Mô Phật! Kính lạy chư vị Thánh Tăng, vì lòng từ bi nên quý Ngài thị hiện giữa cõi đời ô trược này, mang những công hạnh khác nhau để tiếp độ chúng sanh. Noi gương quý Ngài, chúng con nguyện giữ vững niềm tin và nghị lực trên bước đường tu tập giải thoát.



Suốt cuộc đời hoằng pháp, Đức Phật đã hóa độ rất nhiều đệ tử, cả xuất gia lẫn tại gia. Đặc biệt, có mười vị Thánh Tăng nổi bật về công hạnh và năng lực tu tập, được tôn xưng là Thập Đại Đệ Tử.



Mười vị đệ tử lớn của Đức Phật, mỗi vị có một năng lực khác nhau. Đó là các Ngài: Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Phú Lâu Na, Tu Bồ Đề, Ca Chiên Diên, Đại Ca Diếp, A Na Luật, Ưu Ba Ly, A Nan Đà và La Hầu La.



- Tôn giả Xá Lợi Phất: là vị có Trí tuệ bậc nhất. Ngài là con trong một gia đình luận sư nổi tiếng. Sau khi giác ngộ lý nhân duyên với tôn giả Ác Bệ (A Thị Thuyết), Ngài bèn xuất gia theo Phật.



- Tôn giả Mục Kiền Liên: là vị có Thần thông bậc nhất, tính tình cương trực, dũng cảm. Ngài là bạn thân của Tôn giả Xá Lợi Phất, xuất gia được 7 hôm thì chứng quả A La Hán. Mục Kiền Liên là người con hiếu thảo, pháp Vu Lan Bồn được ra đời cũng từ hạnh hiếu đó.



- Tôn giả Phú Lâu Na: là vị có tài Thuyết pháp bậc nhất. Ngài có lòng từ đầy ắp, hoài bão vô tận, mang tâm nguyện dấn thân đi khắp mọi nơi để thuyết pháp độ sanh, không nề hiểm nguy và gian khổ.



- Tôn giả Tu Bồ Đề là vị Giải Không đệ nhất. Lúc Ngài sinh ra, toàn thể đồ đạc trong nhà đều biến mất. Sau khi xuất gia, Ngài giác ngộ các pháp đều do nhân duyên mà sinh khởi, là không thật có, từ đó thể nhập lý Bát nhã và Tánh Không đệ nhất.



- Tôn giả Ca Chiên Diên: là vị có tài Luận nghị bậc nhất. Ngài là cháu của đạo sĩ A Tư Đà, từ nhỏ đã có chí tự học, biện luận nổi tiếng. Khi trở thành đệ tử Phật, qua các cuộc hùng biện, ngài đề cao phẩm chất đạo đức của con người, từ đó có tinh thần sống vị tha, bố thí, loại trừ lòng tham, sống hòa hợp không tranh cãi.



- Tôn giả Đại Ca Diếp: là vị có hạnh Đầu đà bậc nhất. Ngài là con của một gia đình trưởng giả giàu sang, nhưng khi theo Phật xuất gia, liền từ bỏ ăn ngon mặc đẹp, sống khổ hạnh, giản dị mà thanh cao. Ngài giác ngộ tâm ấn Phật trên hội Linh Sơn, nên được truyền trao y bát, kế thừa mạng mạch Như Lai.



- Tôn giả A Na Luật: là vị có Thiên nhãn bậc nhất. Ngài là người thông minh hoạt bát, xuất gia sau dịp Phật về thành Ca Tỳ La Vệ. Một lần, vì ngủ gục trong khi nghe pháp, bị Phật trách, nên Ngài phát nguyện tu tập không ngủ nghỉ và chứng được thiên nhãn thông đệ nhất.



- Tôn giả Ưu Ba Ly: là vị Trì giới bậc nhất. Xuất thân từ gia đình Thủ đà la, làm nghề thợ cạo, Ưu Ba Ly là người đầu tiên thuộc giai cấp nô lệ được Phật cho xuất gia. Ngài hành trì giới luật rất đầy đủ, từ đó Phật và Thánh chúng suy tôn là bậc trì giới số một.



- Tôn giả A Nan Đà: là vị Đa văn bậc nhất. Ngài sinh đúng vào ngày Phật thành đạo, nên có tên là Khánh Hỷ. Thuở nhỏ thông minh, học đâu nhớ đó, tướng mạo rất đẹp, là thị giả ưu tú của Phật. Sau khi Phật nhập Niết bàn, Ngài là người đứng ra tuyên đọc lại những lời Phật dạy không thiếu sót.



- Tôn giả La Hầu La: là vị Mật hạnh bậc nhất. Ngài là con của thái tử Tất Đạt Đa và công chúa Da Du Đà La. Sau khi xuất gia làm đệ tử tôn giả Xá Lợi Phất, La Hầu La trở thành là vị Sa di đầu tiên trong chúng Tăng. Ngài tu hạnh nhẫn nhục, giữ gìn oai nghi tế hạnh, trở thành bậc có mật hạnh đệ nhất.







Xá Lợi Phất nổi danh trí tuệ

Mục Kiền Liên đệ nhất thần thông

Phú Lâu Na thuyết pháp, dấn thân

Tu Bồ Đề giải không bậc nhất.

Ca Chiên Diên dẫn đầu luận nghị

Đại Ca Diếp khổ hạnh, đầu đà

Thiên nhãn thông Na Luật ai qua

Ưu Ba Ly đứng đầu trì giới.

