Đại thủ ấn (zh. 大手印, sa. mahāmudrā, bo. chag-je chen-po) là một trong những giáo pháp tối thượng của Kim cương thừa (sa. vajrayāna), được truyền dạy trong tông phái Ca-nhĩ-cư (bo. kagyupa ). của Tây Tạng. Trong tiếng Tây Tạng, Đại thủ ấn được hiểu là tâm ấn của sự chứng ngộ được tính Không (sa. śūnyatā), của việc giải thoát khỏi Luân hồi (sa. saṃsāra) và sự thông hiểu rằng, hai mặt đó không hề rời nhau.

Giáo pháp này xem Bản Sơ Phật Phổ Hiền (sa. samantabhadra)—hiện thân của Pháp thân (sa. dharmakāya, xem Tam thân)—là người đã truyền Đại thủ ấn cho vị Đại thành tựu (sa. mahāsiddha) Đế-la-ba (sa. tilopa). Đế-la-ba tiếp tục truyền cho Na-lạc-ba. Mã-nhĩ-ba (bo. marpa) được chân truyền giáo pháp này và mang về Tây Tạng chỉ dạy cho Mật-lặc Nhật-ba (bo. milarepa ). Phép tu Đại thủ ấn bắt đầu bằng tu Chỉ (sa. śamatha) và lấy đó làm căn bản để biến chuyển mọi kinh nghiệm thành sự trực ngộ tính Không. Có người xem Đại thủ ấn như “Thiền” Tây Tạng. Ngoài phép tu thông thường, người ta còn lưu truyền phép tu “đặc biệt” của Na-lạc-ba với tên Na-lạc lục pháp (Sáu giáo pháp của Na-lạc-ba, bo. nāro chödrug). Truyền thống Tây Tạng xem xét phép Đại thủ ấn dưới ba khía cạnh: kiến (sa. darśana), tu (sa. bhāvanā) và hành (sa. caryā).

Kiến được định nghĩa là tri kiến nhận ra rằng thể tính đích thật của tâm là sự thống nhất giữa tính Không và Tịnh quang, là ánh sáng rực rỡ thanh tịnh. Mỗi hiện tượng đều mang dấu ấn đặc biệt này.
Mục đích quan trọng nhất của tu tập thiền định là trực nhận thể tính của tâm thức, một sự trực nhận rất tự nhiên không cần sự cố gắng nào. Có hai cách để chuẩn bị phép thiền đó: a) bốn phép tu quán chiếu sự quý báu khi có được thân người, luật vô thường, Nghiệp báo và tính bất toàn của luân hồi; b) bốn phép tu đặc biệt gồm những Thành tựu pháp (sa. sādhana) với những phương pháp thanh lọc Thân, khẩu, ý.
Hành là hành động, ứng dụng sau khi đã kinh nghiệm trực tiếp Đại thủ ấn, dẫn đến một tâm thức tự tại, siêu việt các quy ước thông thường, dẫn đến các tác phong kì lạ của các bậc “Cuồng thánh.”
Cát-mã-ba Nhưỡng-huýnh Đa-kiệt (zh. 攘迥多杰, bo. rangjung dorje, 1284-1339) viết như sau về Đại thủ ấn:

“Điều gì phải thanh lọc: là tâm, tự tâm là tính Không, là Ánh sáng; Ai thanh lọc: đó là phép tu kim cương của Đại thủ ấn; Cái gì được lọc bỏ: Vô minh hiện tiền đang lừa dối con người. Mong thay quả vị thanh tịnh, Pháp thân diệu dụng sẽ được thực hiện! Đó là kiến giải đối trị vô minh, là phép tu đích thật, đó là sự dẫn đến hành động vô thượng. Mong thay tín tâm nơi ba điều đó luôn luôn hiện diện.”

( theo Wikipedia )

================================================== ========

CÁI NHÌN CỦA MỘT HÀNH GIẢ VỀ
BỘ ĐẠI THỦ ẤN ( MAHAMUDRA )

Cư sĩ Liên Hoa

Bộ Đại Thủ Ấn là bộ Kinh tối quan trọng của những hành giả tu Mật giáo, nhất là ở Tây tạng. Sau khi kinh qua lộ trình của Hiển giáo, miên mật hương thơm trong giới-định-huệ và khi đã qua giai đoạn rốt ráo để rời bỏ chính ngay những phương tiện mà mang theo, người hành giả được vị Thượng sư Du già truyền trao Đại Thủ Ấn cùng Mật pháp tu tập. Đây là sự kiện tối hệ trọng, vì qua đó, hành giả cũng được Quán đảnh để ấn chứng cho cuộc hành trình trở về Chân Tâm. Con đường giải thoát đạt đến Chân Tâm, Tánh Không thì Hiển giáo có Bát Nhã, Lăng già v.v. . Các Tông phái đều có một Bộ Kinh đặc biệt làm chỗ y cứ trong quá trình tu chứng, riêng về Mật giáo, Đại Thủ Ấn dược liệt vào bổn Kinh tối thượng rốt ráo, phản ảnh cảnh giới nội tâm của những hành giả Du già.

