Nghi án cao nhân phong thủy 'yểm' ngôi cổ lăng

Người sống có ý đồ đặt ngôi cổ lăng theo hướng “triệt” long mạch, với dụng ý thế hệ con cháu của người trong mộ sau này không còn đường thăng tiến nữa.


Đó là ý kiến của chuyên gia mộ cổ Đỗ Đình Truật khi ông nghiên cứu ngôi cổ lăng nằm trong khu Mả Hầu thời Nguyễn triều ở vùng Gia Định (P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM). Với kiến thức về phong thủy học, ông Truật cho rằng, ngôi mộ bị chôn một cách bất thường. Vậy thực hư người nằm trong mộ là ai? Và có hay không khi chết rồi vẫn bị đối xử tàn độc như vậy?


ẩn hàng chữ“Đông cung lăng”

Nhà khai quật mộ lão thành Đỗ Đình Truật (82 tuổi, TP.HCM), nguyên là cán bộ khảo cổ học của Viện Khoa học xã hội và nhân văn (Viện KHXH&NV) bảo rằng, đây là trường hợp khai quật mộ khiến ông hao công, tốn sức nhất trong cuộc đời làm khảo cổ của mình.
Bởi, vụ khai quật không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc mở áo quan, nghiên cứu xương cốt là xong. Mà khi xác định được danh tính của người trong mộ, ông đã tiếp tục đi một bước, giải những chuyện “thâm cung bí sử’ bị chôn vùi một thời sóng gió của lịch sử. Như ông nói thì đây là câu chuyện về số phận bi thảm của một đương kim hoàng tử giai đoạn đầu của nhà Nguyễn.
Vị hoàng tử đó chính là Nguyễn Phúc Cảnh (1780-1801), anh cùng cha khác mẹ với hoàng tử thứ Nguyễn Phúc Đảm (1781-1841), người sau này nối ngôi vua cha Nguyễn Ánh (1765-1820), lấy hiệu Minh Mạng. Một vụ án bị “khuất tất” đến 2 thế kỷ mới được giải mã bởi bàn tay của nhà khảo cổ họ Đỗ.

Vụ khai quật đặc biệt này đã trở thành một công trình nghiên cứu lịch sử nghiêm túc, được ông hoàn tất hồ sơ báo cáo kết quả lên Viện KHXH&NV. Và cho đến nay thì những luận cứ chứng minh mà ông đưa ra về “vụ án” kinh điển trong lịch sử vẫn chưa có nhà sử học nào phản bác. Đối với khoa học thì đó là sự là thành công.



Ngôi mộ Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh trước khi khai quật được xem là nằm hướng tuyệt mệnh
Ông Đỗ Đình Truật bảo, bản thân biết về ngôi Cổ lăng Hoàng tử Cảnh từ hồi thập niên 70 của thế kỷ trước. Vào năm 1977, sau khi đất nước thống nhất, lúc đó ông đang công tác ở Phân viện phía Nam (Viện KHXH&NV) với chuyên ngành khảo cổ mộ.

Trong lần cùng ông Nguyễn Văn Công (đã mất), lúc đó là Giám đốc Bảo tàng cách mạng TP. HCM đi rà soát các công trình mộ cổ để có biện pháp nghiên cứu trùng tu. Khi đến khu quần thể mộ Mả Hầu (vùng lăng tẩm dành cho vua, quan triều Nguyễn giai đoạn trấn vùng Gia Định, nay là P.8, Q.Phú Nhuận), thì dừng lại ở một ngôi mộ cổ bề thế, bị bỏ quên trong vùng cây rậm rạp, đầy rắn rết và bọ cạp.

Ngôi mộ bằng hợp chất cao 3,5m, ngang 2,5m, dài 4,2m, vùng ngoại vi gồm sàn tế, cổng mộ và áng phong diện tích lên tới 400m2, so với những mộ khác thì nó nổi trội. Không những quy mô lớn, những chi tiết hoa văn trên thân mộ được điểm tô bằng hình rồng phượng, những biểu tượng chỉ dành cho mồ mã vua, chúa.

Tiếp tục dò tìm, ông còn phát hiện ra tấm bia đá bằng cẩm thạch quý, màu trắng ngà, cao 1,2m, rộng 0,8m cũng chạm hoa văn rồng, phượng. Nhưng những hàng chữ đã bị đục gần như không thể đọc, phải kỳ công phục dựng mãi mới dịch được vỏn vẹn 3 chữ “Đông cung lăng”.

