SỰ SỐNG TRONG CÕI HƯ LINH

Ông Châu Hi định nghĩa võ trụ:
"Tứ phương thượng hạ viết Võ, cổ vãng kim lai viết Trụ". Bốn phương trên dưới gọi Võ, xưa qua nay gọi Trụ.
Giải rộng ra: Không gian vô biên vô tận là Võ; thời gian vô thỉ vô chung là Trụ.
Vậy, "Võ Trụ", hiểu rộng ra, gồm tất cả cái gì ở trong không gian và thời gian.
Tổng quát về Võ trụ quan, chúng tôi tự thấy quan niệm có khác với quan niệm của các nhà triết học Đông Tây, vì chúng tôi là nhà tôn giáo, căn cứ ở đức tin và sở học riêng; học thuyết của chúng tôi không thể hài lòng các nhà duy vật. Đành vậy, vì ai cũng có quyền tin tưởng và quan niệm theo sở kiến mình.

Đành rằng Võ trụ không thể tự chỗ hư không (1) mà trở ra có, là vì trong cái Không, làm gì rút được ra cái Có?

Phải có cái gì tự nó có trước đã. Rồi cái bổn hữu ấy mới sản xuất muôn vàn cái khác.
Cái bổn hữu ấy, chúng tôi, noi dấu người xưa, gọi là: Vô Cực

________________________________________________
(1) Hư không đây không phải là trống không, hoang vu, ảo tưởng. Đó là cõi Siêu Hình mà phàm trí, phàm giác chưa thấu đáo. Cái Không, Không đó Không mà Có.

Cái Có, Có là Có lại Không.

(Cao Đài Tiên Bút)

____________________________________

VÔ CỰC

Nguyên hồi Vô thỉ, nghĩa là khi chưa tạo Thiên lập Địa, cõi Thái hư (Không gian) mờ mờ mịt mịt, chỉ có một Nguyên lý cùng tột, thiên nhiên tự hữu, vô thỉ vô chung, chí linh chí diệu, cổ nhơn mượn phàm ngữ gọi là khí Hư Vô hay Vô Cực (Parabralm - L'Absolu - le Non Manifesté).
Theo Phật giáo, Nguyên lý ấy là Phật tánh, cái chơn thể thật tánh bất di bất dịch của Nguyên lý gọi là Chơn như.

Khổng giáo gọi Nguyên lý ấy là Thiên ly,ù ở nơi Trời là Mạng, nơi người là Tánh, nơi vật là Lý. Thiên lý lưu hành trong khoảng trời đất, lại phát hiện ra ở việc làm hằng ngày của con người.

Lão giáo gọi Nguyên lý ấy là Đạo. Bổn tánh của Đạo là hư không lặng lẽ, xem chẳng thấy, lóng chẳng nghe, rờ chẳng đụng, không thể dùng lời nói mà diễn được, hoặc đem sự vật mà so sánh. Đạo hóa sanh trời đất, lưu hành trong võ trụ, tàng ẩn trong muôn vật, cho nên vật nào cũng có phần linh diệu bên trong để điều hòa trưởng dưỡng cho nó. Đạo là tinh thần của trời đất vạn vật, mà trời đất vạn vật là linh thể của Đạo. Cái Nguyên lý ấy đã vào trong lòng người thì gọi là Đức. Cho nên Thánh nhơn thường dùng hai tiếng Đạo Đức để chỉ cách cư xử ở đời thế nào cho trên hiệp với lẽ Trời, dưới hiệp cùng luân lý.

Trong khí Vô Cực, (Parabalm) lại có một khối Ngươn Thần (Paramatman), tức là Chơn linh của Tạo Hóa vậy.



BA NGÔI

Trước nhứt, đấng Tạo Hóa phóng Chơn linh lập Ngôi Một của Ngài là Thái Cực (Premier Logos).
Thái cực vốn là cơ động tịnh. Thái Cực động sanh Chơn Dương làm Hỏa. Hỏa là Thần (Esprit), tức là cái động thể Ngươn Thần của Tạo Hóa (Brahma Vira) mà Đạo thơ gọi Mộc Công vì Mộc năng sanh Hỏa.

Thái Cực lại tịnh mà sanh Chơn Âm làm Thủy. Thủy là Tinh (Matière), tức là cái tinh thể Ngươn Thần của Tạo Hóa (Brahma Vâch), mà Đạo thơ gọi Kim Mẫu vì Kim năng sanh Thủy.

Tạo Hóa vận chuyển ngôi Thái Cực cứ một động một tịnh mà sanh ra hai Nguyên lý Thái Dương - (Pratyag atman) và Thái Âm - -(Mula prakriti), lập thành Ngôi Hai là Lưỡng Nghi (Deuxième Logos).

Đạo thơ nói Mộc Công Kim Mẫu sanh ra Anh Nhi và Trạch Nữ, rồi nhường ngôi cho hai người mà đi tu.

Đó là nói bóng. Sự thiệt thì Chơn Dương và Chơn Âm (Mộc Công và Kim Mẫu) sanh ra nhị nguyên lý Thái Dương và Thái Âm (Anh Nhi và Trạch Nữ).

"Nhường ngôi mà đi tu" nghĩa là sau khi thành lập Ngôi Hai (Lưỡng Nghi), Ngôi Một (Thái Cực) trở về địa vị vô vi.

Tạo Hóa lại dùng phép Âm Dương giao cảm. Biến thành hai Khí Thiếu Dương (Fohat) và Thiếu Âm (Koilon) mà lập Ngôi Ba là Tứ Tượng (1) (Troisième Logos).

________________________________________________
Đó là một Thể ba Ngôi (2) (Trinité). (1) Trong Bát Quái, thì Thiếu Dương thuộc quẻ Khảm, Thiếu Âm thuộc quẻ Ly. Biểu hiệu Thiếu Dương là một gạch liền giữa hai gạch đứt - . Tuy thấy phần Âm lấn phần Dương nhưng nó là biểu hiệu cho Dương, vì trong luật điều hòa cai quản Võ trụ Kiền Khôn, bao giờ cái phần thiểâu số cũng cầm quyền thống trị tất cả các hiện tượng. Ai rõ thông y học, xét về thai dưng của đờn bà do chỗ Âm Dương yếu mạnh mà sanh hoặc trai hoặc gái, thì thấy rõ cái phần thiểu số bao giờ cũng mạnh hơn phần đại số và luật điềàu hòa của Tạo Hóa trái hẳn với công lệ "mạnh được yếu thua" của cuộc cạnh tranh

(2) Tôn giáo nào cũng có cái biểu hiệu một Thể Ba Ngôi. Đại Đạo có: Thái Cực, Lưỡng Nghi, Tứ Tượng. Đạo Phật có: Tam Bửu, Từ Tôn: Di Đà, Quan Âm, Thế Chí. Thiên Chúa giáo có ba Ngôi: đức Chúa Cha (Père), đức Chúa Con (Fils), đức Chúa Thánh Thần (Saint Esprit). Đạo Bà la môn thì có: Thần Sáng Tạo (Brahma), Thần phá hoại (Shiva), Thần Bảo Tồn (Vishnou).


[Trích trong quyển Thiên Đạo của ông Nguyễn Trung Hậu ]