Nhiều nhà nghiên cứu về Mật giáo Việt Nam đã nêu thắc mắc về Đại Thủ Ấn là gì? Tại Việt Nam có không? Đại Thủ Ấn quan trọng như thế nào đối với con dường trở về của hành giả? Tại sao phải trao truyền Đại Thủ ấn?

Đại Thủ Ấn được chúng tôi dịch từ nguyên bản tiếng Anh “Six Yogas of Naropa & Teaching of Mahamudra” chuyển dịch và chú giải bởi Garmas C.C. Chang, nhà xuất bản Snow Lion Publications, Ithaca, NY năm 1963. Đại Thủ Ấn được Thầy Phước Sơn (Hoa kỳ) địch là Đại Biểu Tượng, còn trong Bộ Thiền Đạo Tu tập của Chang Chen Chi được dịch là Đại Không Thủ Ấn. Tuy nhiên, trong bản dịch nầy, chúng tôi vẫn để nguyên nghĩa là Đại Thủ Ấn ( Maha: Đại, Mudra: Ấn ). Chúng tôi đã dịch Bộ Kinh nầy vào năm tháng 07.1995 và được in chung với Bộ Kinh Bảo Tất Địa Thành Phật Đa-la-ni thuộc Tủ Kinh Mật Tạng, trang 107 đến 129, do gia đình chúng tôi ấn tống. Nay, đính kèm theo trong tập nầy để làm tài liệu nghiên cứu cho những ai cần thiết. Đây là tiếng vỗ của bàn tay, tiếng Lăng già êm diệu và tiếng của sự im lặng dậy sóng Hải Triều Âm để đưa Ấn lưu xuất từ Bổn tâm thanh tịnh, nên cũng gọi là Tâm Ấn. Mặt trời Tâm nầy hiển bày Pháp Giới Thể Tánh Trí, qua đó, vị Thượng sư nhìn thấy và cùng dắt tay người đệ tử thong dong trong ba cõi để độ sinh.

Khi anh không còn gì để nói nữa

Tôi thật sự đã hiểu anh

Khi chúng ta hoàn toàn im lặng

Tôi với anh không còn đường nào ngăn cách

Một sáng sớm, dắt tôi đi trên cỏ xanh mênh mông,

còn đọng ướt hơi sương

Anh đã cười và tôi cũng cười

Khoảng bầu trời nầy, anh nói

Nắng đang đến và mặt trời có mặt

Trần gian nầy, tôi yêu thương

Vì anh và tôi, còn đường nào ngăn cách

Như cả bầu trời, vẫn mênh mông màu xanh biếc

Anh và tôi cùng cười. . .

Đại Thủ Ấn là bộ Kinh cô đọng lại toàn vẹn tư tưởng của Hoa Nghiêm và bộ Đại Bát Nhã, hoặc cũng chính là bài Tâm Kinh Bát Nhã.

Đại Thủ Ấn là đòn bẩy phóng ngươi hành giả vào vùng trời bao la của Chân Tâm để nhận thức rằng Thể Tánh của Tâm là “Trống Rỗng”, vì Tánh Không nên Đức Phật đã bốn mươi chín năm lặn lội qua mọi nẻo đường để truyền bá ánh sang Giác ngộ. Vì Tánh không nên Tổ Bồ-Đề Đạt-Ma phải quay vào vách ( Diện Bích quán) trong suốt chín năm trời và vì Tánh không, nên Thiền sư Lâm Tế mới đi vào : “Vạn hạnh môn trung bất xả nhất pháp”. Đọc Bộ Kinh nầy, cần phải trang bị đầy đủ tư lương của Bát Nhã, nếu không sẽ bị rơi xuống vực sâu của Tánh Không, không một chỗ bám víu, không một pháp nào tồn tại, tất cả đều rơi rụng, cuốn hút trong Thể Tánh Tỳ-lô-giá-na.