Với kinh nghiệm của mình, ông Truật và cộng sự xét đoán, đây là ngôi mộ chứa nhiều bí ẩn, chắc chắn không phải là ngôi mộ thường dân. Nhưng điều khiến 2 ông đau đầu nhất là vì sao mộ của hàng vua chúa lại bị đục bỏ chữ, và bị (chứ không phải được) chôn ở hướng long mạch quá xấu, mà theo phong thủy học thì đó là hướng mà các đời con cháu bị “triệt đường công danh”.

Điều này đã dấy lên những nghi hoặc, ông tự nhủ, nhiệm vụ của mình là phải trả lời những khuất tất mà lịch sử để lại. Tuy nhiên, ngày đó đất nước còn nghèo, chưa có điều kiện khai quật, ông Truật đành “lỗi hẹn” và ý định sẽ tiến hành khai quật sớm nhất khi có điều kiện.

Sau lần phát hiện đó, về nhà ông đăm chiêu với 3 chữ “Đông cung lăng”. Là một người tường tận lịch sử vùng Gia Định cũng như Nam Bộ thời kỳ khẩn hoang, ông Truật dừng lại đến một nhân vật lịch sử khá mờ nhạt, đó là Nguyễn Phúc Cảnh, con trai của người vợ đầu vua Gia Long (tức Nguyễn Ánh). Theo sử chép thì sinh thời Nguyễn Phúc Cảnh không được vua cha truyền ngôi mà phong cho chức gọi là “Đông cung Thái tử”.

Đông cung Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh theo sử ghi lại thì đã chết vì bệnh đậu mùa lúc vừa tròn 22 tuổi (đến thời điểm những năm sau giải phóng các nhà sử học vẫn chưa có ai tìm ra mộ). Nhưng điều làm ông nghi vấn là vì sao một thái tử con đầu của vị vua quyền thế Gia Long lại bị chôn ở hướng mộ quá xấu như thế? Ông quyết định đi tìm câu trả lời.



Ông Đỗ Đình Truật là người đặt ra nghi vấn ngôi mộ Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh bị yểm
Thực hư ở lăng một Hoàng t

Qua hàng chục chuyến nghiên cứu thực địa quanh ngôi mộ cổ, ông thấy rằng, hướng mộ rõ ràng có “vấn đề” (xin nói thêm rằng, lúc đó ông Đỗ Đình Truật đã là một người rất am hiểu về phong thủy và hiện tại ông cũng là nhà phong thủy hiếm hoi của Việt Nam).

Ngôi mộ cổ nằm ở vị trí phía Nam giáp rạch Thị Nghè (cầu Nguyễn Văn Trỗi), phía Bắc giáp sông Tham Lương (cầu Tham Lương ngày nay), cách trung tâm TP. HCM lệch 12 độ về hướng bắc chừng 3km. Trong giai đoạn Nguyễn Ánh giành giật đất đai vùng Nam Bộ với quân Tây Sơn thì nổ ra sự kiện bi thảm.

Vào cuối năm 1789 lúc đó Nguyễn Huệ cho Đô đốc Phạm Văn Tham (chết 1789) ở lại giữ Thành Gia Định để tiến quân ra Bắc đánh lại quân Thanh xâm lược, ở phía Nam do yếu thế, nên Nguyễn Ánh mưu sự cho quân phản công chiếm lại thành Gia Định.

Sau đó là cuộc trả thù hết sức tàn bạo, Nguyễn Ánh bắt hết quân lính và gia quyến những người theo nhà Tây Sơn ra rạch hành quyết, trong đó có Đô đốc Tham. Tiếng già trẻ, gái trai khóc thét thảm thương dưới tay những đao phủ của Nguyễn Ánh, xác của hàng trăm người chất đống, máu chảy nghẹn rạch sông, cảnh tượng vô cùng thê lương. Để tưởng nhớ về những người đã khuất và Đô đốc Phạm Văn Tham, người dân trong vùng gọi trệch đi thành rạch Tham Lương, tên cầu cầu Tham Lương ngày nay cũng xuất phát từ sự kiện bi thảm đó.

Theo nhà địa lý, phong thủy nổi tiếng triều Gia Long là Ngô Nhân Tịnh (1761-1813, người mưu sự cho vua Gia Long dời kinh từ Gia Định về Phú Xuân- Huế) từng cho rằng chính vì cái “dớp” thảm sát đen tối đó mà vùng đất này (từ rạch Thị Nghè đến cầu Tham Lương ngày nay) rất thịnh âm khí. Về địa lý mà nói, vùng đất này giống hệt con nghê thần (kỳ lân) thò đầu ra phí Đông sông Sài Gòn uống nước và vùng vẫy tắm ở phí Tây (vùng Q. Tân Bình và một phần Long An ngày nay).

