Trong cuộc tiến công vào trận địa sư đoàn 3 của quân Trung Quốc xâm lược, điều làm cho bộ tư lệnh sư đoàn suy tính khá nhiều là quy mô, lực lượng lớn ngoài dự kiến và thủ đoạn vu hồi khá sâu, khá phổ biến của chúng.
Qua sơ bộ nắm tình hình, sư đoàn đang phải đương đầu với gần 2 quân đoàn địch có xe tăng, pháo binh yểm trợ. Đó là lực lượng quá lớn so với khả năng sư đoàn hiện có. chúng đã thực hiện các mũi vu hồi nguy hiểm ở Tam Lung (cách thị xã lạng Sơn 7km) và Con Khoang, sau lưng trận địa phòng ngự chủ yếu. Ngày đầu chiến đáu, do được tập dượt nhiều lần theo phương án từ trước, với tinh thần tích cực tiến công, trận địa sư đoàn vẫn giữ vững. Nhưng liệu các đơn vị có đứng vững được trong những ngày tiếp theo không ?
Vấn đề cấp bách là phải xác định rõ mũi tiến công chủ yếu của chúng để tập trung sức mạnh đánh bại nó. Không khẳng định rõ được vấn đề này hoặc phán đoán sai lệch nhất định chúng sẽ chọc thủng trận địa ta. Các cánh quân vu hồi của địch hết sức nguy hiểm, không những nó tạo thế chia cắt trận địa của sư đoàn mà còn ngăn chặn chi viện của ta từ phía sau lên phía trước. Tuy nhiên, tổ chức những mũi vu hồi quá sâu vào khu vực phòng ngự của ta, địch đã gặp những trở ngại lớn và bộc lộ nhiều mặt yếu : chúng nằm quá xa sự chỉ huy của cấp trên. Địa hình xa lạ, việc tiếp tế trở nên khó khăn trong điều kiện vận chuyển còn lạc hậu, rất dễ bị ta chặn đánh, chia cắt, cô lập và tiêu diệt. Những trận đánh trong ngày đầu của ta ở tam Lung và Song Áng là những biểu hiện cụ thể.
Ở ngã ba Tam Lung, địch vừa xuất hiện đã bị tiểu đoàn 1 và đại đội công binh trung đoàn 2 chặn đánh phía trước, tiểu đoàn địa phương thị xã nổ súng phía sau, toàn bộ quân địch phải dừng lại không dám tiến ra đường 1A, phải kéo ĐKZ và trọng liên 12,8mm lên sườn đồi khống chế mặt đường, đồng thời giở thủ đoạn tàn sát đốt phá đối với nhân dân ta ở Bản Phân, khu công nhân địa chất.
Trên cánh đồng Song Áng, khu vực Con Quyền, Con Khoang, mũi vu hồi chiến thuật của địch đã bị 1 trận thua rất đậm. Hôm ấy, sau khi các chiến sĩ trinh sát, vệ binh chặn bộ binh địch trước sở chỉ huy trung đoàn ở điểm cao 438, địch ùn ùn theo đường hẻm đổ vào Song Áng để tiến ra đường 1B thực hiện ý định vu hồi và chia cắt toàn bộ trận địa phòng ngự của trung đoàn 12 với hậu phương. Nhận thấy tính chất nguy hiểm của cánh quân này, trung đoàn trưởng Nguyễn Xuân Khánh và chính ủy Đồng Sĩ tài quyết định dùng đại đội 63, lực lượng cơ động của trung đoàn do cán bộ tiểu đoàn 6 trực tiếp chỉ huy, cơ động từ điểm cao 339 về Con Khoang, hình thành thế vây cắt tiêu diệt cụm quân chủ yếu trên cánh đồng Song Áng, một thung lũng nhỏ hẹp nằm lọt giữa dãy núi Con Khoang, Con Quyền và điểm cao 438. Mệnh lệnh chuyển đi qua các chiến sĩ truyền đạt.
20 phút sau khi nhận lệnh, đại đội 63 đã bố trí hoàn chỉnh một trận phục kích vận động, lối đánh sở trường của đơn vị. Việc đầu tiên được đặt ra với cán bộ tiểu đoàn 6 là phải nhanh chóng cắt địch ra không cho chúng dồn vào Song Áng quá đông (lúc đó địch ở Song Áng đã có khoảng 1 tiểu đoàn và đang tiếp tục tràn vào theo hướng Mỹ Cao), đồng thời phải đánh từ phía sau và bên sườn, đẩy chúng ra đồng trống để tiêu diệt.