Tại Tây phương vào cuối thế kỷ XX về mặt tâm linh đã tiến đến một chặng đường dài, ngoài sự tiến bộ về khoa hoc, vấn đề tôn giáo cũng đã kinh qua nhiều khám phá tu tập, tuy nhiên, nếu “Khoa học không có lương tâm, chỉ làm bại hoại tâm hồn”. Khoa học càng tiến bộ, chấp ngã thủ cũng theo đà đó tăng triển, nếu như phần tâm linh không chế ngự được, thì nhân loại chỉ thêm đau khổ mà thôi.

Vẫn biết rằng tài hèn, trí kém, hơn nữa sở học chưa đi đến đâu, nhưng vì nghĩ rằng Bộ Kinh nầy rất cần thiết cho những hành giả tu tập Mật giáo và hơn nữa, giúp tài liệu tham khảo cho nhóm Liên Hoa, chúng tôi đành xin mạn phép được dịch bản Kinh nầy. Xin các bậc cao minh, trí giả vui lòng chỉ giáo thêm.

Thành thật cám ơn rất nhiều.

Cư sĩ Liên Hoa xin bái tạ.

07.1995

DIỆU PHÁP ĐẠI KHÔNG THỦ ẤN

· Được truyền bởi vị Thánh Tăng Tây Mật, Đại sư Tilopa

( 988-1069 )



Đại Thủ Ấn vượt ra ngoài mọi ngôn ngữ và biểu tượng,

Nay, ta truyền cho con- Naropa

Người hành giả trung hậu và kiên trì



Tánh không không một chỗ bám,

Đại Thủ Ấn cũng không nương tựa vào đâu

Không cần một chút dụng công nào

Chỉ để tâm buông xả tự nhiên

Con có thể đập tan gông xiềng trói buộc tâm con và đạt đến sự Giải thoát



Nếu con không còn bị vướng mắc khi nhìn vào không gian

Nếu từ tâm mà quan sát tâm

Mọi sự phân biệt bị tiêu trừ

Và con sẽ đạt ngay đến Phật tánh.



Như các đám mây trôi lang thang trên bầu trời

Không gốc rễ, không nơi trú ngụ, không phân biệt

Các ý tưởng nổi trôi trong tâm ta cũng thế

Khi con nhìn thấy được Tự Tánh

Thì mọi sự phân biệt đều chấm dứt.



Trong không gian, tạo nhiều hình dạng đầy mầu sắc

Nhưng không gian chẳng bị bất cứ mầu sắc nào làm đổi dạng

Từ Tự Tánh mọi thứ đều xuất hiện

Nhưng nó không bị ô nhiễm dù bởi đức hạnh hay tội lỗi.



Bức màn đen tối trong muôn niên kỷ

Không che phủ được mặt trời tỏa chiếu

Cho nên, thời gian dài vô cùng của luân hồi

Không thể làm mờ ánh sáng Diệu Tâm.



Dù có dùng ngôn ngữ mà giải thích về Tánh Không

Tánh không tưởng như là không bao giờ hiển lộ

Do đó, ta nói rằng “Tâm là ánh sáng huyền diệu”

Vượt ra ngoài ngôn ngữ và biểu tượng

Cho dù tự Tâm bản chất là trống rỗng

Nhưng trong nó lại bao trùm và dung chứa muôn vật.



Hãy giữ thân yên tịnh

Ngậm miệng và im lặng

Để tâm trống rỗng và không suy nghĩ bất cứ gì

Giống như lỗ hổng của cây tre, hoàn toàn yên nghỉ trong thân con

Không cho và không nhận

Giữ tâm lắng yên

Đại Thủ Ấn là tâm không còn chỗ dính mắc

Do thực hành pháp nầy, tức thời con thể nhập được Phật Tánh.



Dù Mật chú hay Bát Nhã được thực hành

Hoặc giảng dạy trong Kinh và Luận

Và được hành trì theo truyền thống kinh viện

Con cũng không thể đạt đến Chân Nghĩa

Khi tâm con vẫn tràn đầy tham muốn

Nó sẽ che lấp Ánh Sáng Chân Lý mà con đang tìm đến.



Nếu con luôn miên mật với Đại Thủ Ấn

Như đã giải thích, đó là tinh túy của Mật hạnh

Trong mọi hành động, con hãy buông bỏ mọi sự mong cầu

Hãy để những vọng tưởng đến và đi

Giống như đại dương vẫn tồn tại bền vững dù cho có những sóng lớn

Cũng không làm tổn hại đến Tâm Vô Trụ

Hoặc chí đến Tâm Vô Phân Biệt

Đó chính là Mật Chú cao thượng nhất.



