Đời nhà Đường, một cung nữ với những vũ điệu tuyệt vời trên đôi chân nhỏ xinh bọc lụa gấm đã làm say lòng hàng trăm vị vương tôn công tử, ngay cả bậc quân vương. Lòng đố kỵ nổi lên, các cô gái sắc nước hương trời tìm mọi cách để có được “đôi chân hoa huệ”.


Các bé gái thực hiện nghi lễ bó chân từ rất sớm
Đến thế kỷ thứ 12, bó chân đã trở thành “mốt” phổ biến rộng rãi trong giới thượng lưu Trung Quốc, đặc biệt chỉ dành riêng cho kiều nữ thuộc các Gia đình quyền quý vương giả.

Để “đôi chân hoa huệ” ngày càng nhỏ xinh và hoàn thiện, người ta lại càng ra sức căng chặt vải buộc chân cho thêm phần đau đớn. Để rồi đến cuối triều nhà Minh (1636-1911), nó chẳng khác gì một cuộc Hành hình mà bất cứ cô gái mới lớn nào cũng đón nhận bằng thái độ vừa háo hức, vừa khiếp đảm.

Thời kỳ này, các bé gái lên 5-7 tuổi đã bắt đầu nghi lễ buộc chân. Bà và mẹ thường là những người đích tay buộc dải băng (dài 2,5 m, rộng 5cm ) vòng quanh chân cô con gái nhỏ, càng chặt thì càng có hy vọng kiếm tấm chồng cao sang quyền quý sau này. Ngón chân cái để nguyên bình thường trong khi 4 ngón chân còn lại bị ép cứng vào nhau, sao cho chỉ trong vòng 1 năm xương nát nhừ là “đạt chuẩn”.

Vài năm đầu, cơn đau nhức mỗi lúc sẽ tăng dần lên, thậm chí đau đớn phát ngất chứ đừng nói đi lại gì. Muốn di chuyển, kiều nữ bó chân chỉ còn cách trườn bò hoặc phải có người dìu đỡ, cách tốt nhất là cứ yên vị một chỗ cho xong. Gót chân chai cứng dần bởi trong suốt quá trình bó chân hoa huệ, các cô gái chỉ có thể đi đứng bằng gót chứ tuyệt nhiên không được động chạm tới gan bàn chân và 5 đầu ngón chân.

Sau nhiều năm vật vã “làm đẹp” như thế, cuối cùng xương Bàn chân cũng cong lên thành hình... “hoa huệ”. Dải băng tuy không được tháo ra nhưng cảm giác đau cũng dần dần chai sạn. Đến lúc này, những cô gái chân hoa sen, hoa huệ có thể ngẩng cao đầu mà bước vào cuộc thi được tổ chức giữa các gia tộc quyền quý nhất.

Một bàn chân đẹp hoàn hảo thường có độ dài từ 7-10cm. Chân càng nhỏ, nghĩa là người con gái ấy càng đẹp, và càng có nhiều cơ hội kén chồng danh giá.

“Chân hoa huệ” cần phải được chăm sóc và cọ rửa cẩn thận mỗi ngày. Nếu móng chân mọc quá dài ăn sâu vào mu bàn chân có thể gây nhiễm trùng, thậm chí nếu băng quá chặt có thể xảy ra hiện tượng hoại tử và nhiễm trùng máu. Bàn chân bó sẽ đau đớn và “oặt oẹo” suốt đời. Hơn thế, nó lúc nào cũng phát ra mùi khó ngửi.

Chính quyền Trung Quốc hiện nay đã ra lệnh cấm tục bó chân, tuy nhiên đâu đó trên các tỉnh thành đất nước người ta vẫn thấy nhiều cụ bà cao tuổi dò dẫm đi lại với đôi chân cong cong bé xíu - di chứng của hủ tục một thời.

Nguồn: phununet