9 giờ sáng, giữa lúc địch đang ngênh ngang xếp hàng dọc kéo vào Song Áng thì mũi khoá đuôi của trung đội 3 đã luồn rừng bất ngờ đánh thốc vào đội hình địch, dùng đại liên vít chặt con đường độc đạo từ Mỹ Cao vào Song Áng. Ngay lúc đó, từ bìa rừng, 2 trung đội còn lại xuất kích dưới sự chi viện của đại liên. Bị đánh một lúc từ nhiều phía, đội hình địch rối loạn. Chúng la hét, ằnm bẹp dưới đồng trống bắn trả. Các chiến sĩ đại đội 63 chia thành từng tổ, cắt địch ra từng mảng để tiêu diệt. từ phía sau, địch vẫn cố tràn lên cứu nguy cho đồng bọn nhưng chúng đã bị tổ khoá đuôi chặn đứng lại. Đại đội hoả lực của tiểu đoàn cũng quay nòng bắn thốc vào lưng viện binh địch.

Trận đánh 1 chọi 4-5 của đại đội 63 trên cánh đồng Song Áng diễn ra ngày một quyết liệt. các chiến sĩ quân khí, y tá vừa làm nhiệm vụ của mình vừa cầm súng chiến đấu. Chính trị viên Phạm Hồng Giỏi bị thương, chính trị viên phó Việt, 1 học viên sĩ quan về thực tập lên thay thế.
Càng cố gắng chống đỡ, địch càng lâm vào tình trạng tuyệt vọng. Đường rút lui bị chặn, quân viện bị đánh tơi tả, không còn cách nào khác, chúng liều mạng tổ chức một bộ phận đánh lên Con Khoang, định dựa vào hang đá cầm cự. nhưng ở sườn núi Con Khoang, chúng đã gặp trung đội dân quân xã Hồng Phong do Trần Văn Trung chỉ huy đánh bật trở xuống.
Hôm ấy trần Văn trung vừa cho anh em đưa bà con còn lại trong xã sơ tán vào hang đá, vừa lo tổ chức lực lượng chốt giữ ngoài cửa hang. Mọi việc vừa xong thì tiếng súng bên ngoài đã rộ lên. vài giờ sau, địch liều lĩnh đánh lên cửa hang nhưng cả 3 lần tiến công chúng đều bị đánh bật ra đồng trống. Đến đây, toàn bộ cụm quân của mũi vu hồi vào Song Áng đã bị tiêu diệt. Một số tên chạy lên phía bắc định vòng ra đường 1B nhưng bị các chiến sĩ vận tải, thông tin của tiểu đoàn đánh tiếp 1 trận nữa. Tối hôm đó, địch bắn hàng ngàn quả đạn hpáo vào cánh đồng Song Áng để xoá dấu vết thất bại. Một tên tù binh sau này bị tiểu đoàn 5 bắt ở cầu Khánh Khê đã thú nhận :"Hôm 17-2-1979, 1 tiểu đoàn của chúng tôi đã bị tiêu diệt gần hết ở chân điểm cao 438".
Đối với đại đội 63, đây là 1 trận đánh không cân sức, nhưng với ý thức chấp hành mệnh lệnh nghiêm túc, tận dụng được lợi thế về địa hình và vận dụng chiến thuật thích hợp nên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Những trận đánh trên đã mở ra khả năng tổ chức phản kích của ta và thấy được những mặt yếu của địch. tuy vậy chúng có 5 sư đoàn tiến công trong khi sư đoàn 3 chỉ có thể huy động tối đa đưọc 5 tiểu đoàn cơ động phản kích. Đánh vào đâu, với quy mô nào là một tính toán căng thẳng.
Đêm 17-2-1979 thường vụ đảng uỷ và bộ tư lệnh sư đoàn họp, xác định : hướng tiến công chủ yếu của địch sẽ là Đồng Đăng-Lạng Sơn và các mũi vu hồi Tam Lung, Con Khoang chính là để giải quyết nhanh việc chiếm Đồng Đăng, làm bàn đạp thọc vào Lạng Sơn. Bẻ gãy các mũi vu hồi này thì thế trận của ta ở Đồng Đăng sẽ được giữ vững. Cuộc họp đang diễn ra sôi nổi thì có điện của Tổng Tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cụ Chính trị. Các đồng chí khen ngợi sư đoàn đã giữ vững thế trận, diệt hàng ngàn tên địch, bắn cháy 13 xe tăng, xe bọc thép của địch trong ngày chiến đấu đầu tiên; thông báo cho sư đoàn những thắng lợi của quân dân ta trên toàn tuyến biên giới và nhắc sư đoàn phải đặc biệt chú ý hướng tiến công Đồng Đăng và mũi vu hồi vào tam Lung của địch, phải tăng cường công tác chính trị tư tưởng và công tác đảm bảo vật chất để bộ đội đánh thắng.
