kết quả từ 1 tới 1 trên 1

Ðề tài: Con đường Thiêng Liêng hằng Sống

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Con đường Thiêng Liêng hằng Sống

    Đức Hộ-Pháp
    Thuyết-Đạo tại Đền-Thánh, đêm 13 tháng 8 năm Mậu-Tý (16-9-1948)


    Đêm nay Bần-Đạo thuyết Đạo có hơi dài chút rán ngồi nghe.
    Kể từ đêm nay Bần-Đạo bắt đầu thuyết một đề-tài trọng yếu đề-tài này phải thuyết nhiều đêm mới hết, bởi thế cho nên cứ mỗi bốn đêm thì thuyết một lần, Bần-Đạo rán thúc nhặt cho con cái Đức Chí-Tôn có một bửu-bối nơi tay, để ngày kia tìm đường đoạt Đạo.
    Đề tài đêm nay là: "Con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống".

    Con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống là gì? Nếu hiểu theo Chơn-Pháp của Đức Chí-Tôn thì con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống là: Con đường dành cho các chơn-hồn khi thoát xác, rồi quay về với Đức Chí-Tôn để được định vị, thăng hay đọa. Nhưng nếu hiểu theo triết-lý nhà Phật, thì con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống là con đường của Luân-Hồi.

    Như vậy, Con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống là một đề-tài thuyết-pháp khó khăn, muốn cho toàn-thể con cái Đức Chí-Tôn thấu đáo, lãnh hội đầy-đủ nghĩa lý sâu xa của đề-tài đó, ít ra phải viết thành sách, mà sách ấy tới mấy ngàn trang là ít.

    Ấy vậy, con cái của Đức Chí-Tôn rán nghe và rán đi cúng đặng nghe, để nữa sau khỏi hối tiếc và oán trách, nói sao Bần-Đạo không cho hay trước, không cho biết trước, để được nghe những điều bí yếu trong nền Đạo Cao-Đài, những triết-lý cao siêu mà chỉ có Đạo Cao-Đài mới có, tuy nhiên, âu cũng là một đặc ân của Đức Chí-Tôn dành cho Đạo Cao-Đài ngày nay, nên mới có mấy đứa nhỏ cố gắng học được tốc-ký để ghi chép những lời thuyết Đạo của Bần-Đạo, vì những lời thuyết Đạo này, không phải của Phạm Công Tắc mà là của Hộ-Pháp, Hộ-Pháp thay lời Đức Chí-Tôn nói Đạo cho toàn thể con cái của Ngài nghe, quý hay chăng là ở chỗ đó.

    Bần-Đạo may duyên được Đức Chí-Tôn chọn làm Ngự-Mã-Quân của Ngài để thay Ngài, lập nền chánh-giáo, tức là nền Đạo Cao-Đài này để thay thế tất cả Tôn-Giáo đã có từ trước. Vì lẽ các Tôn-Giáo ấy, ngày nay không phù hợp với lương tri lương năng của loài người nữa. Hay nói một cách khác là các nền Tôn-Giáo ấy ngày nay đã bị bế.
    Nhớ lại, từ khi Đức Chí-Tôn chọn Bần-Đạo làm Hộ-Pháp; dạy Bần-Đạo phò-loan và chấp bút, đặc biệt hơn hết là chấp bút, vì nhờ chấp bút, mà Bần-Đạo được Đức Chí-Tôn dạy cách Tham-Thiền, khi biết Tham-Thiền rồi mới Nhập-Tịnh, nhưng Nhập-Tịnh không phải dễ, chỉ sai một tí, sót một chút là có thể hỏng cả cuộc đời, Nhập-Tịnh mà không tới thì bị hôn trầm tức là ngủ gục, còn Nhập-Tịnh mà quá mức thì phải điên đi mà chớ; Nhập-Tịnh mà đúng rồi, còn phải nhờ các Đấng Thiêng-Liêng mở Huệ-Quang-Khiếu nữa, mới xuất hồn ra được. Con đường mà Chơn-Thần xuất ra rồi về với Đức Chí-Tôn là con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống đó vậy. Chính Bần-Đạo được Đức Chí-Tôn mở Huệ-Quang-Khiếu nên mới được về hội kiến cùng Đức Chí-Tôn và đã học hỏi được nơi Đức Chí-Tôn nhiều điều bí-yếu bí-trọng.
    Ngày nay, giảng con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống là Bần-Đạo muốn dìu dắt chơn-thần của toàn thể con cái Đức Chí-Tôn về với Đức Chí-Tôn qua một hình thức thuyết Đạo.