Nhưng “âm thịnh dương suy”, có lần Ngô Nhân Tịnh sau khi đi dạo vùng này có ghé tai nói với sử gia nổi tiếng Trịnh Hoài Đức (1765-1825) rằng: "Đất thiêng, tuy thịnh nhưng phát một mà hại mười. “Nhất đế vương, vô cầu nhị thể” (có một mà không có hai)”. Cùng chung với khu lăng Hoàng tử Cảnh ở đây có các ngôi mộ của những tướng quân trong triều Gia Long- Minh Mạng như: Tả quân Lê Văn Duyệt, phò mã Võ Tánh, Nguyễn Văn Học, Lê Văn Quận... được gộp chung trong “Khu lăng mộ Mả Hầu” (mả của những công hầu).

Những vị công hầu này có lợi ích đối trọng với vua Gia Long, khi chết đều phải chôn vào vùng này. Điều đáng nói, họ có điểm chung là chỉ hưng thịnh một đời mà thôi, con cháu không thể nào ngoi lên làm quan ở các đời sau. Những nhà am hiểu phong thủy cho rằng, Vua Gia Long và Minh Mạng không muốn cho con cháu họ dành công bộc với mình nên muốn triệt lợi ích thế hệ con cháu của họ (?!).

Và phải chăng ở đây câu chuyện “nồi da nấu thịt” đã thành hiện thực? Hoàng tử Đảm giết anh cùng cha là Hoàng tử Cảnh do không muốn sau này con cháu tranh cạnh lợi lộc với mình, điều này chúng tôi sẽ trở lại luận bàn sau.

Theo phân tích của ông Đỗ Đình Truật thì chuyện này không phải không có cơ sở. Thời Gia Long thì Ngô Nhân Tịnh là thầy địa lý- phong thủy chuyên lo việc xem hướng mồ mả cho triều, nhưng tất cả phải theo sự sắp xếp của vị vua độc đoán Gia Long mà sau này là vua Minh Mạng.
Chắc chắn việc để huyệt mộ cho Hoàng tử Cảnh lúc đó có sự nhúng tay của Ngô Nhân Tịnh. Khi nghiên cứu hướng mộ thì ông Truật thấy, Hoàng tử Cảnh sinh năm 1881 (năm Tân Tỵ) thuộc cung Khôn, mạng Kim, nhưng lăng mộ thì đầu quay về hướng Bắc.

Theo khoa học phong thủy thì đó là hướng tuyệt mạng hoàn toàn. Nhưng điểm đáng lưu ý là mộ chếch 12 độ la bàn, hướng này có nghĩa là chừa lại con đường sống, tức người bị yểm sẽ chết, nhưng con cháu vẫn còn sống. Ông Truật chứng minh luận điểm này bằng khoa học phong thủy. Ông soi chiếu vào “Bát quái đồ” của cung Khôn thì thấy sơn hướng 9 và 10.
Sơn hướng 9 là “Tấn tài”, nghĩa là nếu còn con cháu thì con cháu cũng giàu có, nhưng không làm quan, còn sơn hướng 10 là bệnh tật. Theo đó, dụng ý của người xây mộ là muốn cho con cháu của Hoàng tử Cảnh triệt đường vua, chúa, công hầu?. Và, thực tế sau này con cháu của Nguyễn Phúc Cảnh vẫn còn may mắn sống sót vài ba người, nhưng phải sống lay lắt, chìm nổi dưới những thủ đoạn nham hiểm của vua Minh Mạng.

Ngôi cổ lăng bị yểm?
Trên thực tế, sau khi Hoàng tử Cảnh chết đi, con cháu bị vu oan giáo họa dưới thời vua Minh Mạng và không ai được làm công bộc triều đình nữa. Chỉ còn một người con gái là Nguyễn Phúc Mỹ Thùy thoát chết trong vụ thanh trừng nội bộ của vua Minh Mạng và con cháu của Mỹ Thùy phải sống lay lắt. Đến nay thì có chị Nguyễn Phúc Huy Đoan (hiện sinh sống công tác ở nước ngoài) xác nhận là cháu 7 đời của Nguyễn Phúc Mỹ Đường (con trưởng của Hoàng tử Cảnh).

Kỳ Anh