Theo tấm bia cổ Tùng san Hoa Lâm Tam bảo thị bi tịch minh, cha Lý Công Uẩn đa thê và thánh mẫu là người vợ muộn của ông.

Nguồn gốc của vị vua nhà mở đầu triều Lý - Lý Công Uẩn từ xưa đến nay đã làm tốn khá nhiều công sức của các nhà sử học. Theo một số ý kiến thì mẹ ông người Bắc Ninh, bố ông là quốc sư Vạn Hạnh.

Thế nhưng, trong một lần nói chuyện với Nhà nghiên cứu (NNC) văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, giảng viên trường ĐHKHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội, tình cờ ông có nhắc đến một phát hiện mới liên quan đến gốc tích của vua Lý Công Uẩn được ghi trên một tấm bia có tên Tùng san Hoa Lâm Tam bảo thị bi tịch minh. Phát hiện này là một nguồn tư liệu mới đối với giới sử học vì nó ít nhiều sẽ giúp vén bức màn bí mật che phủ xuất xứ của vị vua huyền thoại.

"Tùng san Hoa Lâm Tam bảo thị bi tịch minh"

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ và một số đồng nghiệp của mình đã phát hiện một tấm bia trên đó có ghi chép lại những thông tin chính xác về quê quán, địa điểm, tên húy của ông bà nội vua Lý Công Uẩn.


Tấm bia Hoa Lâm Tam Bảo thị hiện đang được lưu tại Viện Hán Nôm.

Tấm bia có một số đặc điểm: Hoa văn trên bia mặt trước khắc lưỡng long triều nhật, mặt trời tỏa 10 tia sáng hình ngọn lửa thẳng, rực rỡ. Diềm trên đầu bia cũng hoa văn lửa xếp vòng cung. Hai diềm bên khắc hình chim. Ngoài ra còn có cả các hình hoa dây và hoa cúc, diềm dưới là các cánh sen cách điệu kết thành băng ngang. Tên bia: Tùng san Hoa Lâm Tam bảo thị bi tịch minh được khắc theo lối chữ khải, phong cách mềm mại, đóng khung.

Mặt sau phía trên bia khắc đôi phượng chầu mặt trời dáng uyển chuyển, sinh động. Mặt trời tỏa 10 ngọn lửa sáng cong lên. Diềm hai bên và diềm trán khắc hình chim các tư thế, hoa sen, hoa dây, hoa cúc, phượng hoàng. Diềm phía dưới chân là cánh hoa sen kết thành băng ngang. Hoa văn sắc nét, chạm trổ công phu, tỉ mỉ. Người soạn họ Đồng, tên hiệu Chuyết Phu, quê quán thuộc xã Thiết Úng huyện Đông Ngàn, chức vị Tán trị thừa chính sứ các xứ Sơn Tây chí sĩ.

Có hai người viết chữ. Một người có tên là Nguyễn Sĩ Duyên, học vị Trúng thư toán khoa Mậu Dần, hoa văn học sinh, chức vị tước Văn Lâm nam. Người kia có tên Đỗ Văn Vị, chức vị Đô lại Bộ công, tước Văn Hương nam.

Phần mặt trước của tấm bia có nói đến việc trùng tu chợ Tam Bảo. Chợ này nằm trên quê hương nổi tiếng của ông bà nội Thánh Thiện thuộc triều nhà Lý trước đây. Lăng miếu của bố và mẹ Lý Công Uẩn nằm ở phía đông chợ, chùa Trinh Tiết nằm ở phía tây chợ, phía bắc là Tam Đảo, Sóc Sơn, phía nam là sông Đuống, giữa chợ có đường cái quan qua lại, người người hội tụ.

Cha mẹ đẻ của Lý Công Uẩn là ai?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ.
Theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ thì đây là phát hiện quan trọng giúp cho việc xác định lý lịch Lý Công Uẩn một cách minh tường hơn, bổ sung một tư liệu quí vào chính sử. Từ những thông tin trên bia Tam Bảo này cộng với các nguồn sử liệu có thể giúp các nhà nghiên cứu tìm ra được cha mẹ đẻ của Lý Công Uẩn là ai.

Tuy nhiên, tạm thời có thể đưa ra các giả thuyết như: Cha Lý Công Uẩn đa thê và thánh mẫu là người vợ muộn của ông. Điều này được suy luận từ việc năm 1009, Lý Công Uẩn phong cho con Vũ Uy vương là Trung Hiển làm Thái úy. Lúc đó, Lý Công Uẩn 35 tuổi. Một người phụ trách quân đội như Thái úy thì tuổi đời cũng phải xấp xỉ Lý Công Uẩn. Vậy tại sao Lý Công Uẩn lại còn người này vì ngoài người này ra thì vẫn còn rất nhiều người khác ủng hộ ông. Ngay trong nội tộc cũng nhiều người lớn tuổi, từng trải. Chắc chắn người anh đó phải là con bà cả, bà hai, nếu có ai là em thì cũng là em con chú, có thể lớn tuổi hơn cả Lý Công Uẩn. Việc một hào trưởng, lý gia thời xưa năm thê bảy thiếp là chuyện hết sức bình thường.

Ngoài ra, còn một số giả thiết khác dựa vào chính sử như Dương Lôi là thang mộc ấp của nhà Lý, tức là đất được vua ban... Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa thì người dân làng Dương Lôi và làng Hoa Lâm, nay là phường Tân Hồng thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh rất tự hào vì đã có quan hệ thông gia tầm cỡ dân tộc, lịch sử trong những trang đầu của quốc gia Đại Việt.

Tấm bia quý giá

Những thông tin quan trọng lần đầu tiên được phát hiện có nội dung: "Tự hữu thử thiên địa dĩ hữu thử thị khu tư. Hoa Lâm cổ tích thị nhất khu nãi tiền Lý triều Thánh Thiện tổ khảo tỉ chi danh hương dã. Khảo tỉ lăng miếu tại thị chi đông. Trinh Tiết phạm cung tại thị chi tây. Phương dân tôn phụng linh ứng mặc phù, nhi thị cư tự miếu chi trung".
Nguyễn Hùng Vĩ (dịch)
Theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ thì Bia Hoa Lâm có niên đại định bản sớm nhất, ghi chép trực tiếp những thông tin có liên quan đến việc xác định gốc tích Lý Công Uẩn. Tuy nhiên, tấm bia này đã được nằm trong kho của viện Viễn Đông Bắc Cổ và sau này là Viện Hán Nôm suốt một thế kỷ qua.



Giá trị của tấm bia thể hiện ở chỗ nó được viết từ năm 1656 tức là (năm Thịnh Đức thứ 4) bởi những người có học vị và tước vị, đều đã và đang thuộc bộ máy của triều đình phong kiến lúc bấy giờ, họ chứng kiến thực tế và có tri thức sử học.

Hơn nữa, chắc chắn họ có sự đồng thuận của nhiều trí thức khác khi tham gia trùng tu chợ Hoa Lâm lúc đó. Người soạn là Đồng Nhân Phái người xã Thiết Úng, huyện Đông Ngàn, nay là thôn Thiết Úng xã Vân Hà, Hà Nội, sau ông đổi tên là Đồng Chính Phái.

Năm 48 tuổi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ khoa thi Mậu Thìn niên hiệu Vĩnh Tộ 10 (1628) đời Lê Thần Tông. Làm quan đến chức Công bộ Hữu Thị lang. Khi mất, được thăng Thượng thư. Dù hơn 19 tuổi nhưng ông đỗ cùng khoa và cùng hạng với nhà sử học nổi tiếng Phạm Công Trứ, người sẽ tổ chức hoàn thành bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư bản in sớm nhất hiện còn.

Là đồng liêu với một loạt nhà sử học nổi tiếng thời bấy giờ trong đời Lê Thần Tông, chắc chắn tri thức sử học của Đồng Nhân Phái là tin cậy được. Hơn nữa, bia mang tên "trùng san" gợi ý cho chúng ta sẽ rằng có một tấm bia khác xưa hơn nữa với nội dung tương tự - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cho biết.
Theo Bee.net