    Con đường về với Đức Chí-Tôn không phải dễ, mà cũng không phải về là tới liền, muốn về với Đức Chí-Tôn ta phải qua nhiều Cung nhiều Điện, mỗi Cung chúng ta gặp một sự lạ, mỗi Điện chúng ta gặp một huyền vi khác nhau, phải đi từ Cung này đến Điện nọ, nên gọi là "Dục tấn trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống". Về được với Đức Chí-Tôn thì không còn hạnh-phúc nào bằng.

    Một kiếp tu chưa chắc đã về được với Đức Chí-Tôn, muôn năm ngàn kiếp mà nếu thiếu tu, cũng không khi nào về được với Đức Chí-Tôn, mấy anh mấy chị rán nhớ điều đó, mà tu thì sao? Trong cửa Đạo Cao-Đài này đã dạy tu rồi, nhứt là Bần-Đạo đã giảng nhiều rồi, ấy là ta phải: Lập Đức, Lập Công và Lập Ngôn đó vậy.

    Bây giờ trở lại đề-tài dục tấn trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống. Như hồi nãy Bần-Đạo có nói, nhờ hồng ân đặc-biệt của Đức Chí-Tôn. Bần-Đạo được diễm phúc hội-hiệp cùng Ngài và trước khi hội-hiệp cùng Ngài, Bần-Đạo cũng đã được hội-kiến cùng các Đấng Thiêng-Liêng nơi cõi Thiêng-Liêng Hằng-Sống.

    Kể từ đêm nay, Bần-Đạo không thuyết Đạo, mà Bần-Đạo chỉ nói lại, thuật lại những gì Bần-Đạo đã thấy, đã nghe, đã biết, khi gặp các Đấng nơi cảnh Thiêng-Liêng kia, âu cũng là phương-pháp giúp cho toàn-thể con cái Đức Chí-Tôn biết trước cảnh đó như thế nào, để nữa có về thì không bỡ ngỡ.

    Bần-Đạo nói, con cái Đức Chí-Tôn nghe, rồi tưởng-tượng như mình có một người hướng dẫn, và đi đến đâu, thì người hướng-dẫn giải-thích đến đó, tỷ-dụ như người ngoại-quốc đến nước Việt-Nam được một người hướng-dẫn và giới-thiệu các thắng cảnh tại Việt-Nam đó vậy.
    Mỗi chơn-hồn nơi thế gian này, khi thoát xác đều phải qui tựu tại Đền-Thánh này và đi từ trong Đền-Thánh này đến các cảnh giới khác. Tại sao phải vào Đền-Thánh này, mà không vào các Đền-Thánh khác? Tại vì Đền-Thánh này tỷ như một trường thi: Mỗi năm Chánh-Phủ mở một kỳ thi như thi Tú-Tài chẳng hạn, địa-điểm đã ấn định rồi, chỉ có thi nơi đó mới có giá-trị: Tòa-Thánh này cũng vậy Đức Chí-Tôn lập ra để con cái của Ngài Lập-Công, Lập-Đức, Lập-Ngôn mà về với Ngài.
    Vào Đền-Thánh tức là vào Hiệp-Thiên-Đài, đi từ Hiệp-Thiên-Đài đến Cung-Đạo, nhưng muốn vào Cung Đạo phải qua Cửu-Trùng-Đài, mỗi nấc của Cửu-Trùng-Đài là mỗi lần khảo-dượt của các Đấng Thiêng-Liêng, là mỗi lần cứu-rỗi của Cữu-Vị Nữ-Phật, là mỗi lần cầu xin, của các đẳng linh-hồn, toàn-thể con cái Đức Chí-Tôn đọc lại mấy bài kinh từ Đệ Nhứt-Cửu đến Đệ Cữu-Cửu, đến Tiểu-Tường và Đại-Tường thì biết.