A Nan Đà đa văn, sáng dạ

La Hầu La mật hạnh, khiêm nhường

Thập đại đệ tử Phật tuyên dương

Mười công hạnh muôn phương ngời sáng.



Mười vị đệ tử lớn của Phật, mỗi vị đều mang một đạo hạnh đặc biệt và những sở chứng riêng, nhưng các Ngài vẫn có một điểm chung là hết lòng hộ trì, xiển dương chánh pháp, hóa độ chúng sanh.



Mô Phật! Kính lạy chư vị Thánh Tăng, vì lòng từ bi nên quý Ngài thị hiện giữa cõi đời ô trược này, mang những công hạnh khác nhau để tiếp độ chúng sanh. Noi gương quý Ngài, chúng con nguyện giữ vững niềm tin và nghị lực trên bước đường tu tập giải thoát.




PHẬT GIÁO HÓA TÔN GIẢ LA HẦU LA

La Hầu La theo Phật xuất gia từ lúc mới 13 tuổi. Lúc ấy La Hầu La ở rừng Ôn Tuyền ngoài thành Vương Xá, có nhiều quan đại thần, trưởng giả, cư sĩ đến hỏi thăm đức Thế Tôn hiện ở đâu. Cậu thường tìm cách nói gạt để trêu ghẹo mọi người. Nếu đức Phật đang ở tinh xá Trúc Lâm, thì La Hầu La lại nói Ngài ở núi Kỳ Xà Quật. Đức Phật ở tại Kỳ Xà Quật thì cậu nói gạt rằng Phật ở tinh xá Trúc Lâm. Hai nơi ấy cách xa nhau khoảng hai dặm, khiến thiên hạ cứ đi tới đi lui mệt nhoài, mà rốt cuộc không gặp được Phật. Khi họ thất vọng quay về, La Hầu La còn cười nhạo:

- Các ông không gặp được Phật sao?

- Đại đức! Ngài còn cười nhạo bọn tôi nữa ư?

- Ai trêu chọc các ông? Tôi lo cho các ông thôi chứ.

Cậu bé La Hầu La nghịch ngợm không bao giờ nhận lỗi của mình. La Hầu La gạt mọi người một lần, hai lần, thiên hạ còn bị lầm, nhưng sau vài lần mọi người đều biết, và tiếng đồn La Hầu La nói dối, chọc ghẹo người đến tai Phật.

Hôm ấy, đức Thế Tôn đến chỗ ở của La Hầu La, với dáng hết sức oai nghiêm. La Hầu La vội chỉnh y ra nghinh đón Phật. Đợi cho Thế Tôn an tọa, cậu đem nước đến cho Phật rửa chân. Đức Phật không nói một lời, rửa chân xong, bèn chỉ nước dơ trong chậu bảo La Hầu La:

- Này La Hầu La! Thứ nước dơ bẩn này có đem uống được không?

- Bạch Thế Tôn! Nước rửa chân rất dơ, không thể uống được.

- Ông cũng giống thứ nước đó!

Đức Thế Tôn quở:

- Nước vốn trong sạch, rửa chân xong bèn trở nên cáu bẩn, giống như ông vốn là vương tôn, lìa bỏ mọi thứ vinh hoa phú quý tạm bợ của thế gian, xuất gia làm Sa môn, tuy chưa thọ giới Tỳ kheo, nhưng ông đã thọ mười giới Sa di. Ông không tinh tấn tu tập, không để thân tâm thanh tịnh, không giữ miệng cẩn thận lời nói, dối gạt chọc ghẹo người, cấu uế của tam độc đầy dẫy trong tâm ông, giống như nước trong sạch bị dơ bẩn một thứ.

La Hầu La cúi đầu chẳng dám ngó Phật. Đức Phật bảo đem nước đổ đi, cậu bé mới nhúc nhích. Đợi La Hầu La đổ hết nước xong, Phật lại hỏi:

- La Hầu La! Ông lấy cái chậu này đựng cơm được không?

- Bạch Thế Tôn! Chậu đựng nước rửa chân không thể đem đựng cơm, vì chậu đã dơ, đầy cáu ghét không thể đựng thức ăn được!

- Ông cũng giống cái chậu đó. Tuy làm Sa môn thanh tịnh mà không tu giới định tuệ, thân khẩu ý không thanh tịnh, chứa đầy cấu uế không chân thật, thức ăn đạo lý làm sao nhét vào tâm ông ?

Phật nói xong lấy chân đá nhẹ cái chậu lăn mấy vòng, La Hầu La thấy thế hoảng sợ. Phật lại hỏi:

- La Hầu La! Ông sợ cái chậu này bị đá bể không?

- Bạch Thế Tôn! Không ạ. Chậu rửa chân là đồ vật xấu, có bể cũng chẳng sao.

- La Hầu La! Ông không tiếc cái chậu này, giống như mọi người không thương mến ông. Ông xuất gia làm Sa môn, không giữ oai nghi, nói dối đùa ghẹo, ai mà thương ông được. Không ai quý tiếc gì ông, cho đến lúc ông chết mà ông không hối cải, lại càng chìm trong mê mờ. La Hầu La sợ toát mồ hôi, xấu hổ vơi tội lỗi của mình, phát nguyện từ nay về sau cố gắng sửa đổi tâm tánh. Ngài nỗ lực tu tập, chẳng bao lâu chứng được quả La Hầu La và trở thành vị đệ tử có Mật hạnh đệ nhất.