Bình Xuyên huyền thoại. Đáng tiếc, khi sự nghiệp chưa viên mãn, cả hai đều thúc thủ trước tội ác của giặc Pháp.
Hà Nguyễn