Từ phân tích cụ thể về địch, ta, qua chỉ đạo của Bộ, bộ tư lệnh sư đoàn quyết định : dựa vào trận địa có sẵn, trụ bám kìm địch trên tất cả các hướng; sư đoàn sẽ tập trung lực lượng cơ động mở những trận phản kích vào hướng tiến công chính của địch. trước mắt, đánh bại cánh quân vu hồi của chúng để giữ vững thế trận của ta ở Đồng Đăng. Đây là 1 chủ trương kịp thời và chính xác làm căn bản cho xác định mục tiêu, sử dụng lực lượng của sư đoàn trong quá trình chiến đấu, tránh được tình trạng rải đều lực lưọng, "be bờ" đối đầu với địch. Ngay đêm đó, tham mưu trưởng sư đoàn Bùi Quốc Miện, chủ nhiệm chính trị Lê Văn Quýt cùng một số cán bộ cơ quan xuống trung đoàn 12 tăng cường chỉ huy, tổ chức lại mạng thông tin liên lạc từ sư đoàn đến trung đoàn và các điểm tựa. Tiểu đoàn cao xạ 37mm được lệnh bám giữ Thâm Mô. Lực lượng cơ động của trung đoàn 2 bước vào chiến đấu ở Tam Lung. cũng đêm đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 điều tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 197 Bắc Thái tăng cường cho sư đoàn 3.
suốt đêm 17, cả sư đoàn thức trắng chuẩn bị cho những trận đánh ngày hôm sau. Trên những con đường lớn 1A, 1B, 4A, 4B người đi lại cuồn cuộn. Nhân dân sơ tán xuống những làng bản ở phía sau, bộ đội đổ ra phía trước. Xe đón dân, xe chuyển quân nối nhau chạy trên mặt đường. thỉnh thoảng một chiếc xe tải đỗ cạnh một đoàn quân. Ba bốn cô nữ nhân viên mặc tạp dề xanh đứng trên thùng xe gọi to :"Đồng chí chỉ huy cho anh em mua hàng bách hoá. Cửa hàng bách hoá thị xã đây !".
Thị xã Lạng Sơn sối động. Những cơn gió mùa ào ạt tràn lên các mái nhà, các đường phố không chỉ mang theo hơi lạnh mà còn cuốn theo mùi thuốc súng nồng nặc, mùi khét của cỏ cây bị đốt cháy từ phía trước tràn về. trên đường, từng đoàn người gồng gánh, dắt díu nhau qua cầu Kỳ Lừa xuôi theo đường 1A. Đó là những người dân từ Cao Lâu, Xuất Lễ, Thanh Loà... suốt 1 ngày chạy giặc mới về đến đây. Có người chẳng kịp mang theo thứ gì ngoài bộ quần áo mặc trên người. Có trẻ em chưa đầy tháng. Họ kể cho nhau tội ác quân Trung Quốc đối với bản làng mình. Chuyện chúng vây trường cấp 1 rồi xả súng bắn chết cả giáo viên và học sinh, chuyện những xe ca trên đường đi Lộc Bình bị chúng chặn cướp của cải rồi bắn chết hành khách. Chuyện cửa hàng bách hoá và nhà ga Đồng Đăng bị chúng xông vào cướp hàng hoá, hãm hiếp nhân viên... Cứ thế, người phía trước nói với người phía sau, nhân dân nói với bộ đội, làm nung nấu thêm mối căm giận quân Trung Quốc xâm lược.
Đêm hôm ấy, đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam phát đi bản tuyên bố của Đảng và Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thông báo cho nhân dân cả nước và nhân dân thế giới về hành động điên cuồng, trắng trợn của nhà cầm quyền Bắc Kinh. bản tuyên bố tố cáo tội ác của 60 vạn quân Trung Quốc dã man, đốt phá nhà cửa, phá hoại các công trình kinh tế, trường học, bệnh viện, đánh đập, hãm hiếp, bắn giết, vơ vét tài sản... Bản tuyên bố kêu gọi :"Theo lời dạy của Hồ Chủ tịch kính yêu, không có gì quý hơn độc lập tự do, một lần nữa toàn quân, toàn dân ta, gái, trai, già, trẻ đoàn kết một lòng, triệu người như một, nhất tề đứng dậy quyết chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc..."

Hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng ấy, một lần nữa cả nước lại vào trận.