Nếu con thoát khỏi mọi tham đắm

Hoặc không còn bám víu vào giả tưởng

Con sẽ thấu rõ được chân nghĩa của Kinh tạng.



Khi con miên mật trong Đại Thủ Ấn, mọi tội lỗi đều bị đốt sạch

Từ trong Đại Thủ Ấn, con thoát ra khỏi mọi ngục tù giam giữ của vọng tưởng

Đó là ngọn Pháp Đăng tối thượng.

Những kẻ nào thiếu lòng tin vào Đại Thủ Ấn,

Chính là những người vô minh, luôn bị dằn vặt trong khổ đau và phiền não.



Để đạt được sự Giải Thoát

Con vần phải nương theo một vị Du già

Khi tâm con nhận được sự gia trì của Ngài

Thì con đường Giác Ngộ đang ở trong tầm tay.



Thực vậy, mọi pháp trong thế gian đều vô nghĩa

Chúng đều mang hạt giống phiền não

Những lời giảng dạy thiển cận thường đưa đến những hành động sai lầm

Con hãy nương theo những giáo pháp rộng lớn hơn.



Với con mắt Nhãn Vương nhìn thấu rõ

Vượt qua mọi đối đãi nhị nguyên

Dùng Pháp bảo để chế ngự những sự giải đãi



Con đường Vô Hành là pháp môn của các Đức Phật

Thực hành một cách không xao lãng theo con đường nầy

Con sẽ đạt được quả vị Phật.

Thế gian vô thường nầy

Như ảo ảnh và giấc mộng, thực chất vốn là không

Hãy từ bỏ nó và rời xa những ràng buộc

Cắt đứt sợi dây tham ái và hận thù

Vào rừng sâu núi thẳm để thiền quán

Nếu con đạt được sự bình thản mà không cần dụng công

Không bao lâu con sẽ thâm nhập Đại Thủ Ấn

Và đạt được quả vị Vô Chứng.



Như chặt đứt rễ của cây

Thì bao nhiêu lá sẽ rơi rụng

Cắt đứt gốc rễ phiền não trong tâm

Thì bao nhiêu hành nghiệp đều tiêu tan.



Như ánh sáng của ngọn đèn thắp lên

Sẽ đẩy lùi hết bóng tối của u mê dày đặc

Ánh sáng giác ngộ chiếu diệu mạnh mẽ trong tâm

Chỉ một lóe sáng cũng thiêu hủy hết màn vô minh.



Kẻ nào còn bám chắc vào cái thấy do vọng tâm

Sẽ không thấu rõ được sự thật Vượt ngoài tâm

Kẻ nào còn cố chấp vào các Pháp thực hành

Sẽ không tìm thấy chân lý Bên Kia Sự Thực Hành.

Để biết được điều gì Siêu Việt qua sự đối đãi giữa tâm và sự sự tu tập

Con phải cắt sạch gốc rễ của vọng tưởng trong tâm.

Bằng con mắt chân thật

Con phải phá vỡ mọi sự phân biệt

Và lắng yên trong an lạc



Con không cần phải dụng công cho hay nhận gì

Nhưng chỉ cần ở trong trạng thái an tỉnh

Vì Đại Thủ Ấn vượt qua mọi sự chấp nhận hay phủ nhận

Khi mà thức A-lại-gia là vô sanh

Nó không có gì có thể che phủ hay làm ô nhiễm được

An tỉnh trong suối nguồn Vô Sanh

Mọi sắc tướng đều hòa tan trong Pháp giới

Mọi chấp ngã và kiêu hãnh sẽ tan biến vào hư không



Sự Chứng Đắc Tối Thượng

Vượt lên trên mọi nhị nguyên đối đãi

Sự Thực Hành Tối Thắng bao trùm mọi suối nguồn

Nhưng không một dính mắc

Sự Thành Tựu Hoàn Mãn là làm cho Tâm An định không mọi sở cầu.



Khi mới thực hành pháp nầy, con sẽ cảm thấy tâm vọng động như ngọn thác đổ

Khoảng thời gian sau, tâm sẽ chảy hiền hòa và êm dịu như dòng sông Hằng

Và cuối cùng, Tâm như là đại dương bao la

Mọi Ánh Sáng của Con và Mẹ hợp lại thành Một, như trăm sông đổ ra biển cả.

Saigon42