Giáo hội do nhà nước Trung Quốc lập ra lại tấn phong thêm một giám mục hôm 14/7 bất chấp phản đối từ Đức Hồng y đại diện cho Tòa Thánh Vatican.

Linh mục Joseph Hoàng Bỉnh Chương dự kiến được tấn phong tại Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông dù không có sự chấp nhận từ Vatican trong một bước đi tiếp tục khiến Tòa Thánh và chính quyền Bắc Kinh xa nhau hơn.

Đức Hồng y Joseph Zen (Trần Nhật Quân) ở Hong Kong, người đã nghỉ hưu nhưng vẫn tư vấn cho Đức Giáo Hoàng Benedict XVI về các vấn đề Trung Quốc đã kêu gọi lãnh đạo Trung Quốc ngưng ngay các vụ tấn phong này.

Hồng y Joseph Zen đã đặt hẳn nửa trang báo Quả Táo (Apple Daily) ở Hong Kong để đăng lời kêu gọi gửi tới Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Khỏi cần Tòa Thánh?

Bằng lời lẽ rất mạnh, vị Hồng y có uy tín lớn tại các vùng nói tiếng Quảng Đông kêu gọi lãnh đạo Trung Quốc "ngăn ngay các tay quan chức lưu manh dùng vũ lực cưỡng ép các vị chủ chiên phải làm việc trái lương tâm".

Lời kêu gọi được nêu ra sau khi có tin một số giám mục Trung Quốc trung thành với Tòa Thánh bị công an lôi đi để cưỡng bức dự lễ tấn phong cho giám mục Hoàng Bỉnh Chương của nhà nước.

Các trang Công giáo châu Á trong tuần đưa tin rằng ba giám mục bị đưa đi hôm thứ Hai là Lương Kiến Sâm tại Giang Môn, Liêu Hoành Thanh tại Mai Châu và Paul Tô Vĩnh Đại tại Trạm Giang.

Vị đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã tại Hong Kong, Giám mục John Tong hôm qua 13/7 đã gửi thư cho các giáo phận nêu rõ rằng các vụ tấn phong do Nhà nước Trung Quốc mở ra là "bất hợp thức".

Mâu thuẫn giữa Bắc Kinh và Tòa Thánh ngày càng nổi bật sau một loạt vụ khác biệt liên quan đến lễ tấn phong các giám mục thuộc giáo hội quốc doanh, không được Đức Giáo Hoàng công nhận.

Giám mục Lý Sơn tại Bắc Kinh năm 2007: việc tấn phong ông được cả Bắc Kinh và Vatican đồng ý nhưng từ đó, các vụ tấn phong ngày càng gây ra căng thẳng

Gần đây, Cha Paul Lôi Thế Ngân (Paul Lei Shiyin) được Giáo hội nhà nước phong làm giám mục ở giáo phận Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên.

Tháng 11 năm ngoái, vụ Bắc Kinh tự ý bổ nhiệm linh mục Quách Kim Tài làm Giám mục Thừa Đức đã khiến Vatican bất bình.

Các động thái liên tục diễn ra như vậy làm cho viễn cảnh Trung Quốc tái lập quan hệ ngoại giao với Vatican thêm xa vời.

Trong một thời gian, hai bên từng thỏa thuận không chính thức được về "công thức Việt Nam", cho phép Giáo hội chỉ định các giám mục từ một danh sách các nhân vật Nhà nước cộng sản không phản đối.

Nhưng động tác tự ý cứ phong linh mục và giám mục, bất chấp Vatican khiến công thức này có vẻ như không còn ý nghĩa tại Trung Quốc.

Có vẻ như kể từ năm 2010, đường lối của Đảng Cộng sản Trung Quốc với Vatican có thay đổi lớn.

Hồi tháng 12 năm đó, Đại hội lần thứ 8 của Hội Thiên Chúa giáo Ái quốc ở Trung Quốc đã bầu ra các tân lãnh đạo của hai tổ chức Công giáo Trung Quốc không thần phục Tòa Thánh Vatican.

Giám mục Phòng Hưng Diệu được bầu làm Chủ tịch Hội Thiên Chúa giáo Ái quốc (CCPA), còn Giám mục Mã Anh Lâm nhậm chức tân Chủ tịch Hội đồng Giám mục Thiên Chúa giáo Trung Quốc (BCCCC).

Trước đó, việc Trung Quốc tự tấn phong tu sĩ Mã Anh Lâm lên làm giám mục ở Côn Minh hồi 2006 đã không được Vatican công nhận.

Theo báo chí Trung Quốc, đại hội toàn quốc kết thúc hôm 9/12 cũng chọn ra các vị phó chủ tịch và cố vấn cao cấp và tất cả đã chụp hình lưu niệm với lãnh đạo Đảng, ông Giả Khanh Lâm.

Năm 1951, Bắc Kinh cắt đứt quan hệ với Vatican sau khi đảng Cộng sản lên nắm quyền ở Trung Hoa lục địa khi kết thúc nội chiến 1949.

Hiện chỉ có Hong Kong và Macau thuộc Trung Quốc nhưng có hoạt động bình thường của Giáo hội Công giáo thần phục Vatican.

Tại Trung Quốc, hàng triệu giáo dân bị rơi vào cảnh phải lựa chọn, hoặc là theo Hiệp hội Công giáo Yêu nước do chính quyền chọn ra, hoặc bí mật hướng về Tòa Thánh.

Trẻ em hát trong thánh lễ tại một nhà thờ ở Trung Quốc - giáo dân nước này phải chọn theo một trong hai giáo hội

(Trích: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/worl...t_bishop.shtml)