    Trong cửa Đạo Cao-Đài có ba cách về với Đức Chí-Tôn, hay là có ba cách lập vị mình:
    * Cách thứ nhứt: Các chơn-hồn mượn xác phàm phải đi theo phẩm-trật Cữu-Thiên Khai-Hóa, tức là theo Hội-Thánh Cửu-Trùng-Đài, dùng tài sức mình lập công để đoạt Đạo, nghĩa là phải đi từ bậc Đạo-Hữu lên Lễ-Sanh, Giáo-Hữu, Giáo-Sư, v.v... Phải lập công từ Tiểu-Thừa, Trung-Thừa đến Thượng-Thừa, phải ăn chay từ sáu ngày mỗi tháng đến mười ngày, rồi ăn chay trường luôn, phải tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, các chơn-hồn đi theo phẩm-trật Cửu-Thiên Khai-Hóa còn phải có tự-tín rồi tha-tín, tức là giác-nhi giác-tha đó vậy, có tự-tín rồi tha-tín tức là có tự độ mình rồi độ chúng-sanh. Đạo Cao-Đài khác với các nền Tôn-Giáo khác là ở chỗ đó, trước hết phải độ mình, độ gia-đình mình rồi độ ngoài thân tộc, tức là độ cả nhơn-loại vậy; mình phải học để mình hiểu Đạo. Hiểu Đạo rồi, nói sao cho thân tộc mình hiểu Đạo, chẳng những nói Đạo cho thân tộc mình biết mà thôi, mà phải nói Đạo cho toàn nhơn-loại nữa. Mình học để biết Đạo là lập Đức, nói Đạo cho thân tộc mình biết Đạo là lập Công, độ toàn nhơn-loại là lập Ngôn, có làm đủ ba điểm đó mới về được với Đức Chí-Tôn bằng con đường Cữu-Thiên Khai-Hóa.

    * Cách thứ hai: Lập vị mình theo Thập-Nhị Đẳng-Cấp Thiêng-Liêng tức là theo Hội-Thánh Phước-Thiện, nơi đây ngoài việc ăn chay giữ-gìn luật Đạo tùng theo chơn-pháp của Đức Chí-Tôn còn phải dùng Đức để lập vị mình.

    Muốn lập đức phải đi từ Minh-Đức, Tân-Dân, Thính-Thiện, Hành-Thiện, Giáo-Thiện, Chí-Thiện, v.v...

    Lập đức là gì? Là dùng sự thương yêu để cứu độ chúng-sanh mà Đức Chí-Tôn đã có nói: "Sự thương yêu là chìa khóa mở cửa Bạch-Ngọc-Kinh" là vậy đó.

    Các đẳng chơn-hồn tái kiếp đang chơi vơi trong "Tứ-Diệu-Đề-Khổ". Muốn thoát khổ họ phải thọ khổ, có thọ khổ mới thắng khổ. Người đi theo Thập-Nhị Đẳng-Cấp Thiêng-Liêng là dạy người ta thọ khổ để thắng khổ. Muốn dạy người ta thọ khổ trước hết thì mình phải thọ khổ đã, muốn thọ khổ thì không gì hay bằng dùng Đức Thương-Yêu. Cho nên bậc thứ nhất của Thập-Nhị Đẳng-Cấp Thiêng-Liêng là Minh-Đức đó vậy.

    Có thương yêu mới thọ khổ được, ta thương Cha-Mẹ ta, ta mới chịu khổ mà bảo dưỡng Cha-Mẹ lúc tuổi già, ta thương con ta, ta mới lo tảo lo tần nuôi nó khôn lớn, ta thương những người cô thế tật nguyền ta mới tầm phương giúp đỡ họ, mà tầm phương giúp họ là thọ khổ đó vậy.

    Thọ khổ rồi mới thắng khổ, thọ khổ không phải một ngày, một bữa, mà phải thọ khổ cho đến nơi đến chốn, nghĩa là nuôi Cha-Mẹ cho đến tuổi già, lo cho con từ khi còn bé cho đến lúc nó tự lo cho nó được. Hai điều đó còn dễ, đến lo cho thiên-hạ hết khổ mới khó, vì khi lo người này, hết người này đến người khác và cứ như vậy trọn kiếp sanh mới gọi là thắng khổ, có thắng khổ mới về được với Đức Chí-Tôn bằng con đường Thập-Nhị Đẳng-Cấp Thiêng-Liêng.

    * Cách thứ ba: Cách thứ ba Là cách Tu-Chơn hay là cách Tịnh-Luyện cũng thế.

    Những người đi trong Cữu-Phẩm Thần-Tiên hay đi trong Thập-Nhị Đẳng-Cấp Thiêng-Liêng, khi mình nhận thấy là đã Lập-Đức, Lập-Công, Lập-Ngôn rồi. Hay là đã thọ khổ và thắng khổ rồi mà còn sức nữa, thì vào nhà Tịnh để được Tu-Chơn. Nơi đây các vị đó sẽ được học phương-pháp luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hóa Thần, tức là Tinh-Khí Thần hiệp nhứt là Hườn-Hư đó vậy.

    Bây giờ trở lại con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống. Khi chúng ta qua khỏi Cửu-Trùng-Đài bước vào Cung-Đạo, trực ngó lên trên không thấy Bát-Quái-Đài nữa mà thấy Đại-Hải minh mông, thấy mờ-mờ mịt-mịt. Càn-Khôn Vũ-Trụ bao la không thể gì tưởng tượng được, bắt đầu từ lúc này chúng ta bước vào Con-Đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống rồi đó.

    Nếu đi theo con đường Cữu-Thiên Khai-Hóa và con đường Thập-Nhị Đẳng-Cấp Thiêng-Liêng thì khác. Vì đi hai con đường đó là khi ta mãn kiếp về với Đức Chí-Tôn, ta đi với cả Linh-Hồn và Thể-Phách. Còn hôm nay chúng ta về với Đức Chí-Tôn bằng Chơn-Thần vì Bần-Đạo may duyên được đặc ân của Đức Chí-Tôn cho phép nên mới đi riêng cũng như đi tắt vậy.


    Chúng ta ngó lên thấy như Đại-Hải minh mông, nhưng thật ra không phải Đại-Hải mà là vòm trời của Càn-Khôn Vũ-Trụ, nơi xa xa khi ẩn khi hiện trong mây, một tòa nhà nguy nga đồ-sộ, thoạt ẩn thoạt hiện mập-mờ, vừa ngó thấy thì ta muốn đến ngay, không biết làm sao đến, vừa lúc đó pháp-thân ta như có một sức mạnh hút đi, không đi mà đến, đến mau như đi bằng máy bay vậy.

    Đến rồi ngó thấy quần sanh nhơn-loại muôn trùng, lớp đến lớp đi không biết bao nhiêu mà nói, nhiều như vậy, mà dường như không có tiếng động nào, thứ-tự lớp lang có trật-tự lắm. Nơi đó gọi là Cung Thánh, tức là Cung để cho các chơn-hồn ra khỏi cảnh Thiêng-Liêng đi tái kiếp mà cũng là nơi tiếp rước các đẳng linh-hồn sau khi tái kiếp trở về. Nơi đó giống như một trạm hàng không, hay là trạm xe lửa vậy, kẻ đi, người đến muôn trùng, đi thì buồn, về thì vui, nhưng tất cả đều hiển-hiện lên khuôn mặt của mọi người một sự lo lắng chung; đi cũng lo mà về cũng lo, đi mà lo là lo không biết xuống thế-gian có làm tròn bổn-phận khi giao-ước với Đức Chí-Tôn không? Về cũng lo là lo không biết phẩm-vị mình ra sao có còn hay mất, lo lắm, mọi người đều lo lắm.

    Kỳ sau, Bần-Đạo giảng tiếp về Cung Thánh và Cung Thể-Thiên Hành-Hóa./.
    Attached Files Attached Files

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •